Giọng điệu bình phẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 99 - 110)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.2. Giọng điệu bình phẩm

Không chỉ dừng lại ở việc khảo cứu, kể lại, Lê Quý Đôn còn đưa ra lời bình phẩm mang tính chủ quan vào trong Kiến văn tiểu lục. Nếu giọng điệu khách quan là giọng điệu bao trùm cả tác phẩm thì giọng điệu bình phẩm lại xuất hiện ít hơn. Giọng điệu bình phẩm tuy hạn chế thể hiện nhưng vẫn mang lại giá trị cho tác phẩm bởi nó thể hiện ý kiến chủ quan cũng như thái độ của tác giả.

Việc bình phẩm trong Kiến văn tiểu lục đã trực tiếp bày tỏ thái độ, cảm xúc, suy nghĩ bằng những câu văn ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu. Chẳng hạn khi khảo cứu về 5 nhân vật lịch sử dưới triều Trần, Lê Quý Đôn ca ngợi họ là “những người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải người tầm thường có thể theo kịp được” [43, tr.299]. Ông lí giải cụ thể các bậc tiền nhân trong một thời “có chí khí tự lập, hào hiệp cao siêu” [43, tr.300] bởi chế độ đãi ngộ sĩ phu hòa nhã, lễ độ của thời nhà Trần. Nhưng điều đó cũng khiến tác giả băn khoăn về phong độ các triều đại kế tiếp không sánh bằng thời nhà Trần: “Ôi như thế! Người đời sau còn có thể theo kịp thế nào được! Từ bản triều trở về sau, phong độ ấy dần dần không được nghe thấy nữa” [43, tr.300].

Khi thuật lại cuộc đời của Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn khiến ta phải động lòng tiếc nuối. Giọng điệu bình phẩm mà tác giả sử dụng làm tôn lên đức tính của bậc hảo hán, trung thần, con người khảng khái. Người tài năng, đức độ là thế nhưng vẫn gặp cảnh nguy khốn khiến Lê Quý Đôn phải thốt lên “thật đáng thương xót!” [43, tr.308]. Mặc dù sự thật Nguyễn Trãi bị mắc nạn chu di nhưng qua lời văn, giọng điệu của tác giả vẫn xem ông là người xứng đáng được tôn kính.

Lê Quý Đôn thường dựa trên vốn kiến thức uyên bác của mình để đưa ra những lời nhận xét, bình phẩm. Tác giả trực tiếp thể hiện ý kiến cá nhân thông

qua những cụm từ: “Xét ra”, “Tôi nhận thấy”, “Tôi nhận xét”, “Tôi thiết nghĩ”. Cụ thể trong phần “Thiên chương”, tác giả có lời ngợi khen đến các sứ giả:

Tôi nhận thấy bọn Minh Đồ và Viên Xán sang sứ nước ta, vừa đi vừa về chẳng qua có 1 tháng 8 ngày, thế mà vào trong nước hỏi phong tục đã biết được chút ít đại khái. Vả lại đối đáp hợp với lễ nghi, bàn luận có phần trung hậu, biên chép đề vịnh, có tầm mắt coi trọng Viêm giao, đấy là điều đáng khen [43, tr.207].

Với giọng điệu bình luận nghiêm túc, Lê Quý Đôn thẳng thắn đưa ra suy nghĩ của mình khi có người nói muốn dùng văn bát cổ ở Trung Quốc để thi lấy sĩ tử. Ông đưa ra quan điểm và lí giải để người đọc được tường minh hơn. Từ lời bình phẩm, ta thấy rõ thái độ của tác giả về nội dung thi cử rất rõ ràng, có lí lẽ. Ông không chỉ đơn thuần quan sát, ghi chép lại mà còn thể hiện rõ lập trường, tính cách của một nhà Nho:

Tôi thiết nghĩ như thế là không đúng. Bởi vì đặt ra khoa cử, tuy có thi từ, phú, sách, luận, thể thì văn hoa, thể thì chất thực, thể chế khác nhau, nhưng tóm lại, chỉ là dùng lời nói suông để chọn người, mà người ta cũng dùng lời nói suông ứng đối lại, thực ra thì đến khi thi thố ra việc làm, vẫn không phải ở những điều ấy, vả lại căn cứ vào văn chương trong mấy bài thi nơi trường ốc, chỉ biết sơ lược đại khái, làm gì mà có thể xem xét hết được nhân tài? [43, tr.104]. Hay trong phần “Tùng đàm”, khi bàn về việc sứ thần sang nước ta yêu cầu đấu cờ, Lê Quý Đôn viết: “Tôi nhận xét: phương Nam, phương Bắc giao thông lễ sính vấn, đã có thể lệ, không có lý gì người sứ thần phụng mệnh triều đình, không vì duyên cớ gì lại yêu cầu, cũng không nên nhận lời xin càn dở ấy” [43, tr.535].

