7. Bố cục của luận văn
2.2.3. Là nguồn tư liệu có giá trị giúp nghiên cứu về giới trí thức Việt Nam
Thông tin tài liệu trong phông Bộ Giáo dục ngoài những giá trị cơ bản nêu trên còn có ý nghĩa trong việc cung cấp thông tin sử liệu để nghiên cứu về giới trí thức Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước. Đội ngũ trí thức trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và từ sau giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, xây dựng và đổi mới đất nước đến những năm 80 của thế kỉ XX gồm đội ngũ giáo viên và lưu học sinh. Điều này được thể hiện như sau:
Về đội ngũ giáo viên: Qua các số liệu thống kê, tổng hợp về sự phát triển của đội ngũ giáo viên trong giai đoạn này được phản ánh trong tài liệu. Bằng các biện pháp tích cực, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã thu được nhiều kết quả. Hệ thống các trường sư phạm cấp I, II được mở rộng tại các tỉnh. Hệ thống các trường Đại học Sư phạm gồm: ĐHSP Hà Nội I, ĐHSP II, ĐHSP Ngoại ngữ, ĐHSP Vinh, ĐHSP Việt Bắc. Năm học 1969-1970, số sinh viên trường ĐHSP Hà Nội lên tới 8.500 người, số sinh viên sư phạm trong cả nước lên tới 85.000 người, hơn năm trước 23.000 người. Năm 1970, ngành giáo dục đào tạo được đội ngũ đông đảo giáo viên mẫu giáo, vỡ lòng, phổ thông, bổ túc văn hóa và sư phạm lên đến 19 vạn người, trong đó có gần 2 vạn cán bộ quản lý giáo dục các cấp [51, tr.8].
Quy mô đội ngũ giáo viên có sự phát triển vượt bậc. Nếu như năm học 1964-1965, số giáo viên phổ thông là 77.685 người thì đến năm học 1970-1971
con số đó đã tăng gần gấp đôi là 133.757 người, trong đó 60.835 giáo viên là nữ, 83.123 giáo viên cấp I, 42.083 giáo viên cấp II, 6.620 giáo viên cấp III [50, tr.7]. Đội ngũ giáo viên có nhiều ưu điểm đáng chú ý đó là: trẻ (55% dưới 30 tuổi), 95 % xuất thân từ nhân dân lao động; 32% là đảng viên; 88% là đoàn viên tuổi dưới 30; 47% là nữ, 12% là người dân tộc thiểu số [51, tr.8]. Đội ngũ giáo viên được bổ sung và có ý thức vươn lên về mọi mặt. Sau khi hòa bình lập lại, số giáo viên tăng lên là 158.134, trong đó giáo viên khoa học cơ bản là 154.879, giáo viên dạy các môn khác là 3.255 người [55, tr.1]. Có thể thấy rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển lớn về số lượng giáo viên ngay trong những năm chiến tranh là do các chính sách khuyến khích học sinh học sư phạm và rút ngắn thời gian đào tạo nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt về giáo viên. Đội ngũ giáo viên có phẩm chất chính trị, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ, cần cù, dũng cảm, sáng tạo, khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển sự nghiệp giáo dục. Các giáo viên đã kiên cường bám trụ, vượt qua khó khăn, thiếu thốn trong mưa bom, bão đạn để một mặt cùng nhân dân chiến đấu, mặt khác tổ chức tốt việc dạy học cho học sinh.
Về đội ngũ lưu học sinh: Công tác giáo dục đào tạo nói chung và đào tạo cán bộ nước ngoài nói riêng được thể hiện thông qua các tài liệu là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chương trình, kế hoạch của các Bộ ngành, địa phương về việc gửi lưu học sinh đi đào tạo ở Liên Xô và các nước hàng năm và nhiều năm; các báo cáo tổng kết công tác đào tạo cán bộ ở nước ngoài của từng giai đoạn và danh sách lưu học sinh được cử đi học và lưu học sinh tốt nghiệp về nước được thống kê chi tiết. Chỉ tính riêng trong năm 1963, Nhà nước đã gửi đi học ở nước ngoài 507 lưu học sinh (tính cả sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh), trong đó, 311 người đi Liên Xô gồm 250 sinh viên và 37 nghiên cứu sinh và 18 thực tập sinh. Cũng trong năm này, số lưu học sinh Việt Nam tốt nghiệp ở Liên Xô về nước là 167 người trong tổng số 375 lưu học sinh của ta tốt nghiệp ở các nước [68, tr.49].
Số lượng lưu học sinh và ngành học tại nước ngoài đã tăng lên đáng kể so với những năm trước đó. Trong giai đoạn này, lần đầu tiên ta gửi đi đào tạo nước ngoài trình độ nghiên cứu sinh và bắt đầu từ năm 1964, chúng ta tạm dừng
gửi đi đào tạo các ngành khoa học xã hội [68, tr.3]. Số lượng lưu học sinh được cử đi học tại các nước hàng năm tập trung hầu hết là sinh viên các trường đại học lớn của Bộ Giáo dục, nhiều nhất là sinh viên các trường Đại học Bách khoa, Đại học Tổng hợp. Ngoài ra, thông tin tài liệu lưu trữ còn cho biết thêm, đây là lần đầu ngành giáo dục của nước ta đã tiến hành phân phối lưu học sinh ngay từ trong nước và việc làm này thực sự rất có lợi trong việc tuyển chọn và phân phối ngành nghề đào tạo cho lưu học sinh tại các nước [68, tr.136-138]. Thông tin trong phông tài liệu còn cho chúng ta biết sự giúp đỡ từ phía Việt Nam trong việc đào tạo lưu học sinh nước ngoài và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã nhận đào tạo rất nhiều sinh viên người nước ngoài ở một số ngành ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử Việt Nam...
Qua những phân tích và nhận xét ở trên chúng tôi có thể rút ra được đó là những đặc điểm của đội ngũ trí thức Việt Nam trong phông Bộ Giáo dục. Nội dung tài liệu của phông đã phản ánh về quy mô, chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như lưu học sinh ở nước ngoài trong đó chủ yếu là Liên Xô. Đây là một trong những nguồn tư liệu lịch sử thực sự có giá trị đối với việc nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của các thế hệ trí thức Việt Nam đã được đào tạo ở trong và ngoài nước với tư cách là một bộ phận cấu thành của đội ngũ trí thức Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến những năm 80 của thế kỉ XX.