6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.3.2 Những mặt còn hạn chế
2.3.2.1 Mô hình quản trị rủi ro tín dụng
❖ Về cơ cấu tổ chức
Mô hình quản lý của ngân hàng đã thực hiện theo chiều dọc nhưng thực chất quản lý vẫn tập trung tại chi nhánh. Chi nhánh vẫn đóng vai trò như ngân hàng con. Thẩm quyền phán quyết giao cho chi nhánh vẫn còn quá lớn dẫn đến dễ xảy ra rủi ro. BIDV chưa có phương pháp xác định mức độ chấp nhận rủi ro cho các sản phẩm tín dụng chính. Chi nhánh cũng chưa xây dựng các yếu tố để nhận dạng rủi ro tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp cho bộ phận quản lý khách hàng để báo cáo định kỳ cho Ban lãnh đạo nhằm có giải pháp xử lý kịp thời các khoản vay có vấn đề. Các chỉ tiêu đo lường rủi ro tín dụng có thực hiện nhưng chưa đánh giá được chất lượng tín dụng, các mô hình tính toán tổn thất dự kiến chưa được áp dụng tại chi nhánh.
Hiện nay, chi nhánh chưa qui định giới hạn tín dụng đối với ngành, lĩnh vực cần hạn chế cho vay, giới hạn tín dụng đối với nhóm khách hàng có liên quan chiếm tỷ trọng cao. Kết quả, chi nhánh không kiểm soát được giới hạn tín dụng các lĩnh vực chi nhánh tập trung cho vay chiếm tỷ trọng lớn có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của chi nhánh khi xảy ra rủi ro tập trung.
Công tác quản lý rủi ro tín dụng tại chi nhánh chưa thật sự được xây dựng một cách có hệ thống như: chưa xây dựng danh mục ngành nghề chính chi nhánh đang cho vay chiếm tỷ trọng lớn nhất, nhóm đối tượng khách hàng đang chiếm dư nợ cao cần theo dõi, báo cáo thường xuyên nhóm khách hàng có liên quan chưa được thống kê để kiểm soát, hệ thống cảnh báo sớm đối với khoản tín dụng có nguy cơ giảm sút, các khoản vay có vấn đề chưa được thiết lập.
Phòng quản lý rủi ro tại chi nhánh tuy được thẩm định độc lập với bộ phận quản lý khách hàng nhưng đối với một số trường hợp không thể đánh giá mang tính chủ quan do phụ thuộc rất nhiều vào quyền quyết định của Ban lãnh đạo.
❖ Qui trình cấp tín dụng
Tại BIDV, việc phê duyệt các khoản vay vượt thẩm quyền của chi nhánh phải qua nhiều bộ phận của Hội sở chính dẫn đến mất rất nhiều thời gian thẩm định dự án của khách hàng.
Cụ thể: khi dự án của doanh nghiệp được bộ phận quản lý khách hàng tại chi nhánh tiếp nhận hồ sơ, sau khi đã thẩm định trình Phó giám đốc QLKH xem xét, có ý kiến trước khi trình Giám đốc chi nhánh phê duyệt báo cáo đề xuất tín dụng. Giám đốc chi nhánh ký công văn đề xuất tín dụng, gửi toàn bộ hồ sơ tín dụng về Hội sở chính (Ban quản lý rủi ro tín dụng). Ban Quản lý rủi ro tín dụng thẩm định hơ sơ dự án trình các cấp có thẩm quyền quyết định. Và khi có kết quả từ Hội sở chính, chi nhánh thông báo với doanh nghiệp và tiếp tục các khâu của qui trình tại chi nhánh.
Như vậy, từ khi doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ cho chi nhánh đến khi dự án của doanh nghiệp được giải ngân thông thường mất thời gian đến gần 02 tuần. Như vậy, đối với các dự án cần phải xúc tiến nhanh để đưa ra sản phẩm cạnh tranh trên thị trường thì với thời gian ngân hàng thẩm định quá lâu doanh nghiệp sẽ mất cơ hội đầu tư và trường hợp này đã xảy ra tại chi nhánh.
Trước khi cho vay: việc hạn chế thông tin về khách hàng vay vốn, về mối
quan hệ của nhóm khách hàng liên quan do hiện nay ngân hàng chưa có hệ thống thông tin chung có khả năng cung cấp các thông tin về các mối quan hệ gia đình, thân cận huyết để giúp việc đánh giá khách hàng và nhóm khách hàng liên quan một cách hiệu quả. Ngoài ra, trên hệ thống chưa có các dấu hiệu nhận biết khách hàng liên quan dẫn đến khó khăn trong việc quản lý giới hạn tín dụng đối với nhóm khách hàng liên quan. Ngoài ra, do mục tiêu tăng trưởng nên chi nhánh không hạn chế ngành nghề cho vay (ngoại trừ các ngành nghề hạn chế cho vay theo chỉ đạo của Hội sở chính).
Trong khi cho vay: với qui trình cấp tín dụng chặt chẽ do Hội sở chính ban hành, chi nhánh đã giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong quá trình cấp tín dụng cho khách hàng do có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các khâu trong qui trình. Tuy nhiên do thời gian thẩm định các khoản vay qua nhiều khâu cũng đã ảnh hưởng đến khách hàng vay vốn. Bên cạnh đó, các mẫu hợp đồng đảm bảo tiền vay đã được Hội sở chính soạn thảo và trên cơ sở đó chi nhánh điều chỉnh cho phù hợp với thực tế tại mỗi khu vực. Tuy nhiên, do BIDV Long An không có bộ phận pháp chế để kiểm tra tính hợp pháp và an toàn cho chi nhánh khi điều chỉnh các nội dung trong hợp đồng đảm bảo tiền vay nên tại chi nhánh đã xảy ra một số trường hợp cán bộ quản lý khách hàng soạn thảo hợp đồng không được sự kiểm soát chặt chẽ của lãnh đạo
khối dẫn đến thất thoát vốn của chi nhánh khi các hợp đồng đảm bảo bị tuyên vô hiệu, khoản vay không có tài sản bảo đảm …
Sau khi cho vay: Công tác kiểm tra sử dụng vốn vay phụ thuộc hoàn toàn vào cán bộ quản lý khách hàng. Do đó, việc kiểm tra thực tế khách hàng và có kiến nghị báo cáo lãnh đạo xử lý kịp thời các khoản nợ có vấn đề hoàn toàn do trách nhiệm của cán bộ quản lý khách hàng. Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp, chi nhánh chưa quan tâm đến việc cảnh báo các khoản nợ sắp đến hạn để thông báo với khách hàng chủ động tìm nguồn thanh toán.
Ngoài ra, việc áp dụng chính sách về tài sản bảo đảm đối với từng đối tượng khách hàng tại chi nhánh chưa thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, căn cứ theo qui định của Hội sở chính ban hành, chi nhánh được áp dụng mức tỷ lệ tài sản bảo đảm tối thiểu khi cho vay. Tuy nhiên, đối với trường hợp khách hàng vẫn còn tài sản bảo đảm nhưng do cán bộ quản lý khách hàng không yêu cầu bổ sung đã dẫn đến khách hàng đem tài sản sang ngân hàng khác vay vốn dẫn đến việc khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích … .Khi rủi ro xảy ra, tài sản bảo đảm của khách hàng tại chi nhánh không đủ để bù đắp tổn thất.
Bên cạnh đó, chính sách khách hàng có qui định về hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tối đa đối với từng ngành nghề. Tuy nhiên, để khách hàng được vay vốn, cán bộ quản lý khách hàng tư vấn cho doanh nghiệp chỉnh sửa báo cáo tài chính để doanh nghiệp đáp ứng điều kiện vay vốn.
Công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ tại chi nhánh do Phòng Quản lý rủi ro thực hiện. Vì vậy, việc kiểm tra, kiểm soát các khoản vẫn còn chưa chặt chẽ, mang tính chủ quan do bộ phận quản lý rủi ro đã thẩm định khoản vay và đồng thời lại là bộ phận kiểm tra các khoản vay đã được chính bộ phận rủi ro thẩm định. Do đó, việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ vẫn chưa thực sự phản ánh các sai sót trong qui trình cần thực hiện khắc phục.
2.3.2.2 Chấm điểm xếp hạng tín dụng nội bộ
Hệ thống phần mềm của Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ chưa hỗ trợ hoàn toàn các yêu cầu thu thập thông tin phục vụ quá trình xem xét quyết định vay (hỗ trợ cung cấp dữ liệu chỉ tiêu phi tài chính của khách hàng theo nhóm, ngành, dữ liệu so sánh theo lịch sử . . .).
Hệ thống xếp hạng tín dụng tại chi nhánh đã dần thực hiện theo thông lệ quốc tế, tuy nhiên việc chấm điểm khách hàng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như:
Điểm tài chính của khách hàng phụ thuộc vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên đa số báo cáo tài chính của doanh nghiệp không được kiểm toán, báo cáo tài chính gửi cho ngân hàng có khi không phản ánh thực sự kết quả kinh doanh của doanh nghiệp hoặc cán bộ quản lý khách hàng tư vấn cho doanh nghiệp lập báo cáo tài chính để được xếp hạng cao được áp dụng các chính sách khách hàng …
Điểm phi tài chính phụ thuộc vào tính chủ quan của cán bộ đánh giá như: năng lực quản lý doanh nghiệp, kinh nghiệm của chủ doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp … .Khi cán bộ đánh giá cần điều chỉnh nhóm nợ để tránh chuyển sang nhóm nợ xấu thì chất lượng tín dụng của chi nhánh cũng sẽ không được phản ánh chính xác.
2.3.2.3 Phân loại nợ, tính toán, trích lập dự phòng rủi ro
Công tác phân loại, tính toán, trích lập dự phòng tại chi nhánh tuy đã thực hiện đúng qui định nhưng trên thực tế công tác theo dõi việc chuyển nhóm nợ khi khách hàng doanh nghiệp chưa được xếp hạng tín dụng vẫn còn mang tính thủ công, phụ thuộc vào đề nghị chuyển nhóm nợ của bộ phận quản lý khách hàng. Trường hợp khách hàng đã quá hạn theo qui định phải chuyển nhóm nợ nhưng bộ phận QLKH doanh nghiệp chưa đề nghị bộ phận quản trị tín dụng chuyển nhóm nợ sẽ phản ánh không chính xác chất lượng tín dụng tại chi nhánh. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp đã được định hạng khi được cơ cấu hoặc đang quá hạn vẫn có thể duy trì ở nhóm nợ đủ tiêu chuẩn do cán bộ quản lý khách hàng không chủ động đánh giá chính xác về doanh nghiệp.
Việc thực hiện đánh giá tính khả mại của tài sản bảo đảm theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN vẫn còn mang tính chủ quan của cán bộ quản lý như: dễ phát mãi, bình thường, khó phát mãi hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người báo cáo. Bên cạnh đó, tổng giá trị tài sản của mỗi khách hàng do cán bộ quản lý khai báo và thực hiện tính toán. Chi nhánh chưa có công cụ hỗ trợ kiểm tra tính chính xác của tổng giá trị tài sản của từng khách hàng dễ dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện báo cáo.