Văn hóa bao giờ cũng gắn liền với sự phát triển, là chìa khóa của sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Thứ nhất, nói tới văn hóa công sở là nói tới một cách thức làm việc mà ở đó có sự hòa nhập các ý tưởng, niềm tin và các giá trị tinh thần khác và do đó nó có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả và sự phát triển của công sở.
Xây dựng được nền văn hóa công sở sẽ góp phần xây dựng một nề nếp làm việc khoa học, có kỷ cương dân chủ góp phần tạo nên sự đoàn kết cao, chống lại sự lệch lạc, quan liêu hách dịch, tạo nên niềm tin của nhân dân, tổ chức đối với đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan hành chính nhà nước góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của công sở.
Môi trường văn hóa công sở tốt đẹp sẽ tạo được niềm tin cho cán bộ, công chức với cơ quan, là điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời có thái độ tích cực phục vụ nhân dân góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của công sở;
Thứ hai, nền văn hóa công sở phù hợp sẽ tạo nên một động lực làm việc tích cực trong đội ngũ cán bộ, công chức. Có quan điểm, giá trị và phương thức hành động chung trong công sở khiến cho cán bộ, công chức sẵn sàng ra sức phục vụ vì mục tiêu chung của công sở. Có lòng tin, tâm trạng tự nguyện làm việc hoặc có tinh thần làm việc hết mình cho công sở sẽ khiến cho cán bộ, công chức sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu. Để cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia vào các quyết sách của công sở và biểu dương khen thưởng họ sẽ thúc đẩy bản thân họ cống hiến hết mình cho công sở.
Ngoài ra, văn hóa công sở mạnh mẽ sẽ cung cấp cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý cần thiết, do đó tránh được thói quan trì trệ, quan liêu thường thấy ở các công sở, đè nén sức sống và tư tưởng cải cách giúp công sở phát triển và đạt được hiệu quả cao hơn.
Thứ ba, văn hóa công sở ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của công sở. Bất kỳ một cơ cấu tổ chức, trình tự vận hành, quá trình quyết sách cũng như hành động, thái độ, giá trị...của đội ngũ cán bộ, công chức đều trực tiếp hoặc
gián tiếp do văn hóa công sở tác động. Dưới ảnh hưởng khác nhau của văn hóa, tinh thần làm việc của cán bộ, công chức trong công sở đều không giống nhau. Đặc biệt là không khí làm việc trong công sở. Nếu không khí làm việc thân thiện sẽ khiến cán bộ, công chức có một tinh thần thoải mái, dễ chịu, hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Ngược lại, không khí làm việc ngột ngạt sẽ khiến cán bộ, công chức khó hòa nhập và thậm chí là chán nản, không có hứng thú làm việc. Chính vì thế, nền văn hóa cũng tạo nên không khí làm việc và từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả của công sở.
Thứ tư, trong một chừng mực nhất định, văn hóa công sở phản ánh những giá trị xã hội liên quan tới quá trình điều hành công sở. Mối quan hệ của văn hóa công sở và văn hóa truyền thống sẽ tạo điều kiện cho công sở xây dựng các chuẩn mực điều hành theo yêu cầu của xã hội, không cục bộ, không đối lập nhu cầu của cuộc sống cộng đồng nhằm giúp công sở có thái độ cầu thị, đoàn kết, khiêm tốn, góp phần bò thái độ hách dịch, cục bộ, vô tổ chức. Văn hóa công sở cũng có sự kế thừa và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên trong ra bên ngoài văn hóa công sở, từ quá khứ đến tương lai giúp công sở tạo nên những chuẩn mực, phá tính cục bộ, sự đối lập có tính bản thể của thành viên. Từ đó hướng đội ngũ cán bộ, công chức đến một giá trị chung, tôn trọng những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực văn hóa của công sở. Đó chính là làm cho cán bộ, công chức hoàn thiện mình.
Thứ năm, góp phần tạo ra tinh thần tự quản, tính tự giác của cán bộ, công chức nhằm đảm bảo cho hoạt động của công sở nghiêm minh, hiệu quả. Tạo ra tinh thần đoàn kết, tương trợ và tin cậy lẫn nhau, tạo ra bầu không khí tập thể cởi mở tạo điều kiện cho cán bộ, công chức trong công sở làm việc có hiệu quả cao, góp phần giúp công sở hoạt động mạnh. Tính tự giác trong hoạt động của cán bộ, công chức trong việc tuân theo quy chế, điều lệ sẽ giúp công
sở phát triển, sẽ đưa công sở ngày càng phát triển vượt hơn lên so với công sở khác.
Thứ sáu, mỗi kiểu văn hóa có vai trò khác nhau đối với tiến trình phát triển của công sở.
Công sở không chỉ có một kiểu văn hóa, Công sở có bao nhiêu giám sát và trưởng phòng thì có bấy nhiêu loại văn hóa khác nhau. Bạn muốn xây dựng một văn hóa công sở vững mạnh. Hãy "nắm đầu" người giám sát hay trưởng phòng, bắt họ chịu trách nhiệm các loại hình văn hóa mà họ đã tạo dựng nên. Như vậy, nhà lãnh đạo có một vai trò quan trọng đối với việc hình thành cũng như phát triển văn hóa công sở. Văn hóa công sở chính là sợi dây gắn kết các thành viên, giúp coongn sở có được sự đoàn kết, gắn bó bởi cái chung của chính họ. Nó sẽ tạo nên sự hòa đồng giữa các thành viên, tạo đượ hòa khí khi làm việc, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp và thái độ lạc quan của cán bộ, công chức với mức độ nhiệt tình và tận tụy với công việc.
Xây dựng, đổi mới, chấn chỉnh...không ngừng hoàn thiện văn hóa công sở giúp công sở phát triển bền vững, nhanh chóng đạt hiệu quả cao.
Thắng lợi của mỗi công sở không chỉ là mục tiêu kinh tế, chính trị hay xã hội mà trước hết và hơn hết đó là văn hóa công sở.
Con người tác động đến việc hình thành văn hóa công sở thì đồng thời văn hóa công sở với những giá trị bền vững của nó sẽ tác động trở lại đối với việc hoàn thiện nhân cách, phẩm chất, năng lực của mỗi cá nhân tồn tại trong nó.
Tóm lại, văn hóa công sở với vai trò cơ bản vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của công sở. Vì vậy, việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa trong công sở không những là nhiệm vụ của nhà nước mà còn là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức trong công việc của mình, ở các vị trí, cươngn vị khác nhau trong quá trình thực thi công vụ.