5. Cấu trúc luận văn
2.1.3. Thời gian tâm tưởng, hoài niệm
Không có gì ám ảnh con người hơn thời gian. Đơn giản vì sự sống và cái chết gắn bó với thời gian. Ước mơ trường sinh, khả năng luân hồi, thiên đường và địa ngục, linh hồn bất tử... được sử dụng như những cách thức để vượt qua nỗi sợ hãi trước thời gian. Thế nên, yếu tố thời gian đã được cân, đo, đong, đếm và suy
ngẫm riêng của từng nhà thơ. Đặng Trần Côn từng nhủ: Trăm năm nào có gì đâu;
Nguyễn Du nhấn mạnh: Sầu đong càng lắc càng đầy, Sen tàn, cúc lại nở hoa – Sầu
dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân; Nguyễn Công Trứ cổ súy: “Nhân sinh ba vạn
sáu nghìn thôi – Vạn sáu chơi nhăng đã hết rồi”; Tản Đà băn khoăn: “Đời người
thử ngẫm mà hay – Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê”;... Và bậc thi hào
Nguyễn Trãi cũng không ngoại lệ, với ông thời gian cũng được tính theo chiều vĩ mô: ngàn đời, nghìn thu, thiên thu, kim cổ....
Hoài niệm là những cảm xúc lắng đọng khi nhớ về, nghĩ về, suy tư về những gì đã qua thuộc về quá khứ. Trong sáng tác nghệ thuật, người nghệ sĩ thường bộc bạch cảm xúc ở nhiều dạng thức khác nhau. Hoài niệm về quá vãng để tự hào, tự tôn hay lưu luyến, suy tư, ngẫm ngợi đối sánh trước sau thời cuộc để cảm nhận… là một cách thức thể hiện mà người nghệ sĩ thường sử dụng. Theo đó, trong thơ Nguyễn Trãi, hoài niệm về quá vãng trong chiều sâu tâm thức của nhà thơ với dòng chảy thời gian là một nội dung chiếm khá nhiều trong hai thi tập.
Với ý nghĩa đó, thơ Nguyễn Trãi hiện hữu cảm thức về thời gian của chính nhà thơ. Dòng thời gian hoài niệm hiện diện trong thơ như ghi dấu sự suy tư, cảm nhận, tự vấn và tổng kết bản thân trước các mốc thời gian với những giai đoạn thời cuộc thăng trầm lúc đắc thế khi yếm thế mà bản thân nhà thơ đã đi qua. Khi nhà thơ
bộc bạch: “Thập niên phiêu chuyển thán bềnh bồng” (Quy Côn Sơn chu trung tác),
“Tam thập niên tiền hồ hải thú” (Vọng Doanh), “Thập niên thanh chức ngọc hồ
băng”, “Thanh niên phương dự ái nho lâm” (Mạn thành)… có nghĩa là Nguyễn Trãi
đứng ở thời điểm này nhìn về quá vãng để tổng kết, tự vấn bản thân trước thời cuộc với sự ngẫm ngợi, suy tư sâu sắc về cuộc đời mình trước dòng chảy thời gian.
Thời gian tâm tưởng đầy hoài niệm là khoảng thời gian gắn liền với tâm trạng, suy nghĩ của con người. Lần theo ngôn ngữ, hình ảnh biểu đạt trong “nhật ký
46
thơ” Nguyễn Trãi, phần nào ta nhận diện nỗi niềm tâm sự của tiền nhân ở từng thời điểm khác nhau trong cuộc đời.
Sống trong thời đại có nhiều biến động, với 62 năm cuộc đời, Nguyễn Trãi đã phải chứng kiến nhiều cuộc đổi thay binh biến qua nhiều triều đại: 20 năm sống ở cuối triều Trần (1380-1400); 7 năm dưới triều Hồ (1400-1407); 20 năm dưới thời thuộc Minh (1407-1442) và 15 năm dưới triều Lê mà ông có công gầy dựng (1427- 1442). Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Trãi đã tường tận chứng kiến bao sự biến thiên, có niềm vui ca khúc khải hoàn (Bình Ngô đại cáo), có cả những đắng cay chua chát khi dòng đời “biến bạc thành đen” của nhân tình thế thái…Những vinh quang và cay đắng trong từng thời đoạn khác nhau của cuộc đời đã được nhà Nho nghệ sĩ dồn sầu vào thơ: “Liêu bả tân thi tả ngã sầu” (ƯTTT).
