Giá trị của “Kiến văn tiểu lục” trong loại hình ký thời trung đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 38 - 43)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Giá trị của “Kiến văn tiểu lục” trong loại hình ký thời trung đại

Kiến văn tiểu lục là tác phẩm tiêu biểu cho lối ghi chép xác thực để nhằm làm tư liệu truyền lại cho đời sau. Tác phẩm thiên về ghi chép sự việc, sự kiện, hiện tượng diễn ra trong lịch sử dưới thời nhà Lý, Trần, Lê… Phạm vi biểu hiện đời sống của tác phẩm rất rộng lớn. Xuất phát từ mục đích ghi chép để ghi nhớ, làm tư liệu cá nhân, tác giả đã ra sức tìm tòi, nghiên cứu, phát hiện rồi ghi lại người thật, việc thật. Khi viết Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn trực tiếp tiếp cận, nghiên cứu cuộc sống. Ông đi nhiều đến mức gắn bó, hòa nhập, hiểu biết tỉ mỉ, chính xác những chi tiết về đối tượng cần phản ánh. Sự thật của cuộc sống như một bản sao chép vẫn còn nguyên vẹn tính xác thực trong tác phẩm. Nhờ sự sắp xếp của Lê Quý Đôn, các chi tiết đời sống không còn là các mảnh ghép tập hợp ngẫu nhiên nữa mà trở thành chỉnh thể nghệ thuật tiêu biểu của loại hình ký trong văn xuôi trung đại Việt Nam.

Xét từ phương diện lịch sử, Kiến văn tiểu lục đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong nội dung cho văn học trung đại thế kỷ XVIII - XIX. Theo học giả Trần Văn Giáp, trong cuốn Lược truyện các tác gia Việt Nam

giới thiệu tác phẩm Kiến văn tiểu lục gồm 9 mục với 12 quyển. Bản hiện có là sách chép tay của thư viện Khoa học Trung ương. Sách này đã có bản dịch ra tiếng Việt do Phạm Trọng Điềm biên dịch công phu (nhà xuất bản Sử học, xuất bản năm 1960). Từ bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Viện sử học xuất bản cuốn Kiến văn tiểu lục, khẳng định đây là một tác phẩm có giá trị về nhiều mặt. Sách bao gồm 12 phần (tức 12 quyển): Châm cảnh, Thể lệ thượng, Thể lệ hạ, Thiên chương, Tài phẩm, Phong vực thượng, Phong vực trung, Phong vực hạ, Thiền dật, Linh tích, Phương thuật, Tùng đàm. Nhưng hiện nay chỉ còn 8 phần, thiếu hẳn 4 phần là Thể lệ hạ, Phong vực trung, Phong vực hạ và Phương thuật. Với 8 quyển còn lại, các nhà nghiên cứu đều cho rằng ghi chép khá thống nhất, các phần nhỏ được sắp xếp theo trật tự như nhau, sự sai lệch trong từ ngữ không đáng kể. Ngoài bản của Nhà xuất bản Sử học, Kiến văn tiểu lục trở lại với “Tủ sách dịch thuật” của Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản năm 1963 do dịch giả Trúc Viên, Lê Mạnh Liêu chịu trách nhiệm. Năm 1965, một lần nữa Kiến văn tiểu lục được xuất bản từ Bộ Văn hóa Giáo dục do Đàm Duy Tạo phiên dịch. Năm 2007, Nhà xuất bản Giáo dục cho ra mắt bộ sách Lê Quý Đôn tuyển tập được biên dịch bởi Nguyễn Khắc Thuần. Trong đó, tập 4 và tập 5 giới thiệu cho bạn đọc bản dịch, hiệu đính, chú thích của tác phẩm Kiến văn tiểu lục. Đến năm 2013, Nhà xuất bản Trẻ kết hợp với Nhà xuất bản Hồng Bàng xuất bản bộ “Cảo thơm trước đèn” trong đó có Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm. Có thể thấy, các nhà nghiên cứu, các dịch giả xem Kiến văn tiểu lục như một kho tài liệu cổ rất quý giá cần được lưu truyền. Họ cũng cho độc giả thấy được bộ sách này có tầm vóc lớn, được biên soạn một cách công phu và nghiêm túc, phản ánh trình độ học vấn uyên bác của Lê Quý Đôn trên nhiều lĩnh vực phong phú khác nhau.

