Kinh nghiệm một số địa phương Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) QLNN về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 40 - 46)

1.5. Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý nhà nước về di tích lịch sửvăn hóa

1.5.2. Kinh nghiệm một số địa phương Việt Nam

1.5.2.1. Tỉnh Tuyên Quang

Quản lý nhà nước về khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào do cơ quan trực tiếp quản lý là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang, đây là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về: văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo ở tỉnh, các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Sở và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành quyết định số 650/QĐ – UBND ngày 24/11/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý nhà nước bao quát toàn bộ các mặt về di sản văn hóa nói chung và di tích lịch sử nói riêng trên toàn bộ địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Riêng về khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, Ban quản lý khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào (sau đây gọi tắt là Ban quản lý) là đơn vị sự nghiệp chịu sự quản lý toàn diện của Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng trực tiếp thực hiện các hoạt động bảo tồn, bảo tàng phát huy giá trị khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Ban quản lý khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, trước là bảo tàng Tân Trào - ATK được thành lập ngày 15/01/1999, đến ngày 23/04/2008 được đổi thành tên hiện nay với nhiệm vụ được giao là: Quản lý, bảo vệ, lập hồ sơ di tích, tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến khi di tích Tân Trào; Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể, các cơ quan hữu quan, các tổ chức kinh tế xã hội, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng tại Tân Trào; Thường xuyên thông tin liên lạc, xử lý thông tin, nghiêm túc chấp hành chỉ thị của cấp trên và chế độ báo cáo kịp thời, chính xác những vấn đề xảy ra tại khu di tích lịch sử Tân Trào; Quản lý cán bộ, viên chức, tài chính, tài sản được giao, thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách đồi với cán bộ, viên chức theo đúng thẩm quyền phân cấp và theo đúng quy định của pháp luật và của tỉnh; Thực hiện các nhiệm vụ khác khi giám đốc Sở phân công.

Chính sách trùng tu, tu bổ, tôn tạo và phục hồi các điểm di tích đã được lãnh đạo Sở hết sức quan tâm và được thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên bởi Ban quản lý khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào. Nhiều điểm di tích đã được tu bổ, tôn tạo như điểm di tích đình Hồng Thái, Lán Nà Lừa, lán Hang Thia, đình Thanh La, di tích chủ tịch Tôn Đức Thắng…với nhiều hình thức đa dạng như: phun thuốc chống mối mọt các điểm di tích, sửa chữa nhỏ, cải tạo khuôn viên quanh khu di tích,… Đặc biệt là sau một thời gian dài tiến hành các biện pháp chăm sóc từ năm 2008 đến cuối năm 2010 đánh dấu đã phục hồi sinh trưởng thành công cây đa Tân Trào, một điểm di tích được coi là dấu tích quan trọng nhất, một biểu tượng của cách mạngghi dấu sự kiện lịch sử của dân tộc.

Nhờ thường xuyên tiến hành tu bổ, tôn tạo, phục hồi các điểm di tích mà hiện nay khu di tích Tân Trào gần như vẫn còn giữ được giá trị lịch sử, tính thời đại của nó. Điều này không phải di tích nào cũng làm được, bởi công việc này là sự phối hợp một cách nhịp nhàng giữa cơ quan chức năng quản lý và với đơn vị thực hiện.

Tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ quản lý và hồ sơ xếp hạng di tích đã được chú ý thực hiện ngay từ đầu dưới sự chỉ đạo của Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ khoa học về di tích thường xuyên được cập nhật trong quá trình kết hợp khai thác các tư liệu với các đơn vị bạn như tại bảo tàng Hồ

Chí Minh, Ban quản lý khu di tích Định Hóa - Thái Nguyên, Trung tâm lưu trữ Quốc gia… Đồng thời tích cực hoàn thiện hồ sơ khoa học cấp tỉnh và cấp quốc gia đối với các di tích đã có hồ sơ khoa học. Đặc biệt năm 2010 đã hoàn thiện hồ sơ khoa học khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào trình các cấp có thẩm quyền ra quyết định và năm 2011 trình Chính Phủ cấp bằng khu di tích cấp quốc gia đặc biệt. Công tác kiểm kê, lập hồ sơ quản lý và hồ sơ xếp hạng di tích đã được các cấp lãnh đạo của tỉnh quan tâm, bởi những công việc này là một trong những tiền đề rất quan trọng giúp quản lý một cách toàn diện khu di tích, đồng thời là cơ sở quảng bá được sâu rộng hình ảnh, giá trị của khu di không chỉ đối với người dân Việt Nam và cả đối với du khách nước ngoài.

