Theo Trịnh Đức Thảo: “Văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước là tổng hợp các quy phạm pháp luật về trang phục, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ và bài trí văn hóa công sở tại cơ quan hành chính nhà nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời, xây dựng phong cách ứng xử chuẩn
mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.” [18, tr.11]
Văn hoá công sở cơ quan hành chính nhà nước là hệ thống niềm tin, giá trị, chuẩn mực, thói quen và truyền thống hình thành trong quá trình phát triển của các cơ quan nhà nước, được các CBCCVC thừa nhận, làm theo và được thể hiện trong các hình thái vật chất và tinh thần, từ đó tạo nên bản sắc riêng cho cơ quan, đơn vị đó, có chức năng nhiệm vụ chính là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước có những đặc điểm của văn hóa công sở nói chung, đồng thời có những điểm đặc thù sau đây:
Chủ thể thực hiện văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước là cán bộ, công chức, viên chức, chịu sự điều chỉnh bởi Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 (đối với cán bộ, công chức), Luật Viên chức năm 2010 (đối với viên chức) và các văn bản pháp luật có liên quan.
Văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước bao gồm tập hợp các giá trị cơ bản, chuẩn mực đạo đức, phương tiện và các mẫu hành vi quy định cách thức mà cán bộ, công chức, viên chức tương tác với nhau và đầu tư năng lực vào công việc của mình và vào việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan nói chung.
Hệ thống các giá trị tạo nên niềm tin, xác định động cơ, thái độ làm việc của các thành viên, tạo nên bầu không khí, môi trường của cơ quan hành chính nhà nước. Mục tiêu, phương hướng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước là tạo nên giá trị cho nó. Trong xu hướng chuyển từ nền hành chính “cai trị” sang nền hành chính “phục vụ” hiện nay ở Nhà nước Việt Nam dân chủ, nhà nước “của dân, do dân và vì dân”.