Chính sách quản lý ngoại hối là những quy định pháp lý, những thể lệ của Nhà nước trong vấn đề quản lý ngoại tệ, quản lý vàng bạc, đá quý và các chứng từ có giá trị ngoại tệ cũng như đối với việc trao đổi sử dụng, mua bán trên thị trường nội địa và quan hệ thanh toán, tín dụng với nước ngoài.
Nội dung của chính sách quản lý ngoại hối là quản lý và kiểm soát các luồng vận động của ngoại hối từ nước ngoài vào và từ trong nước ra, có liên quan đến quan hệ ngoại thương cũng như các quan hệ kinh tế đối ngoại khác bằng ngoại tệ. Đồng thời, chính sách quản lý ngoại hối cũng quản lý và kiểm soát lưu thông của ngoại hối (chủ yếu là vàng bạc, đá quý và đặc biệt là ngoại tệ) trong phạm vi quốc gia. Với việc thực hiện nội dung này, chính sách quản lý ngoại hối không những góp phần phát triển ngoại thương, tạo sự cân bằng cán cân thanh toán quốc tế mà còn có vai trò quan trọng trong việc ổn định giá trị tiền tệ quốc gia nói riêng và ổn định nền kinh tế quốc dân nói chung.
Từ sự trình bày khái quát trên, có thể thấy rằng chính sách quản lý ngoại hối có ảnh hưởng to lớn tới hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại thông qua các quy định, thể lệ ràng buộc được pháp luật thừa nhận. Đặc biệt một chính sách quản lý ngoại hối đúng đắn và phù hợp với điều kiện của từng quốc gia trong mỗi thời kỳ sẽ đóng vai trò là đòn bảy khuyến khích phát triển ngoại thương hợp tác kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại.
Sự biến động của tỷ giá hối đoái:
Về hình thức, tỷ giá hối đoái là giá cả của một đơn vị tiền tệ nước này được biểu hiện bằng một đơn vị tiền tệ của nước kia. Là hệ số quy đổi của một đồng tiền nước này sang đồng tiền nước khác, được xác định bởi mối quan hệ cung cầu trên thị trường tiền tệ
Về nội dung, tỷ giá hối đoái là một phạm trù kinh tế bắt nguồn từ nhu cầu trao đổi hàng hoá, dịch vụ, phát sinh trực tiếp về tiền tệ, quan hệ tiền tệ giữa các quốc gia
Tỷ giá hối đoái, mặc dù đã có lịch sử lâu dài trong các giai đoạn phát triển của nhân loại, nhưng đến nay vẫn còn là vấn đề hết sức phức tạp. Sự phức tạp của vấn đề tỷ giá thể hiện trên hai phương diện. Một là ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài (tình hình kinh tế, thị trường tài chính quốc tế và chính sách can thiệp của các nước,...) các yếu tố này không nằm trong tầm khống chế của một quốc gia. Hai là sự tương tác nhiều chiều của quá trình, chính sách kinh tế, tài chính, tiền tệ ở mỗi nước. Hình thức biểu hiện tổng hợp về sự tương tác về hai phương diện trên chính là quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Nói chung có rất nhiều yếu tố tác động lên tỷ giá hối đoái, một số yếu tố cơ bản là:
- Sức mua của các đơn vị tiền tệ và tốc độ lạm phát ở các nước hữu hạn
- Trạng thái cán cân thanh toán quốc tế ảnh hưởng trực tiếp đến cung cầu ngoại tệ
thông qua đó tác động lên tỷ giá
- Chênh lệch lãi suất giữa các nước, giữa các thị trường tín dụng nội địa và quốc tế
- Một số các nhân tố tác động lên cung cầu ngoại tệ qua đó ảnh hưởng đến tỷ giá
Đến lượt mình, bất kỳ một biến động nhỏ của tỷ giá hối đoái cũng tác động tới rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân như các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, tình hình lạm phát,... Tất cả các nhân tố này lại ảnh hưởng, chi phối trực tiếp đến hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại nói riêng và thị trường ngoại hối nói chung. Do đó, có thể nói biến động của tỷ giá có tác động sâu sắc, nhiều chiều, phức tạp tới hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại.