5. Kết cấu của luận văn
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Cách tiếp cận
Để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học có thể tiếp cận theo nhiều cách khác nhau như tiếp cận từ thực tiễn, sau đó tổng hợp, phát triển để bổ sung cho lý thuyết và đề ra giải pháp hoặc tiếp cận từ lý thuyết rồi ứng dụng vào thực tiễn từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp....Đối với việc nghiên cứu đề tài quản lý vùng nguyên liệu chè tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, tác giả lựa chọn cách tiếp cận theo hướng nghiên cứu các vấn đề về mặt lý luận, sau đó vận dụng vào thực tiễn thông qua việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác quản lý vùng nguyên liệu chè trên địa bàn huyện Đại Từ, từ đó đề xuất, kiến nghị một số giải pháp tăng cường công tác quản lý vùng nguyên liệu chè trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
2.2.2 Phương pháp thu thập thông tin
2.2.2.1. Phương pháp thu thập thông tin thứ cấp
Số liệu thứ cấp là những thông tin được thu thập từ những tài liệu nghiên cứu có liên quan đã được công bố như các báo cáo hàng năm, báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất của huyện, xã, của các phòng ban chuyên môn, các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, niên giám thống kê huyện. Những thông tin này được thu thập, lựa chọn, tổng hợp từ
nhiều nguồn, nhiều lĩnh vực khác nhau góp phần làm sáng rõ, chi tiết các nội dung như đặc điểm tình hình của địa bàn nghiên cứu, các vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài nghiên cứu...
Các số liệu thứ cấp cần được thu thập bao gồm: số hộ sản xuất chè, diện tích, năng suất, sản lượng chè, khí hậu, thổ nhưỡng...
2.2.2.2. Phương pháp thu thập thông tin sơ cấp
Số liệu sơ cấp là những thông tin mới, chưa được công bố được thu thập bằng phương pháp chủ yếu là điều tra và phỏng vấn trực tiếp giúp cho quá trình thu thập và phân tích số liệu sơ cấp được thuận tiện, nhanh chóng và dễ dàng, bao gồm:
Thu thập số liệu từ cán bộ, lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc huyện:
như phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện: Thu thập thông tin cơ bản về thực trạng, thuận lợi, khó khăn, quan điểm, đánh giá đối với việc quản lý vùng chè nguyên liệu. Do quy mô số phòng ban chuyên môn thuộc huyện Đại Từ không nhiều, tôi tiến hành phỏng vấn trực tiếp Phó Phòng phụ trách của phòng Nông nghiệp & PTNT và Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, đồng thời phỏng vấn, tham khảo ý kiến của cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn nghiên cứu.
Thu thập số liệu từ các hộ gia đình trồng chè:
* Cách thức chọn điểm nghiên cứu:
Điểm nghiên cứu phải là địa điểm phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của đề tài, mang tính đại diện cho địa bàn nghiên cứu là huyện Đại Từ. Do đề tài nghiên cứu hạn chế về mặt nguồn lực và thời gian nên sau khi tham vấn ý kiến lãnh đạo, cán bộ phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đại Từ, tôi chọn xã Tân Linh, huyện Đại Từ là điểm nghiên cứu. Huyện Đại Từ có 30 đơn vị xã, thị trấn trồng chè, tuy nhiên xã Tân Linh là xã có diện tích và sản lượng chè lớn nhất huyện (chiếm khoảng 10% và diện tích và sản lượng chè toàn huyện Đại Từ). Việc sản xuất chè tại xã Tân Linh ảnh hưởng trực tiếp đến ngành chè tại
huyện Đại Từ, xã Tân Linh cũng là địa phương được huyện quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách đối với cây chè nguyên liệu. Các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh và của huyện đều được triển khai thực hiện tại xã Tân Linh, do vậy chọn xã Tân Linh là địa điểm nghiên cứu đảm bảo được tính đại diện cho các xã trồng chè tại huyện Đại Từ.
* Về chọn mẫu nghiên cứu
Để thuận tiện cho việc phân tích, đánh giá, phân tổ thống kê thì việc chọn mẫu phải chọn ngẫu nhiên đại diện cho các loại hình hộ khác nhau. Trên địa bàn huyện Đại Từ, hiện các hộ trồng chè cơ bản không có sự phân hóa nhiều, có thể phân loại dựa trên quy mô về diện tích trồng chè theo thứ tự lớn, trung bình và nhỏ.
Sau khi điều tra các số liệu thứ cấp, tham vấn các chuyên gia, các hộ trồng chè tại huyện Đại Từ có diện tích sản xuất trung bình từ 2000-3000m2. Do vậy, tôi phân tổ điều tra dựa trên quy mô về diện tích trồng chè của các hộ gia đình như sau:
- Hộ có diện tích chè lớn hơn 3000m2 (Hộ trồng chè quy mô lớn).
- Hộ có diện tích chè từ 2000 đến 3000m2 (Hộ trồng chè quy mô trung bình).
- Hộ có diện tích chè nhỏ hơn 2000m2 (Hộ trồng chè quy mô nhỏ).
Về quy mô, kích thước mẫu: Trên cơ sở điểm nghiên cứu được chọn là
xã Tân Linh và cách phân tổ điều tra, để xác định quy mô, kích thước mẫu điều tra, tôi cân nhắc đến lý thuyết về quy luật số lớn để các kết quả có ý nghĩa thống kê và hộ được chọn phải mang tính đại diện cho điểm nghiên cứu được chọn tuy nhiên do hạn chế về mặt thời gian, kinh phí tổ chức thực hiện, để thuận tiện cho việc thực hiện các nội dung nghiên cứu, tôi tham khảo ý kiến của cán bộ, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc huyện, lãnh đạo xã Tân Linh về số lượng mẫu điều tra để đảm bảo tính đại diện cho các tiêu chí được phân tổ theo quy mô trên, sau khi tổng hợp các ý kiến tham gia, tôi xác định dung lượng tổng số mẫu điều tra là 30 mẫu (mỗi tổ điều tra 10 mẫu). 30
mẫu này sẽ đảm bảo tính đại diện cho các hộ sản xuất chè tại xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
Trên cơ sở danh sách các hộ trồng chè từ cán bộ khuyến nông xã Tân Linh, tôi tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên đảm bảo số lượng mẫu đã được xác định như trên.
Việc điều tra chọn mẫu các hộ trồng chè để thu thập các thông tin như diện tích trồng chè, các cơ chế, chính sách của Nhà nước và địa phương, việc thụ hưởng các chính sách của người dân, lợi ích của chính sách mang lại, kỳ vọng của người trồng chè đối với việc trồng chè trong thời gian tới...
* Thời gian tiến hành khảo sát: Tháng 10 năm 2019. Thời gian khảo sát trong 01 tháng.
* Phương pháp khảo sát: phỏng vấn trực tiếp bằng các câu hỏi đã
được chuẩn bị trước và in sẵn qua phiếu khảo sát được thể hiện trong phần Phụ lục của luận văn.
2.2.3. Phương pháp xử lý và phân tích thông tin
Trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu, tác giả đã sử dụng các phương pháp như thống kê mô tả, so sánh để xử lý và phân tích thông tin.
Đối với thông tin thứ cấp: Tác giả tiến hành tổng hợp, phân loại, lập thành các bảng, biểu, phân tích, đánh giá.
Đối với thông tin sơ cấp: Sau khi tiến hành điều tra, phỏng vấn, tác giả tổng hợp các nội dung, phân tích, đánh giá, đưa ra các kết luận, đưa vào luận văn nhằm làm rõ hơn các nhận định, đề xuất.