Nghệ thuật kể, tả kết hợp với bình luận, so sánh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 80 - 86)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Nghệ thuật kể, tả kết hợp với bình luận, so sánh

Khi nghiên cứu về phương thức trần thuật, Phương Lựu nhận định: “Trần thuật là hành vi ngôn ngữ kể, thuật, miêu tả sự kiện, nhân vật theo một trình tự nhất định” [25, tr.19]. Trong Từ điển thuật ngữ văn học, các tác giả cũng đưa ra cách hiểu về khái niệm trần thuật tương đối thống nhất với cách hiểu trên: “Trần thuật là phương diện cơ bản của phương thức tự sự, là việc giới thiệu, khái quát thuyết minh miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của một người trần thuật nhất định” [16, tr.307]. Chức năng của trần thuật không chỉ là thuật lại, kể việc mà còn “bao hàm cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại tiểu sử nhân vật, lời bình luận, lời trữ tình ngoại đề, lời ghi chú của tác giả” [16, tr.307]. Có thể thấy vai trò của trần thuật trong việc thể hiện nội dung tác phẩm ký rất quan trọng.

Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn nổi bật với phương thức kể - tả. Đây là thủ pháp chính giúp ông thành công trong việc biên khảo văn hóa. Với nghệ thuật này, Lê Quý Đôn đã giúp người đọc hình dung rõ bức tranh văn hóa đa dạng của người Việt. Trong tác phẩm, phần “Phong vực” được Lê Quý Đôn sử dụng phương thức trần thuật này nhiều nhất. Chẳng hạn khi khảo tả về trấn Sơn Tây, Lê Quý Đôn miêu tả về núi Sài Sơn ở huyện Yên Sơn, ông viết:

(...) trên núi có chùa và các động tiên, trong động có chỗ lõm, dấu vết như trán người húc vào, lại có chỗ như dấu vết chân người to lớn, bên dưới có chùa Thiên Phúc, đằng trước là ao lớn, đằng sau là lầu treo chuông, có quả chuông do thầy chùa là Đạo Hạnh đúc vào năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 [43, tr.335].

Tương tự như vậy, khi biên khảo về dải sông Đà, trấn Hưng Hóa, Lê Quý Đôn lần lượt khảo tả từng châu: châu Phù Hoa, châu Mộc, châu Mai, châu Mai Sơn… Ông giảng giải cặn kẽ về đường đi, phong tục, thuế khóa và con người. Chẳng hạn như ở châu Phù Hoa có tục chỉ nuôi một người con trai hay tục nói bẩn để được yên lành. Ngoài ra, Lê Quý Đôn còn khảo tả về sông Thao, sông Chảy hay kể câu chuyện tâm linh (dân “ma cà rồng”) ở trấn Hưng Hóa này. Ở xứ Tuyên Quang, tác giả khảo cứu, khắc họa chân dung về 9 giống người ở đây. Trong đó, giống người Sá Ngoại được miêu tả: “đàn ông để tóc dài, mặc áo tay rộng màu chàm hoặc màu trắng; đàn bà mặc áo màu chàm hoặc màu thâm, không viền cổ, quần vắn, búi tóc nhọn” [43, tr.391].

Hay trong phần viết về lễ minh thệ, sau khi dựa vào sách Cương mục

truy nguồn gốc từ thời vua Trần Tuyên Đế, Lê Quý Đôn thuật lại quá trình biến đổi của tục này qua các đời vua nhà Lý, Trần đến vua Lê Thái Tông và từ trung hưng trở đi. Ông mô tả rõ trình tự diễn ra:

Sau khi đã đốt tờ chúc văn, viên quan giám thệ ở đàn chính giữa giết gà lấy tiết hòa với rượu, văn võ trăm quan và thuộc lại, quân dân đều tới bản đàn quỳ xuống mà thề, mỗi đàn thề đều có viên quan đứng làm giám sát. Khi thề xong, trăm quan về phủ đường lạy tạ, phụng mệnh truyền cho miễn lễ (…) Lễ nghi minh thệ hồi này, so với trước có phần tường tận hơn nhiều [43, tr.73 - 74]. Cũng với nghệ thuật kể, tả, Lê Hữu Trác cũng đã sử dụng để khắc họa lại chuyến đi vào phủ chúa Trịnh trong Thượng kinh ký sự. Điển hình nhất là khung cảnh trong phủ Chúa:

Tôi bèn sửa sang áo mũ chỉnh tề, lên cáng vào phủ. Tên đầy tớ chạy đàng trước dẹp đường. Cáng chạy như ngựa lồng, tôi bị xóc một mẻ, khổ không nói hết. Chúng tôi đi cửa sau vào phủ. Người truyền mệnh dẫn tôi đi qua mấy lần cửa nữa, theo đường bên trái mà

đi. Tôi ngẩng đầu lên: đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương. Những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp. Người giữ cửa truyền báo rộng ràng, người có việc quan qua lại như mắc cửi. Vệ sĩ canh giữ cửa cung, ai muốn ra vào phải có thẻ [41, tr.45].

Để trình bày những điều “mắt thấy tai nghe” một cách sinh động hơn, Lê Quý Đôn không chỉ khéo léo sử dụng lối trần thuật, kết hợp nhuần nhuyễn giữa kể, tả mà còn đan xen với bình luận và so sánh. Ở phần “Thể lệ thượng”, “Thiên chương”, “Tài phẩm”, “Tùng đàm” hay “Phong vực”… đều sử dụng các thủ pháp này để ghi chép lại. Về nghệ thuật kể, tả kết hợp với so sánh, trong phần “Thể lệ thượng”, hầu như Lê Quý Đôn đều so sánh giữa xưa và nay. Đơn cử như lễ nghi về ngày kỵ ở Thái miếu. Trước tiên, ông kể về tục ngày kỵ trong sách Kinh Lễ: “phàm người có đạo đức dạy bảo ở trong làng, khi mất, thì tế ở nhà Cổ tông; hương tiên sinh mất thì tế ở xã. Sau này người ta có đền thờ hương hiền là bắt đầu từ đây” [43, tr.69].

Sau khi nêu nguồn gốc, Lê Quý Đôn tiếp tục giảng giải về nghi thức ở thời nhà Lý:

Bản triều trọng người khoa trường, người đỗ Tiến sĩ cùng giám sinh, hiệu sinh đều liệt vào hạng tư văn, lúc những người này mất được thờ làm tiên hiền, không kể người ấy có hay không có đạo đức, công nghiệp. Hội tư văn hàng xã, hàng tổng, hàng huyện theo nhau thành lập, mùa xuân, mùa thu tế vào ngày đinh sau cùng. Còn những người do võ chức, nội ban, lại điển, quân ngũ và tạp lưu, dầu làm quan đến phẩm tước cao, hoặc danh giá trọng, công nghiệp to, cũng không được dự [43, tr.69].

Từ việc trần thuật về quy tắc tục ngày kỵ, tác giả bắt đầu đối chiếu, so sánh “đời cổ” - “ngày nay”:

Đời cổ có năm nơi thờ, thờ thần cổng dùng dê, thần bếp dùng gà, thần cửa dùng chó, thần giếng dùng lợn lớn, thần trung lựu dùng lợn nhỏ. Ngày nay chỉ có thần bếp và thần thổ công là trên dưới đều thờ. Trung lựu tức là thần thổ công [43, tr.69-70].

Việc ban phẩm vật trong ngày kỵ cũng được Lê Quý Đôn trần thuật, giải thích tường tận: “Kinh Lễ cho rằng, đấy là ban ơn huệ lớn đến người dưới, bởi vì người hèn ăn phẩm vật thừa của người sang, người dưới ăn phẩm vật thừa của người trên, phẩm vật ấy trước ban cho quần thần, tôn tộc, sau đến thợ bưng trống, người làm bếp, người giữ việc nhạc và người canh cửa” [43, tr.70]. Tiếp đến, ông so sánh việc ban phẩm vật của người xưa với thời nhà Lý đều giống nhau: “Việc ấy, trong lòng người đời cổ đời nay không bao giờ khác nhau. Thể lệ bản triều, sau khi tế lễ đã triệt cổ rồi, phụng mệnh ân ban thịt, cỗ, bánh nếp và tái bò cho quan lại, quân sỹ không ai là không được thấm nhuần ơn trạch ban cho” [43, tr.70]. Có thể thấy, việc kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa kể, tả và so sánh đã giúp nội dung biên khảo trở nên cuốn hút hơn đối với người đọc.

Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn còn sử dụng nghệ thuật kể, tả kết hợp với bình luận. Với nghệ thuật này, ông vừa tái hiện bức tranh đời sống văn hóa một thời vừa thể hiện suy nghĩ, quan niệm của cá nhân. Chẳng hạn, khi biên khảo về các bậc cổ nhân văn hóa, Lê Quý Đôn liệt kê, kể sơ lược về năm người tiêu biểu dưới đời Trần là Chu An, Đặng Tảo, Trương Đỗ, Bùi Mộng Hoa, Trần Đình Thâm. Sau đó, ông ghi lại sự ngưỡng mộ của mình bằng lời bình luận: “Đấy là những người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải người tầm thường có thể theo kịp được” [43, tr.299]. Hay trước khi liệt kê, kể - tả sơ lược về các sĩ phu tài đức như Lý Tử Cấu, Nguyễn Thì Trung, Nguyễn Dữ, tác giả đã bày tỏ cảm xúc qua lời bình luận: “Mở Quốc sử trong khoảng trên

dưới một trăm năm mà tìm lấy những người gọi là cao sĩ, chỉ thấy được bọn Lý Tử Cấu mấy người. Cao phong khí tiết lèo tèo ít ỏi như thế, đáng cảm khái biết là chừng nào!” [43, tr.301].

Lối biên khảo kết hợp kể, tả và bình luận không chỉ được Lê Quý Đôn sử dụng mà trong các tác phẩm ký nổi tiếng khác cũng ghi chép theo thủ pháp này. Điển hình như Phạm Đình Hổ với tác phẩm Vũ trung tùy bút. Trong tác phẩm, khi khảo sát về tục uống trà của người xưa trong phần “Cách uống chè”, tác giả đã nhắc đến hình ảnh văn hóa ẩm thực có từ xa xưa. Ban đầu, Phạm Đình Hổ dựa vào sách Kiên biều mà giới thiệu về lịch sử văn hóa uống trà có từ họ Lư, họ Lục. “Dòng chảy” văn hóa thưởng thức trà nối dài đến đời Tống, đời Minh, đời Thanh rồi giao lưu, hòa quyện với văn hóa người Việt: “Cái thói thị hiếu ở nước ta cũng hơi giống như người Tàu… Kẻ thì ưa thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ tên, mua cho được chè ngon, để bày khay chén ra nếm thử” [19, tr.48]. Bằng những lời tả, bình đầy chất trữ tình, tác giả cũng thể hiện cách uống trà của người Việt như một thú vui tao nhã, di dưỡng tâm hồn:

Nguyên cái thú vị của chè tàu chỉ trọng về cái tính nó sạch sẽ, cái hương nó thơm tho. Đương lúc buổi sáng gió mát, buổi chiều trăng trong, thong thả đem ra mà pha nếm để cùng với tửu trận thi thành cùng làm chủ khách, thì có thể tỉnh được u mộng, rửa được lòng tục. Ấy cổ nhân mà chuộng chè tàu là vì cái thú ấy [18, tr.49]. Phạm Đình Hổ không chỉ bình luận mà còn thể hiện sự uyên bác qua việc miêu tả tỉ mỉ cách uống trà. Đồng thời, ông bày tỏ quan điểm về cái tệ của thói học đòi nhã sĩ: “Song các nhà quyền môn phú hộ khi uống chè lại lười không muốn pha lấy, thường thường giao cho tiểu đồng đầy tớ pha phách, thì tất phải dùng đến siêu đồng để cho tiện và lâu vỡ, thì không phải bàn làm chi nữa” [18, tr.51].

ràng, kĩ lưỡng:

Đời xưa có những lễ tế tiên tổ, như là lễ tế Đế, tế Cáp, tế bốn mùa để hiến thời vật. Những lễ ấy, thì từ thiên tử cho đến kẻ thứ dân, cứ theo thứ tự giảm bớt dần, chứ không phải ai cũng được làm đủ các lễ. Còn như lễ ngày giỗ là lễ truy viễn cảm thời, phải nên hết lòng nhớ thương, chứ không được bày ra lễ hưởng tế [18, tr.224].

Ông nêu rõ nguồn gốc của việc tế lễ trong lịch sử văn hóa Trung Hoa bắt đầu vào khoảng năm Vĩnh Bình đời nhà Hán. Khi ấy Phật giáo mới truyền vào Trung Quốc, người theo đạo Phật cứ đến ngày giỗ phải đón sư về tụng kinh và đốt đồ minh khánh. Đến đời nhà Đường, nhà Tống cũng làm như thế. Từ nguồn gốc ấy, tác giả đối chiếu với bái lễ ở nước ta:

Tục nước ta, nhà nào đến ngày giỗ thì hết sức lo tính, thậm chí phải đi vay mượn về làm cỗ bàn để đãi khách, không còn có chút thương nhớ gì cả. Bởi vì càng xa đời xưa thì lại càng làm sai ý xưa đi nhiều lắm” [18, tr.225].

Sau khi kể về quá trình biến đổi của tục tế lễ, cuối thiên truyện, tác giả một lần nữa tỏ thái độ về việc thết khách ngày giỗ:

Ôi! Cái lễ đi lại thù đáp cũng không nên thiếu thật, nhưng nhân những lúc cưới vợ, đẻ con, thăng quan, tiến chức và những lễ tế thời thường tân, những lúc ấy đều có thể bày ra thết khách được, hà tất cứ phải câu nệ đến ngày giỗ mới bày ra thết khách? [18, tr.226]. Nhìn chung, việc biên khảo theo cách kết hợp kể, tả với so sánh, bình luận trong Kiến văn tiểu lục làm cho những trang ký trở nên chân thực và hấp dẫn. Hơn thế nữa, Lê Quý Đôn còn hướng ngòi bút của mình đến việc thể hiện nhận thức, quan niệm và tình cảm của mình đối với sự vật, sự việc được khảo tả. Không chỉ thể hiện trình độ hiểu biết mà còn là sự mạnh dạn bày tỏ ý

kiến, nhận thức của tác giả. Qua đó, người cầm bút đã định hướng cho sự cảm thụ của người đọc theo ý tình của mình.

Qua sự khảo cứu của Lê Quý Đôn, thế hệ sau sẽ có nguồn tri thức sâu rộng hơn về các phong tục, nghi lễ ở nước ta. Không chỉ khơi lại nguồn gốc mà còn khắc họa cả quá trình biến đổi theo dòng lịch sử. Sự đan cài giữa mạch kể - tả với những tư duy so sánh, bình luận ẩn chứa cảm xúc bên trong đã đem lại sức hấp dẫn cho tác phẩm ký.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 80 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)