số trường phổ thông hiện nay
a. Nội dung tìm hiểu
Tìm hiểu thực tế dạy học nội dung kiến thức phần “Quang hình học” – Vật lí 11 ở một số trường THPT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhằm thu thập các thông tin về:
- Phương pháp dạy học mà giáo viên đã sử dụng và những thuận lợi, khó khăn giáo viên gặp phải trong quá trình dạy học phần “Quang hình học” – Vật lí 11 THPT.
- Mức độ kiến thức và kĩ năng mà học sinh nắm được khi học các kiến thức về phần “Quang hình học”, những sai lầm, khó khăn, vướng mắc khi học về kiến thức, kĩ năng giải bài tập, thực hành thường gặp .
Từ những kết quả tìm hiểu, điều tra trên chúng tôi lấy làm cơ sở để xây dựng nội dung, phương pháp, nhiệm vụ và hình thức tổ chức dạy học một số kiến thức phần “Quang hình học” – Vật lí 11 THPT nhằm giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
b.Phương pháp tìm hiểu
Để đạt được mục đích trên, chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp điều tra sau đây:
- Điều tra từ giáo viên: Trao đổi trực tiếp với giáo viên, dùng phiếu điều tra, tham khảo giáo án giảng dạy của GV (theo mẫu phiếu điều tra GV, phụ lục 1)
- Điều tra từ HS: Trao đổi trực tiếp với HS, dùng phiếu điều tra, xem vở ghi chép của HS (theo mẫu phiếu điều tra HS, phụ lục 2)
- Phân tích kết quả điều tra.
c. Kết quả tìm hiểu
Chúng tôi đã tiến hành điều tra đối với GV dạy bộ môn Vật lí và HS của trường THPT.
Đối với giáo viên
Qua việc tổng hợp kết quả ở phiếu điều tra, tham khảo ý kiến GV, trao đổi trực tiếp, tham khảo giáo án của GV vật lí của trường THPT Lê Thánh Tôn và một số trường khác trong địa bàn TP.HCM về tình hình dạy học phần “Quang hình học” – Vật lí 11, chúng tôi nhận thấy rằng:
- Hầu hết GV vẫn mang nặng phương pháp truyền thụ, thuyết trình, thông báo. Các giáo án của GV vẫn chủ yếu là tóm tắt các kiến thức SGK, chưa làm phát huy các năng lực cho HS trong quá trình truyền thụ kiến thức. Quá trình thực hiện bài dạy, nhiều khi GV vẫn chỉ diễn đạt bằng lời: Mô tả, giải thích hiện tượng, giảng giải, chưa nhấn mạnh cho HS những kiến thức cơ bản hay nội dung quan trọng.
Ví dụ: trong kiến thức về “cáp quang” – một trong những ứng dụng của hiện tượng phản xạ toàn phần. Khi dạy về kiến thức này, hầu hết GV đều cho HS đọc sách giáo khoa sau đó tổng hợp lại và chốt thành kiến thức, trong khi đó, cáp quang lại có
ứng dụng rất rộng rãi trong cuộc sống, GV có thể cầm 1 đoạn cáp quang tới lớp và cho HS quan sát, bóc tách từng bộ phận trong sợi cáp quang để tìm hiểu về cấu tạo, điều này sẽ giúp HS phát triển được các năng lực tìm kiếm thông tin, làm việc nhóm, hay từ đó có thể cho HS tiến hành một thí nghiệm về mô phỏng sợi cáp quang, qua đó sẽ giúp HS khắc sâu hơn về cáp quang cũng như hiện tượng phản xạ toàn phần.
- Trong quá trình giảng dạy, GV cũng đưa ra các câu hỏi hoặc các tình huống có vấn đề cho HS, nhưng chúng tôi thấy các câu hỏi đó vẫn mang tính chung chung, còn rời rạc, tình huống không cụ thể, làm cho HS không có cái nhìn tổng quát về vấn đề hay cách giải quyết toàn diện vấn đề, không có tác dụng phát triển tư duy cho HS.
- Phương pháp dạy học chưa phát huy được tính tích cực và sáng tạo của HS. Trong các giờ học, có những hoạt động mà HS có thể thực hiện được, có thể giúp HS phát huy được tính tích cực đồng thời phát triển các năng lực của HS nhưng GV vì nhiều lí do đã làm hộ cho HS.
Ví dụ: Trong kiến thức về hình thành “Hiện tượng lưu ảnh của mắt”, GV chỉ đưa ra khái niệm đó dưới dạng thông báo, một số GV giới thiệu thêm về Platon, người đã phát hiện ra hiện tượng lưu ảnh của mắt này. Tuy nhiên, có thể đưa HS vào các tình huống có vấn đề bằng các video – clip liên quan tới hiện tượng lưu ảnh này, hay GV có thể chuẩn bị một số thí nghiệm tiến hành làm ngay tại lớp và một số dụng cụ thí nghiệm khác để HS có thể tự mình sáng tạo để kiểm chứng hiện tượng lưu ảnh này, qua đó vừa giúp HS có thể phát triển năng lực giải quyết vấn đề, vừa phát triển năng lực thí nghiệm.
