5. Bố cục của luận án
4.3.2. Kết quả phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Bảng 4.13. Kết quả phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
ĐVT: Tỷ đồng Nhóm ngành Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 So sánh (%) 2016/ 2015 2017/ 2016 2018/ 2017 2019/ 2018 1. Nông nghiệp 180.651 188.915 198.959 209.500 217.700 104,6 105,3 105,3 103,9 Trồng trọt 114.278 115.121 120.577 127.300 131.000 100,7 104,7 105,6 102,9 Chăn nuôi 43.112 47.980 51.009 51.400 53.100 111,3 106,3 100,8 103,3 Dịch vụ 23.261 25.814 27.373 30.800 33.600 111 106 112,5 109,1 2. Lâm nghiệp 107.516 115.303 123.340 137.500 154.200 107,2 107 111,5 112.1 3. Thủy sản 1.653 1.761 2.100 2.300 2.500 106,5 119,3 109,5 108,7
(Nguồn: Phòng Tài chính - Kế hoạch Bình Liêu)
Kết quả phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản cho thấy giá trị tổng ngành đạt 289.820 tỷ đồng năm 2015 và 374.400 tỷ đồng năm 2019 với tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt 6,62%. Xu hướng chuyển dịch trong cơ cấu nội ngành đã dịch chuyển về lĩnh vực chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng năm 2019 so với năm 2015 của dịch vụ nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất (44,4%), kế đến chăn nuôi với 23,2% và cuối cùng là trồng trọt với 14,6%.
Bên cạnh đó, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, đặc biệt là vùng trồng cây lâm nghiệp như hồi, quế, sở, dong riềng và sản xuất miến dong. Các cây lâm sản chủ lực đều có sản lượng và giá trị tăng qua các năm. Các cây chủ lực như thông, hồi, sở, quế,.. tiếp tục được nhân rộng để thay thế cây keo kéo theo tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực lâm nghiệp tăng đều hàng năm với 43,4% năm 2019 so với năm 2015 cho thấy sự tập trung và quyết liệt của chính quyền huyện trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng sản lượng và giá trị sản phẩm.
Lĩnh vực thủy sản tuy không phải thế mạnh của địa phương, song trong giai đoạn vừa qua đã cho thấy sự cố gắng và quyết tâm tập trung vào những sản phẩm mà địa phương có thế mạnh nhằm tạo sự khác biệt của địa phương, dẫn đến chỉ trong vài năm, đã tạo được con số ấn tượng với tốc độ tăng trưởng năm 2019/2015 đạt mức 51,2%. Kết quả cụ thể phân tích từng lĩnh vực trong ngành nông nghiệp được cụ thể hóa dưới đây:
■ Quy mô và cơ cấu ngành trồng trọt
Bảng 4.14. Sản lượng lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2015 - 2019
Sản lượng Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 So sánh (%) 2016/ 2015 2017/ 2016 2018/ 2017 2019/ 2018 1. Lương thực có hạt (Tấn) 8.824 8.698 8.500 7.857 8.194 98,6 97,7 92,4 104,3 2. Sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực 841 705 1.637 1.102 1.391,6 83,8 232,2 67,3 126,3 Hồi 337 153 880 270 806 45,4 575,2 30,7 298,5 Sở 48 55 84 115 85 114,6 152,7 136,9 73,9 Quế 172 183 167 180 150 106,4 91,3 107,8 83,3 Thông (nhựa) 186 205 297 192 266 110,2 144,9 64,6 138,5 Dong riềng 98 109 209 345 84,6 111,2 191,7 165,1 24,5
(Nguồn: Chi Cục Thống kê huyện Bình Liêu)
Kết quả về sản lượng các sản phẩm trồng trọt cho thấy sản lượng lương thực có hạt và sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Bình Liêu cho thấy trong những năm vừa qua, sản lượng lương thực có hạt bao gồm chủ yếu là sản lượng lúa, ngô và các loại cây có hạt khác của huyện đang dịch chuyển theo xu hướng giảm dần. Nguyên nhân là do địa hình địa bàn huyện chủ yếu là đồi núi với những thửa ruộng bậc thang với đặc điểm gieo trồng và canh tác gặp khó khăn. Vì vậy, chính quyền huyện xây dựng chính sách tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương thay thế cho những sản phẩm kém hiệu quả, không mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, do điều kiện thời tiết nắng hạn một số diện tích không lấy được nước để phục vụ gieo cấy trong năm làm cho tổng diện tích gieo trồng toàn huyện giảm cùng với thời tiết nắng nóng kèm theo mưa kéo dài, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại phát sinh. Mặt khác, do người dân không tuân thủ kỹ thuật canh tác làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng thu hoạch.
Bên cạnh đó, sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương được xác định bao gồm hồi, sở, quế, thông và dong riềng có sản lượng ngày càng tăng qua các năm. Tuy nhiên, mức độ ưu tiên tập trung có sự khác biệt giữa các sản phẩm. Cụ thể như hồi hiện nay vẫn đang là sản phẩm được ưu tiên tập trung chính
tại huyện với xu hướng tăng vượt bậc qua các năm với giá trị kinh tế và sản lượng cao khi năm 2019 sản lượng tăng 139,2% so với năm 2015 và đây cũng là sản phẩm có tốc độ tăng lớn nhất trong các sản phẩm nông nghiệp của huyện. Kế đến là sở với tốc độ năm 2019 so với năm 2015 là 77,1% cho thấy sản phẩm này có tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn vừa qua bởi nguyên nhân huyện đã đưa ra và triển khai
mô hình “Khôi phục và phát triển cây sở giai đoạn 2014-2020”. Theo đó, để thực
hiện mục tiêu phục hồi 30 ha rừng sở, các lớp tập huấn trồng, chăm sóc cây sở, hỗ trợ vốn, giống, đảm bảo đầu ra sản phẩm cho các hộ trồng sở được tổ chức. Kết quả bước đầu tạo ra vùng trồng, sản xuất nguyên liệu sở tập trung. Hiện nay và trong tương lai, việc vận động nhân dân trồng sở phân tán tại các khu vực dọc tuyến quốc lộ 18C để tạo nguồn nguyên liệu, tạo bóng mát và cảnh quan tuyến đường sẽ được triển khai mạnh mẽ. Cây thông cũng có tốc độ tăng trưởng khá năm 2019 so với năm 2015 với 43%. Còn lại quế và dong riềng có xu hướng giảm dần qua các năm. Riêng đối với dong riềng là sản phẩm truyền thống lâu đời của người dân huyện. Do đó, giai đoạn năm 2017, 2018 có tốc độ tăng về sản lượng rất lớn so với năm 2015 với 113,3% và 252%. Tuy nhiên, đến năm 2019, sản lượng sản phẩm này giảm xuống 13,7% so với năm 2015. Mặc dù, miến dong Bình Liêu là sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao được chế biến từ cây dong riềng và trong những năm qua, huyện Bình Liêu đã phát triển vùng trồng dong riềng tập trung gắn với chế biến miến dong. Nguyên nhân là bởi giai đoạn trước năm 2016, các cơ sở chế biến miến dong luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu do cầu nhiều hơn cung. Đến năm 2017, do diện tích canh tác cây dong riềng được mở rộng lên 257,9ha, tổng sản lượng đưa vào chế biến đạt trên 8.900 tấn với sản lượng chế biến trên 600 tấn. Điều này làm cho các cơ sở chế biến miến dong đều tồn kho một lượng củ thô hoặc tinh bột dong riềng làm cho cung vượt cầu, khả năng tiêu thụ được sản phẩm chậm, dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp, trong khi mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Hình thức tiêu thụ hiện nay chủ yếu qua hệ thống phân phối bán lẻ, thương lái và các đợt hội chợ trong và ngoài tỉnh nên việc thu hồi vốn chậm dẫn đến thanh toán tiền nguyên liệu củ dong cho người dân chưa được kịp thời. Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn ngân hàng của các cơ sở chế biến là rất lớn song hạn mức hỗ trợ lãi suất hiện nay lại chưa phù hợp với thực tiễn cùng với nhận thức và tâm lý ỉ lại của người dân (chủ yếu là người dân tộc thiểu số) dẫn tới người dân không tiếp tục trồng sản phẩm này làm sản lượng đạt thấp.
■ Quy mô và cơ cấu ngành chăn nuôi
Bảng 4.15. Sản lượng ngành chăn nuôi giai đoạn 2015 - 2019
Sản lượng Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Tổng đàn vật nuôi (Con) 86.319 87.195 95.860 113.413 122.141 Trâu 7.035 6.138 6.352 4.395 2.939 Bò 1.974 2.041 2.363 2.460 2.318 Dê 3.273 3.324 4.164 3.635 2.502 Lợn 7.696 7.816 8.405 7.823 982 Gà 52.812 56.200 62.476 79.400 90.900 Vịt, ngan, ngỗng, gia cầm khác 13.529 15.000 16.264 15.700 22.500
(Nguồn: Chi Cục Thống kê huyện Bình Liêu)
Đi cùng trồng trọt, tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự biến động tăng qua các năm. Tổng đàn vật nuôi năm 2019 tăng 41,5% so với năm 2015. Trong đó, tăng nhiều chủ yếu tập trung ở loại gà, vịt, ngan, ngỗng, gia cầm khác với 72,1% và 66,31%. Lượng tăng ít hơn ở bò với 17,43% bởi nguyên nhân các hộ gia đình đầu tư mở rộng quy mô, chuyển theo hướng áp dụng kỹ thuật và có kiểm soát hơn; nhờ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, phát triển chăn nuôi, góp phần duy trì và thúc đẩy phát triển chăn nuôi.
