Chi NSNN là quá trình Nhà nước phân phối và sử dụng quỹ NSNN nhằm trang trải những nhu cầu chi cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước; chi trả nợ của Nhà nước; chi viện trợ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Chi NSNN có quy mô và mức độ rộng lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương và ở tất cả các cơ quan công quyền.
Quá trình chi trả, cấp phát quỹ NSNN được hiểu là quá trình cung cấp vốn từ NSNN, với đặc trưng là số vốn cung cấp đó có thể được hình thành từ nhiều loại quỹ khác nhau trước khi chúng được đưa vào sử dụng, thông thường giữa thời gian cung cấp và thời gian sử dụng có khoảng cách nhất định.
Quá trình sử dụng quỹ NSNN cũng là quá trình cung cấp vốn từ NSNN sang, nó có đặc trưng là sự cung cấp đó không có khả năng hình thành các quỹ tiền tệ khác mà nó trực tiếp sử dụng cho các công việc đã định sẵn của Nhà nước.
Phân loại chi NSNN là việc sắp xếp các khoản chi NSNN theo những tiêu thức nhất định vào các nhóm, các lĩnh vực chi. Theo Khoản 2, Điều 5, Luật NSNN 2015 [14] xác định “Chi ngân sách nhà nước bao gồm: Chi đầu tư phát triển; Chi dự trữ quốc gia; Chi thường xuyên; Chi trả nợ lãi; Chi viện trợ; Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật“.Trong khuôn khổ đề tài này, chỉ tập trung nghiên cứu 02 nội dung chi chủ yếu là Chi thường xuyên và Chi đầu tư xây dựng cơ bản.
- Chi thường xuyên là nhiệm vụ chi của NSNN nhằm bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khác và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của
Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Chi đầu tư xây dựng cơ bản là nhiệm vụ chi của NSNN để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.