Tổ chức lễ hội, các hoạt động du lịch, tuyên truyền quảng bá gắn với khu di tích. Có thể nói đây là một trong những hoạt động không thể thiếu đối với hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích và đã được thực hiện tương đối tốt. Ban quản lý khu di tích đã có sự phối hợp chặt chẽ với xã Tân Trào tổ chức tốt các lễ hội truyền thống của đồng bảo dân tộc nơi đây, một mặt đã phát huy, bảo tồn được những nét văn hóa, tín ngưỡng của người dân, đồng thời cũng là một trong những nét hấp dẫn du khách đến nhiều hơn với khu di tích Tân Trào. Đây cũng là một trong những hoạt động đầu năm hàng năm, mở màn cho những hoạt động du lịch, hoạt động quảng bá gắn với khu di tích, và cũng là một trong những hình thức quảng bá về Khu di tích một cách trung thực nhất đến du khách muốn tham quan và tìm hiểu về nơi này.

Chính sách về đầu tư cho Khu di tích: Đầu tư cho di tích không chỉ là nhiệm vụ của riêng đối với khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào mà còn là của cả nước - những nơi có di tích tồn tại.Bởi đầu tư chính là việc làm nhằm gìn, phát huy giá trị của di tích.Nhận thức được vấn đề này, ngay từ đầu vấn đề đầu tư cho khu di tích Tân Trào rất được Ủy ban nhân dân tỉnh và trực tiếp là cơ quan chuyên môn - Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện sát sao. Nhiều kế hoạch đầu tư cho khu di tích đã được đề ra do Sở văn hóa, Thể thao và du lịch làm chủ đầu tư, được giao cho Ban quản lý khu di tích trực tiếp quản lý về tiến độ thực hiện kế hoạch. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu vẫn là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Với các chính sách đầu tư cho khu di tích thường xuyên được quan tâm đã góp phần rất lớn vào việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích, chống xuống cấp cho khu di tích trước

ảnh hưởng rất lớn của thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt ở nước ta. Bởi “thủ phạm” chính ảnh hưởng đến việc xuống cấp kh di tích chính là điều kiện thiên nhiên.

Chính sách đào tạo nguồn nhân lực: Cũng như các địa phương khác công tác đào tạo nguồn nhân lực cho quản lý khu di tích cũng được các cấp lãnh đạo quan tâm. Nhờ những chính sách đào tạo nguồn nhân lực đã nêu ở trên đã tạo ra những đội ngũ nhân lực ngày càng đáp ứng những nhu cầu bức thiết về tổ chức quản lý khu di tích, đặc biệt là đội ngũ của Ban quản lý khu di tích - những người trực tiếp“bám sát địa bàn” quản lý. Nguồn nhân lực về đội ngũ lãnh đạo, quản lý đã đáp ứng tốt yêu cầu tổ chức quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ đối với khu di tích.

Đội ngũ hưỡng dẫn viên ngày càng trưởng thành, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của công việc đó là truyền đạt một cách đầy đủ, khách quan, trung thực nhất về những giá trị của khu di tích để giúp cho những người đến với khu di tích ngày càng hiểu và thực sự tự hào về truyền thống dân tộc.

