Điều 109 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định áp dụng BPNC với các mục đích: Để kịp thời ngăn chặn tội phạm tiếp tục xảy ra gây thiệt hại cho xã hội, không để người phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Như vậy thì việc người phạm tội tiêu hủy chứng cứ, làm giả chứng cứ, thông cung giữa những người đồng phạm là không thể, bị can, bị cáo luôn đảm bảo có mặt khi cơ quan, người tiến hành tố tụng yêu cầu. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích mà BPNC nói chung cũng như BPTG nói riêng đem lại tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan tiến hành tố tụng có thể giải quyết vụ án được triệt để thì biện pháp này dễ bị lạm dụng và xâm phạm đến quyền con người trong TTHS. Trên
thực tiễn BPTG luôn được ưu tiên áp dụng để thuận tiện cho việc hỏi cung hoặc đảm bảo cho việc tiến hành thu thập chứng cứ đối với bị can dễ dàng hơn. Qua nghiên cứu có thể thấy: Việc áp dụng BPNC nói chung cũng như BPTG nói riêng còn mang tính tùy nghi, lạm dụng và chưa có căn cứ pháp lý áp dụng chặt chẽ, rõ ràng; Người tiến hành tố tụng xem BPTG là một biện pháp hiển nhiên áp dụng đối với người bị tình nghi để cho quá trình điều tra vụ án được giải quyết nhanh chóng; Sự tuỳ tiện kéo theo việc lạm dụng áp dụng biện pháp này là nguyên nhân chính dẫn tới việc vi phạm quyền con người trong TTHS. Đây là hạn chế trong việc quy định mục đích của việc áp dụng BPTG nhằm hoàn thiện pháp luật TTHS theo hướng cải cách tư pháp, hạn chế mức thấp nhất việc xâm phạm đến quyền tự do của con người, quyền, lợi ích cơ bản của công dân nên cần được khắc phục. Theo quan điểm của học viên thì BLTTHS nên quy định mục đích duy nhất của BPTG theo hướng là “ngăn chặn tội phạm và những cản trở hoạt động trong quá trình giải quyết vụ án hình sự”.