Các loại vật nuôi như trâu, dê và lợn có sự sụt giảm trong giai đoạn năm 2015 - 2019. Trong đó, lượng sụt giảm lớn nhất ở lợn với 87,2%. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn ra tương đối phức tạp, gây ra lẻ tẻ ở nhiều nơi và nhiều thời điểm khác nhau, số lượng các loại vật nuôi bị mắc bệnh khá nhiều, tạo thành các đợt lớn. Ngoài ra, ngành chăn nuôi gặp một số khó khăn như đợt rét đậm, rét hại đã gây thiệt hại tương đối lớn.
Đứng trước khó khăn trên, huyện đã chỉ đạo để trích kinh phí dự phòng ngân sách và nguồn kinh phí cứu trợ MTTQ tỉnh để hỗ trợ và chỉ đạo hướng dẫn người dân sử dụng kinh phí được hỗ trợ đầu tư chuồng trại và tái đàn gia súc. Thêm nữa, công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm cũng được quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên tiến độ vẫn còn thấp, do người chăn nuôi có tư tưởng chủ quan, không chấp hành
việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Ở một số địa phương, công tác chỉ đạo, triển khai chưa thực sự quyết liệt, việc tuyên truyền vận động của cơ sở còn hạn chế làm cho khả năng hồi phục và trở lại chăn nuôi còn chưa thực sự hiệu quả.
■ Quy mô và cơ cấu ngành thủy sản
Kết quả ở bảng 4.13 cho thấy giá trị ngành thủy sản năm 2015 đạt 1.653 tỷ đồng tăng lên đến 2.500 tỷ đồng năm 2019 với mức tăng 51,2%. Đây được xem là kết quả rất khả quan của việc thực hiện đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống nuôi cá nước chảy, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi diện tích trồng trọt kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các ao, hồ, sông suối. Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, huyện đã thử nghiệm thành công việc nuôi một số thủy sản cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá hồ với sản lượng 60 - 70 tấn/năm và đây là sản phẩm tạo sự khác biệt của huyện Bình Liêu so với các địa phương khác trong toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được chú ý. Nhờ đó, diện tích nuôi trồng năm 2015 đạt 15,19ha, tăng 2,99ha so với năm 2010. Diện tích nuôi trồng năm 2017 đạt 17,5ha. Đến hết năm 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 16 ha. Sản lượng khai thác đạt 20 tấn, đạt 94,2% so kế hoạch và bằng 95,2% so cùng kỳ. Năm 2019, chăn nuôi thủy sản ổn định, không có dịch bệnh xảy ra, kết quả đạt giá trị cao, đóng góp khá lớn vào nguồn thu ngân sách của huyện.
■ Quy mô và cơ cấu ngành lâm nghiệp
Là huyện miền núi, Bình Liêu có thế mạnh về phát triển lâm nghiệp. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện tốt. Huyện triển khai xây dựng đề án giao đất, giao rừng nhằm đảm bảo các hộ dân làm nghề rừng có đất rừng sản xuất; coi trọng việc phát huy lợi thế của vùng miền núi để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Diện tích trồng các loại cây đặc sản là thế mạnh của địa phương như: Hồi, quế, sở được nhân rộng, góp phần giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Không những vậy, huyện đã triển khai quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện Bình Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và triển khai dự án trồng rừng vành đai biên giới. Từ đó, giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2019 tăng 43,4% so với năm 2015. Giai
đoạn năm 2015 - 2019, bình quân trồng 450ha/năm, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 66,8% (2015) lên 67,2% (2019).
Đối với khai thác lâm sản: Diện tích khai thác rừng trồng được 196,3 ha, sản
lượng khai thác gỗ rừng trồng được 20.011,8m3, bằng 400,24% kế hoạch và bằng
463% cùng kỳ. Đồng thời, thực hiện gieo ươm cây giống được 2.000 cây giống các loại do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Liêu thực hiện, đạt 100% kế hoạch. Công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ lâm sản và diện tích rừng đã trồng được thực hiện tốt. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 67,2% (không đạt kế hoạch), do năm 2018, 2019 thực hiện khai thác rừng trồng với diện tích lớn.
Như vậy, những kết quả trong sản xuất nông nghiệp kể trên là sự nỗ lực của chính quyền cùng nhân dân địa phương trong việc tiếp tục hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất; quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp; chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc cây trồng vật nuôi; đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi… Đặc biệt hàng năm, huyện tổ chức thực hiện tốt đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có khả năng mang lại giá trị kinh tế cao và phát huy được lợi thế của địa phương.