Khái quát về vi phạm cơ bản

Một phần của tài liệu Hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo công ước của liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 34 - 37)

Vi phạm cơ bản là một trong những hành vi vi phạm hợp đồng và sự “cơ bản”

của vi phạm này tạo nên sự khác biệt so với các hành vi vi phạm hợp đồng khác. Ta có thể hiểu “vi phạm cơ bản” là một vi phạm có tính chất chủ yếu, nghiêm trọng hoặc vi phạm ảnh hưởng đến những nghĩa vụ cốt lõi trong hợp đồng. Tính cơ bản của hành vi vi phạm dựa vào mức độ ảnh hưởng đáng kể, nghiêm trọng của hành vi vi phạm đến mục đích, lợi ích kinh tế của một trong các bên xác lập và thực hiện hợp đồng.

CISG quy định về vi phạm cơ bản tại Điều 25: “Một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu nó gây thiệt hại một cách đáng kể cho bên kia làm cho bên kia mất đi những gì mà anh ta có quyền mong đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ trường hợp bên vi phạm không tiên liệu được và một người có lí trí bình thường cũng sẽ không tiên liệu được hậu quả nếu họ cũng ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự”.

Định nghĩa “vi phạm cơ bản” trong Điều 25 bao gồm ba yếu tố: (i) Có sự vi phạm hợp đồng; (ii) hành vi vi phạm khiến cho bên bị thiệt hại bị tước đi cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng một cách đáng kể; (iii) Sự tiên liệu của bên vi phạm và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự.

Vi phạm hợp đồng là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong CISG nhưng CISG không định nghĩa cụ thể như thế nào là một vi phạm hợp đồng mà quy định rải rác trong một số trường hợp vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của bên mua và bên bán như không thực hiện nghĩa vụ, chậm thực hiện nghĩa vụ, thực hiện nghĩa vụ không đầy đủ, thực hiện nghĩa vụ không phù hợp. Có thể hiểu rằng vi phạm hợp đồng là hành vi một bên tham gia hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ đã giao kết trong hợp đồng, hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng.

Hệ quả của việc vi phạm cơ bản là bên bị thiệt hại bị tước đi cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng một cách đáng kể. Đây là yếu tố quan trọng trong việc xác định một hành vi vi phạm hợp đồng có cấu thành một vi phạm cơ bản hay không. Thiệt hại được xác định phải có mức độ nghiêm trọng đến mức một bên mất đi những lợi ích mong muốn từ hợp đồng. Điều 25 CISG không xác định thiệt hại tới mức nào, mà nhấn mạnh tầm quan trọng của lợi ích mà các bên mong muốn khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, sự mong muốn của các bên khi tham gia hợp đồng rất đa dạng, đó có thể là lợi nhuận của việc mua bán hàng hóa, là lợi ích kinh tế, danh tiếng hay lợi thế cạnh tranh khi tham gia hợp đồng. Thực tế, để xác định xem sự tước đi cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng một cách đáng kể tùy thuộc vào nhận định, phán quyết của Tòa án hoặc Trọng tài đối với từng trường hợp cụ thể. Các cơ quan tài phán thường căn cứ vào các hành vi không phù hợp với các thỏa thuận trong hợp đồng để làm căn cứ xác định một vi phạm cơ bản. Đồng thời, khi công nhận quyền tuyên bố hủy bỏ hợp đồng của người bán hoặc người mua, các cơ quan tài phán đã không xem xét đến yếu tố thiệt hại đáng kể theo cách tiếp cận truyền thống, mà dựa vào nguy cơ ảnh hưởng tới mong muốn của bên bị vi phạm trên cơ sở hợp đồng. Như quy định tại Điều 72 và 73 CISG, với những vi

phạm rõ ràng kèm theo đó là không có sự đảm bảo hợp đồng được thực hiện thì tòa án, trọng tài đều thừa nhận quyền hủy hợp đồng của người bán hoặc người mua.52

Về khả năng tiên liệu của bên vi phạm và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự là cơ sở để xem xét hành vi vi phạm cơ bản của bên vi phạm. CISG quy định khả năng tiên liệu được đánh giá dựa trên khả năng đánh giá của bên vi phạm (thường mang tính chủ quan) và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự (mang tính khách quan hơn).53

Việc xác định một hành vi vi phạm hợp đồng có bị xem là một vi phạm cơ bản hay không có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định việc tuyên bố hủy hợp đồng có hợp pháp hay không và hệ quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng. Bên bị vi phạm sẽ phải xem xét một cách kỹ lưỡng hành vi vi phạm hợp đồng của bên kia có đến mức cấu thành một vi phạm cơ bản để áp dụng biện pháp hủy bỏ hợp đồng hay không. Ngoài ra, vi phạm cơ bản không chỉ quy định căn cứ để các bên có quyền áp dụng những biện pháp khắc phục phù hợp với hành vi vi phạm, mà còn ngăn sự “tuỳ tiện” của các bên áp dụng biện pháp huỷ bỏ hợp đồng để trốn tránh trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình.

