Nghĩa vụ thông báo

Một phần của tài liệu Hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo công ước của liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 31 - 34)

Bên cạnh những khác biệt về khả năng xảy ra hành vi vi phạm và phạm vi nghĩa vụ bị vi phạm, nghĩa vụ thông báo cũng là một đặc điểm để phân biệt giữa ba biện pháp này. Theo đó, đối với hợp đồng giao hàng một lần, Điều 72(2) CISG yêu cầu một thông báo hợp lý phải được gửi đi nếu thời gian cho phép và bên dự định tuyên bố hủy bỏ hợp đồng được miễn thông báo nếu bên kia đã tuyên bố rằng họ sẽ không thực hiện nghĩa vụ của mình theo Điều 72(3) CISG. Đối với hợp đồng giao hàng từng phần theo Điều 73(2) CISG không quy định nghĩa vụ thông báo về ý định hủy bỏ hợp đồng phải được gửi đi trước khi một bên tuyên bố hủy bỏ hợp đồng đối với các lô hàng giao từng phần. Ngược lại, Điều 71(3) CISG yêu cầu bên tạm ngừng phải “gửi ngay một thông báo về việc đó cho bên kia và phải tiếp tục thực hiện hợp đồng nếu bên kia cung cấp những bảo đảm đầy đủ cho việc thực hiện nghĩa vụ của họ”.

Điều 71(3) CISG yêu cầu thông báo là yêu cầu bắt buộc để một bên có thể thực hiện quyền tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ của mình. Trong khi đó, Điều 72 CISG chỉ quy định trường hợp bên dự định hủy bỏ hợp đồng phải gửi thông báo để yêu cầu bên kia cung cấp bảo đảm đầy đủ khi “thời gian cho phép”. Do đó, bên dự định hủy bỏ hợp đồng sẽ không có nghĩa vụ gửi thông báo trong trường hợp (i) thời gian không cho phép bên dự định hủy bỏ hợp đồng gửi thông báo; và (ii) bên kia tuyên bố rằng họ sẽ không thực hiện nghĩa vụ của mình theo Điều 72(3) CISG.

Có thể nhận thấy, quy định về yêu cầu thông báo của hai biện pháp là khác nhau, phụ thuộc vào yếu tố thời gian của việc gửi thông báo và tính chất mức độ của biện pháp áp dụng. Đối với biện pháp tạm ngừng thực hiện hợp đồng, quy định thông báo là bắt buộc do biện pháp này không làm chấm dứt hiệu lực hợp đồng, do đó, bên thông báo vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình khi lý do tạm ngừng không còn nữa. Vì vậy, nghĩa vụ thông báo về việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng là cần thiết cho tất cả mọi trường hợp để bên kia biết được tình trạng hiệu lực của hợp đồng. Ngược lại, khi một bên dự định tuyên bố hủy bỏ hợp đồng theo Điều 72 CISG, bên đó phải gửi một thông báo về ý định hủy bỏ hợp đồng theo quy định tại Điều 72(2) CISG. Đồng thời, quy định về nghĩa vụ thông báo theo Điều 72(2) CISG là một thủ tục riêng biệt hoàn toàn so với nghĩa vụ thông báo theo Điều 26 CISG. Chính vì có sự lo ngại về các trường hợp khẩn cấp hay sự vi phạm đã rõ ràng, Điều 72 CISG đã đưa ra hai trường hợp ngoại lệ cho nghĩa vụ thông báo nhằm hỗ trợ bên bị vi phạm xử lý kịp thời hành vi vi phạm của bên kia.

Đối chiếu với Điều 73(2) CISG, một điểm khác biệt là việc không bắt buộc bên tuyên bố hủy bỏ hợp đồng phải gửi thông báo về dự định tuyên bố hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bên kia cung cấp bảo đảm đầy đủ như Điều 72. Tuy nhiên, Điều 73(2) quy định bên hủy bỏ hợp đồng phải thực hiện “trong một thời hạn hợp lý” – yêu cầu không được làm rõ trong Điều 72.

Tóm lại, Điều 71, 72 và 73(2) CISG có quy định gần tương tự với nhau khi căn cứ áp dụng xuất phát từ vi phạm dự đoán trước. Tuy nhiên Điều 72 đòi hỏi một tiêu chuẩn cao hơn về sự chắc chắn trong tương lai so với Điều 71 chủ yếu do tính chất quyết liệt hơn của biện pháp khắc phục theo Điều 72, cụ thể là hủy bỏ hợp đồng. Việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng theo Điều 71 ít quyết liệt hơn ở chỗ nó chỉ là biện pháp khắc phục tạm thời mà không làm mất đi hiệu lực hợp đồng như biện pháp hủy bỏ hợp đồng của Điều 72. Đối với Điều 73(2), có lẽ do căn cứ dựa trên vi phạm thực tế nên quy định thông báo không được đề cập.

Kết luận Chƣơng 1

Vi phạm hợp đồng trước thời hạn hay vi phạm dự đoán trước là một học thuyết được vận dụng phổ biến trong hệ thống Thông luật và được quy định trong các văn bản pháp luật quốc tế từ rất sớm. Từ những phân tích nêu trên, có thể đúc kết một số kết luận sau: (i) Vi phạm dự đoán trước là hành vi vi phạm hợp đồng của một bên xảy ra trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ khiến bên kia có đủ căn cứ rõ ràng rằng sẽ xảy ra một vi phạm cơ bản; (ii) Đặc điểm khác biệt của vi phạm dự đoán trước nằm ở chỗ hành vi vi phạm xảy ra trước thời hạn một bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình và nghĩa vụ đó là một nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng; (iii) Hệ quả của hành vi vi phạm dự đoán trước là cho phép bên bị vi phạm có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngay lập tức, trước thời hạn ấn định cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên vi phạm.

Trong CISG, vi phạm dự đoán trước là căn cứ cho phép một bên áp dụng các biện pháp khắc phục như tạm ngừng thực hiện hợp đồng (Điều 71 CISG); hủy bỏ hợp đồng giao hàng một lần (Điều 72 CISG) hoặc hủy bỏ hợp đồng giao hàng từng phần (Điều 73 CISG). Tùy từng trường hợp cụ thể, yêu cầu về sự rõ ràng sẽ xảy ra vi phạm và mức độ hành vi vi phạm đối với từng biện pháp khắc phục cũng có sự khác nhau. Trên cơ sở những vấn đề lý luận đã được trình bày ở Chương 1, Chương 2 của luận văn sẽ phân tích các căn cứ áp dụng biện pháp hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo CISG và liên hệ với pháp luật Việt Nam.

CHƢƠNG 2: CĂN CỨ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP HỦY BỎ HỢP ĐỒNG TRƢỚC THỜI HẠN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ THEO CÔNG ƢỚC VIÊN

NĂM 1980 – KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo công ước của liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)