Kiểu kết cấu sự kiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 88 - 91)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1. Kiểu kết cấu sự kiện

Trong một tác phẩm văn học, việc bố trí, sắp xếp, tổ chức sự xuất hiện các chất liệu hiện thực không phải tác phẩm nào cũng giống nhau. Đó được gọi là kết cấu điển hình của một tác phẩm nhằm thể hiện nội dung. Trong Từ điển thuật ngữ văn học, các soạn giả xem kết cấu là “toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm” [16, tr.131]. Nhà lý luận, phê bình Hà Minh Đức lại có cái nhìn về kết cấu cụ thể hơn:

Kết cấu là sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục của tác phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định [14, tr.143].

Từ những khái niệm trên, có thể thấy, kết cấu là yếu tố tạo thành văn bản, nó trở thành phạm trù rất quan trọng trong phương diện nghệ thuật của tác phẩm văn học. Đây được xem là yếu tố dù trong quá trình sáng tác (người sáng tác) hay đọc hiểu văn bản (người tiếp nhận) đều không thể bỏ qua.

Thực tế khi đọc Kiến văn tiểu lục, ta thấy rõ tác phẩm được viết theo kết cấu tự do. Tác phẩm mang tính tổng hợp, ghi chép nên khi bàn về kết cấu phải nhắc đến kiểu kết cấu tự do. Những vấn đề nằm trong tầm hiểu biết của mình, ông đều ghi chép lại. Tác giả tự do biên chép, sắp xếp nội dung không

theo một khuôn khổ thể loại nào. Số lượng các yếu tố về sự kiện, nhân vật cũng không có giới hạn. Kiểu kết cấu này ta có thể bắt gặp ở các tác phẩm khác của Lê Quý Đôn như trong Phủ biên tạp lục, Bắc sứ thông lục… Người cầm bút quan tâm đến nhiều vấn đề xoay quanh một khía cạnh văn hóa nào đó nhưng trình bày không theo khuôn khổ nhất định. Họ không bị chi phối bởi những quy định về mặt thể loại khi tiếp cận với cuộc sống. Đó được xem là tính chất tự nhiên của loại hình ký. Tùy theo thời điểm tiếp cận, cảm xúc, trí nhớ mà tác giả ghi chép từ vấn đề này sang vấn đề khác. Có nhiều phần Lê Quý Đôn không chỉ tập trung nhất định vào một vấn đề mà có khi tích hợp, biên khảo thêm vấn đề khác nhưng giữa chúng vẫn có mối liên quan với nhau. Tuy vậy, trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy được Kiến văn tiểu lục

có 2 dạng kết cấu chính: kết cấu sự kiện và kết cấu thời gian.

Về khái niệm sự kiện, ta có thể hiểu sự kiện là một sự thay đổi của tình huống bên trong nhân vật hoặc bên ngoài của thế giới truyện kể (các sự kiện tự nhiên, sự kiện hành động, sự kiện tương tác). Hệ thống sự kiện (chuỗi các sự kiện) sẽ phản ánh sự vận động trong đời sống văn hóa mà tác phẩm thể hiện. Việc nhận diện kết cấu sự kiện trong Kiến văn tiểu lục rõ nhất khi Lê Quý Đôn đi trực tiếp vào vấn đề muốn biên khảo, trình bày. Kết cấu này thấy rõ ở các phần như “Thể lệ thượng”, “Tài phẩm”, “Thiền dật”, “Tùng đàm”…

Viết về đời sống văn hóa thường ngày, Lê Quý Đôn kể lại hàng loạt các sự kiện có liên quan đến lễ nghi, phong tục. Chẳng hạn, chuỗi sự kiện các năm tổ chức kỳ thi dưới triều Lý - Trần - Lê được tác giả trình bày theo thứ tự thời gian. Về tiết sinh nhật, tác giả ghi chép từ sự kiện nhận lễ chầu mừng thời nhà Đường, lễ Thánh tiết thời nhà Lý, Trần cho đến lễ mừng thọ từ năm Quang Thuận (1467). Từ thời trung hưng trở đi, tiết sinh nhật được nêu cụ thể hơn: “hàng năm đến ngày 27 tháng giêng, cử hành lễ mừng thọ ở điện Vạn Thọ” [43, tr.74].

