Tổn thương theo cách hiểu thông thường, có nghĩa là một tình trạng không thoải mái, mất sự cân bằng, không toàn vẹn trong một hay một số vấn đề nào đó của chủ thể.
Tổn thương tương đồng với “trauma” trong tiếng anh, còn có nghĩa khác là chấn thương, vết thương, sang chấn, được bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “wound” có nghĩa là “vết thương” dùng để chỉ người bị tổn thương do trải qua nỗi đau nào đó.
Trong từ điển tiếng việt của tác giả Hoàng Phê, tổn thương là “hư hại mất mát một phần, không còn được nguyên vẹn như trước (thường nói về một một phận cơ thể hoặc tình cảm của con người)” (Hoàng Phê, 1998).
Như vậy có thể hiểu tổn thương là một tình trạng hư hại, không toàn vẹn về thể chất hoặc tinh thần của con người, có thể do nhiều tác nhân khác nhau gây ra như là những va chạm hay lời nói tác động lên chủ thể.
Ở Việt Nam hiện nay, cụm từ tổn thương tâm lý được sử dụng ngày một phổ biến trong rất nhiều các lĩnh vực khoa học, báo chí, truyền thông, đời sống sinh hoạt hằng ngày với nhiều cách gọi khác nhau như “sang chấn tâm lý”, “chấn thương tâm lý”, tổn thương tinh thần”, “rối nhiễu tâm lý”.
Theo cách hiểu đơn giản, tổn thương tâm lý là sự mất mát, đau khổ, khó chịu diễn ra trong đời sống tinh thần của con người.
Tổn thương tâm lý được định nghĩa trong cuốn Grand Dictionnaire de la psychologie là những hậu quả mà cá nhân phải gánh chịu do một sự kiện nào đó tác động đến như sự chia li, tang tóc. Và các yếu tố làm phá vỡ trạng thái căng bằng trong tâm lý thường kèm theo những khiếm khuyết phát triển bình thường (Larrousse, 1997) .
Trong từ điển tâm lý học của Việt Nam, tổn thương tâm thực thể được xem là sự tổn thương về mặt chức năng của một số cơ quan bên trong con người mà có sự liên quan không nhỏ tới hệ thần kinh. Các biểu hiện có thể nhận thấy được của tổn thương tâm thực thể như: tổn thương tâm lý ngắn hạn hoặc dài hạn, các phản ứng cảm xúc, tình cảm của cá nhân (Vũ Dũng, 2008).
Một bộ phận các nhà tâm lý học cho rằng TTTL là các triệu chứng của PTSD (Post Trauma Stress Dissorder) trong sổ tay chẩn đoán và phân loại các bệnh rối loạn tâm thần DSM-IV (1994), PTSD chỉ những cá nhân phải trải qua ba nhóm triệu chứng (kí ức xâm nhập, né tránh, kích thích) kéo dài hơn 1 tháng, khi trước đó họ phải trải qua hoặc chứng kiến những sự kiện như gây tổn thương nghiêm trọng, có nguy cơ gây tử vong, liên quan đến sinh mạng hoặc đe dọa đến sự toàn vẹn về mặt thể chất và tinh thần của chính bản thân hay của người khác. Các tác giả Nguyễn Bá Đạt, Lê Văn Hảo và Monica Martinez cũng có cùng quan điểm như trên (Lê Văn Hảo và M.Martinez, 2010; Nguyễn Bá Đạt, 2014). Vấn đề có thể nhận thấy ở đây là một cá nhân có những tiêu chí nhưng không đủ để kết luận là có PTSD, đồng nghĩa với việc không có TTTL. Rõ ràng đây là sự giới hạn phạm vi của TTTL, không thỏa mãn về biểu hiện và mức độ TTTL trong nhiều trường hợp.
Cũng có một bộ phận các nhà tâm lý học cho rằng tổn thương tâm lý có nghĩa rộng hơn, không chỉ bó hẹp theo định nghĩa PTSD mà bao gồm nhiều mặt khác nhau,
PTSD chỉ là một trong các biểu hiện của tổn thương tâm lý. Tác giả Văn Thị Kim Cúc và Nguyễn Hữu Thụ đều cho rằng, TTTL là các rối nhiễu, sự mất cân bằng tạm thời (hoặc lâu dài) về mặt tâm lý trong đời sống hàng ngày của con người biểu hiện ở những lệch lạc trong đời sống tình cảm, nhận thức, hành vi, những mặc cảm, tự ái, hoang mang, lo âu, trầm cảm (Nguyễn Hữu Thụ, 2012; Văn Thị Kim Cúc, 2003).
