Tăng cường năng lực cán bộ tư pháp

Một phần của tài liệu Biện pháp tạm giam theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (2) (Trang 83 - 89)

Đổi mới về cơ cấu, cách sắp xếp, sử dụng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng một cách toàn diện, loại bỏ những suy nghĩ cổ hủ về việc áp dụng pháp luật. Việc sử dụng đội ngũ cán bộ các ngành cần tập trung vào chất lượng và quy định rõ thẩm quyền, chức năng của người tiến hành tố tụng. Như vậy, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán mới phát huy hết năng lực trong việc áp dụng pháp luật cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giam.

Dù pháp luật có quy định cụ thể đến đâu trong việc áp dụng pháp luật vẫn có sự phụ thuộc vào quan điểm, nhận thức của người áp dụng pháp luật. Cần quán triệt nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như văn hóa ứng xử, đạo đức một cách thống nhất, đồng bộ cho Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên CQĐT, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên VKS, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án đảm bảo cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đáp ứng yêu cầu tôn trọng và bảo đảm quyền con người nói chung, quyền của người bị tạm giam nói riêng.

Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, lãnh đạo các cơ quan đơn vị cần quan tâm đến vấn đề khen thưởng, kỷ luật một cách nghiêm minh. Đối với những cán bộ có trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ tốt sẽ được khen thưởng để động viên tinh thần họ. Những trường hợp cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm trong công tác thì lãnh đạo đơn vị cần nghiêm khắc xử lý, rút kinh nghiệm cho các cán bộ khác. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị quan tâm đến vấn đề hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ cấp dưới qua việc cử cán bộ đi học thêm các lớp bồi dưỡng chuyên sâu cũng như tham gia các chương trình tập huấn về công tác nghiệp vụ. Bản thân các cán bộ cũng cần chủ động học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau đặc biệt từ các đồng nghiệp có thâm niên lâu năm để quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả, chất lượng.

Trong hoạt động kiểm sát điều tra, xét xử, VKS cần chú trọng hơn nữa tới việc giải quyết nhanh chóng, đúng đắn vụ án. Đồng thời, hoạt động kiểm sát cũng cần chú ý đến văn hóa, kỹ năng tố tụng để có thông báo rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng, tăng cường bảo đảm quyền con người của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật các quy định về căn cứ, thời hạn pháp luật tạm giam cho công dân có thể nắm bắt cụ thể để khi xảy ra trường hợp bị bắt tạm giam vô cớ, hoặc tạm giam quá hạn, sai luật thì có thể tự bảo vệ bản thân. Mọi công dân cũng sẽ hiểu và nhận thực được rõ hơn về biện pháp ngăn chặn, biện phạm tạm giam từ đó họ sẽ có trách nhiệm về hành vi của mình hơn. Các hoạt động tuyền truyền, giáo dục pháp luật phải đa dạng, phong phú với nhiều hình thức để có thể thu hút nhiều người dân và được thực hiện một cách đơn giản, dễ hiểu đề mọi công dân mọi độ tuổi đều có thể dễ dàng nắm bắt. Các hoạt động như : tuyên truyền miệng; đến các trường học để tuyên truyền, giáo dục các em bằng các trò chơi đố vui có thưởng, có thể tuyên truyền thông qua hình thức phát thanh trên radio để mọi người dân nếu có lái xe vẫn có thể nghe được, xây dựng các chương trình chuyên đề BPTG thông qua hình thức giải trí trình chiếu trên sóng truyền hình để các thành viên trong gia đình với độ tuổi khác nhau vẫn có thể cùng nhau xem.

3.2.2.2.Tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc áp dụng thi hành biện pháp tạm giam

Áp dụng BPTG là hoạt động cần có nhiều sự liên kết giữa các cơ quan, cá nhân trong TTHS vì càng phối hợp ăn ý giữa các cơ quan thì việc thi hành BPTG sẽ càng được chặt chẽ, linh hoạt đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng oan sai trong giải quyết VAHS, quyền con người cũng được bảo vệ và tôn trọng. Do đó, các chủ thể trong áp dụng và thi hành tạm giam cần tăng cường quan hệ phối hợp như:

Trong giai đoạn điều tra, KSV phải thường xuyên trao đổi với ĐTV để ra kế hoạch điều tra ngay từ khi khởi tố vụ án cho đến suốt quá trình tố tụng. KSV phải nắm vững nội dung, chứng cứ vụ án, để trước khi kết thúc điều tra KSV phải trao đổi với ĐTV để rà soát lại chứng cứ trước khi ra quyết định, kiểm tra về tính hợp pháp của tất cả các tài liệu, chứng cứ để tìm ra sự thật khách quan. Nếu xét thấy chưa đủ chứng cứ, căn cứ để phê chuẩn khởi tố thì KSV phải yêu cầu ĐTV bổ sung thêm tài liệu kiên quyết không được phê chuẩn khởi tố rồi sau đó lại yêu cầu bổ sung chứng cứ quan trọng. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, KSV cũng phải tăng cường mối quan hệ với Thẩm phán khi có sai sót sẽ có biện pháp khắc phục kịp thời hạn chế tối đa việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Các cán bộ được phân công nhiệm vụ kịp thời báo cáo với lãnh đạo nhanh chóng những vấn đề phát sinh và lãnh đạo cũng phải kịp thời cho ý kiến chỉ đạo để hoạt động tố tụng được diễn ra xuyên suốt và không sai sót.

Tăng cường quan hệ giữa CQTHTT và các cán bộ cơ sở giam giữ: quyền, lợi ích của bị can, bị cáo sẽ được đảm bảo khi việc áp dụng BPTG được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Do cơ quan thi hành tạm giam, tạm giữ là cơ quan trực tiếp thực thi Lệnh, Quyết định của cơ quan có thẩm quyền nên mối quan hệ giữa các cơ quan này có chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời thì mới đảm bảo được việc áp dụng BPTG có hiệu quả. Trong thời gian tới, các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ sở giam giữ trên cơ sở thực thi Thông tư liên ngành 01/2018 cần chủ động liên kết thực hiện các hoạt động để đảm bảo việc tạm giam trong từng trường hợp luôn đúng thủ tục, thẩm quyền và thời hạn như: chuyển giao, tiếp nhận người bị tạm giam, thông báo thời hạn tạm giam kịp thời v.v… Cơ quan quản lý việc tạm giam, tạm giữ cần nắm bắt số lượng người bị tạm giam, những vi phạm xảy ra trong quá trình tạm giam để kịp thời khắc phục vi phạm, đảm bảo được chế độ và việc tạm giam đối với bị can, bị cáo một cách tôn trọng và đúng quy định pháp luật.

Tổng Kết Chương 3

Chương 3 là kết quả nghiên cứu ở các chương 1, 2 của luận văn, qua nghiên cứu học viên có thể đưa ra được những kiến nghị hoàn thiện pháp luật và các giải pháp để nâng cao chất lượng hiệu quả áp dụng BPTG trong TTHS ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của chương này thể hiện trên các khía cạnh sau:

1. Luận văn đã chỉ ra được mục đích của việc áp dụng BPTG trong tố tụng chỉ được phép sử dụng để đạt được yêu cầu thực tế của quá trình giải quyết vụ án hình sự. Bởi vì, BPTG là một biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được áp dụng chủ yếu đảm bảo cho việc ngăn chặn tội phạm không thể tiếp tục phạm tội gây cản trở đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Bên cạnh đó, BPTG cũng hạn chế quyền tự do của cá nhân, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cơ bản của công dân như quyền tự do đi lại, quyền bầu cử. Vì vậy, nó là cơ sở, định hướng cho việc đưa ra các đề xuất trong chương này.

2. Các kiến nghị hoàn thiện pháp luật về BPTG gồm có: Hoàn thiện các quy định theo hướng thu hẹp phạm vi, đối tượng áp dụng; Hoàn thiện theo hướng rút ngắn thời hạn tạm giam; Hoàn thiện các quy định về căn cứ áp dụng; Hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền về BPTG; Hoàn thiện về kỹ thuật lập pháp.

3. Kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động áp dụng BPTG gồm: Giải thích pháp luật đầy đủ, rõ ràng; Tăng cường năng lực cán bộ tư pháp; Tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc áp dụng BPTG.

4. Mục tiêu của việc hoàn thiện các quy định về BPTG nhằm đảm bảo quyền con người cho người bị buộc tội khi áp dụng biện pháp này thông qua việc quy định rõ ràng các căn cứ, thẩm quyền, trình tự thủ tục chặt chẽ tránh dẫn tới việc tùy tiện áp dụng của người, cơ quan có thẩm quyền tố tụng. Nội dung của việc hoàn thiện các quy định về BPTG phải bảo đảm tính kế thừa, tiếp thu có chọn lọc của pháp luật quốc tế và pháp luật TTHS một số nước trên thế giới phù hợp với truyền thống pháp luật của Việt Nam.

5. Những bất cập liên quan đến các căn cứ áp dụng BPTG cần phải xem xét, sửa đổi sao cho thống nhất và phù hợp. Việc sửa đổi là một nhu cầu thiết thực nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả áp dụng trong thực tiễn từ đó quyền và lợi ích cơ bản của công dân mới được bảo vệ. Bị can, bị cáo chỉ có thể bị hạn chế các quyền tự do bằng BPTG khi thỏa mãn các căn cứ được quy định trong BLTTHS nên các căn cứ áp dụng cần được rõ ràng, hợp lý, cụ thể tránh việc áp dụng tùy nghi.

KẾT LUẬN

Hoàn thiện các quy định về biện pháp tạm giam theo hướng bảo vệ tốt nhất quyền con người của bị can, bị cáo bị áp dụng tạm giam là một trong những nội dung cơ bản và cũng là mục đích của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trải qua các lần sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự ngày càng hoàn thiện, dễ hiểu hơn, được áp dụng đúng đắn trong thực tiễn đạt được ý nghĩa quan trọng đối với nhận thức pháp luật của người dân, thể hiện được sự tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con người. Kết quả nghiên cứu của Luận văn đã thống nhất nhận thức về những vấn đề lý luận về biện pháp tạm giam, phân tích các quy định trong pháp luật tố tụng hình sự hiện hành cũng như tham khảo thêm ở các Bộ luật tố tụng hình sự nước ngoài như sau:

Sự hiện diện của biện pháp tạm giam là một tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế chung của thế giới và đã được ghi nhận trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam. Việc hoàn thiện các quy định về biện pháp tạm giam là cần thiết; tạo cơ sở pháp lý để người bị áp dụng có thể tự mình bảo vệ bản thân về quyền và lợi ích hợp pháp. Đây cũng là khung pháp lý để người, cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở để thực hiện đúng đắn các quy định, trình tự về việc áp dụng biện pháp tạm giam hạn chế xâm phạm đến quyền của người bị áp dụng.

Hoàn thiện các quy định về biện pháp tạm giam không chỉ là vấn đề pháp lý đơn thuần mà còn là vấn đề lý thuyết của khoa học luật hình sự và tố tụng hình sự, có ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền cơ bản của con người được Hiến pháp ghi nhận. Việc hoàn thiện các quy định phải phù hợp với các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

Luận văn đã làm rõ thực trạng áp dụng trong thực tiễn của biện pháp tạm giam, đồng thời chỉ ra được những nguyên nhân, bất cập trong các quy định về tạm giam để có thể đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về biện pháp tạm giam.

Với những kết quả nêu trên, học viên đã thực hiên được những nhiệm vụ cụ thể và đạt được mục đích nghiên cứu đã đề ra. Do khả năng và thời gian nghiên cứu còn hạn chế, nên nội dung nghiên cứu và luận văn không tránh khỏi những sai sót, hạn chế. Học viên rất mong được sự chỉ dạy và góp ý của Thầy giáo, Cô giáo và những người quan tâm đến đề tài này.

Cuối cùng, học viên xin gửi lời cảm ơn chân thành đối với các cơ quan, đơn vị hỗ trợ học viên trong quá trình nghiên cứu. Chân thành cảm ơn quý Thầy, Cô đã tận

tình truyền đạt kiến thức trong quá trình học tập. Đặc biệt học viên xin gửi lời cảm ơn chân thành đến TS.Võ Thị Kim Oanh đã tận tình hướng dẫn và giúp đỡ, động viên và tạo điều kiện cho học viên hoàn thành luận văn này.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO A. Nghị quyết của Bộ Chính trị và văn bản quy phạm pháp luật

1. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/5/2005 của Bộ chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”;

2. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ngày 28/11/2013;

3. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (Luật số 19/2003/QH11) ngày 26/11/2003 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (Luật số 101/2015/QH13) ngày 27/11/2015;

4. Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015 (Luật số 94/2015/QH13) ngày 25/11/2015;

5. Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 về hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba xét xử sơ thẩm của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

6. Thông tư liên tịch về sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP) ngày 19/10/2018;

B. Tài liệu tham khảo

7. Quy chế 111 về Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, ban hành theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của VKSND tối cao.

8. Võ Thị Kim Oanh (chủ biên) (2017), Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nhà xuất bản Hồng Đức-Hội Luật gia Việt Nam;

9. Võ Thị Kim Oanh (chủ biên) (2016), Bình luận những điểm mới cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Hà Nội, Nhà xuất bản Hồng Đức.

10. Nguyễn Hòa Bình (chủ biên) (2016), Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sách chuyên khảo, Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia;

Tài liệu từ Internet

11. Một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của BLTTHS năm 2015 – Nguyễn Tất Trình

(https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/mot-so-kho-khan-vuong-mac-trong-viec- ap-dung-cac-bien-phap-ngan-chan-theo-quy-dinh-cua-bltths-nam-2015)

Một phần của tài liệu Biện pháp tạm giam theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (2) (Trang 83 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)