Khi biên khảo một số câu chuyện người đời chưa rõ điều thực hư, Lê Quý Đôn mạnh dạn cầm bút ghi chép lại rồi đưa ra ý kiến. Chẳng hạn, truyền

thuyết về Nguyễn Trực trong kỳ thi ở Trung Quốc, người đời thì nghĩ nó có thật nhưng tác giả thì lại phản bác:

Câu truyền thuyết này rất là vô lý, đáng chê cười. Sở dĩ có người đặt ra thuyết này, là họ thấy trong tập biểu văn của quốc triều có bài “nghĩ thiên triều tứ Nguyễn Trực Trạng nguyên, ban quan, đai, bào, hốt, tạ biểu” [...], họ tưởng là sự thực, nên đặt ra câu chuyện quê kệch ấy mà thôi. Thực ra thì vì Thánh Tông Thuần Hoàng đế quý trọng ông Nguyễn Trực, mới ra bỡn đầu đề ấy, để cho ông Trực nghĩ soạn, chứ có phải thật có việc ấy đâu [43, tr.528].

Có thể thấy, Lê Quý Đôn không chỉ biên chép đầy đủ những điều mắt thấy tai nghe, ông còn sử dụng vốn kiến thức mình tích lũy được để soi xét đúng - sai, thiếu - đủ. Việc bình luận mang tính chủ quan thể hiện tính cách riêng của một nhà nghiên cứu văn hóa, sử học.

Giọng điệu bình phẩm trong Kiến văn tiểu lục còn là những câu hỏi tu từ nhằm gián tiếp nhấn mạnh điều nghi vấn, quan điểm hay để bày tỏ suy nghĩ, sự ngưỡng mộ. Chẳng hạn khi nói về pháp lệnh dưới triều vua Lê Thái Tổ dạy bảo nghiêm khắc, khuyến khích bài trừ sự vô kỷ luật, nhũng nhiễu, ngược đãi nhân dân, Lê Quý Đôn nhận xét rằng: “Xem như thế thì lời dạy bảo khuyến khích rất là thấm thía” [43, tr.132]. Sự ngưỡng mộ, phấn khởi được tác giả bày tỏ qua câu hỏi tu từ: “Đấy chả phải là pháp độ đứng đắn mà việc cốt yếu được nghiêm mật đất ư?” [43, tr.132]. Tác giả vừa bình luận vừa ca ngợi, chỉ rõ cho người đọc thấy được pháp luật dưới triều Cao Hoàng luôn xem trọng yếu tố công bằng.

Hay khi nói về tài năng của Phùng Khắc Khoan khi đi sứ, Lê Quý Đôn bày tỏ: “…tuổi đã ngoài 70, không những biện bạch quang minh chính đại, đạo đạt được mệnh lệnh của vua, làm mạnh mẽ được thể chế trong nước,(…). Như thế chả phải là được linh khí núi sông giúp đỡ đấy ư?” [43, tr.321]. Đến

cuối đoạn có thêm câu hỏi tu từ để nhấn mạnh một nhân tài như Phùng Khắc Khoan thật xứng đáng là “linh khí của quốc gia”, là con người của đất nước.

Với tư cách là một người yêu văn chương, Lê Quý Đôn bày tỏ nỗi xót xa:

Than ôi! Ông Hoàng Đức Lương nhặt nhạnh thơ văn cổ, biên tập thành 15 cuốn sách, cũng chỉ có thể nói là mới được một hai phần trong trăm ngàn phần mà thôi, thế mà nay còn lại không được một nửa, thì người sau lại càng đáng than tiếc đến mức nào? Thể lệ triều nhà Trần, nếu chưa chỉ chuẩn của vua thì thơ văn không dám khắc ván lưu hành; đến như ngày nay phố phường khắc sách không bị ngăn cấm, mà sao sách cổ cũng vẫn vắng teo? [43, tr.240].

Tác giả thốt lên “Than ôi!” như tiếng thở than nỗi lòng, bày tỏ niềm tiếc nuối cho sách vở, văn chương vô cùng quý giá của người xưa không thể lưu truyền. Ông không chỉ đặt một mà là hai câu hỏi tu từ vừa để hỏi vừa nhấn mạnh sự suy tư, băn khoăn của mình. Lời bình luận kết hợp với cảm xúc ẩn chứa bên trong khiến người đọc, nhất là người yêu văn chương thật sự động lòng.

