Khái niệm quản lý nhà nước về du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) QUẢN lý NHÀ nước về DU LỊCH TRÊN địa bàn THÀNH PHỐ ĐỒNG hới, TỈNH QUẢNG BÌNH (Trang 27 - 29)

Quản lý nhà nước là một dạng quản lý xã hội đặc biệt mang tính quyền lực nhà nước và sử dụng pháp luật để điều chỉnh hành vi của cá nhân, công chức trong bộ máy nhà nước thực hiện, nhằm phục vụ nhân dân, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững xã hội. Quản lý nhà nước về du lịch là sự tác động có tổ chức và bằng quyền lực nhà nước tới các hoạt động du lịch, như hoạt động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch; hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển du lịch; huy động mọi nguồn lực tài chính để đầu tư cho các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch; hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình du lịch; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện. Qua đó, đưa du lịch phát triển đúng định hướng và đạt được các mục tiêu đề ra.

Từ khái niệm Quản lý nhà nước về du lịch nêu trên, ta có thể rút ra một số vấn đề cơ bản sau:

- Chủ thể quản lý nhà nước về du lịch là các cơ quan nhà nước có chức năng quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương.

- Đối tượng quản lý là các quan hệ xã hội vận động và phát triển trong lĩnh vực du lịch.

- Công cụ để thực hiện quản lý là hệ thống pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch,...

- Mục tiêu quản lý nhà nước về du lịch là khai thác và sử dụng có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, làm cho du lịch ngày càng phát

triển và phát triển đúng hướng, đúng các quy định của pháp luật.

- Chính sách du lịch: là một chuỗi các quyết định hành động của chính quyền từ Trung ương đến địa phương nhằm giải quyết một vấn đề chung đang được đặt ra hoạt động quản lý, điều hành du lịch theo mục tiêu xác định. Một chính sách linh hoạt, phù hợp sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy ngành du lịch phát triển và ngược lại. Tuy nhiên, trong mỗi hoàn cảnh kinh tế, chính trị xã hội khác nhau mới khẳng định được điều đó.

Chính sách phát triển du lịch được quy định tại Điều 6 Luật du lịch như sau:

Một là, Nhà nước có cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực, tăng đầu tư phát triển du lịch để bảo đảm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Hai là, Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực sau:

- Bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường du lịch; - Tuyên truyền, quảng bá du lịch;

- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch;

- Nghiên cứu, đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch mới; - Hiện đại hoá hoạt động du lịch;

- Xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch, nhập khẩu phương tiện cao cấp phục vụ cho việc vận chuyển khách du lịch, trang thiết bị chuyên dùng hiện đại cho cơ sở lưu trú du lịch hạng cao và khu du lịch quốc gia;

- Phát triển du lịch tại nơi có tiềm năng du lịch ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhằm sử dụng lao động, hàng hoá và dịch vụ tại chỗ, góp phần nâng cao dân trí, xoá đói, giảm nghèo.

Ba là, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác quy hoạch; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị du lịch, khu du lịch, điểm du lịch; hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường du lịch, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Bốn là, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài ở Việt Nam đi du lịch trong nước và nước ngoài; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch.

Năm là, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư tham gia hoạt động du lịch, mở rộng giao lưu hợp tác giữa du lịch Việt Nam với du lịch khu vực và quốc tế.

Sáu là, nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch từ nguồn đóng góp của các chủ thể hưởng lợi từ hoạt động du lịch, nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) QUẢN lý NHÀ nước về DU LỊCH TRÊN địa bàn THÀNH PHỐ ĐỒNG hới, TỈNH QUẢNG BÌNH (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)