3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
3.2.4. So sánh tỷ lệ hiệu giá kháng thể khi sử dụng vaccine Lasota và hệ M
Theo Hồ Thị Việt Thu (2012), sau khi tiêm vaccine Lasota 14 ngày hiệu giá kháng thể trung bình GMT =10,35. Theo Shuaib và cộng sự (2006, dẫn theo Hồ Thị Việt Thu, 2012), sau khi tiêm vaccine Newcastle chủng Lasota, kháng thể tạo ra sau 14 ngày tiêm với GMT= 13,931. Điều này có thể là do sự khác nhau về số lượng virus có trong mỗi lọ vaccine. Nhận định này đã được chứng minh qua nghiên cứu của Abbas và cộng sự (2006), bằng phản ứng HA để xác định lượng virus trong vaccine, cho thấy vaccine có hiệu giá HA thấp sẽ cho đáp ứng miễn dịch thấp. Qua đó cho thấy mặc dù cùng chủng vaccine nhưng số lượng virus khác nhau trong các lọ vaccine thì cho đáp ứng miễn dịch khác nhau nên hiệu quả tiêm phòng sẽ khác.
3.2.4.1. Kiểm tra mẫu huyết thanh của gà sau khi chủng vaccine Lasota
Biểu đồ 3.7. Tỷ lệ hiệu giá kháng thể ở gà sau chủng vaccine với các quy trình gồm hai loại vaccine Lasota và M nuôi trên hai địa bàn khảo sát
Theo Biểu đồ 3.7, kết quả thực nghiệm và phân tích trên đây cho thấy rất rõ hiệu giá kháng thể sau khi chủng Lasota và M cho gà. Sử dụng vaccine Lasota (có lặp lại lần 2) chủng cho gà, kết quả xét nghiệm phân bố hiệu giá kháng thể bảo hộ không cao, rất nhiều đàn không được vaccine bảo hộ miễn dịch với virus Newcastle khi được 35 ngày tuổi. Tuy nhiên, nếu tiếp tục chủng vaccine M sau đó thì đàn được bảo hộ rất tốt với bệnh Newcastle. Như vậy dùng Lasota chủng làm nền cho việc chủng M sau đó rất tốt cho gà trong phòng bệnh Newcastle bằng vaccine. Theo biểu đồ cho thấy, sau khi tiêm vaccine thì hiệu giá kháng thể tăng theo thời gian. Khi sử dụng vaccine hệ M thì hiệu giá kháng thể tăng lên rất cao.
Từ Biểu đồ 3.7. ta thấy hiệu giá kháng thể khi sử dụng các quy trình vaccine chủng cho 4 đàn gà:
- Khi chủng vaccine theo Quy trình 1 (nhỏ Lasota cho gà lúc 7 ngày tuổi, lấy mẫu huyết thanh khi gà được 21 ngày tuổi), xét nghiệm cho kết quả hiệu giá kháng thể có sự khác nhau giữa gà nuôi tại Tây Sơn và An Nhơn. Ở đàn Tây Sơn 1 giá trị GMT = 9,85, đàn Tây Sơn*2 giá trị GMT = 14,59, chỉ số này đạt thấp hơn ở đàn An Nhơn 1 giá trị GMT= 29,18 và đàn An Nhơn*2 giá trị GMT = 24,25.
- Khi sử dụng Quy trình 2 (tức nhỏ Lasota lúc gà 7 ngày, lặp lại lần 2 lúc gà 21 ngày tuổi, lấy mẫu huyết thanh khi gà 28 ngày tuổi). Kết quả xét nghiệm cho chỉ số GMT tăng lên, nhưng không khác biệt lớn ở gà nuôi tại Tây Sơn (đàn Tây Sơn 1 giá trị GMT = 11,85, đàn Tây Sơn*2 giá trị GMT = 19,7), trong khi đó gà nuôi ở An Nhơn kết quả giá trị GMT đạt cao và đạt hiệu giá kháng thể bảo hộ đàn tại thời điểm này
(đàn An Nhơn 1 giá trị GMT = 58,35 và đàn An Nhơn*2 giá trị GMT = 61,11).