Những lời nhận xét, bình phẩm của Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục

mang nhiều ý nghĩa đối với hiện thực lịch sử và cả văn học. Như đã nói, ký là một thể loại tự do, bởi nó có khả năng phát huy năng lực quan sát, sự hiểu biết của tác giả, từ đó thể hiện được cá tính của nhà văn. Phải là người có trình độ, hiểu biết vấn đề thì mới có thể đưa ra lí lẽ cá nhân. Ngôn ngữ và giọng điệu bình phẩm đã đánh dấu ý thức cá nhân phát triển khiến tác giả dám nói, dám bày tỏ ý kiến của mình với độc giả. Đồng thời, khi tác giả bàn luận một vấn đề nghĩa là đang tạo cầu nối giữa người viết và người tiếp nhận thông tin. Từ đó, nhiều vấn đề được nhìn nhận trong Kiến văn tiểu lục được tuân thủ trong công trình của những tác giả về sau.

Tóm lại, sự kết hợp hài hòa giữa các chất giọng khác nhau làm cho Kiến văn tiểu lục không còn đơn điệu mà trở nên có sức hút đối với độc giả. Ngoài

việc ghi lại một cách trung thực hiện thực lịch sử, tác giả còn giữ được giọng điệu nghệ thuật đặc trưng của thể ký. Chính sự kết hợp giữa hiện thực lịch sử và bút pháp nghệ thuật đã làm tác phẩm vừa có giá trị sử học vừa có giá trị văn học.

Tiểu kết Chương 3

Từ nguyên tắc tôn trọng tính xác thực của đối tượng khảo cứu mà ký có những mối liên hệ chặt chẽ với hiện thực xã hội. Ký không phải là lịch sử nhưng ký có thể ghi lại các sự kiện lịch sử, văn hóa của con người. Vì thế, bao trùm tác phẩm Kiến văn tiểu lục là tính khảo tả của một tác phẩm biên khảo văn hóa. Nghệ thuật này đã giúp Lê Quý Đôn bộc lộ hết khả năng và sở trường của mình đối với việc khảo cứu các vấn đề văn hóa ở mỗi triều đại Lý - Trần - Lê.

Lê Quý Đôn sử dụng kĩ thuật khảo cứu văn hóa kết hợp với kết cấu tự do đặc trưng cùng giọng điệu bình phẩm, khách quan làm phương thức thể hiện nội dung tạo nên nét riêng của Kiến văn tiểu lục. Tất cả đều phối hợp nhuần nhuyễn với nhau để thể hiện hiện thực văn hóa lịch sử thời xưa. Tác phẩm không chỉ hấp dẫn người đọc ở tính chân thực mà còn là tư duy linh hoạt, óc quan sát tinh tế của tác giả.

Ngoài những phương thức thể hiện đã trình bày, chúng ta còn có thể tiếp cận về bút pháp, hình tượng hay sự thể hiện không – thời gian để trữ lượng văn hóa có trong tác phẩm được khai thác triệt để hơn.

KẾT LUẬN

1.Trong tiến trình văn xuôi trung đại Việt Nam, Lê Quý Đôn là một nhà văn hóa, nhà sử học, nhà văn, nhà thơ lớn. Cuộc đời của ông là sống và cống hiến với nhiều hoài bão lớn, trong đó có “trước thư lập ngôn”. Do đó, ông chủ yếu dành thời gian cho việc trước thuật, biên soạn sách và sáng tác hơn là dấn thân ở chốn quan trường. Ông là người cầm bút đầy tài năng, là một trong những tác giả viết ký tiêu biểu của thời trung đại. Lê Quý Đôn hướng ngòi bút của mình đến những vấn đề văn hóa, lịch sử, con người của thời đại. Trong mối quan hệ với văn hóa, bối cảnh thời đại, người đọc sẽ thấy được nhiều điều bổ ích, mới mẻ trong mỗi tác phẩm. Đó là những trải nghiệm, được mở mang vốn hiểu biết về truyền thống văn hóa thời phong kiến, những giá trị truyền thống đã và đang được lưu giữ. Tiếp cận văn hóa đối với một tác giả còn thể hiện sự tâm huyết, ý thức trách nhiệm của mình. Đồng thời, tác giả còn muốn truyền “ngọn lửa” ấy đến cho độc giả, thế hệ sau trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Lục là một trong những hình thức ghi chép của loại hình ký trong văn học trung đại Việt Nam. Vì thế, tác phẩm cũng có những đặc trưng cơ bản của thể ký, nhất là phản ánh người thật, việc thật. Kiến văn tiểu lục là một trong những tác phẩm có nhiều đóng góp trong việc khẳng định vị trí của loại hình ký.