Thời gian được xem là quan trọng và có ý nghĩa thực sự đối với Nguyễn Trãi đó là thời gian tâm tưởng đầy hoài niệm. Bởi, đó là những khoảng thời gian của tuổi trẻ với niềm tự hào cháy bỏng đầy hân hoan, thời gian của những chiến công vang dội với tâm trạng sảng khoái, tự hào. Nhưng trong những phút giây tâm tưởng ấy đôi khi lòng người phải chùn lại, ngừng lại để nghĩ suy về những sự kiện diễn ra trong cuộc đời. Người nghệ sĩ vốn mẫn cảm, ưa suy tư trước hiện thực Nguyễn Trãi đã không thể tránh khỏi điều dự báo: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật/ Anh hùng
di hận kỷ thiên niên” (Họa phúc có mầm phải đâu một buổi/ Anh hùng trối lại mối
hận cho đời hàng nghìn năm). Suy ngẫm dòng đời, Nguyễn Trãi viết cho đời mà
cũng là dự báo cho chính cuộc đời mình.
Trải qua hơn sáu thập niên, sinh ra và lớn lên trong khoảng thời gian đầy biến động, bản thân Nguyễn Trãi phải đối mặt với nhiều sóng gió khác nhau. Từ tuổi thơ bất hạnh mất mẹ, rời cha, sống ngắn ngủi bên ông ngoại giữa lúc triều đình xảy ra nhiều biến cố đến cảnh nước mất nhà tan, chàng thanh niên “ái Nho lâm” hăm hở mang đầy hoài bão vào đời với khao khát trỗ tài kinh bang tế thế. Một chuỗi thời gian đầy biến động như vậy, hẳn Nguyễn Trãi không thể “vô ưu”.
Nguyễn Trãi không sinh ra để làm thơ.Nhưng, thơ lại là nơi không thể thiếu để nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc và người nghệ sĩ với trái tim mẫn cảm “dồn
sầu”. ƯTTT và QÂTT được xem là “nhật ký” bằng thơ của Ức Trai là có cơ sở. Bởi
47
Nguyễn Trãi còn lưu lại những chặng đường thăng trầm với các dấu mốc thời gian mà nhà thơ đi qua với cả “tấc lòng”, nỗi niềm trước nhân sinh thế cuộc.
Tìm hiểu thơ Nguyễn Trãi, ở một khía cạnh nhất định, khó có thể bỏ qua dòng thời gian hoài niệm được thể hiện trong thơ với mong muốn hiểu hơn tâm trạng của người anh hùng mang nhiều bi kịch với chuỗi ngày “đắc thời” và cả những tháng năm “cô thế” trong nhiều suy tư, ngẫm ngợi của nhà thơ.
Trong hai thi tập được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, nhà thơ đã nhiều lần nhắc đến việc mượn thơ để “tả ngã sầu”. Không thể là ngẫu nhiên về sự xuất hiện các mốc thời gian dưới nhiều hình thức được lưu dấu trong hai thi tập. Nhà thơ nói
nhiều đến những “mốc thời gian” đi qua: Tam thập niên tiền định; Thập niên thanh
chức; Ngũ thập niên; Tam thập niên hồ hải; Nhất sinh lạc thác; Bán sinh thế lộ;
Thiếu niên trường ốc; Thuở tóc xanh, đầu bạc, Tiếc thiếu niên; Tạp tải hư danh…).
Mỗi mốc thời gian gắn với từng chặng đường đời và đặt trong suy ngẫm, hoài niệm về quá vãng của nhà thơ. Đó là tâm sự, là nỗi niềm được nhà thơ chưng cất gửi vào những vần thơ in đậm “bóng dáng” của thời gian hoài niệm. Nguyễn Trãi cảm nhận thời gian trong dòng hoài niệm, hoài niệm về năm tháng đắc thời và chuỗi ngày yếm thế.
