Mặc dù hoạt động kinh doanh ngoại hối của NHNT đã đạt được những kết quả đáng khích lệ và tự hào, song nó vẫn tồn tại những mặt hạn chế cần được giải quyết:
Các hình thức kinh doanh ngoại hối còn nghèo nàn
Hoạt động kinh doanh ngoại hối hiện nay nói chung chỉ giới hạn trong các nghiệp vụ mua bán đơn giản, chủ yếu là mua bán giao ngay (SPOT). Các giao dịch phức tạp hơn như FORWARD, SWAP hay OPTION cũng được thực hiện nhưng doanh số chưa cao. Nguyên nhân là trong thời gian vừa qua, thị trường liên ngân hàng chưa phát triển, doanh số mua bán của các ngân hàng trên thị trường này còn ở mức nhỏ nên ảnh hưởng đến doanh số mua bán của NHNT. Doanh số mua bán chủ yếu được thực hiện với các khách hàng và chi nhánh của NHNT. Hơn nữa, sự can thiệp của NHNN trên thị trường ngoại hối chưa thực sự hiệu quả, nhu cầu về ngoại tệ của NHNT cũng như các NHTM chưa được đáp ứng một cách kịp thời. Mặt khác, thông tin trên thị trường ngoại hối thiếu đầy đủ, điều kiện để thực hiện phân tích diễn biến, đưa ra dự báo thay đổi tỷ giá chưa đầy đủ nên chưa phát triển được các nghiệp vụ khác trong kinh doanh ngoại tệ. Điểm yếu này dẫn đến việc không đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối mới chỉ dừng ở việc phục vụ nhu cầu khách hàng mà chưa nhằm mục đích kinh doanh cho bản thân ngân hàng
Việc xác định tỷ giá chưa linh hoạt và theo kịp với sự biến động của các đồng tiền trên thị trường quốc tế, tỷ giá giao dịch thấp hơn tỷ giá thị trường nên đã khuyến khích nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu.
Hàng ngày, tỷ giá VND/USD giao ngay được xác định theo quan hệ cung, cầu trên thị trường ngoại hối. Tỷ giá VND và các loại ngoại tệ khác được xác định theo tỷ giá chéo trong đó USD đóng vai trò là đồng tiền trung gian. Theo cách xác định tỷ giá như hiện nay thì tỷ giá giao dịch thấp hơn giá thị trường, điều này ảnh hưởng đến sự cân bằng trong cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. Nhiều khách hàng đã phải bỏ NHNT để sang các ngân hàng khác mua ngoại tệ với giá cao hơn, một số
khách hàng cũng tìm cách bán ngoại tệ cho các NHTMCP khác để nhận được tỷ giá cao hơn tỷ giá mua của NHNT hoặc được hưởng hoa hồng.
Cơ cấu ngoại tệ trong giao dịch không cân đối
Cơ cấu dự trữ ngoại tệ của NHNT hiện tại vẫn là USD chủ yếu. Từ đó dẫn đến việc loại ngoại tệ được sử dụng trong các giao dịch kinh doanh ngoại tệ cũng chủ yếu là đồng USD. Trên 80% khối lượng giao dịch ngoại tệ cả trong và ngoài nước đều sử dụng USD. Chính vì vậy, khi có sự biến động lớn về tỷ giá USD/VND, hoạt động kinh doanh ngoại tệ của NHNT sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
về công tác phòng ngừa rủi ro
Thời gian qua, công tác này đã được chú trọng tuy nhiên không tránh khỏi những rủi ro bất khả kháng. Giao dịch kỳ hạn thường chỉ có một chiều (mua hoặc bán) hoặc không đồng thời nên không thể sử dụng các hình thức kinh doanh như các công cụ phòng ngừa rủi ro về tỷ giá, chịu ảnh hưởng nặng nề khi tỷ giá thay đổi. Bên cạnh đó, rủi ro về mặt lãi suất cũng là một vấn đề mà NHNT đang phải đối mặt. Tuy nhiên cũng phải kể đến những khó khăn đáng kể về phía khách hàng do chưa quen, chưa chấp nhận các nghiệp vụ mới cũng như những quy định chưa hợp lý của NHNN nên chưa tạo môi trường cho các nghiệp vụ này mở rộng và phát triển.
