Quan điểm, chủ trương của Đảng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) QLNN về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 79 - 80)

Quan điểm về bảo tồn di sản văn hóa có vai trò rất quan trọng vì nó tạo tiền đề cho việc hoạch định các cơ chế, chính sách và ban hành các quyết định liên quan tới các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vì bản thân thế hệ chúng ta hôm nay, vì tổ tiên, cha ông và các bậc tiền bối, đồng thời còn vì các thế hệ mai sau. Do đó quan điểm đúng đắn về bảo tồn di sản văn hóa cũng sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Quan điểm bảo tồn di sản văn hóa: Quan điểm này phải được đưa ra dựa trên cơ sở 5 quan điểm cơ bản chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đã được xác định rõ trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng.

Nghị quyết đã khẳng định nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa trong bối cảnh mới ở nước ta. “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian) văn hóa cách mạng bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”.

Qua đó ta thấy, 5 quan điểm cơ bản chỉ đạo phát triển văn hóa của Việt Nam là tương đối thống nhất với các quan điểm về chính sách văn hóa mà nhiều quốc gia khác cũng đang theo đuổi. Đó là: gắn văn hóa với hệ tư tưởng - chính trị; văn hóa thể hiện đặc trưng dân tộc; sản phẩm văn hóa là một loại hàng hóa.

Có thể hiểu, văn hóa luôn gắn bó máu thịt với dân tộc và tư tưởng, chính trị, đồng thời còn được nhìn nhận là loại hàng hóa đặc biệt bởi vậy các quốc gia luôn hướng hoạt động văn hóa vào 3 mục tiêu lớn là: bảo vệ di sản và khuyến khích hoạt động sáng tạo; đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng của tất cả mọi người đối với văn hóa; tạo cơ hội cho tất cả mọi người tham gia vào sáng tạo, phổ biến và hưởng thụ văn hóa.

Với nhận thức như trên, trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Bộ VHTTDL đã nghiên cứu và vận dụng sáng tạo 5 quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm

cần thực hiện, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa. Tập trung điều tra toàn diện, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và văn hóa phi vật thể; các loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, văn hóa dân gian của từng địa phương, từng vùng văn hóa, từng vùng dân tộc; nghề thủ công truyền thống, lễ hội tiêu biểu, kho tàng Hán Nôm. Kết hợp phải hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững.

Điều tra, sưu tầm, xây dựng ngân hàng dữ liệu về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tiêu biểu.

Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để bảo quản, giữ gìn lâu dài tài liệu, hiện vật tại các bảo tàng, cơ quan lưu trữ tư liệu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ở trung ương và địa phương.

Thực hiện các hình thức tôn vinh các nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu và cơ chế chính sách để các nghệ nhân phổ biến, truyền dạy nghề cho các thế hệ”.

Như vậy, với tư cách là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, các hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa đã được tiếp cận tổng thể với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, có tác dụng bổ trợ lẫn nhau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) QLNN về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 79 - 80)