2.1.2.1. Đặc điểm về xã hội
Dân số: Theo số liệu từ Chi cục Thống kê của huyện Quảng Ninh, dân số trung bình của huyện có sự biến động qua các năm. Dân số dao động từ 87.794 –90.794 nguời từ năm 2011 - 2017.
Do đặc điểm điều kiện tự nhiên của vùng, dân số không nhiều, mật độ dân cư thấp và bố trí không đều giữa các vùng. Dân cư tập trung ở các vùng đồi núi, nông thôn và vùng ven biển chỉ chiếm 7,6% dân số nhưng lại chiếm 90% diện tích lãnh thổ toàn huyện.
Lao động: Nguồn lao động năm 2017 có 66.017 người, trong đó lao động trong độ tuổi là 56.552 người và số ngoài độ tuổi có khả năng tham gia lao động là 9.465 người; lao động chưa có việc làm còn 1.953 người, tỷ lệ thất nghiệp còn 3,4% tổng số lao động và tỷ lệ thời gian sử dụng lao động mới chiếm 80%. Lao động qua đào tạo nghề chiếm 39,6%, còn lại là chưa qua đào tạo.
Dân tộc: Toàn huyện có 2 dân tộc Kinh (chiếm 96,4%) và dân tộc Bru Vân Kiều (chiếm 3,6%). Dân tộc Vân Kiều chủ yếu sống ở vùng núi thuộc 2 xã Trường Sơn và Trường Xuân. Đời sống nhân dân của 2 xã này, đặc biệt là đồng bào dân tộc Vân Kiều vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức là do kinh tế phát triển chậm, trình độ sản xuất nông nghiệp còn thấp, tập quán canh tác lạc hậu; phát triển tiểu thủ công nghiệp còn lúng túng, trình độ dân trí thấp, trình độ phát triển của các dân tộc chưa đồng đều, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực; tỷ lệ hộ nghèo cao (Cuối năm 2017: xã Trường Sơn chiếm 57%, Trường Xuân chiếm 29%), kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chất lượng hiệu quả giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng còn thấp kém chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi nhỏ, thông tin và hạ tầng;
chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác đúng mức; quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, sức cạnh tranh thấp và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
2.1.2.2. Điều kiện kinh tế
Tăng trưởng kinh tế: Quảng Ninh là một huyện thuần nông, sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ yếu.
Tổng giá trị ngành nông nghiệp của huyện đạt cao nhất là 797.609 triệu đồng trong năm 2017, cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2017.
Giá trị sản xuất công nghiệp qua các năm phân theo thành phần kinh tế Giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh qua các năm, so với năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần gấp đôi và đạt 1.124.120 triệu đồng. Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp đến chủ yếu tù thành phần kinh tế tư nhân (thành phần tư nhân chiếm hơn 80% qua các năm), tiếp theo là thành phần cá thể, cao nhất chiếm 14,03%, Thành phần kinh tế Nhà nước và tập thể chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu ngành kinh tế công nghiệp của huyện.
Tính theo ngành kinh tế, công nghiệp chế biến chế tạo và khai thác đá, cát sạn chiếm tỉ trọng lớn. Giá trị ngành này mang lại 531.370 triệu đồng trong năm 2011, 991.829 triệu đồng trong năm 2014 và đạt cao nhất là 1.048.954 triệu đồng năm 2016. Tuy nhiên với ngành khai thác đá, cát sạn lại không có sự tăng trưởng như vậy. Khai thác cát sạn mang lại 33.491 triệu đồng trong năm 2011 và đạt cao nhất trong năm 2013 với 42.136 triệu đồng. Sau đó, giá khai thác cát sạn giảm dần và chỉ mang lại 25.359 triệu đồng trong năm 2016.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn chiếm một tỉ trọng đáng kể.
Cơ sở hạ tầng: Huyện đã phấn đấu tích cực, huy động mọi nguồn lực để cải tạo kết cấu hạ tầng, đến nay hạ tầng cơ sở của huyện khá tốt.
Hệ thống khu công nghiệp - đô thị: Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu với quy mô 300 ha đang được xây dựng. Theo quy hoạch phát triển khu kinh tế và cụm điểm Công nghiệp – TTCN, làng nghề tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, sẽ hình thành 2 điểm công nghiệp Áng Sơn và Nam Long quy mô 70 - 100 ha. Đến nay, điểm Công nghiệp - TTCN Áng Sơn đã có quy hoạch chi tiết, đã xây dựng 2 nhà máy sản xuất xi măng công suất 1,3 triệu tấn/năm. Quy hoạch xây dựng trung tâm cụm xã Dinh Mười với quy mô 200 – 300 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Giao thông: Hệ thống đường giao thông trên địa bàn được kiên cố, duy tu và hoàn thiện qua các năm. Theo số liệu củanăm 2015, đường giao thông là 320 km, trong đó: Quốc lộ 114 km (gồm QL 1A; đường HCM); tỉnh lộ 38 km; huyện lộ 88 km và 80 km đường liên xã. 100% số xã có đường ô tô về đến trung tâm.
Thông tin và truyền thông: Trên địa bàn có 2 tổng đài, 3 bưu cục, và 13/15 điểm bưu điện văn hóa xã. Ngoài ra, một số doanh nghiệp bưu chính đã bắt đầu triển khai các dịch vụ chuyển phát bằng nhiều hình thức, phương thức mới, mang lại nhiều cơ hội sử dụng dịch vụ cho xã hội, tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ, nâng cao chất lượng phục vụ và giảm giá cước dịch vụ.Về lĩnh vực viễn thông: Đến nay đảm bảo 15/15 xã, thị trấn có sóng điện thoại di động, truy cập và kết nối Internet.