Quan chế qua các triều đại thời phong kiến Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 62 - 68)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Quan chế qua các triều đại thời phong kiến Việt Nam

Ngoài việc quan tâm đến các chế độ thi tuyển, Lê Quý Đôn còn quan tâm đến sự sắp đặt quan chức và chế độ đãi ngộ, bổng lộc cho người có công, giữ chức vụ trong triều đình. Trong bất kỳ thời đại hay một chế độ nhà nước nào, những người phục vụ trong bộ máy nhà nước đều được chọn thông qua việc tuyển dụng, được sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nghiêm túc, đồng thời có đánh giá, khen thưởng, kỷ luật. Với phần “Xếp đặt quan chức” và “Chế độ bổng lộc” trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn sẽ cho ta thấy rõ điều đó.

Theo Lê Quý Đôn nhận định: “Bản triều xếp đặt quan chức, đại lược phỏng theo nhà Tống và dùng lẫn cả chế độ nước ta, thay đổi không nhất định” [43, tr. 124]. Ông dựa vào Nam sử mà trích lại rằng: “Lý Thái Tổ lên ngôi có bổ các chức: thái úy, tổng quản, xu mật sứ, thái bảo, thái phó, tả hữu kim ngô, tả hữu võ vệ, thiếu sư, ngự sử đại phu, đô thống thượng tướng quân, và viên ngoại lang” [43, tr. 124]. Ngay từ khi lên ngôi, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, Lý Thái Tổ đã có một tầm nhìn chiến lược, xây dựng một vương triều ổn định dài lâu. Đồng thời, dựa vào thiết chế của chế độ quân chủ tập quyền Trung Hoa để xây dựng chế độ. Đến đời Lý, vua Thái Tông dùng biện pháp kiểm tra nhân cách, “người nào nhiều tư cách thì được tuyển vào chính thức” [43, tr. 125], kỳ hạn khảo xét là 9 năm một lần. Có thể thấy, dưới triều nhà Lý không thấy Lê Quý Đôn nhắc đến phân cấp quan lại ở địa phương, có lẽ các cấp cơ sở chưa thực sự được quan tâm lúc bấy giờ.

Sang thời Trần, chế độ quan chức ngày càng được củng cố và kiện toàn hơn với sự tham chính của ngày càng nhiều tầng lớp quan liêu nho sĩ. Lê Quý Đôn xét Quốc sử, so sánh quan chức thời Trần Thái Tông phần nhiều theo triều nhà Lý:

Đặt Trung thư sảnh, có lệnh thị lang, đặt Thượng thư sảnh, có tả hữu bộc xạ, tả hữu gián nghị đại phu, lục bộ Thượng thư, tả ti, hữu ti lang trung; đặt Nội mật viện, có sứ phó, tri viện và đồng tri viện; đặt Hành khiển ti, có đại hành khiển, Thượng thư tả phụ và Thượng thư hữu bật. Những chức trên này đều là chức nhiệm then chốt… [43, tr. 126].

Nếu các quan lại ở thời Lý hầu như đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc thì các chức vụ quan trọng dưới thời nhà Trần đều giao cho tôn thất vương hầu nắm giữ (như thái sư, thái phó, thái bảo, thái úy…). Do đó, nhà Trần nắm khá chắc toàn bộ công việc chủ chốt trong triều. Lê Quý Đôn nhận xét: “Đại khái tên quan triều nhà Trần giống như chế độ nhà Tống” [43, tr.126]. Ngoài kinh kỳ là các lộ, phủ, huyện, châu và trấn. Mỗi nơi đều có các quan đứng đầu riêng: “lộ có chức thông phán, phủ có chức an phủ, châu huyện có chức chuyển vận và tuần sát, trấn có chức phiêu kỵ đại tướng quân” [43, tr.126]. Điều này thể hiện nhà nước đã thực sự quan tâm đến việc quản lý tại các địa phương. Dưới thời Trần Anh Tông, vì bị vua Trần Nhân Tông phê rằng đặt quá nhiều triều ban nên đã dè dặt về việc phong chức tước. Đến thời Trần Nghệ Tông vì cớ sự không thích dùng người trong tôn thất nắm việc trong nước mà để uy quyền lọt vào tay Hồ Quý Ly. Cớ sự ấy gây ra mối họa cướp ngôi trong lịch sử dân tộc. Nếu bỏ qua sự biến động ấy, ta có thể thấy quan chế nhà nước từ kinh kỳ cho đến địa phương nhà Trần đã khá hoàn chỉnh và chặt chẽ. Đây có thể xem là một bước phát triển trong lịch sử. Nó thể hiện bộ máy nhà nước đương thời không hề bị phụ thuộc hoàn toàn mà có sự thừa kế,

