3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
1.6.3. Quá trình đáp ứng miễn dịch đặc hiệu
Đây là một quá trình rất phức tạp nhưng tuân theo một quy luật chặt chẽ. Kết quả tốt hay xấu, mạnh hay yếu, nhanh chóng hay bền vững đều phụ thuộc rất lớn vào kháng nguyên kích thích, sức đề kháng của cơ thể và điều kiện ngoại cảnh. Quá trình này gồm 3 giai đoạn chính: nhận diện, cảm ứng và hiệu ứng (Đinh Thị Bích Lân, 2007).
Giai đoạn nhận diện kháng nguyên: Giai đoạn đầu của đáp ứng miễn dịch là làm biến đổi một kháng nguyên có cấu trúc phức tạp thành ra những peptid nhỏ để các tế bào có thẩm quyền miễn dịch có thể nhận biết được. Chỉ có một số kháng nguyên là chất đa đường hay protein có cấu trúc lặp đi lặp lại nhiều lần (kháng nguyên không phụ thuộc tuyến ức) có khả năng được nhận diện trực tiếp bỡi tế bào lympho B, các loại kháng nguyên khác đều được xử lý và trình diện bỡi các tế bào trình diện kháng nguyên (antigen presenting cell – APC) và được nhận biết bỡi tế bào lympho T nhờ những cơ quan cảm thụ có sẵn trên mặt các tế bào ấy trong khuôn cảnh của các phân tử phức hợp hòa hợp mô chính (maijor histocompatibility complex – MHC).
Giai đoạn cảm ứng gồm hoạt hóa, tương tác và ghi nhớ: Kháng nguyên sau khi bị xử lý thành các mảnh peptid nhỏ (epitop) thì được APC trình diện cho tế bào lympho T tại các hạch. Nếu phản ứng đầu của đáp ứng miễn dịch (hoạt hóa) có tính chất đặc hiệu với kháng nguyên thì khi tế bào được hoạt hóa tiết ra cytokine để tác động lên tế bào khác tính chất đáp ứng không còn đặc hiệu mà mang tính chất điều hòa phát triển (tương tác). Những tế bào nhận thông tin tham gia vào đáp ứng miễn dịch lần đầu hay tiên phát trở thành mẫn cảm, tức là chúng đã được tiếp xúc với kháng nguyên và tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch, sản xuất những chất có khả năng kết hợp đặc hiệu với kháng nguyên ấy. Những chất ấy được gọi là kháng thể. Kháng thể có thể là kháng thể dịch thể được đổ vào dịch nội môi, có thể là kháng thể tế bào, nằm ngay trên màng tế bào sinh ra nó. Kháng thể dịch thể do tế bào lympho B sản xuất, còn kháng thể tế bào do quần thể tế bào lympho T sản xuất.
Đáp ứng miễn dịch lần đầu có thời gian tiệm phát dài, cường độ đáp ứng kém và thời gian duy trì đáp ứng ngắn. Có một số tế bào lympho B và T đã được mẫn cảm sẽ trở thành tế bào trí nhớ, nếu tiếp xúc lại kháng nguyên đã được gây mẫn cảm các lần sau sẽ tạo ra đáp ứng miễn dịch lần 2 hay thứ phát. Trong đáp ứng thứ nhất và các lần sau đó các tế bào trí nhớ sẽ phát triển rất nhanh và mạnh, tạo thành một dòng tế bào chuyên sản xuất ra kháng thể đặc hiệu. Vì thế mà đáp ứng thứ phát có thời gian
tiềm tàng ngắn hơn, cường độ đáp ứng mạnh hơn và thời gian duy trì đáp ứng dài hơn.
Giai đoạn hiệu ứng: Là giai đoạn các tế bào lympho đã được mẫn cảm sản xuất ra kháng thể và kháng thể này kết hợp với kháng nguyên dẫn đến loại thải và tiêu diệt kháng nguyên ấy. Có 2 khả năng xảy ra: Nếu phản ứng kháng nguyên + kháng thể có tác dụng loại trừ yếu tố gây bệnh, bảo vệ cơ thể, không gây độc. Đó là sự kết thúc miễn dịch bằng trạng thái sinh lý hay còn gọi là miễn dịch sinh lý, miễn dịch có lợi cho cơ thể. Nếu phản ứng kháng nguyên + kháng thể cũng có tác dụng loại trừ yếu tố gây bệnh nhưng không có lợi cho cơ thể, gây độc tế bào và gây ra tác động bệnh lý cục bộ hoặc toàn thân, quá trình này gọi là miễn dịch bệnh lý, thường xảy ra trong trường hợp kháng thể tế bào kết hợp với kháng nguyên đặc hiệu (Đinh Thị Bích Lân, 2007).