Những sự kiện ấy có thể là chuỗi những hành động xảy ra hay các thăng trầm, biến cố của nhân vật. Như khi viết về các nhân vật lịch sử, văn hóa trong phần “Tài phẩm”, “Tùng đàm”, tác giả thường trực tiếp giới thiệu tên, nêu xuất thân, quê quán, chức vụ và gắn với những sự kiện hành động cụ thể. Chẳng hạn, nhân vật Nguyễn Dữ được thuật lại với chuỗi sự kiện thi đỗ Hương cống, thi Hội, được tuyên bổ làm quan Tri huyện nhưng cũng có thăng trầm “vì Ngụy Mạc cướp ngôi vua, ông thề không ra làm quan, ở thôn quê dạy học trò, không bao giờ để chân đến thành thị” [43, tr.304]. Hay nhân vật Lê Bá Ly được giới thiệu là người khỏe mạnh, giỏi võ và gắn với chuỗi sự kiện: tập hợp tướng sĩ rước Phúc Nguyên trở về kinh sư, đánh phá ngụy binh, chiếm cứ Kinh thành, về sau được “vua Trung Tông và Thế Tổ hết sức yên ủy thu nạp, tiến phong Bình chương quân quốc trọng sự, Thượng tể, Diễn quốc công” [43, tr.323].

Ngoài ra, Kiến văn tiểu lục còn có những sự kiện nhằm bộc lộ phẩm chất, trí tuệ, đức độ của nhân vật lịch sử. Trong phần “Tùng đàm” có các sự kiện công lao, kì tích như chuyện Vũ Huyền giúp vua thắng ván cờ với sứ thần Trung Quốc bằng cái dù che; ông Trần Quang Trạch khi 7 tuổi đã biết đặt câu đối với người lớn khiến họ phải khen ngợi. Hay như tổ phụ của hai ông Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm nhặt được của rơi liền cất giữ rồi chờ người mất đến tìm lại mà trả cho. Từ sự kiện ấy thể hiện lên tính tình chất phác, khiêm tốn, ngay thẳng của nhân vật đáng để đời sau noi theo. Hay như tài phán đoán cứu được người của Phạm Công Trứ, thể hiện qua sự kiện nghi ngờ tính ăn vụng, nuốt tiết trâu làm bỏng ruột của người nhà bếp. Lại thêm Lê Đình Kiên được khen là người có tài xét kiện qua việc tìm thấy người vợ của người phường chèo. Có thể thấy, với mục đích kể lại câu chuyện mang tính ca ngợi, nêu gương, Lê Quý Đôn rất quan tâm đến tính sự kiện và tiến trình diễn biến của sự kiện.

Tuy đều ghi chép về những sự kiện lịch sử có thật nhưng cách thể hiện trong Thượng kinh ký sự lại khác với Kiến văn tiểu lục. Mở đầu tác phẩm, Lê Hữu Trác kể về sự kiện vào tháng giêng năm Nhâm Dần, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43, khi tác giả nhận được triệu chỉ lên kinh đô chữa bệnh cho cha con Trịnh Sâm. Tiếp đến là các sự việc từng ngày diễn ra theo trình tự thời gian cho đến khi tác giả đặt chân ở kinh thành. Từ đó, tác giả đã kể lại quang cảnh nơi phủ Chúa từ những điều tai nghe, mắt thấy. Kết thúc tác phẩm, Lê Hữu Trác kể về sự kiện cả nhà quan Chánh đường bị đám kiêu binh sát hại, tả chân thực những năm tháng tàn lụi. Cách kể sự kiện diễn ra trong phủ Chúa không chỉ là cảnh sinh hoạt giàu sang mà còn nói lên uy quyền của chúa Trịnh. Nếu Thượng kinh ký sự được Lê Hữu Trác biên soạn các sự kiện diễn ra xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm (ký sự dài) thì Kiến văn tiểu lục lại tách nhỏ, chỉ là sự kiện trong từng mẩu chuyện để gộp lại thành một phần. Kiểu kết cấu sự kiện ấy của Lê Quý Đôn càng tô rõ tính chất ký, thấy được việc ghi chép, sắp xếp rất phóng khoáng.

Đối với thể loại ký, điều quan trọng là người cầm bút phải biết vận dụng thích hợp kiểu kết cấu để đạt được giá trị nội dung phản ánh và tầm nhận thức thể loại mang lại. Từ các sự kiện cụ thể cùng với vài nét đặc trưng của nhân vật đã giúp Lê Quý Đôn thể hiện được nội dung văn hóa trong Kiến văn tiểu lục.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)