Thơ chữ Hán được Nguyễn Trãi sáng tác vào thời điểm sau khi chiến thắng quân Minh. Vang vọng trên từng trang thơ là giọng thơ mang âm hưởng hào sảng của người chiến thắng. Công cuộc đánh đuổi giặc Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi, rửa được mối nhục, lời thơ Nguyễn Trãi vang vang hân hoan trong niềm tin yêu và tự hào mãnh liệt. Đó chính là “thời gian đắc thế” của Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi đã giữ lại nét hào hùng, khí phách, kiên định của các nhà thơ thời chống quân Nguyên thế kỉ XIII, ông cũng giữ lại tính triết lí sâu sắc mà phóng khoáng của tinh thần Thiền đời Trần để tạo nên một Ức Trai khí phách và sâu lắng trước mọi thời gian. Không đơn thuần vì ông trực tiếp chứng kiến những đổi thay của nhà Trần từ khi còn trị vì đất nước (1380), mà sâu xa hơn là ông học hỏi và tiếp thu những nét ưu tư, thương dân, băn khoăn về trách nhiệm kẻ sĩ từ ông ngoại Trần Nguyên Đán và cha là Nguyễn Phi Khanh. Sự chi phối bởi tư tưởng và phẩm chất nhân cách của hai nhân vật này đã giúp Nguyễn Trãi tiếp thu và mở rộng được những giá trị văn hóa, tư tưởng của thời đại “phá Tống, bình Nguyên”. Hẳn thế,
48
Nguyễn Trãi đã cất cao lời thơ với tất cả niềm tự hào dân tộc, khí phách cha ông và tiếng thơ chất chứa cảm xúc về thời gian “đắc thế” được hiện diện như một tất yếu.
Nguyễn Trãi đã có nhiều dịp đến với những miền đất khác nhau của Tổ Quốc. Chính những chuyến đi như vậy, nhà thơ đã có được phút giây thăng hoa cảm xúc, những điều kiện cần thiết cho hoạt động sáng tạo thơ ca của mình.
Viết về Bạch Đằng giang, Nguyễn Trãi không đơn thuần dừng lại ở việc ca ngợi “núi non kì tuyệt” mà còn suy nghiệm về lịch sử, về lẽ hưng phế các thời đại đã qua:
Quan hà bách nhị do thiên thiết, Hào kiệt công danh thử địa tằng.
(Quan hà hiểm yếu hai người chống trăm người do trời xếp đặt Hào kiệt lập công danh đất ấy từng là nơi)
Sông Bạch Đằng đẹp muôn thuở vì nơi đây vĩnh viễn lưu giữ bóng dáng người anh hùng vệ quốc, khơi dậy cho người đời sau cảm xúc hoài cổ, suy tư.
Đứng trước cửa Thần Phù, tự hào về núi sông kỳ vĩ, Nguyễn Trãi không nguôi nhớ về một thời oanh liệt giữ nước của người xưa. Khi đối diện với thiên nhiên Kình phun lãng hống, Sáo ủng sơn liên, Nguyễn Trãi suy nghiệm bâng khuâng về sự hữu hạn của kiếp người trước sự trường cửu của núi sông:
Kim cổ vô cùng giang mạc mạc Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu.
Trên tinh thần tiếp nối những phát hiện tinh tế về vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước của bao bậc tiền nhân, Nguyễn Trãi đã biết khai thác hào quang lịch sử với niềm tự hào, tự tôn dân tộc để làm cho thơ mình mang những đường nét, màu sắc, âm thanh kỳ vĩ, sống động qua mọi thời gian trong niềm kiêu hãnh vô biên để hoài niệm về tháng ngày “đắc thế” của mình.
