Hoàn thiện các quy định về việc rút ngắn thời hạn tạm giam

Một phần của tài liệu Biện pháp tạm giam theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (2) (Trang 79 - 82)

Một, quy định thời hạn tạm giam hiện nay trong BLTTHS năm 2015 còn tương đối dài xâm phạm đến quyền của con người, quyền cơ bản của công dân, người bị tạm giam còn bị tước một số quyền lợi cơ bản, ví dụ thời hạn tạm giam để điều tra đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 12 tháng mặc dù BLTTHS năm 2015 đã quy định giảm thời hạn tạm giam so với BLTTHS năm 2003 nhưng thời hạn tạm giam kéo dài như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền công dân trong khi đó người bị tạm giam chỉ là người bị tình nghi đang được điều tra chứ chưa phải là tội phạm. Theo quan điểm của học viên thì cần sửa đổi thời hạn của BPTG theo hướng quy định rút ngắn thời hạn áp dụng biện pháp này chỉ khoảng một phần hai so với thời hạn được quy định hiện nay.

Hai, quy định về thời hạn kết thúc tạm giam chưa được rõ ràng theo Điều 134 khoản 1 BLTTHS năm 2015:“Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn”. Điều luật chỉ mới quy định ngày kết thúc thời hạn tạm giam là ngày trùng với ngày bắt đầu của thời hạn tạm giam trong tháng cuối cùng của thời hạn tạm giam nhưng việc xác định giờ kết thúc của ngày đó thì lại chưa đề cập đến trong Luật. Như vậy, vấn đề xác định ngày giờ kết thúc thời hạn tạm giam chưa được cụ thể, trong thực tiễn áp dụng thì CQĐT không tính thời điểm kết thúc thời hạn theo ngày trùng của tháng sau theo như Luật định mà có sự quy đổi thủ công là 1 tháng tương đương với 30 ngày. Như vậy, giả sử thời hạn tạm giam để điều tra là 3 tháng sẽ tương đương với 90 ngày, nếu có trừ đi 3 ngày tạm giữ thì thời hạn tạm giam bị can sẽ là 87 ngày. Nên sửa đổi lại cách tính thời hạn kết thúc tạm giam như sau: “Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn sẽ hết vào giờ trùng với giờ CQĐT nhận được người bị bắt trong ngày cuối cùng của thời hạn; nếu tháng đó không có ngày trùng, thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó. Khi thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì một tháng được tính là 30 ngày”.

Ba, thời hạn tạm giam để điều tra theo quy định của BLTTHS năm 2015 còn nhiều bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng. Theo quy định tại Điều 173 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn tạm giam để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra không đồng nhất với nhau đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Vì thời hạn để điều tra đối với tội ít nghiêm trọng là không quá 04 tháng và tội nghiêm trọng là 08 tháng, tội rất nghiêm trọng là 12 tháng (kể cả gia hạn điều tra). Dưới góc độ bảo vệ quyền con người, thì cần nên nhận thức rằng thời hạn tạm giam không phải “để” (nhằm) điều tra, do đó không cần phải quy định thời hạn tạm giam bằng với thời hạn điều tra. Vì bản chất BPTG là một biện pháp ngăn chặn tội phạm bỏ trốn, tiếp tục phạm tội còn mục đích của biện pháp điều tra là để điều tra, thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm. Do đó, nếu áp đặt suy nghĩ rằng bản chất BPTG cũng là biện pháp điều tra sẽ dẫn đến việc vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Vì họ chỉ mới là nghi phạm của vụ án phạm tội vẫn còn đang trong quá trình xác minh tội phạm, thu thập chứng cứ vẫn chưa có một kết luận của Tòa án chắn chắn họ là người phạm tội. BLTTHS lại chưa có quy định nào về thời hạn mà VKS xem xét để giải quyết yêu cầu gia hạn của CQĐT. Điều này làm cho CQĐT thiếu chủ động trong việc áp dụng BPTG và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tạm giam quá hạn của CQĐT. Theo quan điểm của học viên cần có các quy định hạn chế sự chênh lệch giữa thời hạn tạm giam để điều tra với thời hạn điều tra nhằm giảm bớt áp lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Để đảm bảo được sự đồng bộ, thống nhất giữa thời hạn tạm giam để điều tra và thời hạn điều tra học viên đề xuất theo hướng “ chỉ nên gia hạn thời hạn tạm giam trong quá trình người bị tạm giam không khai báo thành khẩn gây khó khăn cho việc điều tra, vi phạm trong quá trình tạm giam, và chỉ xem xét phê chuẩn việc gia hạn tạm giam của VKS đối với đề nghị của CQĐT trong thời hạn 03 ngày…” Như vậy chỉ những vụ án phức tạp, nhiều tình tiết CQĐT mới có thể yêu cầu VKS gia hạn tạm giam và trong thời hạn được quy định VKS phải ra quyết định gia hạn tạm giam hay không để CQĐT không tạm giam quá hạn bị can, bị cáo và đảm bảo được quyền nhân thân của họ. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không phải chịu áp lực về việc giải quyết vụ án. Người bị áp dụng BPTG cũng sẽ biết chấp hành các quy định về tạm giam tốt

hơn và hạn chế các trường hợp vi phạm nghĩa vụ hoặc gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra. Hạn chế được tình trạng tạm giam quá hạn hoặc người tiến hành tố tụng sử dụng các biện pháp trái pháp luật như gây thương tích, bức cung,v.v... để đẩy nhanh việc điều tra trước khi hết thời hạn tạm giam.

Bốn, về thời hạn tạm giam để hoàn thành việc xét xử. Điều 278 khoản 2 quy định: “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277”. Điều 277 của BLTTHS năm 2015 có 3 khoản, trong đó khoản 1 quy định thời hạn từ ngày thụ lý đến ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử; khoản 3 quy định thời hạn từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến ngày mở phiên tòa. Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 278 của BLTTHS năm 2015 thì thời gian từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến ngày mở phiên tòa không được áp dụng BPTG.Giữa 2 quy định trên có sự chênh lệch về thời gian. Cụ thể, là sau khi thụ lý vụ án có tối đa 03 ngày chưa phân công Thẩm phán giải quyết vụ án thì không thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 278 của BLTTHS năm 2015 theo đoạn 2 khoản 2, Điều 276 về nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án quy định: “Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án”. Nên được sửa lại nội dung điều luật này theo hướng “thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 277 của Bộ luật này và chỉ nên thực hiện trong trường hợp ngoại lệ.”. Tránh ảnh hưởng đến Quyền được xem xét về tính hợp pháp của việc giam giữ theo quy định tại Khoản 4, Điều 9 ICCPR, đó là “Bất cứ người nào do bị bắt hoặc giam giữ mà bị tước tự do đều có quyền yêu cầu được xét xử trước Tòa án, nhằm mục đích để tòa án đó có thể quyết định không chậm trễ về tính hợp pháp của việc giam giữ và ra lệnh trả lại tự do cho họ, nếu việc giam giữ là bất hợp pháp”.

Năm, về thời hạn bổ sung tài liệu sau khi kết thúc nghị án HĐXX: nhằm đảm bảo việc giao nhận hồ sơ vụ án đúng quy định và đảm bảo được thời hạn tạm giam của bị can, bị cáo không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của họ thì nên có văn bản hướng dẫn tại điểm c khoản 6 điều 326 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “Sau khi kết thúc phần nghị án nếu HĐXX xét thấy cần phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc có căn thay đổi tội danh mà các bị cáo đã truy tố về tội danh khác thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì HĐXX phải giao hồ sơ cho Viện kiểm sát. Nếu thời hạn tạm giam bị

cáo đã hết thì HĐXX tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo cho việc hoàn tất hồ sơ vụ án theo quy định”.

Sáu, về thời hạn tạm giam để điều tra bổ sung. Hiện nay vẫn còn xảy ra 2 luồng quan điểm về cách hiểu và áp dụng về thời hạn điều tra bổ sung. Điều này dẫn đến vẫn chưa có 1 cách xác định cụ thể về thời hạn tạm giam trong trường hợp Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung mà có đến 2 cách xác định. Trong thời gian tới, nhằm đảm bảo xác định đúng thời hạn tạm giam trong quy định này liên ngành tố tụng Trung ương cần phải có văn bản hướng dẫn dưới luật quy định cụ thể về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung với thời hạn theo hướng “Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung là 01 tháng” để cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng một cách thống nhất, hạn chế việc kéo dài thời hạn tố tụng.

Bảy, khi ghi thời hạn tạm giam trong lệnh giam, nếu bị can trước đó có bị tạm giữ thì cần phân biệt các trường hợp: Một, bị can bị tạm giữ và sau đó bị tạm giam, thời hạn tạm giam nối liền ngay thời hạn tạm giữ; Hai, sau khi bị tạm giữ bị khởi tố nhưng không bị tạm giam ngay mà sau một thời gian mới bị tạm giam. Trường hợp này giữa thời hạn tạm giam với thời hạn tạm giữ không liền nhau. Với trường hợp thứ nhất, việc tính thời hạn tạm giam có thể tính từ ngày người đó bị tạm giữ. Trường hợp thứ hai thì sau khi ghi thời hạn tạm giam bị cáo theo quy định của pháp luật TTHS và tính từ khi bị cáo bị bắt tạm giam, cần ghi rõ có trừ đi thời hạn bị cáo bị tạm giữ vào trong thời hạn tạm giam. Với hai cách ghi như vậy sẽ giúp cho người thi hành lệnh tạm giam biết được giới hạn thời hạn của việc tạm giam để thi hành đúng pháp luật.

Một phần của tài liệu Biện pháp tạm giam theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (2) (Trang 79 - 82)