- Hầu hếu GV được hỏi đều cho rằng phần kiến thức này khá trừu tượng, khó dạy cho HS hiểu rõ bản chất, tuy có nhiều ứng dụng trong thực tế và khoa học kĩ thuật nhưng do số tiết dạy hạn chế, nên trong quá trình dạy phần này, GV thường bỏ qua rất nhiều các thí nghiệm biểu diễn, hay lồng ghép với kiến thức về nghề nghiệp để cho HS hiểu sâu hơn về đơn vị kiến thức đó. Chính điều này đã làm cho HS rất khó khăn trong việc hiểu sâu kiến thức và vận dụng chúng trong thực tiễn.
Ví dụ: Các kiến thức về “Kính hiển vi” hay “Kính thiên văn” thực sự rất trừu tượng, khó tưởng tượng. Tuy nhiên vì thời gian cho mỗi bài chỉ 45 phút, nên trong quá trình dạy về cấu tạo kính hiển vi hay kính thiên văn, hầu hết GV đều dạy bằng cách
thông báo hay mô tả chứ không kèm theo sử dụng thí nghiệm biểu diễn hay một dụng cụ nào giúp cho phần mô tả trực quan, sinh động hơn. Điều này đã làm giảm đi tính hứng thú của HS với bài học này trong khi kính hiển vi và kính thiên văn là một trong những dụng cụ quang học được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hiện nay, trong các nghề nghiệp trong thực tiễn.
- Khi được hỏi về các phương pháp GV thường sử dụng khi dạy phần “Quang hình học” – Vật lí 11 thì GV nói rằng họ thường sử dụng phương pháp thuyết trình (46,7%), đàm thoại (26,7%), thông báo (26,7%), nêu và giải quyết vấn đề (26,7%), và chỉ có 6,7% GV sử dụng tổng hợp các phương pháp trên hay sử dụng thí nghiệm biểu diễn, thí nghiệm minh họa.
- Khi được hỏi về tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học phần Quang hình học này thì 100% GV đều đồng ý với ý kiến kiến thức này phù hợp để tổ chức HĐTN. Bên cạnh đó, khi được hỏi để có thể dạy theo phương pháp mới, GV cần phải đổi mới về phương pháp như thế nào để có thể tăng tính hứng thú trong học tập của HS , một số ý kiến được đưa ra thể hiện qua hình 2.2 dưới đây:
Hình 2.2. Ý kiến về những phương pháp cần có trong tiết dạy theo hình thức học tập mới
Từ số liệu bảng khảo sát ta thấy rằng, hầu hết GV đều cho rằng việc đổi mới các phương pháp trong tiết dạy của mình để phù hợp với hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm là cần thiết và rất cần thiết, trong đó, tổ chức hoạt động nhóm để HS phát triển năng lực làm việc nhóm qua đó phát triển năng lực làm việc cá nhân là cần thiết (chiếm 80%) và việc hướng dẫn HS làm bài tập, giải thích các hiện tượng gắn với thực tiễn là rất cần thiết.
Đối với học sinh
Trên thực tế, kiến thức phần “Quang hình học” học sinh đã được học từ lớp 7 và lớp 9. Ở lớp 9, HS đã được tìm hiểu về hiện tượng khúc xạ ánh sáng, thấu kính hội tụ, thấu kính phân kì, mắt và kính lúp. Nhưng khi được hỏi về các kiến thức đó được ứng dụng trong thực tế hay trong các ngành nghề nào và giải thích sự liên quan giữa kiến thức đó với ngành nghề tương ứng thì trong số 90 HS được khảo sát, có tới 64 HS (71,1%) không kể tên được bất kì một ngành nghề nào (hoặc có kể nhưng không đúng) có liên quan tới kiến thức phần quang hình học, 20 HS (22,2%) kể tên được một nghề như bác sĩ mắt, thợ làm kính, nhiếp ảnh và chỉ có 6 HS (6,7%) kể được tên của hai nghề chính xác.
Từ những kết quả khảo sát trên, chúng tôi thấy rằng:
-Cần thay đổi phương pháp/hình thức dạy học, không còn lối truyền thụ kiến thức một chiều mà thay vào đó HS sẽ đóng vai trò là trung tâm, là người chủ động trong việc tìm hiểu kiến thức, GV đóng vai trò là người hướng dẫn trong quá trình đó.
-Nội dung kiến thức các em được học nên gắn liền với thực tiễn, với thực hành để các em nhận thấy rằng những kiến thức đó không chỉ là những kiến thức hàn lâm, những lí thuyết suông, học xong để đó mà nó được ứng dụng trong cuộc sống, trong các ngành nghề rất nhiều qua đó sẽ giúp HS cảm thấy hứng thú hơn trong các bài học khác cũng như có hiểu biết, kiến thức về ngành nghề mà các em sẽ chọn trong tương lai.
Tất cả các GV được khảo sát đều đồng ý với ý kiến rằng để tổ chức dạy kiến thức phần “Quang hình học” theo hình thức hoạt động trải nghiệm để có thể giáo dục định hướng nghề nghiệp cho HS cần cấu trúc lại chương trình bài học một cách phù hợp hơn, ví dụ như lồng ghép kiến thức bài “Kính hiển vi” và “Kính thiên văn” thành một
chủ đề, cho HS chế tạo và qua đó vừa cho HS thấy rõ sự khác nhau của hai kính này cũng như là hiểu biết về nghề nghiệp nào ứng dụng kiến thức của những loại kính này.