Nếu Nguyễn Trãi có một thời gian “đắc thế” gắn liền với giai đoạn còn “đương triều” và những năm tháng được thỏa chí “vung gươm múa bút” gắn với những chiến thắng hào hùng, vang dội trong lịch sử, thì cũng không thể quên những tháng năm dài đã đặt người anh hùng “cô thế” Ức Trai mang nhiều bi kịch trong tâm trạng “yếm thế”.
49
Hai tập thơ có sự hiện hữu khá rõ của hai dòng thời gian “đắc thế” và “yếm thế”. Hai miền thời gian ấy trở đi trở lại trên những trang thơ với hai thái cực trạng thái đối lập gay gắt. Có lúc, ông say sưa làm chim phượng, chim bằng: “Say hết tấc lòng hồng hộc”, “Cửu vạn đoàn phong ký tích tằng/ Đương niên thác tỷ Bắc minh bằng” (Thuở xưa đã từng mơ làm chim bằng biển bắc bay lên chín vạn dặm); Có khi ông chua chát chất vấn chính mình: “Ta còn lãng đãng làm chi nữa”; “Về đi, sao chẳng sớm quay về” (Côn sơn ca), rồi lại tự đề xuất sự lựa chọn cho cảnh tình bi kịch của mình: “Non lạ nước thanh làm dấu/ Đất phàm cõi tục lánh xa”(Thuật hứng, bài 11).
Sự đối lập, tranh biện như vậy, cứ trở đi trở lại trong thơ đã bộc rõ thái độ của ông đối với hiện thực. Ông coi trọng cái đẹp ứng xử bản thân, luôn ý thức về những nỗi bất ổn, những trói buộc, hiểm họa từ chốn quan trường, biết lánh đục về trong, giữ mình thanh cao trước dòng đời vạn biến. Cuộc sống an nhiên tự tại, sống thuận theo quy luật tự nhiên trong từng khoảnh khắc cuộc đời đem lại cho Ức Trai tiên sinh cách nhìn nhận đứng mực, vô tâm, vô cầu trước công danh và đường lợi. Nhưng niềm kiêu hãnh với bản lĩnh tự tin nhập cuộc đã đặt ông vào sự dùng dằng giữa hai dòng tư tưởng “ở hay về” và không cho phép ông nhẹ nhàng dứt khoát. Bởi vậy, trên con đường quan lộ, ông trở nên cô đơn, đôi khi mang nặng màu “yếm thế”.
Nguyễn Trãi đã kế thừa và phát huy tinh thần rộng mở, khoáng đạt của thời đại Lý- Trần, tạo nên sự hòa điệu tinh thần giữa Nho giáo với Phật giáo và Đạo giáo. Nho vốn là chính trị, đạo đức nghiêm khắc, khô khan thì đã có cảnh thoát trần thanh khiết của Đạo, cảnh u tịch của Phật bù vào. Cái hành cái tàng của Nho bị động và cứng nhắc, thì đã có cái nhập mà xuất, xuất mà nhập của nhà Phật, cộng hưởng thêm. Giữ được sự thăng bằng cho sự tình có vẻ trái ngược ấy là bản lĩnh vững chắc thanh cao, yêu nước thương dân hết mực của nghệ sĩ Nguyễn Trãi.
