Hiệu lực của thông báo

Một phần của tài liệu Hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo công ước của liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 66 - 69)

Về hiệu lực của thông báo, không giống như Phần II CISG đã được quy định cụ thể,111 Phần III không quy định cụ thể rằng một thông báo sẽ có hiệu lực từ khi nào. Qua rà soát các quy định của CISG, thời điểm có hiệu lực thông báo thường gắn liền với thời điểm nhận thông báo được quy định trong một số điều khoản Điều 47(2), 48(4), 63(2), 65(1)(2) và 79(4).

Tương tự, Điều 71(3), 72(2) CISG tuy không minh thị về thời điểm có hiệu lực của thông báo nhưng cũng yêu cầu thông báo phải đến được bên nhận thì thông báo mới có hiệu lực. Bởi lẽ, nội dung của thông báo chiếu theo các điều trên yêu cầu bên nhận thông báo phải cung cấp bảo đảm đầy đủ cho khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Lúc này, hiệu lực thông báo phải được xem xét kể từ thời điểm bên nhận thông báo nhận được, và để đủ căn cứ cho yêu cầu hủy bỏ hợp đồng, bên gửi thông báo cũng phải chắc chắn thông báo đã được gửi đến bên nhận.

Trái ngược với sự không rõ ràng của CISG, PICC áp dụng quy tắc “tiếp nhận”112 như một nguyên tắc chung, Điều 1.10(2) PICC quy định: “Một thông báo có hiệu lực khi nó truyền đạt đến bên được nhận thông báo” và thêm vào đó, Điều 1.10(3) PICC “một thông báo được coi như truyền đạt đến một bên, khi bên này được thông báo bằng miệng hoặc thư từ được gửi đến địa điểm kinh doanh hoặc địa chỉ thư tín giao dịch của bên kia”. PICC xem việc “truyền đạt đến” (reaches) bên được nhận thông báo là yêu cầu bắt buộc để thông báo có hiệu lực. Việc truyền tin phải đến người nhận, có nghĩa là các thông tin phải được chuyển đến những nhân

111 Điều 24 CISG quy định: “một chào hàng, một thông báo chấp nhận chào hàng hoặc bất cứ một sự thể hiện ý chí nào cũng được coi là “tới nơi” người được chào hàng khi được thông tin bằng lời nói với người này, hoặc được giao bằng bất cứ phương tiện nào cho chính người được chào hàng tại trụ sở thương mại của họ, tại địa chỉ bưu chính hoặc nếu họ không có trụ sở thương mại hay địa chỉ bưu chính thì gửi tới nơi thường trú của họ.”

112 Quy tắc tiếp nhận là một nguyên tắc của luật hợp đồng mà hiệu lực của thông báo sẽ phát sinh khi thông báo được gửi đến người nhận thông báo. Xem thêm Liu Chengwei, “Use of the UNIDROIT Principles to help interpret CISG Article 27”, nguồn: https://iicl.law.pace.edu/cisg/page/use-unidroit-principles-help- interpret-cisg-article-27, truy cập lần cuối 07/6/2021.

viên có thẩm quyền nhận nó của người nhận, hoặc được đặt trong hộp thư của người nhận, hoặc được nhận bằng fax, telex, hoặc máy tính (internet, e-mail).113 Tuy nhiên, khi thông báo đã được truyền đạt theo những quy định nêu trên thì thông báo được xem là có hiệu lực, việc người nhận có đọc và phản hồi về thông báo này không ảnh hưởng đến quyền của bên gửi thông báo.

Tương tự PICC, PECL cũng quy định về hiệu lực thông báo theo quy tắc “tiếp nhận” tại Điều 1:303(2) PECL114, Điều 1:303(3) PECL.115 PECL cũng sử dụng thuật ngữ “truyền đạt đến” (reaches) như PICC để xem xét hiệu lực của thông báo và thông báo cũng phải được gửi đến tay người nhận, địa điểm kinh doanh, hộp thư, hay địa chỉ nơi họ cư trú thường xuyên. Có vẻ như, PICC và PECL đều thống nhất với nhau trong việc gửi thông báo vì chúng đều sử dụng chính xác thuật ngữ của nhau.

Có thể thấy, PICC và PECL quy định giống nhau về quy tắc “tiếp nhận” là quy tắc chung, tức là thông báo chỉ phát sinh hiệu lực khi chúng đến tay người nhận thông báo. Ngược lại, CISG không xác định rõ ràng một thông báo sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm nào. Theo quan điểm của tác giả, CISG cũng xác định hiệu lực thông báo theo quy tắc “tiếp nhận”, đồng thời, quy định rõ ràng hơn về trường hợp miễn trừ tương tự như PECL khi thông báo không đến được bên nhận do những rủi ro khi truyền phát tại Điều 27 CISG.

So sánh với pháp luật Việt Nam về hiệu lực của thông báo khi áp dụng chế tài, Điều 315 LTM 2005 và Điều 423(3) BLDS 2015 không quy định riêng về thời điểm có hiệu lực thông báo mà quy định về trường hợp không thông báo dẫn đến thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường. Tuy nhiên, có thể nhận thấy hiệu lực của thông báo cũng theo quy tắc “tiếp nhận”, tức là thông báo có hiệu lực từ thời điểm nhận thông báo.

Một vấn đề lớn khác cần đặt ra, liệu là, thông báo theo Điều 72(2) CISG có đồng thời với thông báo hủy bỏ hợp đồng hay không? Theo Điều 26 CISG quy định: “Một lời tuyên bố về việc hủy hợp đồng chỉ có hiệu lực nếu được thông báo cho bên kia biết.”

