1.2.4.1 Yếu tố khách quan
- Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của một địa phương (địa hình, khí hậu, nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên…) có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hình thành các trung tâm, điểm đến du lịch và tạo tính bền vững của các sản phẩm du lịch. Thực tiễn cho thấy, một vùng, một địa phương nếu có nhiều cảnh đẹp tự nhiên, có khí hậu ấm áp, có động vật, thực vật phong phú, nằm ở vị trí có giao thông thuân lợi thì ở đó chắc chắn sẽ có sức hấp dẫn lớn thu hút khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu…Đồng thời có khả năng đáp ứng các yêu cầu của nhiều loại du lịch với những đối tượng khác nhau góp phần thúc đẩy du lịch phát triển mạnh.
- Yếu tố về kinh tế - xã hội, văn hóa – tâm lý
+ Kinh tế - xã hội: Tình hình phát triển kinh tế của địa phương là yếu tố quan trọng tác động tới sự phát triển của du lịch và quản lý du lịch. Nền kinh tế chung phát triển, tình hình chính trị hòa bình, ổn định là tiền đề cho sự ra đời và phát triển của ngành kinh tế du lịch. Khi các điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của một điểm du lịch biến động thì sẽ làm cho làm vai trò và sự đóng góp của ngành du lịch trong GDP bị giảm sút.
+ Văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo: Phong tục, tập quán là một yếu tố cơ bản tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc và là một trong các yếu tố tạo nên tính dị biệt trong các sản phẩm du lịch đặc biệt là trong các sản phẩm du
lịch lễ hội và du lịch văn hoá (vì phong tục tập quán cũng là nhân tố chủ yếu tạo nên các sản phẩm du lịch văn hoá, du lịch lễ hội).
Tôn giáo, tín ngưỡng là một phần quan trọng trong đời sống tâm lí, tinh thần của con người, vì vậy nó có rất nhiều ảnh hưởng đến nhu cầu và hành vi của họ. Trong giai đoạn hiện nay loại hình du lịch tín ngưỡng đang phát triển nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Nhà nước phải nghiên cứu để xây dựng các quy định, chính sách để vừa phát triển du lịch nhưng đồng thời cũng vừa bảo tồn và phát huy được các phong tục, tập quán của địa phương; trùng tu, tôn tạo và bảo vệ các công trình kiến trúc tôn giáo đưa vào phục vụ du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách thập phương.
+ Yếu tố thuộc về khách du lịch: Bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào được tạo ra cũng đều nhằm cung cấp cho nhu cầu của thị trường (du khách). Vì vậy, sự biến động nhu cầu của du khách sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển du lịch. Sự thay đổi về mức thu nhập, lối sống, tư duy, chi phí và chất lượng của dịch vụ du lịch… tác động đến các hoạt động và sự phát triển của ngành du lịch.
+ Cơ sở hạ tầng: Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch. Cơ sở vật chất- kỹ thuật phục vụ du lịch gồm: tất cả các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết để đón tiếp và phục vụ khách du lịch về lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, các dịch vụ bổ sung khác. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình tạo ra và thực hiện sản phẩm du lịch cũng như quyết định mức độ khai thác các tiềm năng du lịch nhằm thỏa mãn các nhu cầu của khách du lịch
+ Hội nhập và toàn cầu hóa: Hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa là một xu thế khách quan đối với các quốc gia; ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực du
lịch nói riêng. Mỗi nước phải có chiến lược tổng thể phát triển du lịch để vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của các nước vừa bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, “hòa nhập” nhưng không “hòa tan”.
1.2.4.2 Yếu tố chủ quan
- Quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước
Quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý nhà nước về du lịch của từng địa phương nói riêng. Trên cơ sở quan điểm của Đảng, nhà nước hoạch định, ban hành chính sách cho phù hợp. Những chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương có tác dụng thúc đẩy ngành du lịch phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, những chính sách chưa hợp lý, không phù hợp với thực tiễn, khó tiếp cận và thiếu đồng bộ sẽ tạo phản tác dụng, cản trở sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tổ chức bộ máy; cơ chế hoạt động; nguồn nhân lực quản lý; nguồn lực cho quản lý
Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch bản thân nó cũng là một hoạt động cung cấp sản phẩm là các quyết định quản lý nhà nước. Quá trình này cũng đòi hỏi phải có các nguồn lực để thực hiện. Thực tiễn cho thấy Bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển du lịch. Bởi đây chính là đội ngũ trực tiếp tham mưu xây dựng, hoạch định, ban hành các chính sách phát triển du lịch. Một đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn nghiệp vụ về du lịch, am hiểu luật pháp quốc tế về du lịch, sử dụng thành thạo các thiết bị thông tin, ... cộng với tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch thống nhất, đồng bộ và đảm bảo điều kiện các nguồn lực hoạt động thì sẽ thúc đẩy du lịch phát triển.