Về thể loại ký

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 30 - 34)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.1. Về thể loại ký

Thể loại là một trong những phạm trù cơ bản nhất trong quá trình sáng tác cũng như tiếp nhận tác phẩm. Bất kì một tác phẩm văn học nào ra đời cũng thuộc về một thể loại nhất định. Trong quá trình sáng tác, tác giả bắt buộc phải cân nhắc, lựa chọn một phương thức, cách thức, cấu trúc tổ chức ngôn từ để thể hiện nội dung, miêu tả hiện thực cuộc sống. Còn trong quá trình tiếp nhận, thể loại là một trong những con đường đưa người đọc khám phá, lý giải toàn bộ khía cạnh sâu bên trong tác phẩm. Để giải mã Kiến văn tiểu lục cũng vậy, việc tìm hiểu bất kì phương diện nào của tác phẩm cũng cần phải xác định thể loại của nó.

Văn học trung đại Việt Nam kéo dài gần 10 thế kỷ, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX. Quá trình của văn học trung đại thực chất là quá trình hình thành và

phát triển các thể loại, thể tài văn học. Theo Biện Minh Điền, trong bài nghiên cứu “Vấn đề phân loại thể loại văn học trung đại Việt Nam” chỉ rõ văn học trung đại Việt Nam hiện diện qua một hệ thống thể loại với các đặc điểm nổi bật. Thứ nhất, nó có sự hỗn dung, chồng chéo, đan xen nhau hay có thể gọi là “đậm tính nguyên hợp” [12, tr.30]. Thứ hai, nó mang tính quy phạm cao, có đặc trưng thi pháp hết sức chặt chẽ, thể thơ Đường luật là minh chứng tiêu biểu nhất. Thứ ba, tên thể loại thường được nêu ngay từ đầu đề của tác phẩm, gọi theo chức năng và nội dung của nó. Năm 1998, trong công trình nghiên cứu Lý luận văn học, Hà Minh Đức cho rằng:

Các thể ký văn học chủ yếu là những hình thức ghi chép linh hoạt trong văn xuôi với nhiều dạng tường thuật, miêu tả, biểu hiện, bình luận về những sự kiện và con người có thật trong cuộc sống, với nguyên tắc phải tôn trọng tính xác thực và chú ý đến tính thời sự của đối tượng được miêu tả [14, tr.217].

Trong bài viết “Ký Việt Nam thời trung đại – quá trình hình thành và đặc trưng thể loại”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na định nghĩa:

Ký là loại hình văn học phức tạp nhất trong văn xuôi tự sự thời trung đại, bởi bản thân khái niệm ký hàm chứa một nội diên có biên độ hết sức co dãn. Thoạt đầu ký có nghĩa là ghi chép sự việc gì đó để khỏi quên [27, tr.103].

Từ nhận định trên, ta có thể thấy bản thân loại hình ký đã thể hiện sự phóng khoáng, tự do mà khó loại hình văn xuôi trung đại nào có được. Ký không chỉ phản ánh, lưu giữ những hiện tượng, mang tính lịch sử, thời sự, tính cảm hứng của tác giả mà còn có tính tổng hợp về tài liệu tin cậy cho văn học nghệ thuật sau này. Về màu sắc thẩm mỹ, ký không hề thua kém các thể loại khác mà còn linh hoạt trong phương thức tiếp cận, phản ánh, lí giải tạo nên giá trị phong phú, độc đáo của riêng mình.

Loại hình ký có khả năng phản ánh hiện thực một cách sinh động nhất. Tác phẩm thuộc thể ký vừa có khả năng đáp ứng yêu cầu phản ánh hiện thực vừa bộc lộ tâm tình của tác giả. Loại hình ký gồm nhiều thể loại khác nhau như ký sự, hồi ký, phóng sự, tùy bút, bút ký... tùy theo hình thức, đối tượng miêu tả mà ký có cách tái hiện riêng để phù hợp với mục đích của tác giả. Nhìn chung, trong ký “đậm đặc tính tư liệu, hướng vào việc tái hiện chính xác các sự kiện và hiện tượng có thực, và thường kèm theo sự lý giải và đánh giá của tác giả” [1, tr.221]. Trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam, các tác phẩm ký có một vị trí đặc biệt quan trọng, như truyện ký Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ… Những tác phẩm ký trung đại hầu như không đồng nhất với ký hiện đại. Thời trung đại, ký không được hư cấu, không dùng các thủ pháp nghệ thuật của thần thoại, sử thi, truyền kỳ. Trong quan niệm về tính xác thực, ký trung đại mang nghĩa chép thực, tả thực, thấy gì ghi nấy, nghe gì chép nấy trong cuộc sống xã hội. Với quan niệm này, ký trung đại không chỉ có những nhân vật, sự kiện có thật mà còn chứa đựng số ít những điều mà ngày nay ta không cho đó là sự thật. Về ngôn ngữ, nếu ký hiện đại gắn với lối dùng từ của đời sống thường nhật thì ngôn ngữ ký trung đại lại trau chuốt, tinh luyện hơn.