sáng tạo khi tiếp thu mô hình quan chức từ Trung Hoa.

Dưới thời Lê sơ, vấn đề xây dựng đội ngũ quan lại đã có nhiều chuyển biến. Mô hình quan chế xuất hiện quan trong và quan ngoài. Nhất là thời Lê Thái Tổ có đặt các chức: “Thái úy, thiếu úy, thiếu bảo, tư đồ, tư không, tư mã, bình chương sự, thượng tướng quân, tả hữu bộc xạ, lục bộ thượng thư, hàn lâm thừa chỉ, nhập nội hành khiển, xu mật đại xứ và thái giám…” [43, tr.127]. Khi đến Đông Đô thì chia các lộ, trấn làm 4 đạo nhưng sau đó thì chia trong nước thành 5 đạo. Nhìn chung đều “phỏng theo chế độ nhà Trần, cốt làm cho đơn vị to nhỏ giữ gìn lẫn nhau, cấp bậc trên dưới ràng buộc với nhau” [43, tr.128]. Đến thời Lê Nhân Tông vào năm Diên Ninh thứ 3 (1456) càng được quan tâm sâu sắc hơn nữa khi hạ chiếu chỉ khuyên răn. Ông nhấn mạnh về việc nhân thần từ các đại thần, quản quân các vệ, các quan hành khiển 5 đạo cho đến viên quan trong Ngự sử đài, Nội mật… phải làm hết chức trách của mình. Khoảng niên hiệu Thiệu Bình và Thái Hòa, các quan thần như Hà Lật, Đồng Hanh Phát, Nguyễn Vĩnh Tích… nghe theo lệnh của Cao Hoàng đế mà bàn luận công việc “trung thực, chính đáng, phong độ rất là đẹp đẽ, không những giúp vua tiến lên con đường đạo đức, mà đến bọn công thần, võ tướng cũng đều nể sợ không dám làm càn” [43, tr.132]. Có thể thấy, tại thời điểm này, tiêu chuẩn để chọn quan chức không còn là dòng dõi vương hầu nữa mà thay bằng tính hiền, tài của “nhân thần”. Tức phải biết tận trung với nước, giữ đức lập công và phải có năng lực thực hiện hiệu quả trọng trách được giao. Đến thời vua Lê Thánh Tông cũng có sự thay đổi, tiêu biểu là đặt ti Hiến sát ở các đạo bên ngoài, thực hiện “xét những sự gian tà của quan, hiểu rõ nỗi u ẩn của dân” [43, tr.131]. Đời vua Lê Hiến Tông cũng quan tâm đến việc ngục tụng hay các viên quan xét kiện có sự dung túng đều bị tố cáo, phơi bày. Vào năm Hồng Đức thứ 2 (1471) quan chế được định đại khái phỏng theo chế độ nhà Minh. Bấy giờ, việc sắp xếp quan chế được đánh giá là đầy đủ, mỗi chức

vụ đều mang ý nghĩa và có sự ràng buộc lẫn nhau. Sau khi nêu rõ chế độ và trách nhiệm của mỗi bậc quan, Lê Quý Đôn nhận xét:

Xét ra chế độ đặt quan ngày trước, phần nhiều tước trọng trật cao, chế độ đặt quan ngày nay đều là rút bớt bổng lộc, hạ thấp phẩm trật, chức quan có đặt nhiều hơn trước, mà chi bổng lộc so với trước vẫn ngang nhau. Như thế đã không có người ăn bám mà có người chịu trách nhiệm rõ ràng, làm cho chức lớn, chức nhỏ ràng buộc với nhau, việc nặng việc nhẹ gánh vác lẫn nhau [43, tr.134].

