Giải pháp hỗ trợ các chủ thể tham gia phát triển vùng chè nguyên liệu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý vùng nguyên liệu chè tại huyện đại từ, tỉnh thái nguyên (Trang 105 - 108)

5. Kết cấu của luận văn

4.2.3. Giải pháp hỗ trợ các chủ thể tham gia phát triển vùng chè nguyên liệu

Ngày 24 tháng 6 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng [26], quyết định nêu rõ “Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa với người sản xuất nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản để phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Hợp đồng sau khi đã ký là cơ sở pháp lý gắn trách nhiệm và nghĩa vụ các tác nhân với nhau, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp giữa người sản xuất nguyên liệu và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chế biến và xuất khẩu theo đúng hợp đồng”. Mối quan hệ liên kết hợp tác giữa 04 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân) được Nhà nước khuyến khích hình thành, phát triển từ lâu và đã trở thành xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Ngày 25/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn [25], đến ngày 05/7/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp [16]. Đây là văn bản mới nhất quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ.

Thực hiện các chính sách của Nhà nước, trong thời gian tới, để quản lý tốt vùng nguyên liệu chè trên địa bàn huyện Đại Từ thì đẩy mạnh, tăng cường mối quan hệ liên kết giữa 04 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân) cần được UBND huyện Đại Từ quan tâm đẩy mạnh thực hiện.

Huyện Đại Từ cần định hướng, khuyến khích thúc đẩy xây dựng vùng nguyên liệu chè đồng thời triển khai thực hiện các chính sách và tạo các ưu đãi hợp lý để thúc đẩy việc hình thành, mở rộng quy mô vùng nguyên liệu, đồng thời chia sẻ rủi ro, gắn kết lợi ích giữa thương nhân và nông dân, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa các nhà.

4.2.3.1. Đối với các nhà khoa học

Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ cần tăng cường mối liên hệ, liên kết với các trường đại học, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất chế biến các trang thiết bị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các công nghệ sản xuất, chế biến mới vào thực tế, trên cơ sở đó tạo điều kiện cho người dân học hỏi các kinh nghiệm trong quá trình sản xuất kinh doanh, kích thích, khuyến khích việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chè trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phòng, ban chức năng như phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp nghiên cứu, du nhập, trồng khảo nghiệm một số giống mới để đánh giá, lựa chọn ra giống có chất lượng, năng suất và chống chịu hạn, rét và có sức đề kháng sâu bệnh cao để đưa vào cơ cấu trong thời gian tới. Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các địa phương tạo môi trường thuận lợi, ưu tiên cho các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng sản xuất công nghệ cao, sản xuất chè an toàn hướng tới xây dựng nền nông nghiệp an toàn và bền vững.

4.2.3.2. Giải pháp đối với doanh nghiệp

Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của huyện qua các hội chợ thương mại, triển lãm thu hút đầu tư, các thông tin về cải cách hành chính, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, cơ chế, chính sách của

huyện...Tăng cường công tác thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mà cụ thể là kinh doanh, chế biến, tiêu thụ chè nguyên liệu như có cơ chế trong việc tạo điều kiện giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án, ưu đãi về tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất khi được nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để thực hiện các dự án, hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện quy hoạch, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trong dự án cánh đồng lớn.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè đều phải tuân thủ các điều kiện chế biến chè an toàn thực hiện theo quy chuẩn Việt Nam 1/7/2009/BNNPTNT, huyện cần khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO, do vậy cần có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi giúp mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu từ trang thiết bị, đối mới công nghệ, phục vụ cho sản xuất và chế biến chè qua đó làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp.

4.2.3.3. Giải pháp đối với các hộ dân

Có thể nói, yếu tố quan trọng quyết định chất lượng chè an toàn đó là sử dụng hợp lý phân bón và thuốc BVTV. Việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV theo đúng quy trình ở một số hộ dân vẫn còn hạn chế, tình trạng này có nhiều nguyên nhân như thói quen canh tác, sự chủ quan, làm việc theo cảm tính, tư duy chậm đổi mới...Do vậy, cần nâng cao nhận thức về chè an toàn và sản xuất chè an toàn của người sản xuất. Giải pháp cho vấn đề này là tăng cường công tác tuyên truyền đối với nhân dân để người dân tự giác, chủ động thực hiện đúng các quy trình sản xuất, đảm bảo sản xuất chè sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, phổ biến, nâng cao nhận thức về pháp luật, các quy định khi tham gia vùng chè nguyên liệu như tuân thủ quy hoạch, quy trình thực hiện của nhà nước và doanh nghiệp.

Khi tham gia vùng chè nguyên liệu tập trung, khuyến khích người dân tăng cường áp dụng các biện pháp thâm canh,tăng năng suất, sản xuất chè an toàn theo quy trình ViệtGAP như hỗ trợ kinh phí cho việc cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người sản xuất, mức hỗ trợ thực hiện theo Nghị định 02/2010/NĐ của Chính phủ về Khuyến nông [15].... Đối với chế biến chè quy mô hộ gia đình khuyến khích các hộ áp dụng quy trình sản xuất chế biến chè an toàn bằng đầu tư công nghệ sinh học và sử dụng tôn sao INOX thay thế tôn sắt.

Ủy ban nhân dân huyện cần tạo điều kiện thuận lợi để người trồng chè tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè, tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với người trồng chè từ khâu sản xuất đến tiêu thụ thông qua hợp đồng, hợp tác kinh doanh, gắn cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu (Doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong hướng dẫn, quản lý, giám sát quy trình kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý vùng nguyên liệu chè tại huyện đại từ, tỉnh thái nguyên (Trang 105 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)