Văn học trung đại Việt Nam đa dạng về thể loại trong đó ký là loại hình phức tạp nhất. Trong quá trình hình thành và phát triển của văn học trung đại Việt Nam, loại hình ký trải qua ba giai đoạn: thế kỷ X - XIV, thế kỷ XV – XVII, thế kỷ XVIII – XIX. Từ thế kỷ X - XIV, ký chưa được tách khỏi văn học chức năng, đa phần là văn học chức năng nghi lễ. Từ thế kỷ XV - XVII, đặc điểm nổi bật của văn xuôi tự sự giai đoạn này là ký chưa thành một thể riêng mà chỉ là một phần rất nhỏ nằm trong tác phẩm tự sự

nhiều thiên. Nếu truyện ngắn thế kỷ XV - XVII đã đạt đến đỉnh cao thì ký nghệ thuật chỉ mới bắt đầu, tính chất ký trong những thiên tự sự vẫn còn mờ nhạt. Cho đến thế kỷ XVIII - XIX, ký đã đến độ chín muồi, có bước nhảy vọt đáng kinh ngạc. Yếu tố hiện thực trong giai đoạn này dần gia tăng đã giúp thể ký trở thành một trong những loại hình tiêu biểu, đánh dấu mốc quan trọng cho văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại. Tác phẩm mở đầu cho ký thế kỷ XVIII – XIX là Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề. Dường như lần đầu tiên, trong văn xuôi tự sự Việt Nam xuất hiện một tác phẩm có quy mô lớn tới 43 thiên, được tác giả dùng thuật ngữ “ký” để chỉ cho thể loại của tác phẩm. Sau Công dư tiệp kí đến Trần Tiến viết Cát Xuyên tiệp bút, Trần Quýnh viết Tục công dư tiệp kí. Trần Tiến viết tiếp hai tập ký khá đặc sắc là Tiên tướng công niên phả lục Trần Khiêm Đường niên phả lục. Sự thành công của người cầm bút thể hiện ở chỗ họ đã dần tách tác phẩm của mình ra khỏi lối viết truyện của văn học cổ điển, tiến gần hơn với việc ghi chép hiện thực, tuy nhiên vẫn chưa cắt đứt mối quan hệ với văn học chức năng. Cho đến khi Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác ra đời, ông đã đưa thể ký dần rời khỏi quỹ đạo của văn học chức năng và khắc phục những hạn chế của lối văn chương khoa cử. Tác phẩm đã đánh dấu sự hoàn thiện và được mệnh danh là đỉnh cao của thể ký thời trung đại. Nó còn là tác phẩm mực thước cho lối viết ký sau này. Nguyễn Đăng Na nhận xét toàn diện về thể ký của thế kỷ XVIII - XIX:

Chưa bao giờ ký nở rộ và đạt đến cực điểm như vậy. Chúng không chỉ nhiều về số lượng, cao về chất lượng, lớn về quy mô mà còn phong phú về chủng loại, đa dạng về phong cách. Những tác phẩm ký hay nhất đều xuất hiện ở thế kỷ XVIII - XIX với đủ các hình thức: tiệp ký, niên phả lục, ký sự, tùng ký, tùy bút, tạp thảo, kỷ lược, biệt lục, ngôn hành lục,... và mang nhiều phong cách: trữ tình, khảo

cứu, trào phúng, luận thuyết hoặc kết hợp các phong cách đó trong một tác phẩm. Quy mô của ký cũng ngày càng mở rộng, từ những thiên ngắn vài ba trang đến các tác phẩm trường thiên dài hàng trăm hoặc vài trăm trang [26, tr.75].

Nhìn chung, thể loại ký không cho phép người viết tưởng tượng những điều không xảy ra trong thực tế nhưng cũng không phải là ghi chép một cách máy móc. Mục đích của ký không chỉ là thông tin về sự kiện xã hội mà còn nhằm phản ánh cái hay, cái đẹp và những giá trị, ý nghĩa của con người. Tác giả ký là người chứng kiến, lắng nghe và cảm nhận sự việc, con người và tình huống mình quan tâm đến. Như vậy, trong tác phẩm ký, các chi tiết, sự kiện của cuộc sống vừa giữ được tính thật lại vừa được nhìn nhận, cảm thụ, đánh giá theo cách nhìn độc đáo của riêng nhà văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)