Kinh nghiệm quản lý nguồn vốn vay để phát triển quỹ đất của tỉnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý vốn vay để phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh bắc kạn (Trang 30 - 35)

5. Cấu trúc của luận văn

1.2.1. Kinh nghiệm quản lý nguồn vốn vay để phát triển quỹ đất của tỉnh

Bắc Giang

Tỉnh Bắc Giang đang quản lý nguồn vốn vay để phát triển quỹ đất thông qua Trung tâm phát triển quỹ đất. Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bắc Giang được thành lập theo Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 9 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh Bắc Giang [24]. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có con dấu riêng, mở tài khoản tại kho bạc nhà nước theo quy định hiện hành. Với chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác trong lĩnh vực đất đai…

Những năm qua, để quản lý nguồn vốn vay để phát triển quỹ đất trên địa bàn, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bắc Giang đã thực hiện các giải pháp như sau:

- Ủy ban nhân tỉnh đã ban hành được các Quy định về đền bù thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất. Quy định nêu rõ cụ thể, chi tiết về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, phương pháp, phân loại tài sản và đơn giá đền bù. Điểm đặc biệt của quy định, đền bù đối với đất thu hồi để chỉnh trang đô thị được đền bù theo nguyên tắc “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, định chế này được Hội

đồng nhân tỉnh ban hành Nghị quyết riêng. Nội quy của quy định này dựa trên lôgic: khi Nhà nước thu hồi đất để chỉnh trang đô thị, đã làm tăng giá trị điều kiện sống môi trường của khu vực này thì người dân được hưởng nguồn lợi trực tiếp từ đầu tư của Nhà nước phải hy sinh, đóng góp một phần nguồn lực của mình tương ứng.

- Uỷ ban nhân dân tỉnh rất coi trọng công tác tuyên truyền của Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp gắn với thực hiện cơ chế dân chủ cơ sở, kết hợp với chính sách khen thưởng đối với các đối tượng thực hiện giải phóng vượt tiến độ và cưỡng chế kịp thời các đối tượng cố ý chống đối không thực hiện giải phóng mặt bằng khi các điều kiện đền bù theo pháp luật đã được đáp ứng.

Tỉnh đã chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp, hàng năm ký chương trình công tác phối hợp với Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam cùng cấp để triển khai công tác tuyên truyền và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nhằm hỗ trợ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nói riêng và giám sát cộng đồng về vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách nhà nước

- Có chế tài về trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức trong công tác cải cách hành chính cũng như trong đền bù, giải phóng mặt bằng thì vai trò, trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là vai trò của cá nhân lãnh đạo chủ chốt hết sức quan trọng và có tính chất quyết định đối với các trường hợp xung yếu. Tác động tới niềm tin của nhân dân đối với sự quan tâm của Nhà nước, mặt khác gia tăng áp lực về trách nhiệm của bộ máy quản lý, bắt buộc công chức và viên chức không ngừng tự trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp của mình để đáp ứng nhu cầu công việc. Qua một số kinh nghiệm triển khai cơ chế liên quan đến vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước ở tỉnh.

1.2.2. Kinh nghiệm quản lý nguồn vốn vay để phát triển quỹ đất của tỉnh Thái Nguyên Thái Nguyên

Tại Thái Nguyên, việc quản lý nguồn vốn vay để phát triển quỹ đất được quản lý bởi Quỹ phát triển. Quỹ phát triển đất tỉnh Thái Nguyên được thành lập từ ngày 22-12-2010 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-10- 2012. Quỹ phát triển đất tỉnh có chức năng nhận vốn từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và huy động các nguồn hợp pháp khác theo quy định; cho vay vốn, chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quỹ Phát triển đất tỉnh Thái Nguyên hiện quản lý 3 loại quỹ, gồm: Quỹ phát triển đất, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Quỹ Đầu tư phát triển. Trong những năm qua, Quỹ Phát triển đất tỉnh đã tiếp tục tăng cường việc thu hồi các khoản nợ gốc và lãi vay đến hạn, quá hạn để cho các dự án khác vay, tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn; tiếp tục tìm kiếm các nguồn vốn có lãi suất thấp để thực hiện huy động nguồn vốn theo quy định; đẩy nhanh tiến độ và thủ tục đầu tư các dự án, nhất là các dự án tiếp nhận từ Trung tâm phát triển quỹ Nhà - Đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh; cùng với đó, Quỹ đã hoàn thiện các thủ tục để bàn giao các dự án đủ điều kiện cho địa phương; chủ động phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh thủ tục, quy trình để thanh toán, thu hồi vốn đối ứng. Đồng thời. Quỹ cũng đã đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan cần chủ động phối hợp, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để Quỹ Phát triển đất hoạt động thuận lợi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tính đến cuối năm 2019, Quỹ phát triển đất có vốn điều lệ hơn 395 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Quỹ đã thực hiện thẩm định hồ sơ và ứng vốn 39 lượt cho 5 dự án, giúp giải phóng khoảng 67ha đất để giao