Thị phần có xu hướng giảm và chất lượng dịch vụ chưa cao
Mặc dù vẫn đang dẫn đầu hệ thống các ngân hàng thương mại trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ, nhưng NHNT vẫn phải đối diện với thực tế là thị phần của NHNT đang giảm mạnh trong điều kiện cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Điều này phản ánh qua việc NHNT đang mất đi những khách hàng truyền thống của mình, các doanh nghiệp XNK mà mối quan hệ với các khách hàng này là cơ sở cho sự phát triển nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối nói riêng và sự phát triển của NHNT nói chung.
Chất lượng dịch vụ nói chung còn thấp. Phần lớn khách hàng mong muốn khi lựa chọn giao dịch với ngân hàng ngoại thương là đươc đáp ứng nhu cầu đa dạng, được tư vấn, được hướng dẫn, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, NHNT hiện nay chưa có bộ phận hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh mua bán ngoại tệ. Các nhân viên giao dịch chỉ thực hiện việc mua bán theo yêu cầu của khách hàng, chưa đảm nhiệm vai trò tư vấn
hỗ trợ khách hàng trong việc lựa chọn các phương thức mua bán phù hợp để đảm bảo lợi ích cho khách hàng cũng như cho chính mình.
Trách nhiệm thực thi các chính sách của Nhà nước
Đây vừa là niềm tự hào nhưng cũng là một khó khăn cho hoạt động kinh doanh ngoại hối tại NHNT. Với vai trò là công cụ tài chính giúp NHNN thực thi chính sách tiền tệ, NHNT đã và đang thực hiện nhiều hoạt động công ích cung ứng ngoại tệ phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu và trả nợ nước ngoài của đất nước, điều này ảnh hưởng đến nguồn ngoại tệ cho hoạt động kinh doanh ngoại hối. Doanh số bán ngoại tệ của NHNT cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu luôn chiếm một tỷ trọng tương đối trong tổng doanh số của NHNT khoảng từ 10 - 20%. Năm 2007, doanh số bán ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu của NHNT là 2.075 triệu USD, chiếm 20,6% trong tổng doanh số bán ra ngoại tệ của NHNT, năm 2008 là 3.239 triệu USD chiếm 20.39% và năm 2009 là 1.164 triệu USD trong tổng doanh số bán ra 13.490 triệu USD của NHNT.
2.3.3 Nguyên nhân
2.3.3.1 Nhóm nguyên nhân khách quan
Thứ nhất: Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tạo nên một môi trường kinh tế đầy thách thức cho hoạt động kinh doanh ngoại hối mà cụ thể là tình trạng khan hiếm ngoại tệ, sự biến động phức tạp của tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thị trường ngoại hối.
Trải qua một thời kỳ dài trong cơ chế cũ, bước vào đổi mới, nền kinh tế nước ta đã bước đầu hội nhập vào kinh tế thế giới, hoạt động đối ngoại dần được mở rộng hơn kéo vị thế và tầm vóc của nước ta nâng cao trên trường quốc tế. Năm 2005, 2006, kinh tế trong nước đã dần ổn định và bước đầu khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 8%, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng 45%, kim ngạch xuất khẩu vượt dự kiến, đạt 22%, cánh cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới đã rộng mở đối với các doanh nghiệp khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Năm 2007, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn thiên tai, dịch bệnh nhưng kinh tế đất nước vẫn tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu tăng 20,5%
đạt 24,4 tỷ USD, giá trị nhập khẩu 60,8 tỷ USD tăng 33,1% so với 2006. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguổn vốn ODA cũng tăng mạnh thể hiện Việt Nam là địa chỉ được quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi trên là một loạt những thách thức đặt ra với hệ thống ngân hàng: thị trường chứng khoán tăng giảm thất thường, chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh, sự biến động về giá xăng dầu, sắt thép, gía vàng và USD trên thị trường thế giới, tình trạng nhập siêu vẫn phổ biến trong kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. kéo theo tình trạng khan hiếm ngoại tệ trong suốt thời gian từ quý II/2008 đến hết năm 2009. Các nhà nhập khẩu thì không thể thiếu vốn ngoại tệ, trong khi các nhà xuất khẩu không muốn bán ngay ngoại tệ thu về sau khi xuất khẩu mà chờ cơ hội tỉ giá hối đoái tăng. Nguồn vốn huy động ngoại tệ của ngân hàng sụt giảm do lãi suất huy động VND cao hơn nên người dân chuyển gửi tiết kiệm USD sang VND, một bộ phận chuyển giữ USD tiết kiệm sang mua vàng để dự trữ thay vì gửi USD như trước kia,...Mặc dù NHNN đã tiếp tục bơm vốn bằng USD cho các ngân hàng nhưng số lượng không đáng kể so với nhu cầu của nền kinh tế.