Theo Từ điển văn học (bộ mới), Kiến văn tiểu lục là bộ sách cuối cùng của Lê Quý Đôn. Đây là một tập bút ký bao gồm những câu chuyện nhỏ về

lịch sử, văn hóa, phong tục, văn chương, luật lệ và con người được Lê Quý Đôn ghi chép lại trong suốt quãng thời gian dài đi sứ, làm quan từ năm 1762 đến 1778 (mặc dù đề tựa là vào năm 1777). Phần “Châm cảnh” ghi chép về những câu triết ngôn và hành vi đạo đức, lối sống của một số nhân vật lịch sử Trung Quốc và Việt Nam nhằm khuyên răn, giáo dục người đương thời nên noi theo hoặc tránh các lỗi. Phần “Thể lệ thượng” ghi chép các lễ văn, chế độ như lễ nghi, âm nhạc, khoa cử, quan chức, bổng lộc… của các triều đại Lý, Trần, Lê. Phần “Thiên chương” ghi chép tên những nhân vật đã làm những bài bia, bài minh ở các chùa, quán ở thời Lý - Trần. Ngoài ra còn giới thiệu, phê bình một số thơ văn của cổ nhân trong phần này. Phần “Tài phẩm” ghi chép về tài ba, phẩm hạnh, tiết tháo, văn học… của một số nhân vật lịch sử như Lý Tử Cấu, Nguyễn Dữ, Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Phạm Công Trứ,… Phần “Phong vực” ghi chép về núi sông, thành quách, sản vật, thuế khóa, đường xá… ở các trấn Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang. Phần “Thiền dật” ghi chép về các nhà sư Việt Nam tu hành, ẩn đạt từ thời Bắc thuộc cho đến thời Hậu Lê. Bên cạnh đó cũng ghi chép lại một số bài thơ của các nhà sư như Thẩm Thuyên Kỳ, Dương Cự Nguyễn, Trương Tịch, sư Huyền Quang, sư Pháp Loa,…. Phần “Linh tích” ghi chép về các đền miếu thờ các thần như miếu thờ Quảng Lợi, đền thờ Chiêu Ứng, Nhân Huệ… và thêm 26 mẫu chuyện nhỏ khác liên quan đến phần này. Phần cuối cùng là “Tùng đàm”, ngoài việc đính chính lại một số câu đối, câu văn của người Trung Hoa còn có chép thêm mười bốn mẩu chuyện về các nhân vật thời nhà Trần, Lê.

Hầu như xuyên suốt tác phẩm đều là những câu chuyện, sự việc được Lê Quý Đôn ghi chép, sắp xếp, xâu chuỗi lại với nhau một cách hệ thống. Chính nhan đề Kiến văn tiểu lục đã toát lên tinh thần của loại hình ký - ghi chép những điều nhỏ mắt thấy, tai nghe. Chỉ với nhan đề, những mảnh ghép tri thức về bức tranh hiện thực của xã hội đương thời phần nào đã hiện lên

trong tâm trí người đọc. So với những tác phẩm văn xuôi khác, khi đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi thấy Kiến văn tiểu lục đã tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn bức tranh đời sống của vua quan, dân chúng. Đồng thời cung cấp những kiến thức văn hoá truyền thống về phong tục, địa lý, danh lam thắng cảnh hay những triết lý sống và một số tác phẩm thơ của các bậc cổ nhân được lưu truyền vào cuối thế kỷ XVIII. Lối ghi chép của Lê Quý Đôn rất chân thực, tự nhiên và khách quan, làm tăng độ tin cậy xác thực cho Kiến văn tiểu lục. Ngoài sự tỉ mỉ của mình, ông còn xen kẽ với những lời bình luận tuy ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc, chỉ rõ quan niệm, cách nhìn riêng của tác giả đối với vấn đề. Có thể khẳng định rằng, đây là tác phẩm ký tiêu biểu mang đậm chất văn hoá trong văn học trung đại Việt Nam.

Tiểu kết Chương 1

Lê Quý Đôn hiện lên với tư cách là một hiện tượng văn hoá của thế kỉ XVIII. Ông để lại những dấu ấn riêng của mình trên con đường sinh tồn, hoạn lộ và học thuật… Với sự nghiệp trước tác của mình, tác giả để lại cho hậu thế nhiều công trình biên soạn, khảo cứu có giá trị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: văn học, sử học, triết học… Đồng thời, những quan niệm, tư tưởng của ông trong những lĩnh vực ấy xứng đáng cho hậu thế học hỏi.

Nói đến thành công của Lê Quý Đôn, ta không thể bỏ qua những tác phẩm ký trung đại. Ký là một thể loại tự do, phản ánh hiện thực một cách sinh động nhất, đồng thời phát huy năng lực quan sát, sự hiểu biết của tác giả. Đây là lựa chọn hoàn hảo cho việc Lê Quý Đôn sử dụng để ghi chép các chủ đề văn hóa về lễ nghi, phong tục tập quán, nhân vật lịch sử, địa danh... Trong Kiến văn tiểu lục có sự hòa hợp giữa chất sử và chất văn (văn - sử bất phân) tạo ra sự hỗn dung về thể loại. Nó thể hiện sự chuyển biến về nhận thức của tác giả trong quá trình chọn lọc, tái hiện nội dung văn hóa qua lăng kính cá nhân, mang dấu ấn kinh nghiệm và cảm xúc của nhà văn. Tác phẩm không chỉ là

một cái tên tiêu biểu cho thể loại ký văn hoá của văn xuôi trung đại Việt Nam mà còn lưu giữ những tài liệu quý giá cả về sử liệu lẫn văn liệu và các lĩnh vực xã hội khác cho thế hệ sau.

Chương 2. ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ TRUNG ĐẠI TRONG “KIẾN VĂN TIỂU LỤC” CỦA LÊ QUÝ ĐÔN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)