Giọng điệu khách quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 95 - 99)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1. Giọng điệu khách quan

Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Ngôn từ không chỉ bao gồm các từ, mĩ từ mà câu văn còn phải có hồn. Cái hồn ấy được thể hiện thông qua giọng văn, giọng điệu có trong tác phẩm. Trong nghệ thuật tự sự, giọng điệu được xem là một yếu tố không thể thiếu:“Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật [16, tr.113].

Giọng điệu trong văn chương được coi là một phạm trù thẩm mỹ. Nó thể hiện thái độ tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ của tác giả, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền cảm cho người đọc và tạo nên phong cách của nhà văn. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, khái niệm giọng điệu được hiểu là: “Thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô tên gọi, dùng từ, sắc

điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm... [16, tr.112].

Giọng điệu là sợi dây có thể nối kết cảm xúc giữa người kể và người nghe. Chẳng hạn như trong Vũ trung tùy bút, để khảo tả cảnh khốn khổ, cơ cực của dân chúng trong cảnh loạn lạc, binh đao ông đã dùng giọng điệu trữ tình mang nỗi xót xa cho thời cuộc. Còn Lê Hữu Trác trong Thượng kinh ký sự cũng thể hiện nỗi lòng của mình khi từ chối công danh, hư vinh bằng giọng điệu giãi bày sâu sắc. Có thể thấy, tùy vào nội dung kể, tả cũng như dụng ý nghệ thuật, mỗi tác giả sẽ lựa chọn cho mình giọng điệu nghệ thuật khác nhau, miễn là phù hợp và có giá trị. Với Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn đã thể hiện giọng điệu chân thực, khách quan nhất để thể hiện cái thực trong lịch sử cũng như phong cách hành văn của mình. Giọng điệu khách quan luôn bám sát vào hiện thực, phản ánh trực tiếp những sự kiện, con người xung quanh đến mức gần giống với một nhà viết sử. Giọng điệu ấy gắn liền với lối diễn đạt và thể loại ký.

Giọng điệu khách quan là giọng điệu mà người kể, tả không bày tỏ thái độ, ở đó những từ ngữ sắc thái biểu cảm dường như bị triệt tiêu. Trong giai đoạn từ thế kỷ XVII trở về trước, giọng điệu khách quan chiếm vị trí chủ đạo trong tác phẩm ký trung đại. Lê Quý Đôn vẫn chưa thoát ra hẳn những câu văn chỉ mang tính chất thuật lại, thông báo đơn thuần. Cái tôi không xuất hiện, mà chỉ đơn giản là sự “sao chép” sự kiện, sự việc từ lịch sử vào văn chương. Vì thế, giọng điệu khách quan chiếm vị trí chủ đạo trong Kiến văn tiểu lục.

Tác phẩm đã miêu tả một cách chân thực hiện thực văn hoá cụ thể, đậm chất đời thường. Vì thế, giọng điệu của Lê Quý Đôn trong tác phẩm hầu như bình thản, tính chủ quan rất ít, cảm xúc, thái độ cũng ít được bày tỏ. Tác giả chỉ đang đóng vai trò là một người quan sát, lắng nghe và kể lại. Như cách nhà văn ghi chép lại các thể lệ, lễ nghi, phong tục được diễn ra từ đời nhà này

sang đời nhà khác. Có những nội dung tác giả không chèn vào lời nhận xét, bình luận hay đánh giá nào. Đấy là cách mà Lê Quý Đôn thuật lại việc tổ chức thi lại Hương cống vào năm Bảo Thái, Cảnh Hưng bởi lí do:

Trước đây, Hương cống chưa bao giờ phải thi lại, khoa Bính Ngọ năm Bảo Thái thứ 7 (1726) Nguyễn Công Đài, Bạo quận công có tờ khải tố cáo là khoa này lấy đỗ phần nhiều nhũng lạm, nên triều đình hạ lệnh bắt thi lại ở bến sông bằng một bài văn sách, chỉ đánh hỏng 17 người kém quá (…); khoa Đinh Mão (1747) năm Cảnh Hưng, vì dị nghị của sĩ tử sôi nổi, nên lại hạ lệnh thi lại, đánh hỏng hơn 10 người, (…). Vì sự khảo hạch không tinh tường, nên viên đề điệu và giám thí ở trường thi và các xứ bị biếm chức hoặc bị phạt [43, tr.110 - 111].

Về việc phê phán sự suy đồi trong thi cử, nhân cách con người, trong trung tùy bút, Phạm Đình Hổ tỏ ra gay gắt với suy nghĩ “những kẻ chỉ học lỏm được mấy câu mồm mép nào có liên quan mật thiết gì đến tu, tề, trị, bình thế mà đã ngang nhiên tự đắc” [19, tr.41] hay kết luận rằng: “kẻ đỗ đạt làm quan thiên lệch thì nhiều, chính trực thì ít” [43, tr.196]. Còn ở đây, Lê Quý Đôn không thể hiện cảm xúc, không lên tiếng phê phán mà chỉ kể - tả đơn thuần để người đọc tự cảm nhận và đánh giá.

Với thủ pháp xuất hiện xuyên suốt tác phẩm là trần thuật (kể - tả), Lê Quý Đôn cũng sử dụng để biên khảo về đạo Phật ở nước ta trong phần “Thiền dật”. Trong phần này, tác giả tổng hợp, biên khảo lại những bài thơ, vịnh, kệ hay những ghi chép liên quan đến tư tưởng Phật giáo của các nhà sư. Bên cạnh đó, ông còn kể đến những giai đoạn đạo Phật trở thành tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của vua quan, dân chúng:

Đinh Tiên Hoàng lúc mới bình định được cả nước, liền xếp đặt phẩm cấp tăng và đạo, (…). Sau đó, Lê Đại Hành kế tiếp, cũng rất

tôn trọng tăng đạo. Khi có sứ thần nhà Tống sang nước ta, nhà vua sai pháp sư tên là Thuận đi đón và sai Ngô Chân Lưu đặt từ khúc để tiễn hành. Lúc Lý Thái Tổ mới lên làm vua, liền ban y phục cho tăng đạo, hai lần hạ lệnh độ dân làm thầy chùa. (…), suốt đời nhà Lý, tăng đạo đầy dân gian, chùa quán khắp trong nước, tôn sùng Phật giáo hơn cả các triều trước… [43, tr.453].

Sau đó lại trích dẫn kĩ càng, cụ thể những hành động chứng minh vai trò của các vị cao tăng trong xã hội bấy giờ:

Câu thơ của sư Thuận làm cho sứ thần nhà Tông phải kính phục, văn từ của Chân Lưu vang tiếng trong một thời; Vạn Hạnh biết được lời sấm thay đổi ngôi vua; hai vị sư Bảo Tính và Minh Tâm thiêu mình đều thành thất bảo; sư Đạo Hạnh biết phép tu luyện, trút lốt ở núi Phật Tích, sư Minh Không có đạo thuật chữa được ác tật của Lý Thần Tông; sư Pháp Loa và Huyền Quang tinh thông luật giới không hổ thẹn là đồ đệ pháp môn” [43, tr.454].

Với giọng điệu khách quan, ông không đưa ra những lời ca ngợi hay tỏ lòng với Phật giáo mà chỉ thuật lại nhân cách, tài năng của các vị đại sư. Dường như tác giả mong muốn người đọc có thể cảm thấu được văn hóa Phật giáo, xứng đáng được giác ngộ và noi theo trong xã hội ngày càng nhiều sự biến thiên. Và cũng nhấn mạnh: “Những dị nhân nghe rộng thấy xa như thế, thì trên từ vua chúa dưới đến dân gian, làm gì mà không tín ngưỡng một cách sâu sắc?” [43, tr.454].

Nhìn chung, trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn không chỉ thể hiện nội dung văn hóa bằng cái nhìn quan sát mà còn bằng giọng điệu của người trong cuộc. Tác giả đã diễn đạt nội dung bằng giọng văn trần thuật khách quan, trung thực càng thêm rõ ràng, minh bạch làm tăng độ tin tưởng của độc giả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến văn tiểu lục của lê quý đôn – từ góc nhìn văn hóa (Trang 95 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)