Tỷ giá và lãi suất trên thị trường trong và ngoài nước lại liên tục biến động gây bất ổn cho hoạt động của thị trường ngoại hối vốn chưa hoàn chỉnh như thị trường ngoại hối nước ta. Lãi suất mục tiêu của đồng USD từ năm 2005 đến 2009 diễn biến khá phức tạp. Từ tháng 6/2004 đến tháng 6/2005, FED điều chỉnh lãi suất 10 lần liên tiếp nhằm kiềm chế lạm phát khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và dừng lại ở mức 3.25%. Đến cuối năm 2006, lãi suất này duy trì ở mức 5.5%. Tháng 12 năm 2007, trước bối cảnh kinh tế Mỹ chính thức suy thoái, NHTW Mỹ lại tiếp tục cắt giảm lãi suất và dừng lại ở mức 1% vào cuối năm 2008 ( đây là mức thấp kỳ lục từ trước tới nay). Ngoài kế hoạch cắt giảm lãi suất, FED tuyên bố sẵn sàng mua lại một lượng lớn các khoản nợ đã được công bố và hàng loạt các giải pháp kích cầu tiêu dùng khác của Chính phủ Mỹ nhưng đến năm 2009 nền kinh tế số 1 toàn cầu này vẫn không có dấu hiệu hồi phục, sau 8 lần điều chỉnh từ mức 1% xuống 0,75%, 0.5% , lãi suất mục tiêu của đồng USD đã dừng lại ở mức 0-0.25% như hiện nay.
Như vậy từ năm 2005-2009, lãi suất USD biến động khá phức tạp, ảnh hưởng đến các loại ngoại tệ khác do phụ thuộc rất nhiều vào giá trị của đồng USD. Đồng
USD có xu hướng mất giá so với các loại ngoại tệ mạnh khác như EUR, GBP, AUD,... Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND lại biến động theo chiều hướng ngược lại, Đồng Việt Nam vẫn mất giá so với USD, tỷ giá USD/VND luôn có xu hướng tăng. Và trong suy nghĩ của khách hàng cũng như ngân hàng, tỷ giá USD/VND luôn có xu hướng tăng điều này tạo tâm lý muốn nắm giữ USD, mặc dù lãi suất VND luôn cao hơn lãi suất USD. Việc ưa thích này đã tạo những cơn sốt ngoại tệ và hậu quả là các doanh nghiệp nhập khẩu rơi vào tình trạng thiếu hụt và lo lắng trước rủi ro biến động tỷ giá. Thực tế cuối năm 2008 và năm 2009, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã lỗ hàng tỷ đồng do tỷ giá ngoại tệ tăng ngoài dự kiến.
Thứ hai: thị trường ngoại hối chưa phát triển, các chủ thể tham gia thị trường và nhận thức của họ về kinh doanh ngoại hối còn nhiều hạn chế
Hoạt động kinh doanh ngoại hối muốn mở rộng và phát triển phải có nền tảng vững vàng là thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có một thị trường ngoại hối hoàn chỉnh theo đúng nghĩa của nó mà chỉ ở giai đoạn sơ khai là thị trường giao dịch ngoại tệ và thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Mặc dù đã đạt được những thành tích đáng khích lệ song thị trường ngoại tệ liên ngân hàng vẫn bộc lộ một số hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Tại một số thời điểm, các ngân hàng cần mua ngoại tệ để thanh toán LC và các nhu cầu thanh toán khác tuy nhiên nguồn cung ngoại tệ lại hạn chế, doanh số mua bán trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng thấp nhiều ngân hàng không thể mua nổi số ngoại tệ cần thiết. Qua đó ta thấy thị trường liên ngân hàng diễn ra theo một chiều, khi ngoại tệ dư thừa thì ngân hàng nào cũng chào bán, đến khi khan hiếm ngoại tệ thì ngân hàng nào cũng chào mua, thậm chí có ngân hàng dư thừa ngoại tệ cũng không bán ra dẫn đến kinh doanh ngoại hối trên thị trường còn hạn chế.