1.5.2.2. Tỉnh Thừa Thiên Huế

Quần thể di tích Huế- Di sản Văn hóa Thế giới- bao gồm các di tích thuộc nhiều loại hình: thành quách, đền miếu, lăng tẩm, chùa chiền…với bề dày lịch sử của một trung tâm hành chính xứ Đàng Trong vào thế kỷ 17-18 và kinh đô của cả nước từ 1802-1945. Trong số các di tích, Kinh thành Huế được quy hoạch dựa trên những nguyên tắc triết lý cổ của phương Đông nói chung và theo truyền thống của Việt Nam nói riêng, tạo nên sự hài hòa giữa quy hoạch kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên mang đậm ý nghĩa biểu tượng. Mối quan hệ âm dương, ngũ hành thể hiện qua 5 phương hướng chủ yếu (trung tâm, đông, tây, nam, bắc), 5 yếu tố cơ bản của tự nhiên (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) , và 5 màu cơ bản (vàng, trắng, xanh, đen, đỏ) là cơ sở cho ý tưởng quy hoạch của Kinh thành, được phản ánh trong tên gọi của nhiều công trình quan trọng ở khu vực này. Đây cũng là thành lũy đầu tiên ở Đông Nam Á được làm theo kiểu Vauban của phương Tây với quy mô hoàn chỉnh nhất, được hoàn tất với sự đóng góp công sức của hàng ngàn nhân công và binh lính huy động từ các địa phương trong cả nước. Bên ngoài Kinh Thành còn có nhiều di tích quan trọng khác có liên quan. Những di tích này bao gồm các lăng tẩm của triều Nguyễn ở phía Nam của sông Hương, các đền miếu, chùa chiền và phủ đệ với những giá trị không chỉ về mặt kiến trúc mà còn về cảnh quan của chúng.

Ngay sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, chính quyền Tỉnh Thừa Thiên Huế lập tức giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

lên phương án bảo tồn, tôn tạo và trùng tu nhằm bảo vệ cho bằng được quần thể khổng lồ này. Có đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ bước đầu đáp ứng được những hoạt động, quản lý di sản thế giới trên các mặt đối nội và đối ngoại.

Bên cạnh sự quan tâm đến công tác tổ chức, xây dựng bộ máy, tuyển chọn đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, các di sản thê giới còn nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nhiều khóa tập huấn, chuyên môn nghiệp vụ, hội thảo khoa học được tổ chức tại các di sản thế giới với sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau ở trong và ngoài nước đã góp phần làm tăng chất lượng của đội ngũ cán bộ của các đơn vị quản lý di sản thế giới. Trong quá trình đó, không ít cán bộ quản lý và nghiệp vụ tại các di sản thế giới được cử ra nước ngoài học tập, tham gia các hội thảo liên quan trực tiếp đến những vấn đề thiết yếu của các di sản thế giới càng làm cho nhận thức của đội ngũ cán bộ chuyên trách có thêm kinh nghiệm, kiến thức, mà còn có dịp tiếp cận trực tiếp với cách thức nghiên cứu quản lý hiện đại, khoa học và cách làm việc của các chuyên gia các nước bạn.

Trung tâm bảo tồn di tích Cố Đô Huế đã có rất nhiều sáng kiến hoạt động quảng bá di sản. Qua đó cũng góp phần quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với di sản thế giới, như việc tổ chức: Festival Huế. Sau khi thử nghiệm thành công đã trở thành thường xuyên, định kỳ tại các di sản thế giới và đã được ngành du lịch rất quan tâm. Trong các hoạt động nêu trên, nhiều sáng kiến nhằm phục hồi các hoạt động văn hóa phi vật thể được thể nghiệm, nhiều cuộc trình diễn văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian được tổ chức. Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống cũng có dịp được giới thiệu rộng rãi với công chúng, chung ta đã đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn vào công tác quản lý và công tác bảo quản, tu bổ và tôn tạo các di sản.

Tiểu kết chương 1.

Chương I đã nêu một cách tổng quát nhất về các khái niệm, đặc điểm của quản lý nhà nước cũng như làm rõ các nội dung quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Hệ thống di tích quốc gia đặc biệt phong phú, đa dạng của Hà Nội đã phản ánh lịch sử lâu dài, cuộc sống văn hóa tinh thần đặc sắc của xã hội Việt Nam trước đây. Mỗi di tích đều là những sản phẩm văn hóa-lịch sử hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn ở Hà Nội.

Công tác bảo tồn, chỉnh trang di tích quốc gia đặc biệt được quan tâm đầu tư làm cho di tích ngày càng trở nên khang trang, giá trị của di tích được bảo tồn, hình ảnh di tích trở nên hấp dẫn trong mắt du khách và qua đó truyền bá những giá trị văn hóa của đất nước, con người Hà Nội, Việt Nam. Do vậy, tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử, văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Tiếp thu những bài học kinh nghiệm từ các nước, từ các địa phương để bảo tồn và chọn lọc những tinh hoa của nhân loại, trên cơ sở giữ gìn và nâng cao bản sắc dân tộc góp phần tạo nên thành công chung trong công cuộc bảo vệ di sản thế giới.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) QLNN về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 40 - 46)