Đường lối, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) THẨM QUYỀN của VIỆN KIỂM sát NHÂN dân cấp HUYỆN TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT vụ án HÀNH CHÍNH từ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NGÃI (Trang 34 - 38)

đảm cho sự phát triển của sự nghiệp cách mạng nước ta. Bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng là vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước ta nói chung và Viện KSND cấp huyện nói riêng.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, hơn 50 năm qua, Viện KSND cấp huyện cùng các cơ quan tư pháp đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ của mình, góp phần không nhỏ vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Trong từng thời kỳ, Ðảng đã đề ra các nhiệm vụ chính trị cho ngành kiểm sát nhân dân, được thể hiện trong Nghị quyết các kỳ Ðại hội Ðảng, Nghị quyết các Hội nghị Trung ương Ðảng; các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác lãnh đạo nói chung của Ðảng.

Trong những năm đầu thành lập ngành, Ðảng ta còn ban hành những nghị quyết chuyên sâu về công tác của các cơ quan tư pháp nói chung và Viện KSND cấp huyện nói riêng, cụ thể như: Thông tri số 13-TT/TW ngày 12/12/1960 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường lãnh đạo công tác kiểm sát; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 01/12/1963 của Bộ Chính trị về công tác kiểm sát. Hằng năm, định kỳ hoặc bất thường, Ðảng đoàn Viện KSND tối cao đều có báo cáo công tác với Ban Bí thư và xin chỉ đạo về đường lối công tác. Thông qua các hình thức trên, Ðảng đã lãnh đạo toàn diện và sâu sát các mặt công tác của ngành kiểm sát; qua đó, bảo đảm hoạt động của ngành kiểm sát trong các thời kỳ luôn quán triệt đầy đủ, đúng đắn đường lối của Ðảng, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị.

Trong giai đoạn cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp được thể chế trong Hiến pháp, pháp luật và được triển khai đạt kết quả. Tổ chức bộ

máy TAND, Viện KSND, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn; chất lượng hoạt động của các cơ quan này có thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà nội dung cốt lõi chính là sự quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật, từ đó đòi hỏi sự tuân theo pháp luật triệt để của các CQNN, các tổ chức và công dân. Nhà nước ban hành pháp luật, tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường các cơ chế giám sát: “Viện KSND có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp như hiện nay...” [9, tr.100].

Nhìn lại quá trình phát triển của công tác kiểm sát cho thấy đã có sự chuyển biến quan trọng trong việc nhận thức lại về chức năng của Viện KSND nói chung và Viện KSND cấp huyện nói riêng. Điều này thể hiện rõ nét từ chủ trương, đường lối của Đảng cụ thể là, Hội nghị Trung ương 8 khoá VII với yêu cầu đặt ra là Viện KSND cần làm tốt 3 chức năng: Kiểm sát chung, thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp; Hội nghị Trung ương 3 khoá VIII yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của Viện kiểm sát theo cả 3 chức năng quy định trong Hiến pháp, nhưng tập trung làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Sau đó, tại Đại hội Đảng lần IX, Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị khẳng định Viện KSND chỉ thực hiện tốt hai chức năng: Thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI yêu cầu cần phải “bảo đảm tốt hơn các điều kiện để Viện KSND thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tiếp tục xác định: Viện KSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Kế thừa quan điểm của các kỳ Đại hội trước, Đại hội XII đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp và đề ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm bảo đảm về cơ sở chính trị cho hoạt động cải cách tư pháp cụ thể:

Đối với Viện KSND, khẳng định vị trí pháp lý của Viện KSND trong bộ máy nhà nước với vai trò kép: Vừa là cơ quan thực hành quyền công tố vừa là cơ quan giữ quyền kiểm sát hoạt động tư pháp. “Viện KSND thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.”[15, tr.101]. Do đó, ảnh hưởng không ít đến tổ chức Viện KSND cấp huyện, cần tiếp tục kiện toàn nhằm phù hợp với hệ thống tổ chức của Toà án cùng cấp để thực hiện tốt hơn chức năng công tố và kiểm sát tư pháp đã được Hiến pháp ghi nhận. Bên cạnh đó, đòi hỏi các cán bộ, công chức, KSV, kiểm tra viên phải tích cực, chủ động phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm khi tham gia vào hoạt động kiểm sát. Kéo theo đó là tăng quyền và trách nhiệm cho KSV để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm về các hành vi và quyết định tố tụng của mình.

Còn về thẩm quyền của Viện KSND cấp huyện thì ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó một trong các nhiệm vụ được xác định đó là: “...mở rộng thẩm quyền xét xử của Toà án đối với các khiếu kiện hành chính; đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Toà án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Toà án...”. Đặc biệt, quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật TTHC luôn bám sát các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp. Theo những quan điểm chỉ đạo này thì hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC vẫn được xác định là một nguyên tắc trong TTHC. Viện KSND cấp huyện kiểm sát việc tuân theo pháp luật nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật. Theo đó, Viện KSND cấp huyện là cơ quan tiến hành tố tụng có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát giải

quyết vụ án hành chính từ khi Tòa án cùng cấp nhận đơn khởi kiện tới khi kết thúc việc giải quyết vụ án. Để hoàn thiện, nâng cao thẩm quyền của Viện KSND cấp huyện thì rất cần sự lãnh đạo của Đảng. Khi Đảng lãnh đạo có chủ trương, nghị quyết cụ thể nhằm hoàn thiện, nâng cao thẩm quyền của Viện KSND cấp huyện trong tố tụng nói chung, TTHC nói riêng thì đó là tiền đề cơ sở để thẩm quyền của Viện KSND cấp huyện được xác lập theo quy định của pháp luật.

Trong hệ thống cơ quan kiểm sát thì Viện KSND cấp huyện là cơ quan đóng vai trò quan trọng, phần lớn các hoạt động TTHC của Toà án cần phải kiểm sát là hoạt động tố tụng do Toà án thực hiện. Nếu thực hiện tốt được khâu kiểm sát TTHC tại cấp cơ sở này thì sẽ hạn chế được khối lượng công việc phát sinh ở Viện KSND cấp trên. Vì vậy, đường lối cải cách tư pháp hành chính với định hướng nâng cao hiệu quả kiểm sát hoạt động tư pháp hành chính là yếu tố tạo thêm sức mạnh, động lực và quyết tâm của ngành trong việc tăng cường công tác kiểm sát án hành chính của Viện KSND.

Sự lãnh đạo của Đảng đã tạo ra sự chuyển biến thật sự về chất trong tổ chức và hoạt động của Viện KSND, nâng cao vị trí, vai trò của Viện KSND cấp huyện trong hệ thống chính trị để xứng đáng là một trong các "cơ quan trọng yếu của chính quyền" có vai trò "thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ", như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) THẨM QUYỀN của VIỆN KIỂM sát NHÂN dân cấp HUYỆN TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT vụ án HÀNH CHÍNH từ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NGÃI (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)