Các nghi lễ tế tự của nhà nước phong kiến

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 74 - 80)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2. Các nghi lễ tế tự của nhà nước phong kiến

Nói đến đời sống văn hóa, trong phần “Thể lệ thượng” Lê Quý Đôn còn

nhắc đến một vấn đề quan trọng khác, đó là nghi lễ tế tự trong văn hoá cung đình của người Việt. Tác giả có viết:

Phong tục nước ta, dùng ngày đầu xuân làm lễ kỳ phúc, tế thần bản thổ, mùa hè làm lễ hạ điền, mùa thu làm lễ thượng điền tế thần tiên nông và mỗi năm một lần tế thần bản thổ, hoặc vào mùa xuân, mùa hạ, hoặc vào mùa thu, mùa đông. Lúc nghinh thần, tống thần có đầy đủ âm nhạc, nhân dân đều nhân lễ ấy mà hội họp ăn uống, theo thứ tự tuổi và tước, đủ cả lễ và tình, không gì là không phải giường mối lớn của đạo làm người vậy [43, tr.72].

Thời nhà Lý, các nghi lễ tế thần Tiên Nông, lễ Nghinh Xuân, lập đàn Phong Vân, đàn Xã Tắc… gắn với nông nghiệp, mang lại lợi ích cho nhân

dân rất được coi trọng. Cụ thể như “lập đàn Phong Vân để cầu mưa; lập đàn Xã Tắc để cầu cho quanh năm được mùa; dùng ngày lập xuân làm lễ Nghinh Xuân; đi tuần thú, tế thần Tiên Nông, nhà vua tự cày ruộng tịch điền; lại thời thường đi tuần địa phương xa xem dân cấy gặt, đều là chế độ tốt” [43, tr.62]. Lê Quý Đôn cũng khảo cứu thêm về kiến trúc, cấu tạo của đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, đàn Phong Vân, đàn Tiên Nông, Văn Miếu, đền thờ thượng đẳng thần… nơi diễn ra các nghi lễ, tế tự. Nhưng sau thời kỳ trung hưng, những nơi như đàn Xã Tắc, đàn Phong Vân, đàn Tiên Nông có sự thay đổi về kiến trúc và một số thể lệ.

Về lễ nghi tế Giao, tế Miếu ở hai triều đại nhà Lý - Trần trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn cho là “không thể tra khảo được” [43, tr.63]. Trong Lịch triều hiến chương loại chí có nhắc đến: “Lý Anh Tông, năm Thiệu Minh thứ 15 (1153), tháng 9, đắp đàn Viên khâu” [9, tr.327]. Phan Huy Chú có dẫn lời trong sách Chu lễ lí giải đàn Viên khâu ấy và cũng nhận xét việc khảo cứu lễ tế giao lúc bấy giờ là không thể:

Lễ tế giao ở nước Việt ta, xưa kia còn thiếu sót, tên Viên khâu đến đây mới thấy, còn lễ tế ở đàn Phương trạch thì không thấy nói đến, không biết có phải là cũng theo lễ xưa tế tách riêng mà sử bỏ sót không chép, hay là hợp tế cả Trời Đất mà gọi chung là Viên khâu. Bởi vậy không thể khảo cứu vào đâu được [9, tr.327].

Trong thời Lê sơ, cùng với vai trò chi phối của Nho giáo, các nghi lễ tế đàn Nam giao, đàn Xã tắc, tế Thái miếu được coi trọng và quy định thành thể chế vào thời Lê Thánh Tông. Năm Quang Thuận thứ 3 (1462), vua Thánh Tông noi theo nhà Tống, lấy làm định chế về lễ tế giao hàng năm vào đầu xuân. Nghi lễ tế giao được Lê Quý Đôn ghi chép lại như sau:

Ngày làm lễ chính tế, rước Hoàng đế ngự ở sân điện Chiêu minh, sau khi đã quán tẩy, Hoàng thượng mới bước lên trên điện dâng hương

trước án, việc dâng hương và đọc chúc đều cử hành ở trên điện, chỉ quỳ và cúi đầu vái, còn lễ bốn lạy trước và sau khi đọc chúc đều lạy ở sân điện. Đấy là điển lễ rất tôn nghiêm, rất kính trọng [43, tr.64].