Dòng chảy thời gian biến thiên là quy luật. Khi nhận ra sự cô thế của mình trước thời cuộc, người nghệ sĩ, nhà chính trị tài ba Nguyễn Trãi biết chọn con đường hành tàng xuất xử. Phong cách của nhà Nho với lối xuất - xử cân bằng, nên khi làm quan, Nguyễn Trãi tận tụy với việc vua, việc nước. Ông lo nghĩ việc triều
50
chính, gìn giữ bờ cõi và vui mừng trước các thắng lợi của quân ta, nhiều bài thơ thể hiện thời gian đắc thế này: Hạ Tiệp, Hạ quy Lam Sơn, Thượng nguyên hỗ giá chu trung tác, Quan duyệt thủy trận...; Khi rơi vào nghịch cảnh buồn đau, cô thế, ông tự cân bằng cảm xúc tìm về chốn hạc rừng vượn núi, vui cảnh an bần lạc đạo: “Ta được thanh nhàn ta sá yêu” (QÂTT)…
Nguyễn Trãi là con người nhập thế. Chính ông nhiều lần khẳng định về khả năng của mình: “Thiếu niên trường ốc tiếng như bay” với khát vọng “Cửu vạn đoàn phong ký tích tằng”. Song, cũng cần thấy rằng, lịch sử luôn đặt Nguyễn Trãi vào những sự lựa chọn cần thiết. Nho giáo đã dạy người quân tử biết hành tàng xuất xử “minh triết bảo thân”. Khi kịp ý thức con đường nhập thế luôn có nhiều phong ba, hiểm họa: “Bể hiểm nhân gian ai kẻ biết/ Ghê thay biến bạc thành đen” (Trần tình), Nguyễn Trãi buộc phải chọn đường xuất thế. Sự lựa chọn đặt ra không hề dễ đối với một trái tim hừng hực được cống hiến: “Nhất phiến đơn tâm chân hống hỏa” (Mạn hứng II) như Nguyễn Trãi từng đặt ra lý tưởng cho mình. Tìm về: “Non lạ nước thanh làm dấu/ Đất phàm cõi tục lánh xa” (Thuật hứng, bài 11), chợt đau đáu lắng nghe tiếng lòng xa xôi từ quá khứ vọng về: “Thiên nhai khẳng niệm cố nhân phù” (Biết cố nhân ở nơi chân trời có còn nhớ), rồi lại bùng lên niềm khát khao bản lĩnh: “Trúc đứng hiên mai quét tục trần”… Đó chính là sự dùng dằng, day dứt trong sự lựa chọn như một lẽ tự nhiên ở con người luôn ý thức về mình trước thời cuộc.
Lý tưởng hành đạo và thực tiễn đương thời đã không cho phép nhà Nho Nguyễn Trãi với học thuyết nhập thế “trí quân trạch dân” để có thể thực hiện kiên quyết “quét tục trần”. Giữa dòng chảy ấy, Nguyễn Trãi trở thành người “cô thế”: “Chúng báng cô trung tuyệt khả liên” (Oán thán) (Bao kẻ dèm pha, một mình mình trung rất đáng thương). Từ đây, một dòng thơ mang nỗi niềm “sầu muộn” được cất lên mang bao hoài niệm về “thời gian yếm thế”.
Trong cuộc sống, đôi khi con người phải đứng trước sự lựa chọn sống còn. Suốt cuộc đời Nguyễn Trãi đã đấu tranh giữa việc làm quan hay lui về ở ẩn. Làm quan là sở nguyện, ở ẩn chỉ là thất thời. Nho sinh Nguyễn Trãi với niềm khát khao cháy bỏng hành đạo giúp đời, giờ đây lại bị thế cuộc làm khó khiến ông phải buông bỏ chí nguyện. Thân một nơi mà tâm một nẻo. Người nghệ sỹ bắt đầu ghi âm lại sự
51
nhức nhối, giằng xé, tiếng nấc của cõi lòng. Không còn những ngày “nói tất nghe và kế tất theo”, giấc mơ ngày Nghiêu tháng Thuấn trở nên xa vời vợi, khúc tâm ca của Nguyễn Trãi trong dòng thời gian hoài niệm chảy tràn mà mỗi bài thơ, vần thơ như một lát cắt tâm trạng đầy day dứt trong sự hoài niệm về quãng thời gian cô thế, thời gian yếm thế.
Trong bài Quy Côn Sơn chu trung tác, nhà thơ dường như bộc lộ tất cả các
cảm xúc nhớ thương lưu luyến quê nhà và cảnh tình của mình mười năm xa cố lý:
Thập niên phiêu chuyển thán bồng bình/ Quy tứ dao dao nhật tự tinh (Mười năm
phiêu dạt như cỏ bồng cánh bèo/ Ý muốn trở về ngày nào cũng nao nao).
Cũng bởi một lẽ cảm giác xa vắng quê hương cứ ùa về trong đêm lấn áp tâm trí của kẻ tha hương: