b. Ý nghĩa thực tiễn
3.3.3. Tình hình xây dựng và bố trí đất tái định cư của một số dự án trên địa bàn
Nhằm đánh giá đầy đủ tình hình bố trí đất tái định cư trên địa bàn huyện Long Thành, đề tài đã lựa chọn và điều tra thông tin của 3 khu tái định cư đã hoàn thành và bàn giao đất tái định cư, mỗi khu có đặc điểm, hình thái đầu tư riêng, đại diện cho đặc điểm của từng khu vực. Đối tượng và số lượng điều tra gồm:
- Cán bộ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư: tổng số phiếu đã điều tra là 9 phiếu, gồm: 5 trường hợp cán bộ thuộc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Long Thành và 4 trường hợp cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính (thực hiện công tác thẩm định phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư).
- Hộ dân thuộc diện bố trí đất tái định cư trong các dự án, tổng số phiếu đã điều tra là 140 phiếu, gồm: Khu tái định cư Liên Kim Sơn điều tra 30 hộ; Khu tái định cư tại xã Long An điều tra 80 hộ và Khu tái định cư Phước Bình điều tra 30 hộ.
Hình thức điều tra: phỏng vấn trực tiếp các đối tượng điều tra thông qua các mẫu phiếu điều tra đã chuẩn bị trước (Phụ lục 01).
Kết quả tổng hợp, đánh giá như sau:
3.3.3.1. Khu Tái định cư Liên Kim Sơn
Khu tái định cư Liên Kim Sơn được xây dựng hoàn thành năm 2008, với quy mô diện tích là 2,5 ha, tại thị trấn Long Thành, khả năng dung nạp của khu tái định cư là 103 hộ (tương được với 103 lô tái định cư), đã bố trí cho 66 hộ dân TĐC, còn lại 37 hộ chưa bố trí.
Mục đích đầu tư xây dựng khu tái định cư Liên Kim Sơn để bố trí TĐC cho các hộ dân bị thu hồi đất trên địa bàn thị trấn Long Thành. Vị trí khu TĐC Liên Kim Sơn cách QL51 khoảng 1km, liền kề với khu vực dân cư hiện hữu trên địa bàn thị trấn Long Thành và khu vực dân cư xã An Phước; công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, không có các công trình công cộng tiện ích (trường học, bệnh xá,…) kèm theo.
Tuy nhiên, do vị trí của khu dân cư gần với khu vực trung tâm thị trấn Long Thành và xã An Phước, nên có thể sử dụng các công trình hạ tầng xã hội chung trong khu vực, đảm bảo môi trường sống thuận lợi cho người dân trong khu tái định cư. Mặc dù nằm gần khu trung tâm, nhưng đường giao thông kết nối vào khu dân cư chưa được xây dựng, dẫn đến việc đi lại và kết nối với bên ngoài gặp khó khăn (sử dụng đường giao thông tạm hoặc các đường dân sinh nhỏ hẹp). Để đảm bảo sự kết nối chung với hạ tầng của khu vực thì việc đầu tư hạ tầng nằm ngoài khu tái định cư là rất cần thiết, nhưng cần có thời gian và phụ thuộc vào nguồn kinh phí xây dựng cơ bản hàng năm
Mật độ xây dựng nhà ở trong khu TĐC Liên Kim Sơn mới đạt khoảng trên 40%, do trong khu dân cư vẫn còn 37 lô chưa bố trí TĐC, một số hộ dân được bố trí đất TĐC nhưng chưa xây dựng nhà ở. Một số hình ảnh khu TĐC Liên Kim Sơn (xem hình 3.2, 3.3).
Hình 3.2: Hình ảnh thực tế khu tái định cư Liên Kim Sơn
Với vị trí và quy mô của khu tái định cư Liên Kim Sơn có thể thấy, đây là một khu dân cư nhỏ, lẻ nằm xen kẽ trong tổng thể khu dân cư của thị trấn Long Thành và khu dân cư xã An Phước. Hình thức bố trí “xen ghép” nêu trên rất phù hợp để bố trí tái định cư cho các dự án có quy mô nhỏ và tại chỗ, phù hợp trong quá trình xây dựng chỉnh trang đô thị và các khu dân cư hiện hữu. Với hình thức tái định cư này, mặc dù người dân bị thu hồi đất phải di chuyển đến nơi ở mới, nhưng vẫn nằm trong khu vực dân cư cũ với các đặc điểm sinh hoạt và các mối quan hệ xã hội hầu như không thay đổi. Với các đối tượng có nghề nghiệp không phải là kinh doanh buôn bán tại nơi ở cũ (người dân sinh sống ở mặt tiền đường thường kết hợp kinh doanh ngay trên mảnh đất ở) không phải đổi nghề nghiệp sau khi đến nơi ở mới.
3.3.3.2. Khu Tái định cư Long An
Khu tái định cư Long An được xây dựng hoàn thành năm 2008, với quy mô diện tích là 27,4 ha, tại xã Long An huyện Long Thành; khả năng dung nạp của khu tái định cư là 420 hộ (tương được với 420 lô tái định cư). Đã bố trí có 397 hộ dân tái định cư, tương đương với 397 lô đất tái định cư, còn 23 lô chưa bố trí.
Mục đích đầu tư xây dựng khu dân cư tái định cư Long An để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất thuộc dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Vị trí khu tái định cư nằm cách QL51 khoảng 500m, liền kề với các khu dân cư hiện hữu của địa phương; các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng trong khu tái định cư này được xây dựng đầy đủ, như: trường mẫu giáo, trường Trung học cơ sở, Trung tâm văn hóa, sân bóng mini, công viên cây xanh,… hạ tầng kỹ thuật được xây dựng trang trang, hiện đại (toàn bộ hệ thống điện, thông tin đều được xây dựng ngầm).
Có thể nói đây là một khu dân cư hiện đại và kiểu mẫu, nên thực tế đã có nhiều hộ dân đến sinh sống trong khu TĐC này (có khoảng 60% hộ dân đã xây dựng ngà ở). Một số hình ảnh tại khu TĐC Long An (xem hình 3.4; 3.5; 3.6; 3.7; 3.8):
Hình 3.5: Quy hoạch chi tiết Khu TĐC Long An
Hình 3.7: Trường mầm non và trường THCS trong khu TĐC Long An
Hình 3.8: Nhà văn hóa, Trung tâm thể dục thể thao trong khu TĐC Long An
So với khu tái định cư Liên Kim Sơn, khu tái định cư Long An có quy mô khá lớn (27,4 ha), được xây dựng với đầy đủ các tiện ích đảm bảo cho các điều kiện sống cho một đơn vị ở độc lập. Bên cạnh đó, vị trí khu tái định cư nằm gần với khu vực trung tâm xã và khu vực trung tâm huyện Long Thành, gần các khu công nghiệp, nên có điều kiện thuận lợi để tiếp cận với các công việc mới (trường hợp phải chuyển đổi nghề nghiệp). Vì vậy, tạo được sức thu hút người dân đến sinh sống trong khu tái định cư (có khoảng 60% các lô đất tái định cư được xây dựng nhà ở).
3.3.3.3. Khu Tái định cư Phước Bình
Khu tái định cư Phước Bình có quy mô diện tích là 15 ha tại ấp 6, xã Phước Bình, số hộ dân được bố trí tái định cư khoảng 250 hộ, quy mô diện tích mỗi lô tái định cư khoảng 200m2. Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang và hoàn thành vào năm 2005.
Mục đích xây dựng khu dân cư để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất khi xây dựng công trình thủy lợi hồ Cầu Mới. Với quy mô và hình thức phân lô nêu trên, khu TĐC chỉ bố trí đất ở tái định cư, không có quỹ đất nông nghiệp để bố trí sản xuất cho người bị thu hồi đất nông nghiệp. Kết quả, trong tổng số 250 lô đất tái định cư đã giải quyết cho 228 suất tái định cư, tương đương với 228 hộ dân, còn lại 22 lô chưa bố trí.
Do đặc điểm của khu tái định cư Phước Bình là nằm cách xa các khu dân cư hiện hữu trên địa bàn xã, không bố trí xây dựng các công trình công cộng tiện ích kèm theo (như trường học, bệnh xá, chợ,…). Vì vậy, mặc dù cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu TĐC được xây dựng hoàn chỉnh, đồng thời đã giao đất tái định cư cho các hộ dân thuộc diện bố trí tái định cư, nhưng đã qua nhiều năm vẫn không có hộ dân nào đến xây dựng nhà ở.
Ngoài nguyên nhân khu TĐC thiếu các công trình hạ tầng xã hội nêu trên, còn do có nguyên nhân do khu tái định cư bố trí cách xa nơi ở cũ, trong khi người dân địa phương vẫn muốn được ở gần họ hàng, gần nơi sản xuất tại nơi ở cũ. Bên cạnh đó, khoảng cách từ khu TĐC đến các khu công nghiệp trên địa bàn huyện còn khá xa, nên khả năng tìm kiếm việc làm để chuyển đổi ngành nghề gặp khó khăn.
Hiện tại, toàn bộ diện tích đất trong khu tái định cư đều đang bỏ hoang, một số diện tích được người dân địa phương tân dụng để trồng mỳ, đường giao thông được sử dụng để làm sân phơi nông sản các loại (xem hình 3.9, 3.10, 3.11 và 3.12).
Hình 3.10: Hình ảnh khu TĐC Phước Bình nhìn từ vệ tinh (chưa có dân cư)
Hình 3.11: Đường giao thông trong khu TĐC Phước Bình
Hình 3.12: Diện tích đất trong khu TĐC Phước Bình chưa được sử dụng (người dân địa phương tân dụng để canh tác)
Do mục đích của khu tái định cư Phước Bình để bố trí tái định cư cho số hộ dân bị thu hồi đất thuộc vùng long hồ Cầu Mới, nên hầu hết người dân thuộc diện bố trí tái định cư nơi đây đều bị mất đất sản xuất nông nghiệp - tư liệu sản xuất gắn liền với đời sống của nhiều thế hệ trong gia đình; trong khi quỹ đất bố trí tái định cư không có khả năng bố trí đất phục vụ sản xuất nông nghiệp (bồi thường bằng đất nông nghiệp), nên không phù hợp với nhu cầu của người dân thuộc diện bố trí tái định cư. Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp thực hiện theo chính sách chung trên địa bàn, nhưng vị trí nơi ở không thuận lợi để người dân chuyển đổi nghề nghiệp (nằm xa các khu công nghiệp). Vì vậy, người dân phải tự tạo lập công việc bằng cách quay về gần nơi ở cũ để mua đất nông nghiệp phục vụ nhu cầu sống như trước đây.
Có thể thấy, việc xây dựng khu tái định cư Phước Bình là chưa phù hợp với nhu cầu của người dân; trước khi xây dựng không tiến hành điều tra xã hội để xác định nhu cầu đích thực của người dân bị thu hồi đất, trong khi tại khu tái định cư không đủ quy mô để xác lập một đơn vị ở mới với đầy đủ các điều kiện sống (các công trình tiện ích xã hội như: trường học, chợ, khu vui chơi,...) để đảm bảo tốt hơn so với nơi ở cũ. Việc bố trí diện tích đất ở để đảm bảo nhu cầu ở là cần thiết, nhưng chưa đủ so với nhu cầu.