Quy định của pháp luật Việt Nam về biện pháp hủy bỏ hợp đồng trước

Một phần của tài liệu Hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo công ước của liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 45 - 48)

thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam

2.2.1 Quy định của pháp luật Việt Nam về biện pháp hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ thời hạn thực hiện nghĩa vụ

Chế định hợp đồng được quy định chi tiết trong BLDS, đồng thời, một số quy định cụ thể liên quan đến hoạt động thương mại được quy định trong LTM. Qua quá trình nghiên cứu tổng thể các quy định của BLDS 2015, LTM 2005 và các văn bản pháp luật khác có liên quan tại thời điểm thực hiện nghiên cứu này, dường như chưa có bất kỳ định nghĩa về vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ hay còn gọi là vi phạm dự đoán trước. Theo quy định tại Điều 4(3) LTM 2005 thì:

“vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định

của Luật này”. Tương tự, BLDS 2015 sử dụng thuật ngữ “vi phạm nghĩa vụ”, tại Điều 351(1) BLDS 2015 quy định: “Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.”. Như vậy, cách tiếp cận định nghĩa

“vi phạm hợp đồng” hay “vi phạm nghĩa vụ” của LTM 2005 và BLDS 2015 theo hướng pháp luật truyền thống, tức là hành vi vi phạm xảy ra khi hoặc sau khi thời hạn ấn định cho việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, tức là vi phạm thực tế.

Mặc dù, LTM và BLDS không định nghĩa về vi phạm dự đoán trước, nhưng trong LTM và BLDS hiện hành vẫn có một số quy định về vi phạm dự đoán trước và biện pháp khắc phục khi xảy ra vi phạm dự đoán trước, chẳng hạn như: huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần (Điều 313 LTM 2005); quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ (Điều 411 BLDS 2015) hay hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện (Điều 425 BLDS 2015).

LTM 2005 đã có quy định rất cụ thể về vi phạm dự đoán trước trong hợp đồng giao hàng từng phần tại Điều 313(2). Dường như, LTM 2005 đã “tham khảo” chi tiết quy định tại Điều 73(2) CISG về hủy bỏ hợp đồng do vi phạm dự đoán trước trong hợp đồng giao hàng từng phần. Theo đó, LTM 2005 xác định khi một bên vi phạm trong việc giao hàng, cung ứng dịch vụ trong một lần giao hàng, cung ứng dịch vụ mà vi phạm này đủ cơ sở để bên kia chắc chắn rằng sẽ xảy ra vi phạm cơ bản đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ tiếp theo thì bên đó có quyền tuyên bố hủy bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó. Một điều quan trọng là LTM 2005 quy định tương tự như CISG nhưng phạm vi điều chỉnh của LTM 2005 bao quát hơn CISG. Trong khi CISG chỉ quy định cho hợp đồng mua bán hàng hóa, LTM cho phép áp dụng cả với hợp đồng cung ứng dịch vụ. Đây là cơ sở để tác giả đề xuất bổ sung LTM quy định về hủy bỏ hợp đồng do vi phạm dự đoán trước theo Điều 72 CISG.

BLDS 2015 cũng đã có quy định tiệm cận với khái niệm vi phạm dự đoán trước, cụ thể tại Điều 411(1) BLDS 2015 quy định: “Bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”. Có thể thấy, quy định này có nét tương đồng với vi phạm dự đoán trước, việc khả năng thực hiện nghĩa vụ của một bên bị giảm

sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ cũng khiến cho bên kia nghi ngờ rằng bên đó sẽ vi phạm nghĩa vụ nghiêm trọng khi đến hạn và có thể áp dụng biện pháp hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, quy định này không bao quát được các trường hợp khác của vi phạm dự đoán trước cũng như quyền được áp dụng biện pháp xử lý hợp đồng bị hạn chế. Nếu khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ bị giảm sút nghiêm trọng mà bên đó không cung cấp được bảo đảm đầy đủ cho việc thực hiện hợp đồng khi đến hạn (hoặc có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ) thì bên hoãn thực hiện nghĩa vụ có quyền hủy bỏ hợp đồng hay không? Quy định này có nhiều nét tương đồng với Điều 71 CISG về quyền tạm ngừng thực hiện hợp đồng nếu có dấu hiệu cho thấy rằng bên kia sẽ không thực hiện một phần chủ yếu những nghĩa vụ của họ và nghĩa vụ cung cấp bảo đảm đầy đủ. Tuy nhiên, BLDS 2015 làm rõ hơn về trường hợp cung cấp bảo đảm đầy đủ, theo đó, việc cung cấp các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ79 cũng được xem như là bên đó cung cấp bảo đảm cho khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Thêm vào đó, Điều 425 BLDS 2015 đã quy định chi tiết hơn quyền áp dụng biện pháp khắc phục khi một bên không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, Điều 425 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình làm cho mục đích của bên có quyền không thể đạt được thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.” Theo tác giả Đỗ Văn Đại, Điều 425 BLDS 2015 có thể được áp dụng cho việc đã đến hạn thực hiện mà “bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được” và cho việc “bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được” khi đến hạn thực hiện80 – trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, Điều 425 BLDS 2015 đã “tuyệt đối hóa” về khả năng xác định việc không thực hiện được nghĩa vụ của một bên trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Cụm từ “không thể thực hiện được” có thể được hiểu xác suất xảy ra là tuyệt đối, do đó, đôi khi khó có thể chứng minh được một sự việc chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai để áp dụng quy định này. Thêm vào đó, liệu là một bên có buộc phải chứng minh, tại mọi thời điểm, căn cứ để một bên khẳng định bên kia sẽ “không thể thực hiện được” nghĩa vụ của mình sẽ

79 Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 292 BLDS 2015, bao gồm chín biện pháp bảo đảm: 1. Cầm cố tài sản; 2. Thế chấp tài sản; 3. Đặt cọc; 4. Ký cược; 5. Ký quỹ; 6. Bảo lưu quyền sở hữu; 7. Bảo lãnh; 8. Tín chấp; 9. Cầm giữ tài sản.

80 Đỗ Văn Đại (2017), Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, tập 2, xuất bản lần thứ sáu, có sửa chữa, bổ sung, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, tr.796.

luôn xảy ra? Đồng thời, Điều 425 BLDS 2015 không quy định về thủ tục thông báo ý định hủy bỏ hợp đồng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên hủy bỏ hợp đồng khi không có thủ tục xác minh khả năng thực hiện hợp đồng của bên kia.

Như vậy, pháp luật Việt Nam dường như chưa có định nghĩa cụ thể về thuật ngữ vi phạm dự đoán trước mà chỉ có một số quy định riêng lẻ trong LTM 2005 và BLDS 2015 về dấu hiệu của vi phạm dự đoán trước và các biện pháp khắc phục của nó. Do đó, khi xảy ra tranh chấp, các bên và cơ quan tài phán sẽ khó áp dụng các quy định về vi phạm dự đoán trước, đặc biệt là vấn đề chọn luật áp dụng khi giải quyết các tranh chấp thương mại.

Một phần của tài liệu Hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo công ước của liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 45 - 48)