Tham khảo các văn bản pháp lý khác, Điều 7.3.1(1) PICC quy định:“Một bên có thể chấm dứt hợp đồng khi bên kia không thực hiện nghĩa vụ của mình, và nghĩa vụ ấy là một nghĩa vụ cơ bản”. Khác với CISG, PICC không sử dụng thuật ngữ “vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng” (fundamental breach of contract) để chỉ về hành vi vi phạm nghĩa vụ. Thay vào đó, PICC sử dụng thuật ngữ “không thực hiện nghĩa vụ” (non-performance), tại Điều 7.1.1 định nghĩa: “Không thực hiện nghĩa vụ là việc một bên không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào phát sinh từ hợp đồng, kể cả việc thực hiện hợp đồng không đúng hay chậm trễ”. Đồng thời, PICC không định nghĩa cụ thể thế nào là “không thực hiện nghĩa vụ cơ bản” (fundamental non- performance) mà đưa ra các yếu tố để xác định việc không thực hiện nghĩa vụ của một bên là cơ bản tại Điều 7.3.1(2).54

52

Võ Sĩ Mạnh (2015), “Vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam”, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr.121.

53 Võ Sĩ Mạnh, tlđd (55), tr.82.

54

Điều 7.3.1(2) PICC quy định: “(i) Việc không thực hiện làm mất đi chủ yếu những gì người có quyền được mong đợi từ hợp đồng, trừ trường hợp bên có nghĩa vụ đã không dự tính trước hoặc đã không thể dự tính trước một cách hợp lý hậu quả này; (ii) Việc thực hiện nghiêm ngặt nghĩa vụ là bản chất của hợp đồng; (iii) Việc không thực hiện là cố ý hoặc không tính đến hậu quả; (iv) Việc không thực hiện khiến cho bên có quyền

Tương tự, Điều 8:103 PECL cũng xác định hành vi không thực hiện (nghĩa vụ) của một bên là cơ bản nếu:“(i) việc thực hiện nghiêm ngặt nghĩa vụ là bản chất của hợp đồng; hoặc (ii) Việc không thực hiện hợp đồng tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng, trừ khi bên vi phạm không tiên liệu được hoặc không thể tiên liệu được một cách hợp lý hậu quả đó; hoặc (iii) Việc không thực hiện là cố ý và khiến bên bị vi phạm có lý do để tin rằng họ không thể tin tưởng việc thực hiện nghĩa vụ trong tương lai của bên kia.”. PECL cũng sử dụng thuật ngữ “không thực hiện nghĩa vụ” (non-performance) như PICC. Đồng thời, các yếu tố xác định việc không thực hiện nghĩa vụ của một bên là cơ bản của PECL cũng tương tự như PICC, tuy có ít hơn hai tiêu chí.

Như vậy, cả CISG, PICC và PECL đều quy định về sự mong muốn, kỳ vọng lợi ích của các bên khi tham gia hợp đồng là một căn cứ để xem xét tính “cơ bản” của hành vi không thực hiện nghĩa vụ hay vi phạm hợp đồng. Đối với hợp đồng thương mại, mục đích của các bên có thể là những lợi ích kinh tế khi hợp đồng được thực hiện dựa trên cơ sở thỏa thuận của các bên khi giao kết hợp đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, một bên có thể có những hành vi vi phạm làm sai lệch đi thỏa thuận, hay cam kết của các bên dẫn tới việc bên kia bị tước những lợi ích mà mình đang chờ đợi. Khi đó, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không còn ý nghĩa nữa và có thể dẫn đến thiệt hại nặng nề hơn, thậm chí là không thể khắc phục đối với bên bị vi phạm. Vì vậy, bên bị vi phạm có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hợp lý, thậm chí là hủy bỏ hợp đồng để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ quyền lợi của mình.

Một phần của tài liệu Hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo công ước của liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)