Phan Huy Chú cũng có cùng suy nghĩ ấy:

Việc định bổng lộc ở đời Hồng Đức có định quy chế phân biệt nhiều việc ít việc và sút bực, đại khái làm cho bổng bớt đi, trật thấp xuống, không để cho ăn hại, thế gọi là quan đặt ra nhiều hơn trước mà chi phí cấp bổng so với trước cũng như thế thôi. Nhưng đó chỉ là bổng cấp trong một năm, dẫu là ít ỏi, nhưng số cấp ruộng bãi và thực tiền về đầm thì lại là hậu lắm” [9, tr.195].

Từ đời Trần trở về trước, chức nào giữ việc gì thì không thể khảo cứu rõ được. Nhưng từ đời Lê về sau, mỗi đời có quy tắc đặt thêm, chức ty đều có sự phân biệt.

Về chế độ đãi ngộ, nếu thực hiện công minh sẽ giữ một vai trò rất lớn trong việc củng cố khối đồng tâm nhất trí của vua - tôi. Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục chế độ ban lộc cho trăm quan dưới triều nhà Lý, nhà Trần không thể khảo cứu được. Thời Lý, chỉ ở đời vua Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông mới biết đôi chút về việc ban bổng lộc. Đời Lý Thái Tông ban cho quần thần “từ ngũ phẩm trở lên được áo gấm, từ cửu phẩm trở lên được áo lụa, lại hạ chiếu, quản giáp, chủ đô và người thu thuế: phàm dân đinh nộp thuế công, ngoài mười phần được lấy riêng một phần làm bổng lộc,

gọi là hoành đầu” [43, tr. 151]. Còn vua Lý Thánh Tông thì cấp cho quan sĩ sư trong phủ đô hộ mỗi người hàng năm 50 quan tiền, 100 bó lúa và các thứ cá, muối; ngục lại mỗi người 20 quan tiền và 100 bó lúa để nuôi đức liêm khiết của họ. Nhà sử học Phan Huy Chú dẫn lời Ngô Ngọ Phong mà nhận xét rằng: “Thời Lý các quan trong ngoài đều không cấp bổng. Quan trong thì bất thần vua thưởng cho; quan ngoài thì giao cho dân một miền để đặt người thuộc viên thu thuế đất, hồ ao đánh vào dân cày, dân cá mà lấy lợi…” [9, tr.189]. Đến thời Trần, vua Trần Thái Tông mới định lệ cấp lương bổng cho các quan văn, võ trong ngoài và các quan ở cung điện, lăng miếu, chia tiền thuế, ban cấp theo thứ bậc. Sau đó, vua lại quy định thêm lương bổng cho các quan làm việc trong ngoài và ở túc vệ. Về lương bổng đời Trần, Phan Huy Chú cũng chỉ đoán định: “Lễ bổng lộc buổi đầu nhà Trần, cấp bực chưa tường, nói là theo thứ lớp ban cấp, quy chế cũng không khảo được. Có lẽ lấy ở thuế công, định làm lệ thường, cũng như ngụ lộc ở đời gần đây chăng?” [43, tr.191].

