Các nhân vật văn hoá nổi bật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 48 - 62)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Các nhân vật văn hoá nổi bật

Trong bức tranh văn hóa, một quốc gia văn hóa không chỉ có không gian - môi trường mà còn có yếu tố con người. Yếu tố con người đóng vai trò quan trọng, bao gồm những nhân vật trí thức, các vị anh hùng, danh nhân văn hóa trong lịch sử. Con người chính là sản phẩm của một môi trường văn hóa nhất định. Đất nước ta đã trải qua bao thăng trầm, các nhân vật lịch sử - văn hóa không chỉ đóng góp tâm huyết, sức lực cho quê hương mà còn góp phần vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hoàn cảnh, sự nghiệp dù có khác nhau nhưng họ đều là những gương mặt tiêu biểu cho một vùng đất, một triều đại. Trong Kiến văn tiểu lục các nhân vật có chức năng khái quát hiện thực cuộc sống của thời xa xưa. Qua ngòi bút của Lê Quý Đôn, các nhân vật lịch sử - văn hóa tiêu biểu được miêu thuật với vị trí trung tâm bằng những ngôn từ ưu ái, tôn trọng.

Trước hết đó là những con người tài năng, phẩm hạnh làm nên lịch sử, văn hóa nước nhà. Lê Quý Đôn dành hẳn phần “Tài phẩm” để viết về các nhân vật lừng lẫy trong lịch sử của dân tộc. Từ việc khảo sát, thống kê cho thấy, riêng phần “Tài phẩm” có ghi chép cụ thể gần 60 nhân vật lịch sử. Ngoài ra, một số ít nhân vật văn hóa còn xuất hiện trong các phần “Tùng đàm”, “Linh tích”... Những nhân vật này đều là những sĩ tử đỗ đạt, những người thuộc tầng lớp trí thức, quan lại… được khảo cứu qua hàng loạt các đoạn ghi chép nhỏ. Họ là những con người có thể làm nên niềm tự hào cho

lịch sử phát triển đất nước mà người thời nay chưa hẳn đã biết đủ. Mỗi cái tên nhân vật lịch sử được nhắc đến đều gắn với tài năng, phẩm hạnh khiến Lê Quý Đôn xem đó là tấm gương sáng trong sử sách.

Trước khi sắp xếp, liệt kê các nhân vật lịch sử, Lê Quý Đôn có dẫn thêm lời nói của một nhà lý học thời Tống Thần Tông để tỏ rõ điểm chung của những người làm chính sự, lập công lớn:

Bàn luận điều phải, điều trái trên đời có phần dễ, xử trí chính sự trên đời mới là khó. Muốn lập công việc cần phải thận trọng tâm tư, tâm tư không thận trọng thì sinh trễ biếng, không từ đâu để lập công việc được [43, tr.292].

Còn thêm việc căn cứ vào lời nói của bậc cao nhân họ Thẩm xưa để bày tỏ lòng xem trọng bậc tài năng, đức hạnh xưa kia:

Dùng người nên căn cứ vào học thuật, độ lượng, kiến thức, không nên chỉ dùng văn từ. Những sĩ tử có văn từ, nếu lại có đạo đức, phẩm hạnh, học thuật, do đấy mà trang sức văn chương thêm vào, thì cố nhiên là hạng người kiệt xuất, trên đời hiếm có, dầu họ không có văn hoa, mà kiến thức, độ lượng, tác vi có đức vọng khanh tướng, thì dùng người ấy đứng vào địa vị trọng đại, không quan ngại gì; còn như hạng người phù bạc trang sức bề ngoài, chỉ thích văn hoa, dầu có giỏi về từ hàn văn mặc, tất nhiên làm nát việc, không còn nghi ngờ gì nữa [43, tr.292].

Hầu hết các nhân vật làm nên lịch sử được Lê Quý Đôn tìm tòi, đọc được ở các cuốn sách của cổ nhân như Kiên biều tập, Tinh sà, Tục Thuyết phu, Minh sử, Hoàng Minh thông kỷ, Quốc sử... Bắt đầu với những nhân vật sĩ tử vốn ở nước ta nhưng được đưa sang nhà Hán, nhà Đường và được tiến thân nhờ văn học. Họ là những người thanh cao, trung hậu, mẫn cán, là bậc

cao sĩ như ông Trung Liệt Công, Trần Vũ, Nguyễn An, Lỗ Trọng Liên...Về phía nước ta, Lê Quý Đôn cũng liệt kê một cách rõ ràng nhất. Triều nhà Trần với 5 người: Chu An, Đặng Tảo, Trương Đỗ, Bùi Mộng Hoa, Trần Đình Thâm. Ứng với mỗi nhân vật, Lê Quý Đôn ghi chép rõ những hành động chính nghĩa, thanh liêm, phong độ của họ. Lê Quý Đôn còn đưa ra lời nhận xét: “...thật không phải người tầm thường có thể theo kịp được” [43, tr.299]. Và lí giải:

Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có chí khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn với đất [43, tr.299].

Sau thời Trần, phong độ của những sĩ phu như thế dường như không còn nghe thấy nữa. Lê Quý Đôn bàn luận về ba lần biến đổi phong độ của sĩ phu triều đại Tiền Lê. Thời Lê sơ có Nguyễn Thiên Tích, Bùi Cẩm Hồ với chí khí sáng suốt, lời nói quả cảm hay có Lý Tử Cấu, Nguyễn Thì Trung giữ tiết tháo trong trắng, không mơ tưởng đến giàu sang. Khoảng giữa niên hiệu Hồng Đức có phần thưa thớt những người có khí tiết khảng khái mà thay vào đó là các sĩ tử với “lối văn bóng bẩy, đục gọt” [43, tr.300]. Từ năm Đoan Khánh trở về sau, thói cầu cạnh ngày một thịnh, quan trong triều rụt rè, cẩu thả, khoe khoang ca tụng lẫn nhau, thật không xứng với bậc danh nho. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là quan điểm riêng của Lê Quý Đôn.

Giọng điệu chỉ trích thẳng thắn sự biến đổi phong độ sĩ phu là đòn bẩy để làm nổi bật lên những tấm gương cao phong, khí tiết của thời Trần. Lê Quý Đôn dựa vào Quốc sử mà ghi chép được những bậc sĩ phu cao thượng sau: Lý Tử Cấu kiên quyết từ chối giữ chức Thái tử hữu dụ đức sau khi Hồ Hán Thương cướp ngôi vua; ông Trần (trong Quốc sử chép sót tên) giữ chức phán quan, trong khi người khác “vin vây rồng, nâng cánh phượng” [43, tr. 302]

tranh công thăng thưởng thì ông cáo quan làm sư; Nguyễn Thì Trung người có văn học đức hạnh, tỏ ý “nhạt nhẽo không cầu hiển đạt làm quan” [43, tr. 303]; Nguyễn Dữ nổi tiếng là thông minh, văn phong thanh tao, cáo quan về quê dạy học trò, thề tránh xa chốn quan trường; Nguyễn Hàng được người đời phục là bậc cao thượng, từ chối làm quan mà trọng việc “ngao du nơi vườn ruộng, đọc sách bàn luận đạo nghĩa” [43, tr. 305]; Lê Chích được khen là người “lập chí kiên quyết, thấy được sự việc lúc mới phát sinh, tính toán cẩn thận, ứng biến mau chóng, công danh đầy biên quận, sự nghiệp đầy triều đình” [43, tr.307]. Lê Quý Đôn còn khảo cứu cả những nhân vật mà Quốc sử

đã bỏ sót như Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Danh Thế. Họ đều là người tài nghệ thao lược, giữ cả công việc tướng văn, tướng võ suốt 30 năm.

Lê Quý Đôn có cách biên chép cụ thể hóa nguồn gốc, lai lịch của các bậc cổ nhân để tỏ rõ tính chân thực của loại hình ký trung đại. Chẳng hạn như Lê Nại “…người xã Mộ Trạch, huyện Đường An, đỗ Trạng nguyên khoa Ất Sửu (1505) năm Đoan Khánh, làm quan đến Hữu Hộ” [43, tr.531]. Hay ở thời Trần cũng có nói đến các vị cổ nhân như ông Nguyễn Thì Trung “người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai dưới triều nhà Trần, ông tổ tên là Hữu, giữ chức Hàn lâm thị giảng kiêm Thẩm hình viện sứ, cha tên là Bính, giữ chức nho học Huấn đạo. Thì Trung là người có văn học, nối dõi được gia phong” [43, tr.303]. Còn có Bùi Hàm Châu được giới thiệu là “người thôn Trừng Khê, xã Cổ Lai, huyện Vũ Tiên, là người đĩnh ngộ trác lạc, lúc còn nhỏ, thường đề thơ ở cung Chiêu Thành, phủ Thiên Trường” [43, tr.315]. Ông được vua Trần Nhân Tông bổ dụng, làm quan đến trung thư Thẩm hình viện sự. Dưới đời Lê trung hưng nổi bật lên nhân vật Đặng Đình Tướng “…là con Yên quận công, tứ tính Trịnh Điềm, đã là con nhà thế gia được tập ấm, lại đỗ Tiến sĩ, phụng mệnh đi sứ Trung Quốc, trải làm quan Tả thị lang bộ Lại…” [43, tr.332].

quan tâm đến những nhân vật gắn với một số câu chuyện được lưu truyền trong dân gian. Đó là chuyện Trạng nguyên Lương Thế Vinh từ thuở bé đã có cơ mưu hơn người giúp cha mẹ xóa nợ. Hay chuyện Trạng nguyên Lê Nại có tiếng ăn nhiều, ăn tận mười tám bát cơm, mười hai bát riêu để đỗ đầu khoa bảng, danh tiếng lừng vang. Lại có tục truyền ông Vũ Huyên người làng Mộ Trạch giỏi nghề cờ tướng, dùng ô che mà dẫn đường cho vua thắng áp đảo viên sứ thần Trung Quốc. Lê Quý Đôn còn đối chiếu, nhận ra sự nhầm lẫn của một số tục truyền. Đấy là trường hợp của Dương Ức sáng dạ, có tài mẫn tiệp được Chân Tông nhà Tống khen ngợi có ghi chép trong sách Thuyết phu tùng thuyết nhưng lại nhầm với ông Nguyễn Đăng Cảo bản triều. Hay tục truyền Vũ Duệ ra vế đối đối lại Thành Tổ nhà Minh nhưng thực chất là do Giải Tấn đối và trong sách Thi liên hợp bích có ghi rõ. Nhưng cũng có sách Minh nho ký văn lại đem câu đối của Giải Tấn gán cho Trình Mẫn Chính. Còn có lời thưa về việc gặp Khuất Nguyên của Cao Thôi Ngôi chép trong sách Triều dã thiêm tái lại gán cho Hoàng Phan Xước trong Dậu dương tạp trở. Những thắc mắc, băn khoăn dù đúng hay sai, có tỏ rõ hay chưa thì vẫn được Lê Quý Đôn góp nhặt, chép lại vào tập. Nhìn chung, việc làm ấy cũng là để tác giả tìm kiếm, lưu giữ những “viên ngọc sáng” cho đời sau khắc ghi, trân quý và tự hào.

Ngoài những nhân vật lịch sử với hành trạng rõ ràng, Lê Quý Đôn còn ghi chép về các nhân vật với yếu tố kỳ ảo. Những nhân vật này được ghi chép dựa trên nền tảng văn hóa tín ngưỡng, tâm linh trong dân gian. Chẳng hạn như khi khảo cứu phần Chế độ khoa cử có xuất hiện nhân vật Phạm Tử Hư: “Năm Mậu Thìn niên hiệu Trinh Khánh đời Huệ Tông thi học sinh, chia làm tam giáp, có người được trúng tuyển tên là Phạm Tử Hư” [43, tr.86]. Đây là một nhân vật được Nguyễn Dữ miêu tả khá rõ về xuất thân trong Truyền kỳ mạn lục:

Trong sách Truyền kỳ du thiên tào lục có chép truyện ông Phạm Tử Hư. Ông vốn người làng Nghĩa Lư, huyện Cẩm Giàng, phủ Hạ Hồng; làng Nghĩa Lư, nay đổi là làng Nghĩa Phú. Người ta truyền rằng sau khi ông mất, tên thuỵ là Trung Trinh Đại Vương, nay vẫn thờ làm phúc thần ở ngoài bể. Nhưng trong sử sách không thấy chép đến, vậy nên ghi lại đây để xét sau” [18, tr.147].

Có ghi chép thêm Phạm Tử Hư là người đời nhà Trần, khác với việc ông thi học sinh vào triều Huệ Tông nhà Lý. Lê Quý Đôn cũng nhấn mạnh rõ những điều ấy là vay mượn, không thể tin được.

Ngoài ra, Lê Quý Đôn còn ghi chép những nhân vật có xuất thân rõ ràng nhưng cuộc đời và hành trạng lại có tính chất huyền ảo. Chẳng hạn nhân vật Lê Như Hổ, Hữu Nghiêm, trạng nguyên Vũ Duệ. Lê Như Hổ được tác giả miêu tả và kí thuật lại cuộc đời như sau:

Lê Như Hổ, người xã Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, là người khôi ngô vạm vỡ, thân cao 5 thước 5 tấc, vai rộng một thước một tấc, lữ lực hơn người, nhà nghèo mà chăm học. (…) Năm 30 tuổi nổi tiếng về văn chương, đi thi một khoa đỗ ngay Tiến sĩ [43, tr.532 - 533]. Chi tiết kỳ ảo được tác giả miêu tả là về sức ăn của Lê Như Hổ. Ông có thể ăn hơn cả 30 người ăn. Như Hổ ăn như hùm beo đến mức vợ của một người bạn cũng chẳng rõ “là người hay là ma quái”. Để làm sáng tỏ cho điều dị thường ấy, Lê Quý Đôn dựa vào lời trong sách Bác ký mà lí giải rằng: “ người trong bụng có con chuột bằng thịt, mỗi khi nuốt thức ăn vào bụng liền tiêu hóa hết ngay, cho nên ăn được nhiều như thế” [43, tr.534].

Theo tương truyền, Trạng nguyên Vũ Duệ, người xã Trình Xá huyện Sơn Vi lúc lên 4 tuổi bị bệnh đậu chết cứng nhưng gặp trận mưa to thì sống lại. Chuyện kì ảo như thế lại được lí giải “Có lẽ bệnh đậu quá nóng, gặp được

hơi mưa, nên giải được nọc độc” [43, tr.530]. Còn Hữu Nghiêm, một người nổi tiếng có tài bàn luận, sống phóng khoáng. Lúc phụng mệnh sứ sang Trung Quốc, ông gặp một người giỏi nghề suy tính đẩu số. Hai bên trò chuyện rồi ông được trao cho phong thư nói rõ ngày chết của ông và được lập miếu ở bến sông. Quả thực chuyện xảy ra như trong phong thư. Mặc dù là truyền kỳ hay kỳ ảo thì việc khắc họa các nhân vật trên đã góp phần xây dựng thế giới nhân vật văn hóa của đất Thăng Long kinh kì thêm phong phú, sinh động.

Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ và Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn đều cùng miêu thuật về các nhân vật văn hóa, lịch sử ở các thời kỳ trước. Nhưng với Phạm Đình Hổ, ông tỏ rõ thái độ phân minh, khen chê một cách công bằng. Ông không ngần ngại phê phán Đường Sĩ Hoạn nhờ uy lực của cha mà hiển đạt trong thiên Đường Sĩ Hoạn hay Nguyễn Doãn Mật chọn cái chết oan khuất trước miệng lưỡi người đời, sống không có bản lĩnh trong thiên Thác oan. Còn Lê Quý Đôn chỉ dừng lại ở việc ghi chép những nhân vật có sức ảnh hưởng với dân tộc, đề cao tài năng, những giá trị của họ làm giàu cho văn hóa dân tộc hơn là suy xét, phê phán.

Hơn nữa, Lê Quý Đôn chú trọng ở việc ghi chép tự do về những điều mắt thấy tai nghe nên những nhân vật lịch sử được ông đưa vào trong Kiến văn tiểu lục có cả những điều là sự thật nhưng cũng có những điều mang tính chất kỳ ảo. Chính điều đó đã làm nên sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn cho những thiên viết về nhân vật lịch sử trong Kiến văn tiểu lục.

2.2. Những thể lệ và chế độ dưới các triều đại phong kiến

2.2.1. Chế độ khoa cử và phép thi thời phong kiến Việt Nam

Khoa cử là một hình thức khảo thí tuyển chọn quan lại thông dụng nhất. Chế độ khoa cử được xem là một hình thức phá vỡ hoàn toàn sự lũng đoạn của quan hệ thừa kế truyền thống. Việc tổ chức khảo thí tuyển chọn nhân tài

chứng tỏ năng lực dùng người của chế độ đã tiến bộ, cải thiện hơn. Ở Trung Quốc, kỳ khảo thí bắt đầu từ triều Tùy. Năm thứ 2 niên hiệu Đại Nghiệp đời Tùy Dạng Đế bắt đầu dùng phép thi cử thay cho “chế độ cửu phẩm trung chính” áp dụng từ đời Ngụy Tấn về sau. Sang đời Tống, chế độ khoa cử ngày càng được tăng cường, gia tăng số người được lấy đỗ, nâng cao những đãi ngộ sau khi thi đỗ. Từ đây khoa cử trở thành vấn đề trọng tâm của chế độ giáo dục; có tác dụng tích cực trong việc đào tạo, giáo dục nhân tài và làm phong phú, hoàn thiện nền giáo dục và chính trị văn hóa Trung Quốc. Sự hình thành và phát triển chế độ khoa cử Trung Quốc đã có những ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đối với Việt Nam. Bắt đầu từ kì thi tuyển chọn nhân tài đầu tiên của Việt Nam - năm thứ 4 niên hiệu Thái Ninh đời Lý Nhân Tông (Khoa thi Minh kinh bác học). Khoa thi chọn kẻ sĩ diễn ra theo chế độ 3 năm thi một lần, nhằm tuyển chọn đề bạt người tài làm việc nội chính, ngoại giao. Từ khoa thi đầu tiên đến khoa thi cuối cùng – Khoa Mậu Ngọ (1919), chế độ khoa cử nước ta đã tồn tại gần 1000 năm với những ưu và nhược điểm, trở thành cách thức tuyển chọn nhân tài có thời gian kéo dài nhất.

Các giá trị kinh tế, chính trị ngày càng được đề cao nên khoa cử dần trở thành một trong những vấn đề quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hoá phong kiến. Trong khối tư liệu lịch sử, không ít người đã chấp bút ghi chép lại bức tranh đa diện của khoa cử Việt Nam trong các tác phẩm lớn như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 48 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)