Nếu Lê Quý Đôn chỉ tóm lược trình tự diễn ra của nghi lễ tế giao một cách khái quát nhất thì Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí

lại bổ sung chi tiết hơn. Ghi chép rõ những quy định như trước hai ngày xin vua ăn chay; trước một ngày phải đặt kỷ sơn son, đặt hương án ở giữa sân điện Chiêu minh; đặt lễ vật, đặt chỗ vua rửa tay, đặt đồ đại nhạc. Các công hầu bá và các viên văn võ đại phu phải thực hiện trình tự nghi thức theo lời xướng của viên nội tán, thông tán và quan điển trong suốt buổi lễ (rửa tay, dâng hương, tấu cáo văn…):

Quan điển lễ xướng: “thượng hương” (một viên bưng đỉnh hương, một viên bưng hộp hương, đều quỳ dâng lên). Nội tán xướng: “tấu tam nẫm hương”, “tấu phủ phục”, “hưng”, “bình thân”. Quan điển lễ xướng: “tấu cáo văn”. Viên triển quan bưng bản cáo văn trao cho viên tuyên quan, viên này bưng lấy cáo văn, quỳ ở bên tả hương án. Nội tán: “tấu quị” (khải với chúa và bẩm với tiết chế phủ cũng thế). Thông tán xướng: “bách quan giai quỵ”. Đọc xong, nội tán xướng: “phủ phục” (khải và bẩm cũng thế), “hưng”, “bình thân”, (thông tán cũng xướng thế) (…) [ 9 , tr.333 - 334].

Ngoài ra, Lê Quý Đôn còn khảo tả thêm về thể thức diễn ra trong điện Kính thiên, lầu Kính thiên… phục vụ cho việc tế lễ. Về trang phục hành lễ, tác giả khắc họa:

Sau khi trung hưng, Hoàng đế lên ngôi, làm lễ kính tế trời đất, đặt hương án riêng ở phía Đông Đan trì điện Kính thiên, Hoàng đế đội mũ xung thiên, mặc áo bào màu huyền, hành lễ trước hương án, trăm quan bồi bái như nghi lễ tế Giao [43, tr.65].

Ngoài những lễ tế cáo cầu đảo, Lê Quý Đôn còn quan tâm đến việc khảo cứu lễ minh thệ dưới các triều nhà Lý - Trần - Lê. Trong Kiến văn tiểu lục, tác giả nhắc đến lễ minh thệ xuất hiện từ thời Lý Thái Tông, khi vua dựng miếu thờ sơn thần, hội họp bầy tôi để minh thệ. Tuy nhiên, tác giả chưa nhắc đến lí do xuất hiện tục lệ này. Trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có lí giải:

Trước kia, khi bọn Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm phản, trước một ngày, vua nằm chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ bảo vua rằng: “Vũ Đức, Đông Chinh và Dực Thánh sắp làm loạn, phải đem quân đánh ngay đi”. Vì thế mà đã cảnh bị sẵn, mới dẹp được loạn. Đến đây vua phong cho thần Đồng Cổ tước vương và sai làm miếu thờ ở bên hữu thành Đại La, sau chùa Thánh Thọ… Về sau hàng năm lấy làm lệ thường [ 9, tr.555].

Từ giấc chiêm bao ấy, hàng năm lấy ngày mồng 4 tháng tư đắp đàn và dàn quân ở trước miếu, đọc lời thề để minh thệ. Đến triều Trần Thái Tông cũng định lệ cùng ngày 4 tháng tư theo như việc cũ của nhà Lý. Hàng năm, các tể tướng và quan đến chầu vua ở điện Đại Minh, lạy hai lạy rồi di chuyển đến miếu thờ thần Đồng Cổ. Lê Quý Đôn nhấn mạnh: “Lúc bấy giờ người ta cho lễ này là một lễ long trọng” [43, tr.73]. Nói như thế bởi lẽ tuân theo nghi lễ này là cách mà bề tôi thể hiện lòng trung thành, lòng liêm khiết. Tính chất ấy thể hiện qua lời thề: “Làm bầy tôi hết lòng trung, làm quan thanh liêm” [43, tr.73]. Cùng với việc uống máu ăn thề, lời thề, hào khí ấy nếu không giữ đúng thì “thần minh tru diệt”. Khi bắt đầu triều vua Lê Thái Tông, lễ minh thệ không còn diễn ra ở miếu thờ thần nữa. Lúc ấy, vua ngự ở trường đua xem các đại thần và quan văn võ “tấu cáo trời đất, quỷ thần, núi cao, sông lớn, giết ngựa trắng làm lễ ăn thề” [43, tr.73]. Từ trung hưng trở về sau, định lệ ấy “so với trước có phần tường tận hơn nhiều” [43, tr.74]. Cứ vào ngày mậu

tháng giêng lập đàn ở bãi sông để họp thề. Không chỉ tụ họp về một nơi mà còn ở điện Kính thiên, lầu Kính thiên, các trấn sở cũng tụ họp để minh thệ.

Không chỉ Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú quan tâm đến lễ minh thệ mà Trần Quốc Vượng cũng có nhắc đến hội thề này. Trong bài viết “Mấy nét khái quát (phác họa) về văn hóa ẩm thực Việt Nam - Hà Nội dân gian”, ông giới thiệu nguồn gốc hội thề từ phong tục dân gian:

Hội thề ở đền Đồng Cổ (thần núi Trống Đồng) thời Lý - thời Trần và cả thời đầu Lê vào tháng Tư đầu mùa mưa bắt nguồn từ một phong tục dân gian:

Tháng Tư cá đi ăn thề

Đến khi cá về cá vượt Vũ Môn [2, tr.36 - 37].

Ông còn ghi chép lại thời gian diễn ra và mô tả lại quang cảnh của buổi lễ long trọng này:

Lễ Hội cắt máu ăn thề ở đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) được triều đình tổ chức hàng năm, bách quan phải đi dự, nếu điểm danh thiếu thì bị phạt nặng. Sách sử chính thống (Toàn thư) chép: Hôm ấy (4 tháng Tư) dân gian đổ xô ra hai bên đường xem trăm quan đi “rước” từ cửa Tây hoàng thành (khoảng khu vực chùa Một Cột - Lăng Bác hiện nay) đến Bưởi đông vui, thực là một ngày Hội lớn! [2, tr.37].

Có thể thấy, lễ minh thệ đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt thời bấy giờ. Bởi ý nghĩa của nó nằm ở tính giáo dục về nhân cách, lối sống của con người. Đến ngày nay, hội thề vẫn diễn ra thường niên như một cách để người xưa giáo dục người đời nay trong tâm thức.

Mặc dù những yếu tố lễ nghi, phong tục trình bày trong Kiến văn tiểu lục

văn chương. Trong thời đại mới, việc tiếp cận những cuốn sách mang giá trị lịch sử, văn hóa như Kiến văn tiểu lục đã giúp độc giả hiện đại có những chiêm nghiệm về vấn đề văn hóa xa xưa. Ở đó, những nét đẹp văn hóa của kinh kỳ Thăng Long hiện lên thật thanh tao, phong nhã và những giá trị văn hóa ấy còn mãi với thời gian.

Tiểu kết Chương 2

Trong Kiến văn tiểu lục, hệ thống nhân vật văn hóa, các chế độ, phong tục, tập quán và lễ nghi được ngòi bút của Lê Quý Đôn biên khảo một cách rõ ràng, chân thực. Qua từng trang ký, tác giả bày tỏ quan điểm cá nhân về những điều đã rõ và chưa rõ, đồng thời gửi gắm tấm lòng của ông đối với những giá trị văn hoá dân tộc cả thời xưa lẫn thời nay.

Văn hoá bao giờ cũng có lịch sử hình thành và phát triển của nó. Bức tranh văn hóa trong tác phẩm xoay quanh thế giới nhân vật lịch sử, điều lệ, phong tục, lễ nghi… không những cung cấp cho người đọc những tri thức, kiến văn cụ thể mà còn lí giải tận nguồn gốc văn hóa. Những vấn đề mà Lê Quý Đôn ghi chép, khảo cứu trong Kiến văn tiểu lục không chỉ là những hiện tượng văn hoá chịu sự ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa mà còn là những biến đổi mang tính dân tộc, thể hiện niềm tự tôn dân tộc về những giá trị văn hoá tinh thần của người Việt.

Chương 3. MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN CỦA “KIẾN VĂN TIỂU LỤC” TỪ GÓC NHÌN VĂN HOÁ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 74 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)