chặt chẽ, rõ ràng
Trong BLTTHS năm 2015 vẫn sử dụng kết quả phân loại tội phạm như cơ sở độc lập để xây dựng căn cứ áp dụng BPTG mà không xuất phát từ mục đích áp dụng dẫn đến tình trạng lạm dụng biện pháp này. Việc quy định bị can, bị cáo bị truy tố về tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng có thể bị áp dụng BPTG theo quy định của BLTTHS là đương nhiên, mà không cần chứng minh khả năng bỏ trốn, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án cũng như khả năng tiếp tục phạm tội của họ, là chưa hợp lý. Điều này không phù hợp với bản chất và căn cứ áp dụng BPNC chung được quy định tại Điều 109 BLTTHS năm 2015 vì BPTG ở đây chỉ là biện pháp ngăn chặn việc tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn của người bị tạm giam chứ không phải là biện pháp trách nhiệm hình sự. Do đó, nếu lấy tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm làm căn cứ duy nhất để áp dụng BPTG là không thể. Không thể suy diễn rằng mọi bị can, bị cáo đều lựa chọn biện pháp bỏ trốn khi biết mình có thể phải chịu mức hình phạt cao sau khi biết khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi phạm tội mà họ gây ra. Vẫn có nhiều trường hợp bị can, bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội sau đó lại biết ăn năn hối hận mà thành khẩn khai báo để mong được hưởng chính sách khoan hồng, được áp dụng tình tiết giảm nhẹ hình phạt theo quy định của pháp luật. Có rất nhiều vụ án do các đối tượng không làm chủ được bản thân ngay tại thời điểm thực
hiện hành vi nên đã phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng với lỗi vô ý. Do đó, đối với tội phạm này cần quy định không chỉ mỗi căn cứ vào loại tội phạm mà cơ quan tiến hành tố tụng nên xem xét thêm những tình tiết như là tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn, cản trở hoạt động điều tra để làm căn cứ áp dụng BPTG. Căn cứ theo phân loại tội phạm chỉ là điều kiện cần chứ không phải là căn cứ duy nhất để áp dụng BPTG cần có các căn cứ khác như dấu hiệu tiếp tục phạm tội, cản trở việc điều tra là điều kiện đủ như vậy thì bản chất của việc áp dụng BPTG mới thật sự đúng đắn và hiệu quả. Vì vậy, cần kết hợp giữa hai yếu tố là hành vi phạm tội do lỗi cố ý hay vô ý và thái độ hợp tác, hành vi của bị can sau khi phạm tội để làm căn cứ tạm giam đối với bị can, bị cáo. Như vậy, Điều 119 BLTTHS sẽ được sửa đổi theo hướng sau:
1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam: Những quy định chưa rõ ràng tại điều 119 BLTTHS năm 2015 đối với các cụm từ “không có nơi cư trú rõ ràng”, “ dấu hiệu tiếp tục phạm tội”, “cần thiết”… cần có văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể như thế nào là tiếp tục phạm tội, xác định nơi cư trú ra sao để giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có cách hiểu thống nhất khi áp dụng. Nên quy định cụ thể rằng trường hợp bị can “không có nơi cư trú rõ ràng” là không có nơi ở thực tế, địa chỉ cụ thể không xác định được nơi cư trú theo Luật Cư trú. Ban hành văn bản hướng dẫn trong những trường hợp nào là cần thiết có thể áp dụng BPTG đối với người dưới 18 tuổi cũng như người đã thành niên để cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ để tạm giam được chính xác, công bằng không còn phụ thuộc vào ý chí, quan điểm cá nhân.
Cần quy định cụ thể khái niệm “người già yếu” và “người bị bệnh nặng” trong căn cứ tạm giam tại BLTTHS để các cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ pháp luật cụ thể áp dụng BPTG đối với bị can được thuận tiện, rõ ràng đúng pháp luật.