Nhóm giải pháp về công tác cán bộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) THẨM QUYỀN của VIỆN KIỂM sát NHÂN dân cấp HUYỆN TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT vụ án HÀNH CHÍNH từ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NGÃI (Trang 93 - 97)

Thứ nhất, cần thực hiện tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí và sử dụng cán bộ, KSV.

Cần xác định rõ, cán bộ Kiểm sát là những người làm việc trong môi trường công việc đặc thù, với áp lực công việc cũng như yêu cầu, đòi hỏi về trách nhiệm rất cao. Chính vì vậy, trong quá trình thi, tuyển dụng cán bộ, trước hết cần cải cách phương thức thi tuyển để có thể chọn được những cán bộ có trình độ, hiểu biết sâu về kiến thức pháp luật và kiến thức xã hội, có khả năng về ngoại ngữ, tin học, có phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị. Mặt khác, phải tính tới việc cán bộ được tuyển dụng tương lai sẽ là những KSV thực hiện việc tranh luận tại phiên tòa, vì vậy cần chú trọng đến công tác sơ tuyển, bảo đảm không bị khiếm khuyết về hình thể, không nói lặp, nói nhịu, có khả năng diễn thuyết, hùng biện trước đám đông. Có như vậy mới có thể thực hiện tốt hoạt động tranh luận tại phiên tòa khi được bổ nhiệm KSV.

Công tác quy hoạch cán bộ phải được thực hiện thường xuyên, nhằm tạo nguồn cán bộ cho việc thực hiện nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của ngành, đảm bảo được tính liên tục, kế thừa, khắc phục tình trạng thiếu hụt, chắp vá trong công tác cán bộ. Muốn vậy, phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng KSV trẻ, KSV chủ chốt của ngành, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có cơ hội, môi trường thuận lợi để rèn luyện, thử thách, phát triển.

Quá trình bố trí, sử dụng cán bộ phải tính tới sự phù hợp về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của từng cán bộ, bảo đảm tính hợp lý, khoa học trong việc bố trí, sử dụng cán bộ. Quá trình công tác cần phân công cán bộ thử thách qua nhiều nhiệm vụ, nhiều khâu công tác cũng như cương vị công tác khác nhau, tránh việc “đóng khung” cán bộ tại một khâu công tác nhất định, vừa dễ nảy sinh tình trạng tiêu cực, vừa làm giảm ý chí phấn đấu, học hỏi, gây nên tâm lý nhàm chán trong quá trình công tác.

Quá trình triển khai thi hành Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014, đặc biệt là các quy định về tuyển chọn, bổ nhiệm KSV, thực hiện tốt việc thi tuyển KSV Viện KSND các cấp, đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm sàng lọc được những cán bộ thực sự có năng lực, trình độ cho công tác kiểm sát.

Thứ hai, phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện của đội ngũ KSV, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về xây dựng đội ngũ KSV “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính là lĩnh vực công tác đặc thù, phải nghiên cứu rất nhiều nguồn văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, ngoài ra, trong từng vụ việc cụ thể còn phải nghiên cứu nhiều văn bản quy định về chủ trương, chính sách, chế độ... do Đảng và Nhà nước ban hành, trong khi đó hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi. Vì vậy, ngoài kiến thức cơ bản được đào tạo tại các trường đại học, tại các lớp tập huấn, bắt buộc KSV phải luôn tự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu nhằm cập nhật, nắm vững hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn liên quan. Mặt khác, hoạt động tranh luận tại phiên tòa là kỹ năng riêng có của từng người, hệ thống các trường đại học hiện nay chưa thực sự quan tâm đào tạo về

tự học, tự rèn luyện về kỹ năng hùng biện, đối đáp, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, tổng hợp chứng cứ để có thể vận dụng, sử dụng có hiệu quả trong quá trình tranh luận tại phiên tòa.

Thứ ba, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao ý thức chính trị cho đội ngũ cán bộ, KSV.