- Chủng theo Quy trình 3, lấy mẫu huyết thanh khi gà 35 ngày tuổi, kết quả xét nghiệm chỉ số GMT tăng lên so với Quy trình 2. Giá trị GMT của gà nuôi ở Tây Sơn đạt rất thấp so với gà nuôi ở An Nhơn, với đàn Tây Sơn 1 giá trị GMT = 13,30, đàn Tây Sơn*2 giá trị GMT = 27,2 và đàn An Nhơn 1 giá trị GMT = 90,51, đàn An Nhơn*2 giá trị GMT = 70,20. Như vậy sau khi chủng vaccine Lasota 2 lần, gà nuôi tại An Nhơn đã đạt mức bảo hộ, trong khi sử dụng quy trình vaccine chủng như nhau nhưng gà nuôi tại Tây Sơn chưa được bảo hộ đối với bệnh Newcastle.
Tuy nhiên với quy trình chủng tương tự, nhưng sử dụng ND-IB chủng 2 lần cho gà lúc 7 ngày và 21 ngày tuổi, thu mẫu huyết thanh lúc 35 ngày tuổi (theo Quy trình 3a), hiệu giá kháng thể trung bình nhân GMT khảo sát đạt rất thấp (đàn Tây Sơn 3 giá trị GMT = 4,70 và đàn Tây Sơn*4 giá trị GMT = 7,29). Chỉ số này thấp nhất trong các đàn thực nghiệm, thấp khá xa so sau khi sử dụng Lasota (Quy trình 3), cho thấy nếu chủng ND-IB thì đàn gà sẽ không được vaccine bảo hộ, mặc dù chủng 2 lần.
3.2.4.2. Kiểm tra mẫu huyết thanh sau tiêm vaccine M khi gà được 42 ngày tuổi
Biểu đồ 3.8. Hiệu giá kháng thể sau chủng vaccine ở gà nuôi trên hai địa bàn nghiên cứu với các Quy trình khác nhau
Chú thích: (1)(*) gà nuôi hướng trứng; (2) Đàn An Nhơn*3 xác định kháng thể 1 lần ở 42 ngày tuổi
sau khi chủng theo Quy trình 4; (3) Đàn Tây Sơn 3, Tây Sơn*4 áp dụng theo các quy trình Quy trình 3a và Quy trình 4a; Các đàn còn lại chủng theo 4 Quy trình:1,2,3 và 4.
Từ Biểu đồ 3.8 cho thấy khi sử dụng Quy trình 4 (tức nhỏ Lasota lúc gà 7 ngày, lặp lại lúc 21 ngày tuổi, tiêm vaccine M lúc gà 35 ngày tuổi và thu mẫu huyết thanh xét nghiệm khi gà được 42 ngày tuổi), kết quả chỉ số GMT tăng rất cao, hiệu giá kháng thể đạt mức bảo hộ toàn đàn, ở đàn Tây Sơn 1 đạt GMT = 140,39, đàn Tây Sơn*2 đạt GMT = 134,05, đàn Tây Sơn 3 đạt GMT = 80,63, đàn Tây Sơn*4 đạt GMT = 250,15 và đàn An Nhơn 1 đạt GMT= 198,55, đàn An Nhơn*2 đạt GMT = 125,08, đàn An Nhơn*3 đạt GMT = 172,84. Tất cả gà nuôi tại Tây Sơn và An Nhơn đều cho đáp ứng miễn dịch cao với virus Newcastle.
Như vậy, từ kết quả thực nghiệm dù áp dụng các quy trình chủng với hai loại vaccine Lasota (hoặc ND-IB) và M, thì muốn bảo vệ đàn gà không bị mắc bệnh Newcastle cần phải tiêm vaccine M và có thể tiêm sớm lúc gà được 35 ngày tuổi. Việc sử dụng vaccine chủng lót trước đó cũng có thể cho đáp ứng miễn dịch cá thể của từng đàn là khác nhau và do sự khác nhau của hướng nuôi, điều kiện môi trường. Rõ ràng là loại vaccine có độc lực thấp dùng để chủng lót cho gà phòng bệnh Newcastle trước đó sẽ cho đáp ứng miễn dịch khác nhau. Vaccine Lasota cho kết quả hiệu giá kháng thể cao hơn vaccine ND-IB.