Tạo động lực làm việc bằng các biện pháp kích thích tinh thần

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạo động lực làm việc cho viên chức tại trung tâm y tế huyện phúc thọ, thành phố hà nội (Trang 27 - 29)

7. Bố cục của luận văn

1.3.4. Tạo động lực làm việc bằng các biện pháp kích thích tinh thần

Phân công công việc hợp lý:

Phân công công việc là hoạt động giao việc cho người viên chức. Việc phân công công việc hợp lý, đúng đắn có thể tạo động lực làm việc cho viên chức y tế vì nó sẽ giúp viên chức phát huy được các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đã được tích lũy, tạo thuận lợi cho việc hoàn thành công việc được giao với hiệu quả cao.

Muốn phân công công việc hiệu quả, thì việc xác định đúng nhiệm vụ và tiêu chuẩn thực hiện công việc cho viên chức trên cơ sở thiết kế và phân tích công việc là yêu cầu quan trọng giúp tạo động lực làm việc cho viên chức y tế bởi:

- Khi viên chức y tế được giao nhiệm vụ rõ ràng, họ sẽ biết mình cần phải làm gì và phải làm tốt những nhiệm vụ được giao vì đó là nhiệm vụ của họ, không phải của người khác. Nếu nhiệm vụ được giao đúng với năng lực, sở trường của họ, chắc chắn họ sẽ hoàn thành tốt.

- Nếu công việc được giao có tiêu chuẩn thực hiện rõ ràng thì tổ chức có thể đánh giá đúng đắn được mức độ thực hiện công việc của viên chức, kết quả thực hiện công việc này là cơ sở để tổ chức thực hiện trả lương và các biện pháp khuyến khích tinh thần hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công việc được giao của viên chức.

Công bằng, khách quan trong đánh giá thực hiện công việc:

Trong tổ chức, đánh giá thực hiện công việc có ý nghĩa quan trọng vì nó là hoạt động được tiến hành nhằm hoàn thiện sự thực hiện công việc của viên chức y tế và giúp người quản lý đưa ra các quyết định nhân sự đúng đắn. Ngoài vấn đề thù lao lao động cao, để kích thích lao động, viên chức y tế còn cần sự công bằng,

khách quan, chính xác trong đánh giá thực hiện công việc và các yếu tố khác.

Để kết quả đánh giá có ý nghĩa và thực hiện được mục tiêu tạo động lực làm việc, tổ chức phải sử dụng kết quả đánh giá này vào các chính sách quản trị nhân lực khác như: sử dụng kết quả đánh giá để xác định các hệ số tham gia lao động và sử dụng hệ số tham gia lao động làm căn cứ để xác định các mức tiền lương, tiền thưởng; nâng lương; đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, đào tạo và phát triển nhân viên.

Tạo cơ hội đào tạo, phát triển nhân lực và thăng tiến cho viên chức:

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong mọi tổ chức, được coi là một trong những biện pháp tạo động lực cho người lao động bởi:

- Giúp trang bị, bổ sung, cập nhật thêm kiến thức kỹ năng cần thiết để có thể hoàn thành công việc;

- Là một phần thưởng hữu hiệu đối với người lao động; - Tạo cơ hội cho cấp dưới thăng tiến;

- Tạo bầu không khí học tập trong tổ chức.

Trong tháp nhu cầu của Maslow, nhu cầu tự hoàn thiện là nhu cầu bậc cao, đó là nhu cầu được trưởng thành và phát triển, được biến các khả năng, tiềm năng của mình thành hiện thực, hoặc là nhu cầu đạt được các thành tích mới, nhu cầu sáng tạo. Khi đã được đáp ứng cơ bản nhu cầu về vật chất và nhu cầu về xã hội, viên chức cần được đào tạo và phát triển để họ tự phát triển nghề nghiệp và tổ chức cũng cần tạo ra khả năng thăng tiến mạnh trong công việc, kể cả giao cho họ những trọng trách và vị trí lãnh đạo chủ chốt trong tổ chức để tạo ra động lực lao động mạnh nhất đối với viên chức.

Tạo môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi cho viên chức:

Tạo môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi cho viên chức y tế đóng một vai trò quan trọng vì khi được làm việc trong môi trường làm việc thuận lợi, NLĐ sẽ cảm thấy thoải mái về tinh thần, giảm stress, có khả năng phục hồi khả năng làm việc cao qua đó động lực lao động sẽ tăng lên.

Người sử dụng lao động cần chú ý đến việc tạo môi trường làm việc an toàn như đầu tư cải thiện điều kiện làm việc, khắc phục các yếu tố điều kiện lao động gây ảnh hưởng xấu đến viên chức y tế như bụi, ồn, rung, vi khuẩn, vi sinh vật gây hại, vi khí hậu, trang bị các phương tiện bảo hộ lao động theo đúng quy định. Không những vậy, tổ chức cần đảm bảo các điều kiện cần thiết về y tế để phòng tránh rủi ro, tạo sự yên tâm làm việc cho viên chức y tế. Đảm bảo chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý cũng giúp tối đa hóa được năng lực làm việc của viên chức y tế và

khả năng phục hồi sức khỏe của viên chức y tế sau quá trình làm việc sẽ tốt hơn.

Tạo ra phong cách quản lý và giao tiếp với nhân viên hiệu quả:

Tổ chức nên tạo ra phong cách quản lý và giao tiếp với nhân viên hiệu quả nhằm thỏa mãn nhu cầu xã hội và nhu cầu được tôn trọng của NLĐ.

Nhiệm vụ của người lãnh đạo là phải giúp cho viên chức nhận thấy rằng, công việc mà họ đang làm hợp với chuyên môn, kỹ năng của họ, cũng như có thể giúp họ phát triển về nghề nghiệp và tương lai. Song song đó là làm cho viên chức cảm nhận mình là một phần tử quan trọng của tổ chức. Người lãnh đạo nên “kéo” tất cả nhân viên của mình vào mọi hoạt động quan trọng của tổ chức, khi đó họ sẽ yêu tổ chức và làm việc hăng say. Khi nhân viên đạt được thành tích, nhà lãnh đạo phải biết cách khen thưởng kịp thời, khen thưởng cả những nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ và gắn bó với tổ chức; giao quyền và giao trách nhiệm cho nhân viên… Người lãnh đạo cần đối xử công bằng và vô tư với mọi nhân viên để họ không cảm thấy bất bình, ức chế vì bị đối xử bất công từ đó sẽ tránh gây ra tâm lý chán nản làm việc, giảm động lực lao động của nhân viên.

Ngoài ra, người lãnh đạo phải được tôn trọng để có thể tạo động lực hiệu quả. Khi không được tôn trọng, người lãnh đạo khó mà tạo được động lực cho nhân viên. Người lãnh đạo chiếm được sự tôn trọng của nhân viên bằng một trong nhiều cách sau: kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý, cách sống, sự quan tâm đến nhân viên, khả năng tập hợp mọi người…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạo động lực làm việc cho viên chức tại trung tâm y tế huyện phúc thọ, thành phố hà nội (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)