7. Cấu trúc của luận văn
2.3.1 Các lễ nghi liên quan đến đời người
Tìm hiểu văn hóa dưới góc độ khảo cứu sinh hoạt, lễ nghi, phong tục, tập quán là cách thức mô tả hiện thực một cách gián tiếp. Lê Quý Đôn đã khảo cứu, biên tả những sinh hoạt, lễ nghi truyền thống bằng cả tâm huyết của mình. Những chi tiết mà tác giả tìm hiểu, khảo tả nhìn chung đều khá cụ thể, kết hợp với những đối chiếu, so sánh sát với thực tế.
Trong lời tựa “Lễ nghi chí” của cuốn Lịch triều hiến chương loại chí có nhận định: “Nước Việt ta dựng nước văn minh, thấm nhuần phong hóa Trung Hoa, mỗi đời nổi lên, đều có lễ nghi, chất [phác] văn [hoa] bớt hay thêm, trước sau cùng so sánh, trong đó độ số nghi tiết hoặc có khác nhau, xa cách hàng nghìn năm, biên chép thiếu sót, nên phải tra cứu rõ ràng mà đính chính lại” [9, tr.280]. Để định nghĩa về lễ nghi, trong cuốn Từ điển tiếng Việt có nêu: “Lễ nghi là các nghi thức của một cuộc lễ và các trật tự tiến hành” [31, tr.541]. Trong Vũ trung tùy bút, khi bàn về việc lễ, Phạm Đình Hổ cũng đã dẫn lời Chu Hy đời Tống:
Lễ là tiết văn của lẽ trời, phép tắc của việc người. Phàm những điều nhân luân áp dụng hàng ngày đều có phép tắc, đấng thánh nhân mới theo thứ tự mà bày ra quy tắc; chẳng một lễ nghi gì không hợp với lẽ trời, chứ ông thánh không phải cố ý bày đặt ra phiền văn để cho người ta khó hiểu đâu [18, tr.68].
Trong một xã hội vận hành theo nguyên tắc, chữ Lễ đóng vai trò quan trọng bởi lễ nghi tượng trưng cho uy nghi của bậc cổ nhân:
Trong đạo trị nước, lễ là cần hơn cả. Lễ để nhận rõ việc hiềm nghi soi sáng chỗ vi ẩn, chia ra người trên kẻ dưới, tỏ rõ vật nọ phẩm kia. Lễ nghi ba trăm điều, uy nghi ba nghìn điều, chỗ nào cũng ngụ tinh thần của cổ nhân ở đó [9, tr.280].
Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn khảo sát khá nhiều loại lễ nghi trong đời sống xã hội. Khi viết về một lễ nghi nào đó, tác giả đều có ý thức khảo cứu từ gốc gác cho đến sự chuyển đổi, phát triển và tồn tại của từng loại. Tức ông khảo cứu dựa trên mối quan hệ cổ - kim (xưa - nay). Ý thức ấy thể hiện rõ trong việc liên hệ trực tiếp với Trung Hoa - một quốc gia láng giềng có ảnh hưởng lớn đến văn hóa Việt Nam. Từ văn hóa Trung Quốc, Lê Quý Đôn đối chiếu, xác thực những nghi lễ, tiết lễ truyền thống liên quan đến văn hóa Đại Việt. Trong số lễ nghi đồ sộ của dân tộc ta, các nghi lễ liên quan đến đời người được xem là môi trường khá bền vững để bảo lưu vốn văn hóa truyền thống. Bởi trong những tập tục của các nghi lễ ấy chứa đựng mọi yếu tố của bản sắc dân tộc: từ không gian đến thời gian, từ cá nhân đến cộng đồng. Đặc biệt nó còn hướng đến đời sống tâm linh, tâm hồn tình cảm của con người. Những nghi lễ liên quan đến đời người được Kiến văn tiểu lục nhắc đến là tiết sinh nhật, lễ dưỡng lão và tục ngày kỵ. Ba đại lễ này như sợi dây vô hình xâu chuỗi, vừa gắn kết, vừa trói buộc giữa cá nhân với cộng đồng, giữa thế giới những người đang sống với thế giới những người đã khuất.
Về tiết sinh nhật, theo khảo cứu của Lê Quý Đôn gốc gác của tiết này bắt đầu từ đời Minh Hoàng nhà Đường. Mỗi khi gặp tiết này đều được nghỉ ngơi và nhận lễ chầu mừng. Từ đời Mục Tông nhà Đường trở về sau cũng theo đấy mà cử hành lễ. Đến nước ta, dưới triều nhà Lý và nhà Trần đều xem tiết sinh nhật như một “lễ triều hội lớn”. Ngô Sĩ Liên từng nói: “Sinh nhật là một lễ mừng lớn, bầy tôi chúc vua, vua ban yến cho bầy tôi, vua tôi hòa hợp để
thông tình trên dưới” [9, tr.392]. Có thể thấy, trong cung đình hàng năm có lễ sinh nhật của nhà vua được gọi chung là lễ Thánh thọ. Đối với lễ Diên thọ ở phủ chúa thì lễ Thánh thọ phải cử hành trước hai ngày. Trước khi làm lễ mừng thọ phải làm lễ Bảo thần. Lễ ấy được cử hành ở Thái miếu vào mỗi năm đầu mùa xuân để cầu thần giáng phúc cho. Năm Quang Thuận thứ 8 (1467) dùng ngày 16 tháng giêng để làm lễ mừng thọ tại điện Cần Chính. Cho đến thời kỳ trung hưng trở đi lại chọn ngày 27 tháng giêng và ở điện Vạn Thọ để cử hành lễ. Không gian và trình tự diễn ra được Lê Quý Đôn trình bày như sau:
… trước ngày hành lễ, dựng đình bằng lá ở chợ huyện, đặt giường ngự, đến ngày làm lễ, vệ binh cầm cờ quạt, nghi trượng, âm nhạc và khiêng hương án, viên quan giữ nghi lễ khánh hạ bưng cây thiên tuế từ trong nội điện ra đến đình, đặt lên trên giường, che quạt vả để hộ vệ, thầy cúng quỳ ở trước hương án khấn khứa cầu đảo, gieo quẻ xin âm dương, quẻ gieo được tốt thì hoan hô, quạt vả mở ra, trăm quan đều mặc triều phục chia ra từng ban đứng ở giữa đường, hướng vào hương án mà lạy, lạy xong trở ra đi trước dẫn đường, viên quan giữ lễ khánh hạ lại bưng cây thiên tuế đi trước hương án, nghi trượng theo sau, vào đến giữa điện trước giường ngự, đi vòng quanh chín lần, xong rồi, kính đặt cây trước xa giá, thị vệ bưng cây yên trí vào trong trướng [43, tr.74].
Sau khi nghi lễ cử hành xong thì trăm quan lạy mừng vua, chia thành hai ban ngồi chầu và bắt đầu tiệc yến tửu. Viên quan giữ nghi lễ lần lượt “xướng tên từng người, dùng gáo rót rượu đầy chén, đặt lên trên kỷ” [43, tr.75] và được thưởng riêng 5 quan tiền. Các quan còn lại chia làm hai ban, khi viên quan giữ nghi lễ xướng tên thì mỗi bên một quan tiến vào, quỳ đối diện nhau. Khi uống rượu, các quan “bưng chén rượu giơ lên ngang trán rồi mới uống,
uống xong úp chén lên kỷ, cúi đầu bước ra, lại cùng nhau vào lạy tạ rồi lui ra” [43, tr.75].
Cũng gắn với vận mệnh, vòng đời của con người, Lê Quý Đôn còn chú ý đến lễ dưỡng lão của đời Thành Chu mà biên khảo thêm. Lễ dưỡng lão thời xưa được cử hành theo trình tự: lễ yến, lễ hưởng và lễ ăn cơm. Với mỗi lễ là một quy tắc riêng nhưng đều phải cử hành trong cùng một ngày. Khi cử hành lễ yến “bày thức ăn vào mâm, làm lễ dâng một tuần rượu, rồi ngồi mà uống rượu cho đến say” [43, tr.71]. Sau đó cử hành lễ hưởng bằng việc “mổ đôi con sinh ra để dâng lên mà không ăn, rượu đầy chén mà không uống, những người dự lễ chỉ theo thứ tự trên dưới làm lễ nâng chén, hết lượt thì thôi” [43, tr.71]. Đến lễ ăn cơm thì “không uống rượu, có cơm có thức ăn, ăn theo nghi lễ” [43, tr.71]. Ta có thể thấy rõ đời cổ rạch ròi giữa việc uống và ăn trong lễ dưỡng lão. Còn bản triều ngày nay dù là các ngày lễ lớn như Nguyên đán, Khánh thọ, Đoan ngọ, Thánh tiết đều được ban cả uống rượu và ăn cơm. Mặc dù có nguồn gốc từ đời nhà Chu (Trung Quốc) nhưng có thể thấy lễ dưỡng lão dù ở đời nào đều giữ giá trị ý nghĩa của riêng nó.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam có từ lâu đời và là nét đẹp trong văn hóa tâm linh. Vì thế, nói về nghi lễ có liên quan đến đời người không thể không kể đến lễ nghi về ngày kỵ. Theo Lê Quý Đôn, các tiết lễ nghi về ngày kỵ từ lúc phụng thỉnh nghinh thần cho đến lúc phụng thỉnh hoàn cung hoàn toàn theo ghi chép trong Hội điển. Khảo cứu từ Kinh Lễ, người khi mất chia thành 2 nơi: người có đạo đức dạy bảo trong làng thì tế ở nhà Cổ tông, còn hương tiên sinh mất thì tế ở xã. Còn trong bản triều thì phân định như sau:
Người đỗ Tiến sĩ cùng giám sinh, hiệu sinh đều liệt vào hạng tư văn, lúc những người này mất được thờ làm tiên hiền, không kể người ấy có hay không có đạo đức, công nghiệp… Còn những người
do võ chức, nội ban, lại điển, quân ngũ và tạp lưu, dầu làm quan đến phẩm tước cao, hoặc danh giá trọng, công nghiệp to, cũng không được dự [43, tr.69].
Về việc thờ, Lê Quý Đôn so sánh giữa đời cổ và ngày nay. Đời cổ có năm nơi thờ: thờ thần cổng, thần bếp, thần cửa, thần giếng và thần trung lựu. Nhưng ngày nay chỉ còn lại hai nơi thờ: thờ thần bếp và thần thổ công. Về việc tế, sau khi tế xong, các phẩm vật còn thừa lại cũng được đem đi ban phát. Lê Quý Đôn dựa vào Kinh Lễ mà giải thích rằng: “Đấy là ban ơn huệ lớn đến người dưới, bởi vì người hèn ăn phẩm vật thừa của người sang, người dưới ăn phẩm vật thừa của người trên” [43, tr.70]. Cũng nói thêm, phẩm vật ấy được lấy ban cho mọi người từ quần thần, tôn tộc cho đến thợ bưng trống, người làm bếp, người giữ việc nhạc và người canh cửa. Còn thể lệ bản triều khi triệt cỗ, những phẩm vật như thịt, cỗ, bánh nếp và tái bò cũng được đem đi ban cho. Có thể thấy, trong ngày kỵ dù là xưa hay nay đều giống nhau ở việc “không ai là không được thấm nhuần ơn trạch ban cho” [43, tr.70].
Tương tự vậy, trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ cũng có nhắc đến lễ ngày kỵ. Ông viết:
Còn như lễ ngày giỗ là lễ truy viễn cảm thời, nên phải hết lòng nhớ thương, chứ không được bày ra lễ hưởng tế. Sách Lễ Ký bảo rằng: người quân tử không chỉ thương xót một sớm, mà có tang đến suốt đời. Ý muốn chỉ ngày giỗ vậy [18, tr.224].
Ở đây, cách nhìn nhận và đánh giá của Phạm Đình Hổ thiên về câu chuyện hiếu đạo của con người, hành động của bậc quân tử, kẻ sĩ hơn. Còn Lê Quý Đôn lại có ý thức khảo tả kỹ lưỡng lễ nghi của tiền nhân. Dường như cả hai tác phẩm như có sự kết hợp, bổ sung cho nhau để làm hoàn thiện lễ nghi ngày kỵ. Nhìn chung, cả Lê Quý Đôn và Phạm Đình Hổ, cả người xưa lẫn người nay đều thấy việc thực hiện nghi lễ là cốt ở lòng thành, không chỉ là sự truy niệm mà còn là
lòng hiếu đạo, hiếu kính phải được thực hiện trọn đời.
Xét trong Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, cách ghi chép của ông về thể thức ngày kỵ, tiết sinh nhật có phần rõ ràng hơn cách biên khảo của Lê Quý Đôn. Lễ kỵ nhật trong gia tộc tầng lớp dưới được tác giả ghi chép với hai ngày là cúng tiên thường hôm trước và hôm sau làm ngày chính kỵ. Ông nêu rõ:
Trong khi giỗ, dẫu làm lớn nhỏ thế nào mặc lòng, nhưng làm sao tất cũng phải có một bát cơm úp vào một quả trứng luộc làm đầu. Cỗ bàn thì tùy nhà giàu, nghèo mà xử phong kiệm khác nhau. Nhiều nhà mời bà con khách khứa. Bà con khách khứa người thì mang chè, cau, rượu, người thì đem vàng hương đến lễ giỗ, rồi mới uống rượu [3, tr.39].
Riêng về tiết sinh nhật của tầng lớp dưới, không phải ai cũng được tổ chức ngày lễ này. Phan Kế Bính có viết: “Tục ta không mấy người ăn mừng sinh nhật, nhưng nhà đại gia cũng có ăn mừng. Ngày sinh nhật, con cái làm lễ, tế cha mẹ, rồi làm cỗ làm bàn, khoản đãi khách khứa như tệ mừng thọ” [3, tr.26]. Lễ mừng thọ của người bình dân cũng được tổ chức khi cha mẹ sống đến bảy, tám mươi tuổi, gọi là lễ thượng thọ. Thể thức cũng diễn ra theo trình tự làm lễ bái tạ, dâng rượu và tổ chức ăn mừng. Trước hết, họ thực hiện lễ bái tạ ở đình để tạ ơn thánh thần đã phù hộ cho cha mẹ sống lâu. Khi làm lễ cha hoặc mẹ sẽ “ăn mặc lịch sự ngồi ghế chính gian giữa cho con cái tế tự lễ bái. Con cháu mỗi người dâng chén rượu mừng thọ, hoặc là dâng quả đào, gọi là bàn đào chúc thọ” [3, tr.26]. Sau lễ bái, thường thì vua, chúa sẽ ban tiền thưởng cho người dâng rượu nhưng với người bình dân lại không thấy nhắc tới. Kết thúc lễ bái là lúc “mời làng nước khách khứa, có nhà ăn hai ba ngày, có nhà ăn đến năm bảy ngày” [3, tr.26]. So với lễ của vua chúa được tổ chức như đại lễ hằng năm thì với tầng lớp dưới ý nghĩa của tiết sinh nhật hay lễ
mừng thọ đều được xem là dịp để tỏ lòng yêu kính với bề trên. Nhìn chung, với các lễ nghi liên quan đến vòng đời con người nói trên, Lê Quý Đôn chỉ khảo cứu trong phạm vi là tầng lớp trên của xã hội mà chưa nhắc đến tầng lớp dưới. Thể thức của một buổi lễ trong cung so với người bình dân long trọng, kĩ lưỡng hơn rất nhiều. Gói gọn trong bối cảnh gia đình, gia tộc nên hình thức lễ không cầu kì như với vua quan trong triều nhưng cơ bản vẫn giữ được sự tôn nghiêm, ý nghĩa của các tiết lễ.
Từ việc dụng công khảo cứu những vấn đề văn hóa liên quan đến tiết sinh nhật, lễ dưỡng lão và lễ ngày kỵ, Lê Quý Đôn đã giúp người đọc hình dung được những nét văn hóa tồn tại thời bấy giờ. Có thể nói, từ cái nhìn so sánh, đối chiếu giữa đời cổ và ngày nay, tác giả giúp các thế hệ người Việt hiểu đúng hơn, thực hiện theo những điều mà tiền nhân đã định. Sự khảo cứu và ghi chép đầy đủ của Lê Quý Đôn chính là điều góp phần giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa dân tộc Việt qua các giai đoạn lịch sử.