Đội ngũ cán bộ, KSV là lực lượng nòng cốt của ngành Kiểm sát trong quá trình cải cách tư pháp, xây dựng ngành. Cải cách bộ máy nhà nước nói chung, cải cách tư pháp nói riêng trước hết phải bắt đầu từ vấn đề con người. V.I. Lênin đã chỉ rõ: Cán bộ phải là người có phẩm chất cao quý, hiểu theo nghĩa là họ có lòng trung thành với sự nghiệp và có năng lực, trách nhiệm. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Chính vì vậy, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống là đòi hỏi có tính thường xuyên, liên tục đối với người cán bộ kiểm sát. Thực hiện yêu cầu này, đòi hỏi người cán bộ kiểm sát phải tự rèn luyện ý thức chính trị, phải nhận thức được tính chính trị trong công việc của mình, phải luôn quán triệt đường lối, chính sách của Đảng vận dụng vào công tác kiểm sát để thực hiện tốt chức năng của mình, phục vụ nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, từng thời kỳ cách mạng.

Bên cạnh việc rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống, cần phải tăng cường rèn luyện ý thức chính trị cho đội ngũ cán bộ, KSV. Xuất phát từ đặc thù công tác và nhiệm vụ chính trị của ngành cũng như yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ chế độ, đòi hỏi mỗi KSV không chỉ là những người chuẩn mực trong đạo đức, lối sống mà phải thấm nhuần lý tưởng cách mạng và ý thức chính trị. Muốn vậy, phải nâng cao hoạt động tuyên truyền, giáo dục rèn luyện của các cấp ủy Đảng và lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp thông qua công tác Đảng và quản lý cán bộ. Việc phổ biến, tuyên truyền các

Nghị quyết của Đảng phải được thực hiện thường xuyên, thực chất và chú trọng đến hiệu quả thực tiễn. Cần đổi mới cả về mặt nội dung và phương thức thực hiện tuyên truyền. Mặt khác, cần phải đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, chỉnh đốn Đảng, tăng cường quản lý cán bộ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm điều lệ Đảng, nội quy, quy chế của đơn vị, của ngành, các trường hợp có biểu hiện suy thoái… Đó là những mầm mống tiêu cực cần phải phát hiện, ngăn ngừa ngay từ đầu, vừa răn đe, vừa giáo dục nhằm rèn luyện phẩm chất chính trị và phòng ngừa suy thoái đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ KSV.

Để thực hiện tốt giải pháp này thì trước tiên Viện KSND tối cao cần tăng cường bồi dưỡng, giáo dục về trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ KSV để xây dựng hình ảnh người cán bộ kiểm sát mẫu mực, vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, không bị chi phối vì bất kì lý do gì. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tăng cường năng lực tổ chức bộ máy và cán bộ, bảo đảm tính chuyên sâu về tổ chức tương quan với ngành TAND.

Bên cạnh đó Viện KSND tối cao cần tăng cường công tác hướng dẫn pháp luật và tổng kết rút kinh nghiệm theo hướng tổng hợp và hệ thống những dạng vi phạm, thông báo rút kinh nghiệm đối với những sai sót trong việc giải quyết các vụ án hành chính trên toàn quốc, để cho các Viện kiểm sát cấp dưới nghiên cứu vận dụng trong quá trình giải quyết án. Tăng cường tổng kết thực tiễn, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ của Viện KSND cấp dưới; ban hành thông báo rút kinh nghiệm, xây dựng các chuyên đề, tài liệu tập huấn nghiệp vụ sát với yêu cầu của cán bộ kiểm sát địa phương.

Ngoài ra Văn phòng Viện KSND tối cao và Vụ nghiệp vụ nghiên cứu bổ sung hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính theo hướng bổ sung các chỉ tiêu thể hiện kết quả thực hiện thẩm quyền của Viện KSND (bên cạnh các chỉ tiêu về kháng nghị, kiến nghị); đảm bảo hệ thống chỉ tiêu có thể đánh giá được các đơn vị nghiệp vụ đã thực

hiện tốt thẩm quyền của Viện KSND trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, góp tích cực vào nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính của Tòa án.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) THẨM QUYỀN của VIỆN KIỂM sát NHÂN dân cấp HUYỆN TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT vụ án HÀNH CHÍNH từ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NGÃI (Trang 93 - 97)