113 Comment 4, Art 1.10, PICC 2016.

114 Điều 1:303(2) PECL quy định: “Theo các đoạn (4) và (5), bất kỳ thông báo nào sẽ có hiệu lực khi nó được truyền đạt đến người được nhận thông báo”.

115Điều 1:303(3) PECL quy định: “Một thông báo được truyền đạt đến người được nhận thông báo khi nó được gửi đến người đó hoặc đến địa điểm kinh doanh hoặc địa chỉ gửi thư, hoặc, nếu người đó không có địa điểm kinh doanh hoặc địa chỉ gửi thư, đến nơi cư trú thường xuyên của họ”.

Có quan điểm cho rằng, CISG không công nhận khái niệm “tự hủy bỏ” mà hợp đồng chỉ bị hủy bỏ nếu được một bên tuyên bố hủy hợp đồng,116 nên không thể đồng nhất thông báo về ý định hủy bỏ hợp đồng theo Điều 72(2) CISG và thông báo tuyên bố hủy hợp đồng được quy định tại Điều 26 CISG. Trong khuôn khổ Điều 72(2) CISG, sau khi một bên đã gửi thông báo về ý định hủy bỏ hợp đồng nhưng không nhận được bảo đảm đầy đủ, bên có ý định hủy hợp đồng vẫn có nghĩa vụ tiếp tục gửi thông báo về việc hủy bỏ hợp đồng để tuyên bố hủy bỏ hợp đồng có hiệu lực.117 Tác giả đồng ý với quan điểm này, bởi lẽ, khi một bên gửi thông báo theo Điều 72(2) CISG, bên đó còn phải cho bên nhận thông báo cơ hội để cung cấp bảo đảm đầy đủ cho khả năng thực hiện nghĩa vụ. Nếu bên nhận thông báo cung cấp được bảo đảm đầy đủ thì lý do hủy bỏ hợp đồng không còn nữa, do đó, bên thông báo không được hủy bỏ hợp đồng. Thêm vào đó, đối chiếu với Điều 7.3.4 PICC118

và Điều 8:105 PECL119 cũng quy định sự tách biệt rõ ràng giữa thông báo yêu cầu cung cấp bảo đảm đầy đủ và thông báo hủy bỏ hợp đồng. Tuy nhiên, sẽ tương đối khó khăn để xác định về sự phù hợp của thông báo khi một bên “kết hợp” cả thông báo về ý định tuyên bố hủy bỏ hợp đồng theo Điều 72(2) CISG và thông báo hủy bỏ hợp đồng theo Điều 26 CISG.120

Như vậy, theo CISG và một số văn bản pháp lý khác, một thông báo sẽ phát sinh hiệu lực khi nó được truyền đến người nhận. Tuy nhiên, trong trường hợp có những rủi ro trong quá trình truyền phát (thường không thể áp dụng đối với trường hợp thông báo bằng lời nói) thì bên nhận thông báo phải chịu rủi ro do thông báo

116 Phạm Thị Trong (2006), Vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ, sự cần thiết phải điều chỉnh trong pháp luật về Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr.65.

117 Đặng Huỳnh Thiên Vy, Nguyễn Xuân Mỹ Hiền (2017), “Một số vấn đề về hủy hợp đồng do vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ”, Tài liệu hội thảo Nghiên cứu Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế - Trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, tr.141.

118 Điều 7.3.4 PICC quy định: “Nếu một bên có cơ sở để tin rằng bên kia sẽ vi phạm nghiêm trọng hợp đồng, thì họ có quyền yêu cầu bên sắp vi phạm đưa ra một biện pháp bảo đảm cần thiết cho việc thực hiện nghĩa vụ, và có thể cùng lúc tạm dừng việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu biện pháp bảo đảm không được đáp ứng, bên yêu cầu có quyền chấm dứt hợp đồng”.

119

Điều 8:105 PECL quy định: “(1) Một bên có lý do xác đáng tin rằng bên kia sẽ không thực hiện nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng có thể yêu cầu bên kia cung cấp bảo đảm thực hiện hợp đồng hợp lý và trong thời gian đó có thể tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ của mình cho đến khi niềm tin đó còn tiếp tục; (2) Nếu bên kia không cung cấp bảo đảm thực hiện hợp đồng trong thời hạn hợp lý, bên yêu cầu có thể hủy bỏ hợp đồng nếu vẫn tin rằng bên kia sẽ không thực hiện cơ bản nghĩa vụ hợp đồng và gửi thông báo hủy bỏ hợp đồng ngay lập tức”.

120

Ví dụ trong thông báo có nội dung như “Chúng tôi yêu cầu Quý đối tác cung cấp bảo đảm đầy đủ cho khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Quý đối tác nhận được thông báo này. Trong trường hợp chúng tôi không nhận được bảo đảm đầy đủ nêu trên thì hợp đồng sẽ bị hủy theo thông báo này ngay tại thời điểm kết thúc thời hạn cung cấp bảo đảm đầy đủ”.

không truyền phát được tới mình và do đó, không làm mất quyền yêu cầu của bên gửi thông báo. Đồng thời, một nội dung quan trọng khác là phân biệt giữa thông báo về ý định hủy bỏ hợp đồng theo Điều 72(2) CISG với thông báo hủy bỏ hợp đồng theo Điều 26 CISG. Theo đó, thông báo về ý định hủy bỏ hợp đồng sẽ không đồng nhất với thông báo hủy bỏ hợp đồng, do đó, khi một bên đã thông báo về ý định hủy bỏ hợp đồng nhưng không nhận được bảo đảm đầy đủ (hoặc bảo đảm đó không đầy đủ để chứng minh khả năng thực hiện nghĩa vụ) thì bên đó vẫn phải thông báo về việc hủy bỏ hợp đồng.

Một phần của tài liệu Hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo công ước của liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 66 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)