cho nhà đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, đảm bảo thời gian, tiến độ thực hiện các dự án. Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, do còn nhiều vướng mắc về thủ tục cho vay nên cả năm mới bảo lãnh được 4,5 tỷ đồng cho doanh nghiệp, nâng tổng số tiền bảo lãnh của Quỹ này sau 3 năm thành lập được 12,4 tỷ đồng. Đồng thời, Quỹ đã phối hợp với các đơn vị liên quan đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, huyện Định Hóa và thị xã Phổ Yên, với tổng diện tích 20,2ha; đồng thời tiếp tục triển khai 9 dự án khác nhận bàn giao từ Trung tâm phát triển quỹ Nhà - Đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh… Bên cạnh đó, Quỹ Phát triển đất tỉnh Thái Nguyên thường xuyên đôn đốc thu hồi vốn vay, phí vay vốn các dự án đến hạn, quá hạn; tăng cường công tác truyền thông về hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thông tin liên hệ, tiếp cận nguồn vay vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; tìm kiếm các nguồn vốn có lãi suất thấp từ tổ chức, cá nhân để thực hiện huy động nguồn vốn theo quy định; thực hiện dự án góp vốn thành lập Công ty Đầu tư thương mại… [23]

1.2.3. Kinh nghiệm quản lý nguồn vốn vay để phát triển quỹ đất của tỉnh

Bắc Ninh

Bắc Ninh là một trong những địa phương rất thành công trong công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là quản lý nhà nước ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý nguồn vốn vay để phát triển quỹ đất. Ngay từ những ngày đầu thành lập năm 2012, với nguồn vốn ban đầu của quỹ là 500 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước cấp, các năm tiếp theo trích 30% từ tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. [12] Quỹ phát triển đất tỉnh Bắc Ninh đã hoạt động vô cùng hiệu quả.

Trên cơ sở nội dung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý vốn đầu tư và xây dựng của Trung ương ban hành, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã cụ thể hoá các công trình quản lý theo thẩm quyền được phân công, phân cấp. Điểm nổi trội của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh là đã hướng dẫn chi tiết về trình tự các bước triển khai đầu tư và xây dựng: từ xin chủ trương đầu tư; chọn địa điểm đầu tư; lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng; lập dự án đầu tư; thanh toán chi phí lập dự án; thẩm định phê duyệt dự án; lập thiết kế tổng dự toán; bố trí và đăng ký vốn đầu tư; đền bù và giải phóng mặt bằng; tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu; tổ chức thi công; quản lý chất lượng trong thi công; cấp phát vốn đầu tư; nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng; đến thanh quyết toán và bảo hành công trình. Gắn với các bước theo trình tự trên là thủ tục, hồ sơ cần có trách nhiệm, quyền hạn quản lý, thụ lý của các chủ thể trong hệ thống quản lý, vận hành vốn đầu tư và xây dựng. Việc cụ thể hoá quy trình quản lý và giải quyết công việc của nhà nước đã tạo một bước đột phá của Bắc Ninh trong khâu cải cách hành chính và nâng cao năng lực của bộ máy Nhà nước.

Trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là khâu phức tạp nhất trong quá trình thực hiện dự án đầu tư và xây dựng, trong thực tế rất nhiều dự án, công trình của Trung ương cũng như các địa phương chậm tiến độ, gây lãng phí và một phần thất thoát vốn do ách tắc ở khâu này. Do vậy, để đảm bảo thực hiện tốt khâu này tỉnh Bắc Ninh đã giao cho Quỹ Phát triển đất của tỉnh quản lý nguồn vốn vay cho các tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và thực hiện bồi thường các khu vực tái định cư cho dân,… thông qua việc Quỹ phát triển đất tự chủ về tài chính sau khi được Uỷ ban nhân dân tỉnh cho Quỹ được trích 30% từ tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nguồn vốn vay để phát triển quỹ đất, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ra quyết định số 08/QĐ- UBND tỉnh Bắc Ninh về việc Ban hành quy chế phối hợp giữa các bên liên quan trong việc hỗ trợ triển khai hoạt động của Quỹ phát triển đất. Qua đó, bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, kịp thời, công khai, minh bạch; xác định rõ cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp; trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị; nội dung, cách thức thực hiện; chế độ thông tin, báo cáo; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế tổ chức hoạt động của từng cơ quan, đơn vị.

Kết quả, năm 2019, quy mô nguồn vốn của Quỹ phát triển đất là 312 tỷ đồng. Quỹ phát triển đất đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền bố trí vốn cho 23 dự án, công trình phát triển quỹ đất và một số dự án trọng điểm của tỉnh với tổng số tiền 211 tỷ đồng, giải ngân cho 19 dự án với số tiền 178 tỷ đồng. Kết quả thu hồi vốn cũng đạt 160 tỷ đồng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý vốn vay để phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh bắc kạn (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)