2. Văn học và văn hóa là hai phạm trù có mối quan hệ khắng khít, mật thiết với nhau. Từ góc nhìn về mối quan hệ gắn bó ấy những giá trị văn hóa ngàn đời được văn học lưu giữ và trường tồn theo năm tháng. Qua việc tìm hiểu tác phẩm Kiến văn tiểu lục từ góc nhìn văn hoá, ta thấy rõ nội dung của tác phẩm được lấy từ sự thực khách quan của đời sống con người. Đấy là các lễ nghi, phong tục, chế độ, văn thơ hay các nhân vật lịch sử dưới các triều Lý

- Trần - Lê. Những đối tượng văn hóa ấy đều mang tính xác thực đã tạo nên một bức tranh xã hội được phản ánh trong tác phẩm.

Các chủ đề, nội dung văn hoá được Lê Quý Đôn quan tâm bằng cái nhìn của người quan sát và người trong cuộc. Ông ghi chép, khảo tả, truy tận nguồn gốc, quá trình diễn ra của mỗi đối tượng văn hóa, cốt để độc giả hiểu được vấn đề và thưởng thức một cách đúng đắn về nền văn hóa dân tộc. Đồng thời, tác giả tỏ rõ bản tính giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp, mong muốn thế hệ sau sẽ noi theo. Nhìn chung, Kiến văn tiểu lục cho ta thấy ngòi bút tài hoa giàu kiến thức uyên bác, bao quát sâu rộng nhiều mặt của đời sống xã hội Việt Nam thời trung đại với khát khao xây dựng một nền văn hóa chuẩn mực.

3. Từ phương diện hình thức đến phương diện nghệ thuật của tác phẩm,

Kiến văn tiểu lục đem đến sự cuốn hút trong lối viết linh hoạt, phóng túng với nghệ thuật biên khảo đặc sắc cũng như thái độ khách quan, trung thực của Lê Quý Đôn. Bằng việc sử dụng thể ký hết sức phóng khoáng, kết cấu tự sự hài hòa, tác giả thuận lợi trình bày các chủ đề văn hóa cụ thể, rõ ràng giúp cho độc giả chiếm lĩnh được nguồn tri thức mới. Bên cạnh đó, bao trùm cả tác phẩm là giọng điệu khách quan, trung thực, đôi khi là những dòng bình luận, nhận xét để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

4. Từ góc nhìn văn hoá, việc tìm hiểu Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn đã mang lại cho độc giả cái nhìn đúng đắn, tích cực về giá trị văn hoá có trong tác phẩm. Với những nội dung đã nghiên cứu, do những hạn chế về trình độ, chúng tôi nhận thấy mình vẫn chưa thật sự khai thác hết những nét văn hoá đặc sắc trong Kiến văn tiểu lục. Vì thế, chúng tôi hi vọng với sự đóng góp của đề tài “Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn - Từ góc nhìn văn hóa” có thể giúp mở ra hướng nghiên cứu mới sau này. Đó có thể là hướng nghiên cứu về các vấn đề văn hóa trong các trước tác văn xuôi và thơ khác của tác gia thời trung đại. Hoặc đi sâu nghiên cứu về bút pháp khảo tả, hình tượng hay sự thể hiện

không – thời gian và kĩ thuật lập luận của tác giả khi biên khảo các vấn đề văn hóa dưới các triều đại ở nước ta trong chính Kiến văn tiểu lục.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2]. Nguyễn Thị Bảy, Trần Quốc Vượng (2010), Văn hóa ẩm thực Việt Nam nhìn từ lý luận và thực tiễn, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội. [3]. Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nxb Văn học, Hà Nội. [4]. Lê Nguyên Cẩn (2008), Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá,

Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[5]. Lê Nguyên Cẩn (2014), Tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hoá, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

[6]. Lê Nguyên Cẩn (2018), Mã văn hoá trong tác phẩm văn học – Những vấn đề lý thuyết và giảng dạy, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

[7]. Nguyễn Huệ Chi (2003), “Mấy đặc trưng loại biệt của văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX”, Tạp chí Văn học, (5), tr. 14 – 26. [8]. Nguyễn Đình Chú (2002), “Hiện tượng văn- sử - triết bất phân trong

văn học Việt Nam thời trung đại”, Tạp chí Văn học, (5), tr. 31 – 42. [9]. Phan Huy Chú (2014), Lịch triều hiến chương loại chí (tập 5), Nxb

Trẻ, TP Hồ Chí Minh.

[10]. Thiều Chửu (2015), Hán Việt tự điển, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

[11]. Nguyễn Văn Dân (2006), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[12]. Biện Minh Điền (2005), “Vấn đề phân loại thể loại văn học trung đại Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, (4), tr.21 – 34.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 99 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)