Mặt khác, trên thị trường chưa có các nhà môi giới ngoại hối chuyên nghiệp để tạo điều kiện cho cung cầu ngoại tệ gặp nhau. Hiện nay, chức năng này do Sở giao dịch ngân hàng Nhà nước đảm nhận nhưng nhìn chung chưa hiệu quả. Đối tượng tham gia thị trường còn hạn chế, chủ yếu là các ngân hàng thương mại. Chúng ta biết rằng trong các tầng lớp dân cư hiện nay còn tồn đọng một lượng ngoại tệ mặt lớn. Nếu đối tượng tham gia thị trường được mở rộng không giới hạn sẽ thu hút một bộ
phận lớn dân cư tham gia giao dịch, hạn chế được các hoạt động mua bán trên thị trường tự do. Các giao dịch tập trung trên thị trường ngoại hối sẽ tạo điều kiện để hoạt động thêm phong phú, đa dạng hơn và quan trọng là phản ánh chính xác quan hệ cung cầu ngoại tệ, góp phần vào việc xác định tỷ giá linh hoạt và sát với thực tế.
Trình độ nhận thức của dân chúng về thị trường ngoại hối và các nghiệp vụ kinh doanh trên thị trường này còn hạn chế. Ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ quen với các hoạt động mua bán giao ngay mà chưa có thói quen mua bán kỳ hạn và để mặc rủi ro về tỷ giá. Do đó các ngân hàng cũng khó có thể mở rộng các nghiệp vụ mua bán ngoại tệ vốn có của thị trường ngoại hối như nghiệp vụ SWAP, quyền chọn....
Thứ ba, Cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng thương mại đã làm giảm thị phần hoạt động của NHNT trong nhiều mặt, kể cả những mặt được coi là thế mạnh của NHNT. Sức ép cạnh tranh của NHNT ngày càng lớn khi thời điểm xuất hiện của các ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang đến gần. Với lợi thế về tiềm lực tài chính, bề dày kinh nghiệp, trình độ, công nghệ.. các ngân hàng nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam và họ đang chuẩn bị thời cơ để “lột xác”. họ am hiểu tâm lý người Việt và biết cách điạ phương hoá khi xâm nhập vào bất kỳ quốc gia nào, chỉ cần đọc slogan của HSBC Việt nam ta có thể thấy rõ “ Ngân hàng toàn cầu, am hiểu địa phương”. Yếu tố ‘sân nhà” cũng như am hiểu tâm lý người Việt thường được đưa ra là lợi thế so sánh duy nhất giữa ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên có thể thấy rằng điều này không còn phù hợp trong nền kinh tế toàn cầu. đồng thời có nhiều lý do cho thấy người dân thích ngân hàng ngoại hơn: năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng, chất lượng phục vụ khách hàng, chính sách khách hàng chuyên nghiệp... ..chưa kể tới tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận người dân sẽ tiếp tục lan sang lĩnh vực ngân hàng. Cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt, các ngân hàng đều phải tham gia vòng xoáy này nhưng quan trọng là tinh thần cạnh tranh phải được thể hiện từ sự quyết tâm từ đội ngũ lãnh đạo cho đến nhân viên ngân hàng. Thay đổi về chất luôn bền vững hơn thay đổi về lượng.
2.3.3.2 Nhóm nguyên nhân chủ quan về phía NHNT
Hiện tại, phòng kinh doanh ngoại tệ của NHNT đã có được đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, họ đã xây dựng được một loạt sản phẩm mới có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên những sản phẩm này vẫn chưa có được sự đón nhận của khách hàng vì chưa xây dựng được bộ phận hỗ trợ chào bán sản phẩm đến tận tay khách hàng, dẫn đến những hiểu biết về tiện ích của sản phẩm đối với khách hàng còn hạn chế. Mặc dù công tác marketing cho hoạt động kinh doanh ngoại tệ đã bắt đầu được quan tâm nhưng vẫn chưa mang tính đồng bộ, Ban lãnh đạo vẫn chưa bố trí được những cán bộ chuyên tâm cho công tác này.
Mạng lưới kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. NHNT là ngân hàng có bộ máy tổ chức gọn nhẹ nhất trong số các ngân hàng thương mại Nhà nước như NH TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam,