Kiểu kết cấu thời gian

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 91 - 95)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2. Kiểu kết cấu thời gian

Bao giờ thời gian nghệ thuật trong thể ký cũng cụ thể, gắn với các sự kiện, con người được đề cập đến. Xuất phát từ điều đó, Lê Quý Đôn đã sử dụng kiểu kết cấu thời gian tuyến tính theo dòng chảy lịch sử. Đồng thời kết hợp với việc kể, tả, so sánh làm tăng tính chất rõ ràng, chuẩn xác, logic của loại hình ký. Người đọc có thể thấy rõ quá trình hình thành, phát triển cũng như sự biến đổi của một số vấn đề văn hóa được đề cập đến.

trong Kiến văn tiểu lục. Vốn dĩ văn hóa nước Việt ta đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền văn hóa Trung Hoa. Do đó, trong phần khảo cứu về lễ nghi, phong tục, Lê Quý Đôn thường truy nguồn gốc lịch sử từ các triều đại Trung Hoa, sau đó mới xét đến sự biến đổi ở nước ta là điều dễ hiểu. Lối viết ấy thể hiện sự logic từ thực tế đời sống đến những trang ký của tác giả. Lê Quý Đôn thường trích dẫn nguồn gốc từ sách cổ, có khi viết lại theo trí nhớ hoặc theo lời thuật lại của người khác. Chẳng hạn phần “Thiên chương”, mở đầu cho phần này, tác giả có trích dẫn lời nói của danh nho đời nhà Tống - Tô Tử Chiêm: “Thơ ông Đỗ, văn ông Hàn, chữ viết ông Nhan và sử ông Tả, đều là tập đại thành” [46, tr.189]. Qua việc trích dẫn thể hiện niềm ngưỡng mộ, sùng bái những bậc cổ nhân thơ giỏi, văn hay, chữ tốt ở đời nhà Đường của Lê Quý Đôn. Tiếp đến, tác giả biên khảo về sáu phép dùng chữ đối của người xưa: chính danh đối, đồng loại đối, liên châu đối, tá tự đối, tựu cú đối và bất đối chi đối. Từ đó, đối sánh với lối viết thể văn ngày nay: “Thể văn bây giờ, không dùng lối “tựu cụ đối”, một khi có ai dùng đến, liền có người chỉ trích là văn làm không đối” [43, tr.190].

Phần lễ nghi, Lê Quý Đôn nhắc đến lễ dưỡng lão đời Thành Chu đã châm chước lễ nghi từ 3 đời nhà Ngu, Hạ và Thương. Hình thức lễ nghi diễn ra với lễ yến, lễ hưởng và lễ ăn cơm đều có lệ riêng. Lễ nghi ấy theo thời gian đến triều Lê lại có sự thay đổi: “các lễ lớn như Nguyên đán, Khánh thọ, Đoan ngọ, Thánh tiết, bầy tôi vào chầu được ngồi, phụng mệnh ban cơm và rượu hải tửu, ngọc tửu, thế là có cả uống rượu và ăn cơm” [43, tr.71].

Phần “Tài phẩm” cũng được Lê Quý Đôn viết theo kết cấu thời gian lịch sử. Đây là phần Lê Quý Đôn tổng hợp các ghi chép về các nhân vật lịch sử tài ba, phẩm hạnh. Ban đầu tác giả dẫn ra hai bài thơ do Lưu Xương Ngôn và Chu Tử đời nhà Tống viết để thể hiện tài năng cũng như đức tính của cổ nhân. Sau đó, tác giả mới nêu hàng loạt các nhân vật văn hóa ở nước ta từ thời nhà

Lý đến nhà Lê.

Hay khi khảo cứu về việc ủy thác, trước khi nói đến việc chia lục bộ dưới đời Hồng Đức hay dùng chế độ viên quan Thượng thư thời trung hưng trở đi, tác giả đã giới thiệu về nhà Chu và nhà Minh, cụ thể như sau:

Nhà Chu đặt lục quan, chia nhau giữ lục điển, sau quyền bính về tay khanh sĩ, nhà Minh lúc bắt đầu đặt lục bộ chia nhau giữ công việc, sau quyền bính cũng về nội các. Đại để vua chúa dẫu thông minh tất cũng phải có người để ủy thác, lục khang ngôi thứ ngang nhau, không lẽ hết thảy đều dùng, mà chung quy có người thống lĩnh. Cho nên đời Hồng Đức dầu chia lục bộ, mà lại dùng viên quan kiêm đông các đại học sĩ làm người đứng đầu, trung hưng trở về sau, thì có chế độ dùng viên quan Thượng thư mà trong quan hàm có mang chữ “tham tụng” để giữ chức tể phụ [43, tr.135].

Về việc xây dinh thự cũng vậy, Lê Quý Đôn tra cứu dưới đời nhà Tống có sự việc Điền Tích xin dựng sảnh và tự riêng để cho các quan ở và được vua Tống Thái Tông khen ngợi. Từ đó, nước ta từ đời Hồng Đức đã có: “bộ, đài, tự và giám kinh sư, đều có công đường, từ lúc trung hưng, vì công việc nhiều, nên chưa kịp xây dựng, chỉ có công đường của Lễ bộ, Ngự sử đài và Tư lễ giám, còn các nha môn khác đều tùy tiện lấy nhà riêng của viên quan đứng đầu dùng làm nơi làm việc,…” [43, tr.185].

Nguồn gốc văn hóa được làm sáng tỏ bằng những căn cứ xác thực từ sách, vở của cổ nhân. Từ đó tạo nên cái nhìn thực tại “những điều vốn dĩ” một cách khách quan, không áp đặt. Đồng thời, việc truy nguồn gốc thể hiện học vấn uyên bác sâu rộng và ý thức trách nhiệm của một nhà nho phong kiến với mối quan hệ văn hóa trong và ngoài nước.

Từ lối khảo cứu theo trục thời gian lịch sử từ các triều đại Trung Hoa, tác giả tiến hành khảo nội dung văn hóa theo trình tự các triều đại ở Việt

Nam. Cụ thể là cách khảo sự biến cải mọi mặt trong đời sống của nhân dân theo thứ tự từ thời nhà Lý - Trần - Lê. Ta có thể xét ở những phần như “Thể lệ về lễ nghi”, “Xếp đặt quan chức”, “Chế độ bổng lộc”, “ “Thiên chương”, “Tài phẩm”… nhưng thể hiện rõ và cụ thể nhất là phần “Chế độ khoa cử”. Nếu ở

Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, thời gian có khi được tính bằng ngày thì ở Kiến văn tiểu lục có lối biên khảo theo kết cấu thời gian chỉ dừng ở mức được tính bằng năm. Trình tự khoa thi ở các triều đại được trình bày theo trình tự trước sau, tuyến tính bắt đầu từ thời nhà Lý với khoa thi đầu tiên ở nước ta năm 1075. Sau đó còn có 5 khoa thi nữa: khoa Bính Dần, Nhâm Thân, Ất Dậu, Ất Tỵ, Quý Sửu. Tiếp đến dưới thời nhà Trần, Lê Quý Đôn khảo cứu qua từng năm, từ năm Nhâm Thìn lần lượt đến năm Quý Dậu. Thời nhà Lê các khoa thi cũng được tổ chức lần lượt theo sự cho phép của vua.

Gắn với kiểu kết cấu thời gian, Lê Quý Đôn còn khảo cứu văn hóa theo trục thời gian lộ trình, đặc biệt là ở phần “Phong vực”. Ở đây, Lê Quý Đôn như một người dẫn đường cho người đọc đi qua các trấn Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang. Với mỗi nơi dừng chân, tác giả lại giới thiệu sơ lược đặc điểm về đường đi (rộng, bằng, hiểm trở) và nước ở nơi ấy lành hay độc. Ở trấn Hưng Hóa, lộ trình được chép lại dựa vào thời kỳ đại quân năm Mậu Tí (1768) đi đánh Mường Thanh. Lê Quý Đôn sử dụng từ “Lại qua”, “Lại đi”, “Đi lên”, “Đi qua”… lặp đi lặp lại để khắc họa mô hình 9 chặng đường đi để đến được Mường Thanh. Hay như ở trấn Tuyên Quang cũng có khảo tả lộ trình 40 ngày từ xã Thúc Thủy đến xứ khe Tham Thổ. Ngoài ra còn các lộ trình đi đường khác bằng đường thủy và mỗi địa phận đề cập đến đều được tác giả khảo tả thêm về khí hậu, dân cư, thuế khóa, sản vật như làm rõ thêm nét văn hóa ở những nơi chốn ấy. Ngoài giá trị về văn hóa, cách biên tả của Lê Quý Đôn cũng mang lại giá trị sử liệu trong việc khảo cứu về địa lý học. Tác giả vừa nêu rõ địa hình núi sông, thành quách vừa giới thiệu những sản

vật quý giá, một số phong tục, thuế khóa và hướng dẫn cụ thể cách đi đường của ba trấn Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang thời phong kiến.

Nhìn chung, với kết cấu tự sự, kết cấu thời gian trong tác phẩm, Lê Quý Đôn đã phản ánh đúng đặc trưng sự kiện, thời gian nghệ thuật của thể ký. Việc kết hợp hai kiểu kết cấu này đã giúp người đọc có thể dễ dàng tiếp cận, nhận diện được các nội dung, giá trị văn hóa của người Việt. Đồng thời, người đọc cũng có thể mở rộng tri thức, có sự so sánh logic trong các nội dung văn hóa theo sự kiện, thời gian lịch sử. Nhờ đó mà kiểu kết cấu tự sự đã mang lại giá trị văn hóa cho Kiến văn tiểu lục, khẳng định sức ảnh hưởng về văn - sử của tác phẩm cho nền văn xuôi trung đại Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 91 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)