7. Bố cục của luận văn
2.2.1. Là nguồn sử liệu quý giá nghiên cứu lịch sử giáo dục phổ thông
Giáo dục phổ thông theo cách hiểu chung nhất là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, có vai trò hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ, trang bị tri thức và kỹ năng phổ thông cơ bản về khoa học, văn hóa, nghệ thuật, hướng nghiệp và rèn luyện sức khỏe để tiếp tục học lên các bậc học cao hơn, học nghề, đi vào cuộc sống lao động sản xuất, thực hiện nghĩa vụ công dân. Chính vì vậy, GDPT ở bất kỳ quốc gia nào cũng có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt, là “ngành học xương sống” trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong kháng chiến chống Pháp, nền giáo dục mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được nhiều thành tựu góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của cả dân tộc. Đặc biệt, trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc 1954-1975, GDPT đã có những bước phát triển vượt bậc và thu được nhiều thành tựu to lớn. Rõ ràng, giáo dục nói chung và GDPT nói riêng giữ vai trò quan trọng và có những đóng góp hết sức to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà.
Qua thông tin tài liệu lưu trữ phông Bộ Giáo dục đã thấy được ngành GDPT đã đạt được những thành tựu như sau:
Thứ nhất, ngành GDPT đã từng bước xóa bỏ một số ảnh hưởng tiêu cực của nền giáo dục chế độ thực dân, xây dựng hệ thống GDPT thống nhất trên toàn miền Bắc. Điều này được thể hiện rõ qua quá trình thực hiện cuộc cải cách đã diễn ra cuộc đấu tranh về quan điểm giáo dục nhằm gạt bỏ những quan điểm giáo dục còn chịu ảnh hưởng của phong kiến. Trong cuộc đấu tranh quan điểm giáo dục cũ ngành giáo dục đã đạt được kết quả bước đầu: “lần đầu tiên vị trí của lao động sản xuất được khẳng định trong nhà trường. Lần đầu tiên quan điểm giáo dục cũ tách rời với đời sống, với sản xuất bị tấn công…” [45, tr.5]. GDPT dưới ánh sáng Nghị quyết 22 đã khẳng định rằng: “Sự nghiệp giáo dục đã tạo khả năng thực tế cho hàng triệu người lao động đi vào khoa học và kỹ thuật, đã góp phần nâng cao trình độ giác ngộ chính trị... Lực lượng lao động đông đảo và đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức mới do nhà trường đào tạo ra đã
đáp ứng được một phần những yêu cầu cấp bách nhất của công cuộc xây dựng kinh tế và văn hóa xã hội chủ nghĩa và của nhiệm vụ thiêng liêng đánh thắng giặc Mỹ ở nước ta”[28, tr.8]. Cuộc cải cách giáo dục năm 1956 và những chủ trương, biện pháp chỉ đạo thực hiện của Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục đã làm cho nền GDPT miền Bắc từng bước được xây dựng và phát triển theo tính chất của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, GDPT đạt được những bước tiến lớn về số lượng và bước đầu nâng cao về chất lượng. Ngành GDPT đã có sự phát triển mạnh về quy mô trường, lớp và số lượng học sinh. Đặc biệt, công tác phát triển đội ngũ giáo viên, các trường sư phạm cấp I, II, III phát triển rộng khắp ở Trung ương và các Khu, tỉnh. Năm 1955, số giáo viên chỉ có 16.013 người thì đến năm 1975 đã lên tới 176.611 người, tăng gấp 11 lần. Tỉ lệ phân phối giáo viên cho các cấp I, II, III cũng có tiến bộ, năm 1969-1970 là 0,98; 1,4;1,5 đến năm 1970-1971, tỉ lệ đó đã tăng hơn là 1;1,53; 1,88 [54, tr.24]. Không chỉ mở rộng về quy mô, chất lượng GDPT bước đầu được nâng lên, ngành giáo dục đã xuất hiện các điển hình như: các trường, lớp tiên tiến, giáo viên, học sinh giỏi. Công tác giáo dục đã chuyển mạnh vào qũy đạo của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Những thành tích to lớn của sự nghiệp giáo dục là “biểu hiện rực rỡ, bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc…Chúng ta có quyền tự hào một cách chính đáng về những thành tựu ấy của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta” [28, tr.3]. Từ đó có thể khẳng định rằng: “được chỉ đạo bởi một đường lối chính trị đúng đắn và được xây dựng trong một chế độ ưu việt, nền GDPT của ta đã có những bước biến đổi cơ bản về chất: từ một nền giáo dục nô lệ, thực dân và phong kiến, nền GDPT...Chúng ta đã phá tan chính sách giáo dục hạn chế “nhỏ giọt”, đẳng cấp, ngu dân của bọn thực dân và phong kiến bằng cách phát triển giáo dục theo quy mô lớn và tốc độ cao” [51, tr.2].
Cũng qua thông tin tài liệu, chúng tôi thấy được bên cạnh những thành tựu của ngành GDPT vẫn còn những hạn chế, cụ thể:
Về quy mô giáo dục, mặc dù sự phát triển về quy mô giáo dục năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng kế hoạch phát triển giáo dục một số năm không đạt yêu cầu. Ví dụ, năm học 1973-1974, số học sinh cấp I đạt 98%, số học sinh
cấp II đạt 95,8% kế hoạch do số học sinh bỏ học nhiều (trong đó chỉ có một vài tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Yên Bái, Vĩnh Linh, Lạng Sơn là vượt chỉ tiêu đề ra), chỉ có cấp III đạt 100.6% kế hoạch. Số trường là 11.548 (theo kế hoạch là 11.533), số lớp là 126.840 (theo kế hoạch là 131.180) [55, tr.4] và đều thấp hơn so với kế hoạch.
Về chất lượng giáo dục, quy mô giáo dục phát triển mạnh nhưng chất lượng giáo dục toàn diện còn thấp, chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế xã hội, chưa đáp ứng được những yêu cầu của thời kỳ mới xây dựng lại đất nước.
So với yêu cầu của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa “công tác GDPT chưa chuẩn bị đầy đủ cho thế hệ trẻ và tinh thần và thái độ, ý thức và khả năng đi vào sản xuất lớn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển và hoàn chỉnh ngành nghề của nền kinh tế quốc dân, sẵn sàng tham gia lực lượng dự trữ về lao động kỹ thuật của đất nước”