Từ thời vua Lê Thánh Tông trở đi, bổng lộc của quan lại được quy định theo chức tước, phẩm hàm và tùy theo khối lượng công việc, thực chất là áp dụng nguyên tắc trả lương theo việc làm và công trạng. Cụ thể như sau:

Về phần quan văn, bổng lộc phụ thuộc vào đỗ khoa trường cao hay thấp, cấp cho hộ suất tùy hành. Về phần quan võ thì dựa vào quản lĩnh binh lính ít hay nhiều để nhận bổng lộc, cấp cho dân xã chế lộc. Bên cạnh chế độ tiền lương, các triều đình phong kiến còn áp dụng chế độ “dưỡng liêm” (tức nuôi dưỡng liêm khiết) cấp cho những quan văn. Cụ thể vào năm Tân Dậu (1741) đổi cấp hộ suất tùy hành thành cấp cho ruộng dưỡng liêm, căn cứ vào phẩm trật cao hay thấp để cấp ruộng nhiều hay ít.

Về ngoại binh, dựa vào hạng ưu binh, nhất binh, thủy binh, thống binh mà việc chia bổng lộc khác nhau. Số bổng lộc được cấp căn cứ vào số binh

suất trong, ngoài nhiều hay ít để định số tiền cấp phát khác nhau. Về ngoại bộ binh gồm 6 doanh và 24 cơ tùy vị trí mà phân phát quan tiền, gạo khác nhau. Binh lính ở trấn Thanh Hoa và Nghệ An cũng nhiều ít khác nhau. Người nào cai quản thị hậu binh lại được chiểu theo số khẩu súng trong bản đội mà nhận tiền thuốc đạn; chiểu theo thể lệ canh giữ ban đêm mà cấp cho tiền dầu đèn. Năm Giáp Ngọ (1774), các viên quan quản lĩnh binh lính các dinh, cơ, đội, thuyền ở trong hay ngoài đều theo chế độ hàng năm được cấp cho tiền, gạo, thóc, tiền thuốc đạn và tiền dầu đèn có nhiều hay ít khác nhau. Năm Ất Hợi (1695), theo sổ của Binh phiên, có chia ngụ lộc của thuộc viên từ bộ binh, thủy binh phân thưởng khác nhau, ít nhất là 15 quan, nhiều nhất là 100 quan. Với bộ binh, thủy binh ở ngoài các trấn thì dựa vào lệnh bổ dụng. Lê Quý Đôn giải thích cho việc ấy: “Làm như thế là có ý ưu đãi thương yêu tướng súy; vì một mặt lấy người thực tài, để phòng bị việc điều khiển, một mặt lấy tiền mua bán để thay thế về tiền lương (mỗi lệnh bổ dụng có khi phải mua đến 80 quan)” [43, tr.163]. Các văn thần dự tham tụng, bồi tụng đến năm Ất Tỵ niên hiệu Cảnh Hưng mới hạ lệnh cấp dân xã để làm ngụ lộc, chênh nhau một xã, 100 quan. Riêng về sứ thần, các triều trước ban cấp thế nào cũng không khảo cứu được. Nhưng từ lúc trung hưng trở đi thì được cấp cho ngụ lộc dân. Tụng quan và nội quan từ lúc trung hưng trở đi lại không cấp cho bổng lộc, trừ Tư thiên giám.

Bên cạnh chế độ đãi ngộ bổng lộc, Lê Quý Đôn cũng khảo cứu thêm về lệ huệ dưỡng và ân điển tử tuất. Ở thời nhà Trần, lệ huệ dưỡng cho các quan về hưu đã có nhưng thể cách thì không rõ. Đến thời Lê sơ có định thêm hạn tuổi cho quan về hưu. Đến năm Bảo Thái (1720) mới định thể lệ huệ dưỡng. Về ân điển tử tuất ban cho các quan, dưới triều Hồng Đức dùng nhạc thái thường trong khi tế lễ, không thấy có cấp dân lộc. Từ lúc trung hưng trở về sau mới cấp cho tự sự dân.

Nhìn chung, chủ thể thiết lập hoặc ban hành các quy định về chế độ quan chức thời phong kiến chủ yếu do nhà vua ban hành. Các quy định về chế độ quan chức ấy thể hiện rõ diện mạo chính trị - xã hội ở từng thời kỳ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 62 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)