Về thể loại của “Kiến văn tiểu lục”

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 34 - 38)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Về thể loại của “Kiến văn tiểu lục”

Kiến văn tiểu lục là một tác phẩm thuộc loại hình ký - một bộ phận văn học cùng với truyện ngắn và tiểu thuyết chương hồi hợp thành văn xuôi tự sự trung đại. Đồng thời đây cũng là một áng văn tiêu biểu của thể lục trong loại hình ký. Việc xác định thể ký lục cho tác phẩm trước hết là ở tựa đề. Trong Kiến văn tiểu lục, ngoài quan sát trực tiếp, Lê Quý Đôn còn gián tiếp ghi nhận thông tin. Chữ “kiến” là nhìn, có nghĩa là trực tiếp quan sát; chữ “văn” là nghe, có nghĩa là gián tiếp lấy tin từ người khác hoặc qua sách vở. Với Kiến văn tiểu lục, đây không phải là “tạp lục” hay “tùy bút” mà là “tiểu lục”, là bút ký về những tri thức khá nhiều mặt mà tác giả ghi được qua việc lắng nghe, nhìn nhận. “Tiểu” ở đây là nhỏ, ghi chép những điều nhỏ nhặt nhưng được tích góp thành khối kiến thức lớn. Ta có thể coi tác phẩm như là một “tiểu bách khoa”.

“Lục” là một trong những hình thức ghi chép của thể ký. Đào Duy Anh trong Hán Việt tự điển đã đưa ra quan điểm về từ “lục”: Ký lục là “biên

chép”; hay nói cụ thể hơn, như ở phần “chính nghĩa” sách Chu Lễ “Phàm tên số các sự vật được ghi chép cụ thể trong sổ sách xưa đều gọi tên là lục” [45, tr.175]. Ông nhận định:

Từ lâu ở nước ta đã phổ biến các tác phẩm viết theo ký lục. Ngay từ đời Trần đã ra đời hàng loạt tác phẩm như: Khóa hư lục, Trung hưng thực lục, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Thánh tăng lục... Ở thời Lê Quý Đôn đã có các tác phẩm như Bình Hưng thực lục, Bình Ninh thực lục, Bình Tây thực lục, Bình Nam thực lục... có ít nhiều dính dáng đến Lê Quý Đôn vì ông từng tham gia vào một trong các cuộc “bình” này [45, tr.175].

Hay trong cuốn Hán Việt tự điển, tác giả Thiều Chửu có 3 cách giải nghĩa về lục: “một là sao chép như biên chép sách vở, chuyên công việc sao chép; hai là ghi chép những việc xảy ra, những việc đã nghe; ba là tên để gọi sách vở ghi chép” [10, tr.638]. Nhìn chung, ký lục thể hiện một phương pháp ghi chép linh hoạt, mềm dẻo của tác giả. Tức khi viết ký lục, Lê Quý Đôn ít bị gò bó hơn nhiều so với việc phải theo quy định nghiêm ngặt của một trong hai thể loại phổ biến là “biên niên” hay “ký truyện” khi viết thông sử. Ở kiểu lục này, tác giả có thể ghi chép một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đối tượng tùy theo sự quan sát của tác giả. Chẳng hạn, những sự kiện trên đường ở Bắc sứ thông lục đều do Lê Quý Đôn trực tiếp quan sát và ghi lại ngay. Ở Phủ biên tạp lục, ông thăm hỏi sự tích, xem xét lệ cũ, việc thế nào ghi chép thế ấy, cũng là trực tiếp ghi chép. Cũng có khi Lê Quý Đôn trực tiếp quan sát nhưng không ghi ngay tại chỗ. Trên đường đi sứ, nhìn thấy câu đối, bài thơ hay, đáng lưu truyền, ông để bụng ghi nhớ, đến khi về thuyền thì mới sao chép lại vào trong tập, tức ghi theo trí nhớ.

Về mặt nội dung, Kiến văn tiểu lục ghi chép lại sự thật khách quan và tôn trọng tính xác thực của đối tượng miêu tả. Sự thật khách quan được

biểu hiện trong tác phẩm qua những yếu tố sau: Thứ nhất, người trần thuật xưng “tôi” với tư cách là người chứng kiến, ghi chép, luận bàn hay một chủ thể nói thực sự. Trong tác phẩm, người trần thuật chính là nhân chứng mắt thấy, tai nghe những sự việc vừa diễn ra hoặc là người được trải nghiệm, tham dự vào các sự kiện đó. Vì vậy, trong tác phẩm, tác giả thường tô đậm hành trạng, lai lịch, thân thế người kể chuyện một cách chi tiết. Thứ hai, chuỗi các nhân vật, sự kiện, thời gian, địa điểm trong tác phẩm cụ thể và đơn nhất. Nhân vật trong Kiến văn tiểu lục thường được cụ thể hóa bằng các chi tiết về tên tuổi, quê quán, tiểu sử. Chẳng hạn như: “Mai Doãn Thường, người xã An Toàn, huyện La Sơn, tự đặt tên hiệu là Mai Hồ, đỗ Hương cống, từng giữ chức Tri phủ…” [43, tr.246] hay “Năm Tân Tị (1761) niên hiệu Cảnh Hưng, sứ thần Trung Quốc là Đức Bảo, Thị độc và Cố Nhữ Tu, Tự Khanh, sang nước ta phong sách. Lúc ấy tôi phụng mệnh đi sứ Trung Quốc trở về, cùng gặp nhau ở phủ Thái Bình, nhân hết năm, nên giữ lại khoản đãi hơn 10 ngày…” [43, tr.208]. Như vậy, đặc trưng của Kiến văn tiểu lục trùng với đặc trưng của thể ký là ghi chép lại sự thật khách quan, tôn trọng tối đa tính xác thực. Sự thật luôn là hạt nhân quan trọng cho cấu trúc của loại hình ký dù là ở phương pháp ghi chép nào.

Đặc trưng của ký là ghi chép sự thật nên nó có mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử. Do vậy chất sử trong ký cũng khá đậm nét. Kiến văn tiểu lục là một trong số những tác phẩm ký mang tính chất văn - sử - triết bất phân. Văn - sử - triết bất phân là hiện tượng đặc thù của văn học trung đại. Nó liên quan đến quy luật văn hóa, quan niệm văn chương ở thời trung đại. Nguyễn Đình Chú có viết:

Hiện tượng văn - sử - triết bất phân có liên quan mật thiết với quan niệm văn chương thời trung đại trong đó khái niệm văn vừa có nghĩa hẹp vừa có nghĩa rộng, nhưng nói chung là rộng. Hẹp là

trong trường hợp văn được đặt vào quan hệ đối xứng với chất để chỉ vào hình thức trong khi chất là thuộc nội dung: Văn chất bân bân (hình thức và nội dung đều hoàn mỹ). Rộng là trong trường hợp văn gần như đồng nhất với văn hoá, văn hiến, với học thuật nói chung. Chữ văn trong luận đề “Tiên học lễ, hậu học văn” có nghĩa rộng như thế. Ở thời trung đại, một khi quan niệm văn chương còn được mở rộng như thế thì có hiện tượng văn - sử - triết bất phân là chuyện dễ hiểu [8, tr.32].

Vấn đề này đã gây ra nhiều tranh cãi về tác phẩm mang giá trị sử học hay văn học và khó có thể phân biệt rạch ròi được. Về cơ bản, các sử gia chỉ chép lại những điều đã xảy ra chứ không phải sáng tác nhưng để lưu giữ được lịch sử, họ phải chạm đến nghệ thuật viết văn. Yếu tố sử được chọn lọc, tái hiện qua lăng kính cá nhân, mang dấu ấn kinh nghiệm và cảm xúc của nhà văn.

Có thể thấy, giá trị văn học trong Kiến văn tiểu lục thể hiện ngay ở những đoạn mô tả bối cảnh không gian, thời gian làm nền cho diễn biến sự việc. Đặc biệt, tác giả đã xây dựng chân dung nhân vật lịch sử bằng bút pháp của văn học. Nội dung của tác phẩm chủ yếu là các sự kiện lịch sử có liên quan đến đời sống cung đình được ghi chép lại theo nguyên tắc biên niên. Các nhân vật lịch sử thường là các bậc vua, quan triều đình, họ được kể lại qua sự tái hiện hành động, lời nói, quan hệ tương tác qua lại giữa họ. Dùng văn để chép sử nên thời gian trong Kiến văn tiểu lục có khi gắn liền với cuộc đời của cá nhân tác giả. Giá trị văn chương trong tập ký này còn thể hiện trong việc miêu tả ngoại hình, hành động nhân vật. Chỉ cần phác họa một vài hành động tiêu biểu đã làm nổi bật lên chân dung, nhân cách của nhân vật. Ngoài ra, giá trị văn học còn được thể hiện ở cái tôi người cầm bút, khi tác giả bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình trong tác phẩm. Chức năng sử học là phản ánh lịch sử

chính xác, cung cấp thông tin, sự kiện còn văn học thiên về chức năng thẩm mỹ, giáo dục. Thông qua những phần như “Châm cảnh”, “Tài phẩm”, “Tùng đàm”… ghi chép về những tấm gương trung quân ái quốc, triết ngôn nhằm khuyên răn, giáo dục người đời sau đã tạo chức năng giáo dục, thẩm mỹ cho tác phẩm.

Nhìn lại lịch sử phát triển của thể ký thời trung đại, tuy Kiến văn tiểu lục không phải là tác phẩm mở đầu cho loại hình ký nhưng đã góp phần tạo nên vị trí của thể ký trong nền văn xuôi trung đại Việt Nam. Với tác phẩm này, người đọc dễ dàng thấy được những giá trị phản ánh, điểm nhìn và nghệ thuật biên khảo của thể ký. Do đó, Kiến văn tiểu lục cũng có thể được xem là một tác phẩm ký nổi bật trong nền văn xuôi trung đại Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)