Thực trạng vai trò của Tòa án nhân dân trong thi hành án phạt tù

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của tòa án nhân dân trong thi hành án hình sự từ thực tiễn tòa án nhân dân hai cấp ở tỉnh tuyên quang (Trang 64 - 68)

phạt tù

Thi hành án phạt tù là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật buộc phạm nhân phải chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo để họ trở thành người có ích cho xã hội. Thi hành án phạt tù buộc người bị kết án phạt tù phải chấp hành hình phạt tại trại giam trong thời hạn được quyết định trong bản án. Hình phạt tù có hai loại, tù chung thân và tù có thời hạn. Về thi hành hình phạt tù chung thân, từ năm 2013 đến năm 2017 tổng số người phải chấp hành ở Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang là 09 người bị kết án. Tất cả những người bị tuyên hình phạt tù chung thân đều được đưa đi thi hành án ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Về thi hành hình phạt tù có thời hạn, từ năm 2013 - 2017 Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định thi hành hình phạt tù đối với 3.639 người bị kết án, chiếm số lượng lớn (chiếm 0,6% tổng số người bị kết án). Trong đó số bị án đã được đưa tới các trại giam, trại tạm giam để chấp hành hình phạt tù có thời hạn từ năm 2013 - 2017 là 3.572 bị án (chiếm 98,1% tổng số người đang phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn tại tỉnh Tuyên Quang). Số người được miễn chấp hành hình phạt là 23 người [25], [26], [27], [28], [29].

Việc thi hành án phạt tù đã từng bước đi vào nề nếp, có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là đối với những người bị kết án phạt tù tại ngoại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp kịp thời với cơ quan thi hành án hình sự để đưa bị án tại ngoại vào Trại giam chấp hành án đảm bảo đúng

quy định của pháp luật. Mặt khác, đối với những người bị kết án phạt tù bỏ trốn đã được cơ quan công an các cấp tiến hành xác minh, kịp thời ra quyết định truy nã để truy bắt, buộc họ phải thi hành án. Cơ quan Công an tỉnh Tuyên Quang mỗi năm có báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang về tình hình thi hành án phạt tù, những kết quả và những tồn tại, qua đó đưa ra các đề xuất nâng cao hiệu quả công tác thi hành án nhằm góp phần giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.

Tuy nhiên đến 31/12/2017 vẫn còn 67 bị án chưa được đưa đi thi hành hình phạt tù với nhiều lý do khác nhau, trong đó có 32 bị án được hoãn thi hành hình phạt tù; 10 bị án trốn đã có lệnh truy nã, nhưng chưa bắt được; 05 bị án chậm áp giải; 20 bị án được tạm đình chỉ thi hành án. Có thể thấy số người phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn đã được đưa vào các trại giam chấp hành hình phạt trong giai đoạn từ năm 2013 - 2017 đạt tỷ lệ 98,1%. Điều này thể hiện sự kịp thời trong công tác thi hành án phạt tù có thời hạn trên địa bàn toàn tỉnh. Mặt khác, Tòa án nhân dân hai cấp tại tỉnh Tuyên Quang dần đã khắc phục tình trạng chậm đính chính bản án, quyết định hình sự có hiệu lực, nên việc đính chính quyết định thi hành án không bị chậm, và cũng đã khắc phục được tình trạng gửi bản án, quyết định và quyết định thi hành án phạt tù cho bị án và các cơ quan liên quan chậm, đảm bảo kịp thời đưa các bị án đến chấp hành hình phạt tại các trại giam, cụ thể là trong các năm từ 2013 đến năm 2017 Tòa án nhân dân các cấp tại Tuyên Quang đã phải đính chính đối với 16 bản án, quyết định, thường là đính chính về ngày bắt tạm giam, về họ tên đệm của người bị kết án hoặc tên bố mẹ của người bị kết án; dẫn đến cũng phải đính chính quyết định thi hành án 16 lần, trong đó, năm 2013 phải đính chính 05 quyết định thi hành án, năm 2014 đính chính 06 quyết định thi hành án, năm 2015 đính chính 03 quyết định thi hành án, đến năm 2016 đính chính 01 quyết định thi hành án, 2017 đính chính 01 quyết định thi hành án.

Trong việc gửi quyết định thi hành án chậm 07 lần và đã bị Viện kiểm sát kiến nghị, trong đó năm 2013 là 02 lần, năm 2014 là 03 lần, năm 2015 là 01 lần, năm 2016 là 01 lần. Có Tòa án nhân dân huyện còn chậm trong việc tổng hợp hình phạt hoặc đề nghị cấp trên tổng hợp hình phạt cho người bị kết án có nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, việc thi hành hình phạt tù, nhất là hình phạt tù có thời hạn tại tỉnh Tuyên Quang từ năm 2013 đến năm 2017 còn có những hạn chế, khó khăn:

Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang thường xuyên tiến hành rà soát các đối tượng bị kết án phạt tù đang tại ngoại, bản án đã có hiệu lực pháp luật, có quyết định thi hành án nhưng trốn tránh việc thi hành án để đề nghị cơ quan Công an tổ chức truy bắt, áp giải thi hành án. Kết quả các trường hợp người bị kết án tại ngoại trên địa bàn tỉnh đã có quyết định thi hành án đều đi thi hành án đảm bảo đúng quy định, hiện nay ở Tuyên Quang chỉ còn 10 trường hợp trốn đã có quyết định truy nã của cơ quan công an từ những năm trước khi có Luật thi hành án hình sự.

