Bức tranh văn hóa, xã hội Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 43 - 48)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Bức tranh văn hóa, xã hội Việt Nam

Bức tranh văn hóa, xã hội thời Lý - Trần - Lê được thể hiện trong Kiến văn tiểu lục trước tiên ở đời sống của tầng lớp vua chúa, quan lại, các bậc danh nhân. Nếu ở Vũ trung tùy bút, ta thấy rõ sự suy đồi, hưởng lạc xa hoa, lộng hành, ngu dốt, tắc trách của giai cấp phong kiến thì với Kiến văn tiểu lục

bức tranh xã hội ấy lại không được chú trọng miêu tả. Tác phẩm tập trung khái quát về tập tục địa phương, các thể lệ, chế độ, cấp bậc triều đình, địa lý hành chính thời xưa… Ở triều Lý, Trần, đây là giai đoạn thịnh đạt của nền văn hóa Đại Việt. Như Lê Quý Đôn nhận định: “Nước Nam, hai triều đại nhà Lý, nhà Trần có tiếng là văn hiến” [43, tr.62]. Triều nhà Lý, triều nhà Trần, đời Hồng Đức đến lúc bắt đầu trung hưng và từ đời Cảnh Hưng trở về sau mỗi triều đại đều có mỗi chế độ khác nhau. Dù chế độ có khác nhưng bức tranh xã hội tùy theo thời nghi, hợp với trị đạo sẽ lại có điểm khác biệt.

Trong 8 phần của Kiến văn tiểu lục, mức độ ghi chép, tích lũy nội dung dài ngắn khác nhau. Có những phần ông chỉ viết dưới 10 câu, có phần ông viết khá dài, có lúc viết theo trí nhớ hoặc lời kể, có khi trích dẫn tịch thư hay các danh ngôn. Với mỗi phần, bức tranh văn hóa, xã hội Việt Nam một thời được hiện lên ít nhiều. Mỗi ghi chép về đời sống văn hóa, xã hội trở thành tư liệu quý giá cho hậu thế. Đó là các vấn đề xã hội, thể lệ, chế độ, bờ cõi, dấu tích linh thiêng, văn thơ, âm nhạc, các nhân vật văn hóa, danh nhân một thời… rất đáng được quan tâm, tìm hiểu và lưu truyền đến ngày nay.

Thứ nhất, phong tục của dân Đại Việt được điểm qua ở một số chi tiết trong tác phẩm. Dưới thời nhà Trần, quan chức sẽ đội khăn khác với vua

chúa. Về trang phục, người trong nước đều “mặc lụa thâm, áo hoa, quần mỏng, cổ áo tròn khâu bằng là” [43, tr.76] nhưng màu sắc giữa áo đàn ông và áo đàn bà có phần khác nhau: “…đàn bà cũng mặc áo thâm, nhưng màu trắng ở trong rộng hơn để viền vào cổ áo, rộng bốn tấc, họ cho thế là khác với đàn ông, các sắc xanh, hồng, vàng, tía, tuyệt nhiên không có” [43, tr.76]. Dân đều phải đi chân không, quan thì đi giày da, đến cung điện phải tháo ra.

Ngoài ra, thời Trần còn có tục về đầu tóc, trang sức. Đàn bà thì cắt tóc để lại ba tất ở trên đỉnh đầu, búi lại và cài bằng trâm. Tục búi tóc trên đỉnh đầu cũng được Phạm Đình Hổ khảo cứu. Ông ghi rõ: “Đời xưa thì búi tóc trên đỉnh đầu, lấy mũ bằng vải thâm đội lên cho chặt. Cho nên mũ biện thì nhọn đầu, mũ miện thì dài như cái ống, khăn đội thì làm trùng đài nổi cao lên, đều là làm cái chỗ để chứa búi tóc” [18, tr.72].

Về chất liệu trang sức ở thời nhà Trần, người giàu dùng vòng đồi mồi còn người thường chỉ dùng xương hoặc sừng. Lại còn có thêm vẽ mình hay xăm chữ vào bụng. Những tục ấy đến triều Lê đã có sự thay đổi. Về ngôn ngữ, “trong nước không có chính âm, chỉ có tiếng mà không có chữ” [43, tr.78], bấy giờ dùng chữ Trung Hoa để viết ra nên khó tránh khỏi sự sai khác.

Thứ hai, Kiến văn tiểu lục đề cập đến chế độ, trong đó có chế độ âm nhạc, xe cộ. Lê Quý Đôn nhận thấy sự thay đổi về chế độ này giữa các triều đại. Nhạc khúc triều nhà Trần thường gắn với các buổi dự yến ở điện. Có vai kép, vai đào, gồm 10 người, chơi các loại nhạc cụ như đàn tì bà, đàn tranh, đàn bầu… Hát thường hát những bài có “giọng than vãn thời thế rất là ai oán, nhưng câu hát tản mạn không thể hiểu được” [43, tr.79]. Ngoài múa hát còn có trò leo dây, múa rối. Về sau tục này không còn nữa. Ở triều đại Hồng Đức, vua hạ lệnh tạo quốc nhạc, tục nhạc và được xem là lễ nghi thông hành ở triều đình, thôn xã. Đến thời vua Lê Thái Tông năm Thiệu Bình (1438) tạo nhã nhạc với tám âm thanh, quyết định bãi bỏ trò hát chèo. Về chế độ xe cộ, trong

phần “Thể lệ thượng” có nhắc đến: “Thái Tông nhà Lý chế xe thái bình dùng loài kim trang sức bành voi và dùng voi kéo xe, Nhân Tông chế dây bạc để dẫn đường cho lỗ bộ. Triều nhà Trần có xe thái bình, dùng gỗ khắc 40 người tiên, mặc áo gấm, cầm cờ dẫn đường đi trước có cổ ý bách phượng và ỷ nhỏ” [43, tr.85]. Đến triều vua Lê Thái Tông, việc làm quy chế xe cộ giao cho Lương Đăng. Bấy giờ, các loại xe được thông qua gồm: “…về phần lỗ bộ có xe lớn, như loan lộ thì có đại lộ, tượng lộ (xe dùng voi kéo), mã lộ (xe dùng ngựa kéo), có xe cửu long, có bộ liến và phi liễn; về phần nghi trượng thì có dáo sắt, phủ việt, cờ quạt và lọng năm phương, đội ngũ ngựa kéo xe đều có số nhiều, số ít” [43, tr.85]. Có thể thấy, so với hai triều trước, xe cộ lúc bấy giờ được làm mới hơn, đa dạng hơn, được tách biệt rõ ràng về chức năng. Thời này, quy chế cả về nhã nhạc lẫn xe cộ đều được phỏng theo nhà Minh.

Thứ ba, trong Kiến văn tiểu lục bức tranh về tôn giáo Việt được miêu tả cụ thể. Lê Quý Đôn dành hẳn phần “Thiền dật” để ghi chép về đạo Phật, các nhà sư Việt Nam từ thời Bắc thuộc cho đến thời Hậu Lê. Từ đó, ta có thể gắn kết “mảnh ghép” này với bức tranh văn hóa, xã hội vốn có để làm chúng hoàn thiện hơn. Thời Lý - Trần tôn chuộng đạo Phật, được coi như một Quốc giáo. Hầu hết các vua nhà Lý và nhiều vua nhà Trần đều sùng Phật, sai dựng chùa tháp, tô tượng đúc chuông, dịch kinh Phật, soạn sách Phật…

Lúc Lý Thái Tổ mới lên làm vua, liền ban y phục cho tăng đạo, hai lần hạ lệnh độ dân làm thầy chùa. Sau khi đã dời kinh đô đến Thăng Long, bên tả dựng cung Thái Thanh, bên hữu dựng chùa Vạn Tuế, suốt đời nhà Lý, tăng đạo dầy dân gian, chùa quán khắp trong nước, tôn sùng Phật giáo, hơn cả các triều trước: nào là chép kinh

Tam Tạng, nào là khánh thành pháp hội, trong Sử không chép sao cho hết được [43, tr.454].

Phật và Nho, giữa giáo lý và thực tiễn đời sống. Có thể nói, tuy Lê Quý Đôn là một nhà Nho nhưng vẫn hết mực quan tâm đến Phật giáo. Ông dựa vào ghi chép của cổ nhân để lí giải Phật là như thế nào: “Phật: nghĩa là giác ngộ, giác ngộ hết thảy giống trí tuệ, giác ngộ cho mình, rồi lại giác ngộ cho mọi loài hữu tình nữa” [43, tr.434]. Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần phát triển với tinh thần tùy tục, tùy duyên, hòa quang đồng trần, cư trần lạc đạo, nhập thế hành đạo nên đã sản sinh ra những vị thiền sư luôn tận tụy hi sinh cho đất nước, dân tộc. Lê Quý Đôn đã biên khảo hàng loạt các nhà sư và tích của họ dưới triều Lý - Trần:

Câu thơ của sư Thuận làm cho sứ thần nhà Tống phải kinh phục văn từ; Vạn Hạnh biết được lời sấm thay đổi ngôi vua; hai vị sư Bảo Tính và Minh Tâm thiêu mình đều thành thất bảo; sư Đạo Hạnh biết phép tu luyện, trút lốt ở núi Phật Tích; sư Minh Không có đạo thuật chữa được ác tật của Lý Thần Tông; sư Pháp Loa và Huyền Quang tinh thông luật giới không hổ thẹn là đồ đệ pháp môn” [43, tr.454]. Tuy nhiên, đến cuối thời Trần, một số Nho sĩ đã nhiệt thành cổ vũ tuyên truyền cho mô hình Nho giáo và bài xích Phật giáo. Nhìn chung, với Phật giáo thời Lý - Trần không chỉ có vai trò đối với kinh tế, chính trị mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến đạo đức, văn hóa, giáo dục, lối sống, phong tục…

Thứ tư, bức tranh văn hóa, xã hội dưới triều Lý - Trần - Lê không thể thiếu vai trò của văn chương. Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học là mối quan hệ tương hỗ. Văn chương là tấm gương phản chiếu những đặc trưng văn hóa, xã hội một thời. Nước Việt dưới đời Trần xuất hiện nhiều tác gia kiệt xuất trong lĩnh vực văn học. Lê Quý Đôn đọc qua cuốn Trích diễm thi tập và cho rằng tập sách ấy có sự “chọn lọc thơ văn đĩnh đạc cao siêu của tiền bối về triều nhà Trần và hồi Lê sơ” [43, tr.240]. Ông còn nhận xét “lúc bấy giờ văn vận phồn thịnh, trứ tác phong phú” [43, tr.240]. Thời Lý - Trần, chính văn

học đã phản ánh những tư tưởng, tình cảm của con người thời đại. Nhìn chung, đó là những yếu tố tích cực, lạc quan của vương triều đang ở thế đi lên. Cơ sở tư tưởng của nó là Phật giáo và Nho giáo. Sách vở về đời nhà Lý, nhà Trần, phần nhiều chỉ thấy công việc nhà chùa là được lưu hành. Nhiều bài thơ phú, kệ, minh do các sư tăng trí thức viết, bàn về các khái niệm sắc - không, tử - sinh, đạo và đời… phản ánh sự minh triết và niềm lạc quan của cá nhân trong cuộc sống. Tư tưởng tích cực như thế đã ít nhiều tác động vào đời sống văn hóa, xã hội của thời đại. Như đã nói ở trên, thời nhà Lý là thời kỳ thịnh vượng của đạo Phật. Đạo Phật có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn học. Do đó, ở thời này phổ biến những bài thơ văn của đế vương và công khanh triều đình dành cho các vị thiền sư cũng là điều dễ hiểu. Những bài kệ, bài thơ ấy ca tụng công đức của các vị thiền sư. Chẳng hạn như Lý Nhân Tông có bài kệ “Tặng thiền sư Vạn Hạnh”:

Vạn Hạnh dung tam kế, Chân phù cổ sấm thi.

Hương quan danh Cổ Pháp,

Trụ tích trấn vương kỳ [43, tr.230].

Hay Đoàn Văn Khâm, Thượng thư bộ Công, có bài thơ “Tặng Không Lộ Quảng Trí thiền sư”:

Trụ tích nguy phong bãi lục trần, Mặc cư huyễn mộng vấn phù vân. Ân cần vô kế tham Trừng, Thập,

Sách bạn trâm anh tại lộ quần [43, tr.231].

So với các tác phẩm kinh điển của thể ký như Hoàng Lê nhất thống chí

của Ngô gia văn phái hay Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác thì Kiến văn tiểu lục không đồ sộ về khối lượng, không đi sâu vào những biến động lớn

của xã hội, của thời đại. Nhưng Kiến văn tiểu lục vẫn khắc họa được một bức tranh văn hóa, xã hội đặc sắc, điển hình dưới triều Lý - Trần - Lê. Phương diện này Lê Quý Đôn không tập trung viết riêng nhưng khi xâu chuỗi lại bức tranh đời sống xã hội vẫn thể hiện khá rõ nét. Với lối viết tùy hứng tự nhiên (ghi chép hoặc tự sự), tác giả vừa làm nổi bật được bức tranh đời sống văn hóa, xã hội đương thời vừa thể hiện sự thông tuệ của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)