Tác giả Lê Thị Tường Vân, nghiên cứu TTTL của phụ nữ bị bạo lực gia đình đã đưa ra định nghĩa: “TTTL được hiểu là hậu quả của cá nhân trải nghiệm (những) sự kiện căng thẳng bất thường đe dọa sự toàn vẹn, yên ổn về thể chất hoặc tinh thần, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động, cuộc sống của họ” (Lê Thị Tường Vân, 2016). Quan điểm này theo hướng tiếp cận TTTL mang nghĩa rộng, có tính khái quát về nguồn gốc, giới hạn được phạm vi của những khả năng làm TTTL và phản ứng của cá nhân tại thời điểm tiếp xúc với sự kiện gây TTTL. Tuy vậy, điểm hạn chế của định nghĩa này là chưa nêu lên được những biểu hiện trong đời sống tâm lý con người như thế nào của TTTL.
Tác giả Nguyễn Thị Như Thúy (2017), tiến hành nghiên cứu TTTL của trẻ em trong gia đình không toàn vẹn đã đưa ra định nghĩa “TTTL là tình trạng mất cân bằng về mặt tâm lí của cá nhân thường biểu hiện ở những lệch lạc trong đời sống tình cảm, nhận thức, hành vi,... khi cá nhân trải qua một hay nhiều sự kiện có tính chất căng thẳng, bất thường ảnh hưởng đến sự toàn vẹn về thể chất và tinh thần, đến các hoạt động sống không có TTTL hàng ngày của con người, làm chất lượng cuộc sống của họ trở nên vô cùng tồi tệ.” (Nguyễn Thị Như Thúy, 2017) chúng tôi đồng quan điểm với định nghĩa này, khi nêu lên được tính khái quát của TTTL, thể hiện được phạm vi, biểu hiện sự ảnh hưởng của TTTL lên đời sống thể chất và tinh thần của một cá nhân.
Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng “tổn thương tâm lý là những rối nhiễu làm mất cân bằng về mặt tâm lý một cách ngắn hạn (hoặc dài hạn) của cá nhân được biểu hiện thông qua sự lệch lạc trong đời sống tinh thần, nhận thức, thái độ, hành vi, lo âu, trầm cảm, v.v… khi cá nhân đã trải qua một hay nhiều sự kiện có tính chất bất thường ảnh hưởng sự toàn vẹn về mặt thể chất hay tinh thần làm cho chất lượng cuộc sống của cá nhân ngày càng thấp”.
Trong các biểu hiện của tổn thương tâm lý, ở đề tài này tác giả quan tâm nghiên cứu hai mặt là lo âu và trầm cảm. Lo âu và trầm cảm là những vấn đề tâm lý xã hội khá phổ biến. Các rối loạn lo âu, trầm cảm xảy ra ở 30-40% trong quần thể người lớn tại một lúc nào đó trong cuộc đời của họ và 27% bệnh nhân đến khám bác sĩ với các triệu chứng tâm thần liên quan đến lo âu. Ngoài ra gần 10% nam giới và 20% nữ giới sẽ trải qua chứng trầm cảm rõ rệt trong cuộc đời của họ. Tuy vậy cả lo âu và trầm cảm đều khó nhận biết vì nó thường biểu hiện với các triệu chứng cơ thể như đau, hồi hộp, táo bón…. Sự biểu lộ các triệu chứng cơ thể thường thúc đẩy nhanh lo âu và trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn dạng cơ thể nên các triệu chứng lo âu trầm cảm làm cho xã hội phải trả giá cao về chi phí y học, mất ngày công lao động và đau đớn về tinh thần. Hơn 90% bệnh nhân trầm cảm có lo âu và hơn 75% bệnh nhân lo âu có trầm cảm. Do đó rất khó phân biệt lo âu và trầm cảm. Trong rối loạn lo âu, triệu chứng cơ thể thường nổi bật hơn so với triệu chứng trầm cảm (Nguyễn Văn Nuôi, 2005).