Thực tiễn cho thấy, việc bảo tồn di sản, tu bổ di tích có chất lượng cao được quyết định bởi sự phát triển tương xứng của nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý văn hóa. Ở Việt Nam, hoạt động bảo tồn, tu bổ di tích diễn ra sôi động trong giai đoạn vừa qua đã bộc lộ những hạn chế, do nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân quan trọng bắt nguồn từ nguồn nhân lực (đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao) chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và mức độ tăng trưởng của hoạt động bảo tồn, tu bổ di tích.
Quyết định 581/QĐ-TTg ngày 6/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020 có nhận định “Đội ngũ những người làm công tác bảo tồn trong cả nước còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp chưa cao, lúng túng trong việc xử lý những vấn đề phức tạp do thực tiễn đặt ra, làm ảnh hưởng đến chất lượng bảo tồn và tôn tạo di tích, thậm chí làm sai lệch, biến dạng tính nguyên gốc của di tích”.
Luật Di sản văn hóa được sửa đổi bổ sung năm 2009 và sau đó là Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã quy định cá nhân chủ trì lập quy hoạch, dự án hoặc chủ trì thi công, giám sát dự án bảo tồn, tu bổ di tích phải có chứng chỉ hành nghề. Qua đó vai trò của KTS trong công tác bảo tồn di tích, di sản được nhìn nhận đầy đủ hơn. Nhưng cũng vì thế mà năng lực của đội ngũ này sẽ có vai trò quan trọng trong chất lượng của các dự án. Tuy nhiên, hiện nay năng lực của các KTS hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước và nguồn nhân lực ngành bảo tồn di tích: Xác định hình thức, phương thức đào tạo phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh ở Việt Nam hiện nay, hoàn thiện từ khâu đào tạo KTS chuyên ngành bảo tồn; xây dựng các chương trình đào tạo bổ sung cho KTS, kỹ sư, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo chuẩn; xây dựng, củng cố các cơ sở đào tạo và các cán bộ làm công tác đào tạo nghiệp vụ tu bổ di tích là nhiệm vụ quan trọng.
Đào tạo nghiệp vụ bảo tồn di tích là một hoạt động thực hành, do vậy xây dựng chương trình đào tạo nhất thiết phải kết hợp lý thuyết với thực hành. Cần phải tổ chức những hoạt động học tập, nghiên cứu ngay tại di tích, nội dung đào tạo phải
có các bài tập thực hành nhằm giải quyết, xử lý các vấn đề cơ bản trong bảo tồn tu bổ di tích, áp dụng trên những di tích thực tế.
Tiến hành đồng thời, song song việc xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp trong bảo tồn tu bổ di tích và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ, công chức đang làm hoạt động quản lý trong lĩnh vực này.
Xác định nhu cầu về nguồn nhân lực ngành bảo tồn di tích ở Việt Nam giai đoạn hiện nay và các giai đoạn tiếp theo, trên phạm vi toàn quốc và ở các vùng miền, địa phương (khác nhau). Từ đó xây dựng chiến lược và kế hoạch đào tạo thích ứng từng giai đoạn.
Mặt khác, phải thường xuyên nâng cao trình độ năng lực và phẩm chất của nhà hoạch định và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật mới đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về DTLSVH trong bối cảnh hiện nay.