Mọi hoạt động của mỗi CBCCVC đều có những mục tiêu nhất định, việc đạt được các mục tiêu đó phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố ảnh hưởng, cả ở mức độ trực tiếp lẫn gián tiếp, cả yếu tố bên trong công sở lẫn các yếu tố bên ngoài. Về cơ bản, các yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa công sở bao gồm:
1.1.3.1. Yếu tố bên trong
Thứ nhất, là con người: Đây là yếu tố ảnh hưởng quan trọng của văn hóa công sở. Thực tế phát triển của các công sở ở nước ta hiện nay chứng minh rằng không thể coi nhẹ yếu tố con người. Nói đến con người chính là nói đến văn hóa, vì toàn bộ những giá trị văn hóa làm nên những phẩm chất, năng lực tinh thần của con người. Những phẩm chất, năng lực đó của đội ngũ CBCCVC được vật chất hóa tạo thành nguồn lực nuôi dưỡng sự tồn tại và phát triển của công sở. Năng lực, uy tín của đội ngũ CBCCVC đặc biệt là nhà quản lý có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của công sở. Văn hóa công sở sẽ được thể hiện qua lăng kính hình ảnh của nhà quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức;
Thứ hai, là thể chế: Đó là hệ thống các quy địnhh về quy trình, thủ tục làm việc, về chính sách nhân sự. Bất kỳ một công sở nào cũng tuân theo các quy trình, thủ tục và cách thức trong quá trình thực thi công vụ. Mỗi công sở sẽ cụ thể hóa những quy định, quy chế và cách thức làm việc cho phù hợp với đặc điểm của công sở mình. Chính điều đó sẽ tạo nên những nét riêng, mang tính bản sắc của văn hóa công sở. Những quy định, cách thức làm việc thấm nhuần trong mỗi thành viên công sở, được hình thành và phát triển theo quá trình đi lên của công sở;
Thứ ba, là cơ cấu tổ chức: Thông qua cơ cấu tổ chức, phản ánh chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của công sở. Đó là sự phán ánh các hình thức sắp xếp các bộ phận, các cá nhân trong một công sở nhất định.
Thông qua đó, mỗi bộ phận, mỗi cá nhân biết làm việc gì, ai là người lãnh đạo, quản lý, điều hành, chỉ huy trực tiếp, cần báo cáo xin ý kiến, chỉ thị của ai. Chính điều đó ảnh hưởng đến văn hóa công sở;
Thứ tư, là tài chính: Không một ai có thể phủ nhận yếu tố tài chính trong công sở. Cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính là những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng, duy trì và phát triển hoạt động công sở. Quản lý việc chi tiêu, sử dụng nguồn tài chính cũng như cơ sở vật chất của công sở đi đôi với việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức, lương tâm, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc sử dụng tài chính cho hoạt động của công sở;
Thứ năm, là văn hóa tổ chức: Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến văn hóa công sở. Hiểu biết về những giá trị văn hóa, truyền thống sẽ giúp cho cán bộ, công chức ý thức được những nét đẹp, chuẩn mực giá trị mang tính lịch sử của công sở. Trên cơ sở đó sẽ hình thành ý thức mạnh mẽ trong việc học hỏi những nét đẹp mang tính hiện đại. Văn hóa công sở là sự kết nối của hệ thóng giá trị từ truyền thống đến hiện đại, vừa mang đậm bản sắc của cái riêng, cái dân tộc vừa tuân thủ chuẩn mực chung, chuẩn mực của thời đại;
Thứ sáu, là thông tin: Thông tin là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của công sở. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, khi mà khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin phát triển nhanh như vũ bão thì thông tin đóng vai trò là một yếu tố hàng đầu. Có thông tin thì mọi hoạt động của công sở mới được duy trì và hoạt động hiệu quả;
Thứ bảy, là mục tiêu tổ chức: Bất kỳ một công sở nào cũng đặt ra cho mình những mục tiêu nhất định. Đó là những định hướng cho các hoạt động của công sở, giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, quyết định hiệu quả hoạt động của công sở. Căn cứ vào mục tiêu mà các thành viên trong công sở định hướng cách thức làm việc, xây dựng mối
quan hệ giữa các thành viên, các bộ phận trong công sở nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
1.1.3.2. Yếu tố bên ngoài
Thứ nhất, là hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, cùng với sự vận động, phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế đã làm cho tốc độ giao tiếp tăng lên và cách thức giao tiếp trở nên phong phú hơn rất nhiều, như giao dịch điện tử được tăng cường (yếu tố khoa học công nghệ). Văn hóa công sở phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống và bắt kịp xu thế của thời đại. Không ai có thể phủ nhận vai trò của công nghệ hành chính trong hoạt động công sở. Công nghệ hành chính là kết tinh cao độ của trí tuệ, kinh nghiệm và sức sáng tạo của con người;
Thứ hai, là hệ thống cơ sở pháp luật của nhà nước. Hệ thống cơ chế, chính sách hay còn gọi là khuôn khổ pháp lý liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và cách thức hoạt động của công sở như: hiệu quả điều hành của công sở sẽ bị ảnh hưởng bởi tính đầy đủ, hợp pháp và hợp lý của các quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan (như Quyết định ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ, Quy chế hoạt đông của cơ quan...). Chính hành lang pháp lý sẽ là cơ sở để các công sở xây dựng quy chế hoạt động của mình;
Thứ ba, là công dân tại nơi công sở hoạt động. Ngày nay, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, người dân ý thức rõ nét hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Mục tiêu cao nhất của công sở là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Chính những điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, nhiệt tình, đúng mực trong quá trình giao tiếp, làm việc, phục vụ nhân dân. Chính điều nay tạo nên hình ảnh đẹp của người cán bộ, công chức, uy tín cho các công sở, một nét đẹp văn hóa công sở;
Thứ tư, là văn hóa dân tộc, văn hóa khu vực và văn hoá của địa phương nơi công sở đóng. Trên cơ sở ý thức văn hóa dân tộc, văn hóa khu vực, văn hóa công sở sẽ có những nền tảng cốt lõi để tiếp thu và xây dựng những nét văn hóa mới phù hợp với thời đại. Đặc biệt văn hóa địa phương chi phối rất nhiều đến văn hóa công sở. Chỉ trên cơ sở nét đẹp văn hóa địa phương, phù hợp với văn hóa địa phương thì văn hóa của công sở đóng tại địa phương đó mới có thể thích nghi, tồn tại và phát triển;
Thứ năm, là văn hóa hành chính của hệ thống công vụ. Văn hóa hành chính bao gồm những giá trị, chuần mực, niềm tin, sự trông đợi...Giá trị chung là chân - thiện - mỹ quy định hành vi ứng xử của con người trong cơ quan hành chính nhà nước. Văn hóa hành chính tạo ra các giá trị hay hệ giá trị để định hướng cho cán bộ, công chức hoạt động có hiệu quả, nhận thức và hành động theo chuẩn mực của công sở;
Thứ sáu, là tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nền kinh tế Việt Nam đang thực hiện mạnh mẽ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện đại hóa nền hành chính, tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các công sở là một trong những yếu tố cấp thiết. Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đòi hỏi một nền văn hóa công sở hiện đại, văn minh, làm nên bộ mặt công sở nói riêng và đất nước nói chung;
Thứ bảy, là năng lực và thái độ của khu vực tư. Sự phát triển không ngừng của khu vực tư như một tất yếu khách quan và trở thành đối trọng của khu vực công trong một số lĩnh vực. Chính năng lực, thái độ của khu vực tư khiến khu vực công thay đổi phương thức, cách thức hoạt động của mình nhằm đem lại hiệu quả hoạt động cho các công sở. Quan điểm " khách hàng là thượng đế" của khu vực tư ảnh hưởng đến hoạt động chung của công sở;
Thứ tám, là các mối quan hệ của công sở. Mối quan hệ giữa cấp trên - cấp dưới, thành viên với nhau, giữa thành viên - nhân dân gắn bó và chi phối lẫn nhau. Không chỉ trong công sở, các mối quan hệ bên ngoài công sở ảnh hưởng đến văn hóa của công sở. Các chuẩn mực ử sự, các nghi thức tiếp xúc hành chính, các phương pháp giải quyết các bất đồng trong và ngoài công sở, cách lãnh đạo, quản lý, ý thức chấp hành kỷ luật trong và ngoài công sở của cán bộ, công chức ảnh hưởng đến văn hóa công sở.
Như vậy, các yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài tác động qua lại lẫn nhau, cùng ảnh hưởng đến văn hóa công sở. Do vậy trong quá trình xây dựng văn hóa công sở không thể chỉ chú trọng đến yếu tố bên trong mà bỏ qua yếu tố bên ngoài hoặc ngược lại. Cần có cái nhìn tổng quát, khách quan, xem xét mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến văn hóa công sở.