Những trường hợp trốn thi hành án phạt tù cũng là vấn đề rất phức tạp tại tỉnh Tuyên Quang. Theo quy định của pháp luật về thi hành bản án hình sự, đối với những người trốn thi hành án phạt tù, cơ quan Công an phải ra lệnh truy nã và tổ chức truy bắt để buộc họ phải thi hành án. Tuy nhiên, việc truy bắt những đối tượng trốn thi hành án phạt tù không phải đơn giản vì họ đã đi khỏi địa phương. Lực lượng Công an nhân dân tỉnh Tuyên Quang cũng đã tiến hành truy bắt, nhưng số lượng không đáng kể, mới bắt được 02 trường hợp, trong đó năm 2013 bắt được 1 trường hợp; năm 2014 bắt được 01 trường hợp; hiện nay vẫn còn 10 trường hợp bỏ trốn đang bị truy nã chưa bắt được. Có thể nói, Cơ quan Công an đã tăng cường việc bắt truy nã để thi hành án nhưng hiệu quả còn thấp. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là lực lượng Công an tỉnh Tuyên Quang không có đủ số cán bộ chuyên trách để tổ chức bắt các đối tượng bị truy nã do trốn thi hành án phạt tù. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến việc bảo đảm việc thi hành án phạt tù trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang mà

chưa có phương hướng giải quyết.

Ở Tuyên Quang hiện nay còn 05 người bị kết án phạt tù được tại ngoại chưa áp giải đi thi hành án được do nhiều nguyên nhân phức tạp. Theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật thi hành án hình sự, “trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án. Quá thời hạn trên mà người đó không có mặt, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc Cảnh vệ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án” [15, tr.12].

Việc cơ quan Công an không thực hiện được việc áp giải người phải thi hành án phạt tù vẫn đang diễn ra tại tỉnh Tuyên Quang. Nguyên nhân là do liên quan đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh, 03 trường hợp bị kết án phạt tù phải đi thi hành là người dân tộc Mông, thuộc tổ chức phản động Dương Văn Mình, cố tình tìm mọi cách gây khó khăn nên lực lượng Công an chưa áp giải đi thi hành án được. Còn 02 trường hợp bị án là lao động chính duy nhất trong gia đình, bị án có con duy nhất đã thành niên bị tâm thần, gia đình không có người thân thích (Bố mẹ, chồng, con, anh chị em ruột) để giao nuôi dưỡng, chăm sóc, Tòa án nhân dân đã phối hợp với cơ quan Công an để tìm trung tâm bảo trợ để gửi con bị tâm thần cho bị án đi cải tạo nhưng hiện nay vẫn đang vướng mắc vì Trung tâm bảo trợ xã hội ở tỉnh không nhận trường hợp này, còn các trung tâm tâm thầm ở địa bàn tỉnh khác phải nộp chi phí gửi, nên hiện nay vẫn chưa áp giải đi thi hành án được.

Những người phải thi hành án phạt tù mà cơ quan công an chưa áp giải đi thi hành án được nên họ vẫn sống bình thường ngoài xã hội. Điều này thể hiện không chỉ sự chưa nghiêm minh của pháp luật thi hành án, mà còn có thể họ tiếp tục phạm tội mới gây nguy hiểm cho xã hội; gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, tạo ra mối nghi ngờ của nhân dân về tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật, đồng thời tạo ra sự đe dọa mất an ninh và trật tự

xã hội. Đây là một trong những khó khăn trong công tác thi hành án phạt tù tại tỉnh Tuyên Quang.

Ở Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang có tình trạng thiếu thông tin trong hồ sơ theo dõi thi hành án của Toà án, do là sau khi ra quyết định thi hành án phạt tù, Tòa án không thể biết rõ được phạm nhân được đưa đi cải tạo ở đâu, theo quy định của khoản 3 Điều 26 Luật thi hành án hình sự: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận người chấp hành án, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án, thân nhân của người chấp hành án phạt tù biết và báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự” [15, tr.14]. Nhưng thực tế, trên cơ sở tiếp nhận bị án, Trại tạm giam lập danh sách bị án để đề nghị Cơ quan quản lý thi hành án của Bộ Công an ra quyết định đưa họ đi cải tạo tại các trại cải tạo do mình quản lý trên cả nước mà không thông báo về việc người bị kết án được điều đi cải tạo ở các Trại giam cho Toà án đã ra quyết định thi hành án. Thực tế có trại giam sau khi tiếp nhận người bị kết án đã thông báo cho Tòa án ra quyết định thi hành án về việc tiếp nhận người bị kết án đến Trại chấp hành án, nhưng về cơ bản là không đầy đủ dẫn đến thiếu thông tin trong hồ sơ theo dõi, giám sát thi hành án của Tòa án với vai trò là cơ quan thực hiện “Quyền tư pháp”.

Tóm lại, trong việc đưa các bản án phạt tù đối với người bị kết án phạt tù vào thi hành tại tỉnh Tuyên Quang, các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an đã có nhiều cố gắng bảo đảm việc thi hành án. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng pháp luật cũng vẫn còn những tồn tại nhất định như đã nêu ở trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của tòa án nhân dân trong thi hành án hình sự từ thực tiễn tòa án nhân dân hai cấp ở tỉnh tuyên quang (Trang 64 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)